Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng được khởi công xây dựng ngày 02 tháng 10 năm 2000 và khánh thành ngày 11 tháng 06 năm 2004 nhân dịp 92 nămngày sinh của ông. Khu tưởng niệm được xây dựng tại ấp Long Thuận A – xã Long Phước – Huyện Long Hồ.
Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng – mặt trước |
Sinh ra và lớn lên từ gia đình trung nông, có truyền thống gia giáo, thời niên thiếu của ông gắn liền với một bối cảnh lịch sử đầy những bất công, khổ cực của những người dân thuộc địa. Trải qua bậc tiểu học tại trường Internate – Primaire (Vĩnh Long) và bậc trung học tại trường Collège De My Tho (tỉnh Mỹ Tho)… và trường học cũng là nơi mở đầu cho những trang sử hoạt động cách mạng của thời thanh niên Phạm Văn Thiện : Tham gia vào các tổ chức cách mạng trong những năm đầu thế kỷ XX : Nam kỳ học sinh Liên hiệp hội, Thanh niên cộng sản Đoàn, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, từng là Bí thư Chi bộ trường, hoạt động qua các cấp Chi ủy xã, huyện, tỉnh ở Mỹ Tho. Sau việc tham gia trong sự kiện biểu tình và xử tội tên Hương quản gian ác Đặng Văn Trâu tại xã Tam Hiệp – huyện Châu Thành – tỉnh Mỹ Tho nhân dịp kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 1931, ông bị bắt và bị giải đi qua các nhà tù : từ nhà tù Mỹ Tho đến xà lim án chém Sài Gòn “vụ án Đảng cộng sản Đông Dương” năm1933 với hai án tử hình. Sau, nhờ phong trào đấu tranh dân chủ trong nước và nhân dân các nước tiến bộ, ông được giảm xuống thành án chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo… Mười một năm sống tại “địa ngục trần gian” với bao câu chuyện kể về người tù nhân mang bí danh anh Hai Hùng… Ngày 23 tháng 8 năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Đảng và Chính phủ ta đón về đất liền và tiếp tục cuộc đời cách mạng, tham gia trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp – đuổi Mỹ với những trọng trách : Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, Giám đốc Ty Công an Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh… Ông đã góp phần to lớn vào sự thắng lợi trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bước vào đầu ngày giải phóng miền Nam, trải qua những năm tháng hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội miền Nam, xây dựng miền Bắc cho đến những năm tháng khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới đất nước… từ Bắc đến Nam, trong nhiều lãnh vực, với những trọng trách : Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… đồng chí Phạm Hùng đã tận tâm tận lựcc ống hiến đến cuối cuộc đời mình để lo cho dân, cho nuớc.
Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng – sân trong |
Ngày 9 tháng 3 năm 1988, đồng chí Phạm Hùng đã vĩnh biệt chúng ta trong lúc đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và tấm gương của một nhà lãnh đạo trung kiên – mẫu mực Phạm Hùng đã được đất nước, quê hương và nhân dân muôn đời tưởng nhớ như bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại buổi lễ truy điệu đồng chí Phạm Hùng : “Công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp nước ta rất to lớn. Cuộc đời hoạt động sôi nổi và phong phú của đồng chí là một tấm gương sáng đối với mọi người cộng sản và mọi người Việt Nam ta. Đồng chí không còn nữa, nhưng hình ảnh đồng chí sống mãi trong trái tim chúng ta… ”
Để tưởng nhớ công lao của một người con ưu tú của dân tộc, của quê hương, Tỉnh ủy – Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long dã cho xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng – một công trình của trái tim – để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng với tổng diện tích 3,2 ha, gồm các hạng mục chính :
– Nhà lễ tân : diện tích 300 mét vuông, là nơi đón tiếp khách đến tham quan khu tưởng niệm.
– Nhà tưởng niệm : diện tích 1.050 mét vuông, là nơi thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
– Nhà trưng bày : diện tích 670 mét vuông, là nơi trưng bày hình ảnh – tư liệu – hiện vật chuyên đề : Thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Ngoài ra, còn có ba hạng mục ngoài trời được phục chế theo tỷ lệ 1/1, gồm : phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo từ 1934 đến 1945, ngôi nhà làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh) từ 1967 đến 30 tháng 4 năm 1975 và căn phòng làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại số 72 Phan Đình Phùng – Hà Nội từ năm 1958 đến năm 1967 và từ năm 1978 đến năm 1988.
Với một khuôn viên rộng, một bố cục tổng thể cân đối, hài hòa và một cấu trúc nghệ thuật đơn giản nhưng trang nghiêm, thanh thoát, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng xứng đáng với tầm cỡ một công trình lịch sử văn hóa “Đẹp về hình thức, tốt về nội dung… ” như lời của đồng chí Trương Mỹ Hoa – Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhân chuyến về thăm Vĩnh Long ngày 27 tháng 7 năm 2004.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long