Đôi khi người ta phải có tâm hồn toả nắng để nhìn rõ con người và thành phố này. Mỗi lần tôi đi ăn sáng, bà bán xôi lại nhìn vào mặt tôi chằm chằm, rồi có hôm bà nói với cô con gái: “Tướng ông này rất phát”. Thì ra bà ta xem tướng. Theo cách nghĩ thông thường của nhiều người bây giờ “phát” tức là đang “vào cầu”, có cơ hội kiếm nhiều tiền. Tiền thì tôi chẳng có, nhưng quả thật dạo này đang phấn chấn viết và vẽ

Minh hoạ: Lê Trí Dũng

Cái món xôi Hà Nội thật đặc biệt. đủ các loại: xôi đỗ xanh, xôi đỗ đen, xôi nếp trắng với vừng, xôi lạc, xôi ngô, xôi dừa, xôi bánh khúc, xôi giò chả, xôi lạp xưởng… tất cả đều xuất phát từ nông thôn, nhưng được dân kinh kỳ nâng lên bậc nghệ thuật ẩm thực. Và mỗi bà hàng xôi rong chỉ có thể bán được một hai loại xôi thôi. Có lẽ họ ngâm gạo từ chập tối, chừng một hai giờ sáng đã phải dậy đồ, trước kia bằng chõ sành, bếp trấu, ngày nay bằng chõ nồi nhôm và bếp than hoặc bếp ga. Vị của xôi cũng giảm đi chút ít chất quê mùa. Cái món xôi lúa xôi ngô thường được bán liền. Người ta đồ gạo nếp và đồ ngô nếp riêng cho thật dẻo. Lại đồ đỗ xanh đã đãi vỏ cho chín, sau đó giã và nắm thành bánh lớn to như quả bưởi. Trộn chút đỗ xanh vào xôi lúa cho xôi có màu hơi vàng xanh, trộn chút xôi nếp vào ngô cho dinh dính. Bạn ăn loại nào, bà bán xôi sẽ nhanh tay đơm bát xôi vào mảnh lá sen, thái rất nhanh mấy lát đỗ đồ, tưới lên thìa mỡ, và phủ lên thìa hành. Vụn xôi, vụn đỗ và hành rơi lung tung ra mê cói, nếu trộm vài nhúm bỏ vào mồm thì ngon vô cùng. Vài thực khách rất khoái khẩu món hành phi, ăn nhoằng một cái đã hết hành, nên phải mua thêm năm trăm hoặc một nghìn hành. Để có được nồi hành cũng mất cả sáng bóc và thái hành củ, mắt cay xè, và cả chiều phi hành trong mỡ sôi.

Những năm chiến tranh, bố tôi có chuyện buồn nên thường bỏ tôi một mình đi cả tháng. Đôi khi ông quên đưa tiền ăn, nên tôi thường đói dài. Lúc đó cậu tôi ở Hải Phòng làm ăn thua lỗ nên giạt lên Hà Nội. Ông cậu vỡ nợ và ông cháu học sinh thường uống nước suông và đàm luận về nghệ thuật. Cậu tôi từng học trường Tây nên nhạc hoạ đều thông cả, cậu dạy tôi vẽ bút chì và truyền cho tôi tình yêu với hội hoạ qua những câu chuyện về Rembrant. Có ngày mợ tôi lên thăm cậu, tôi kiếm được cái bánh mì cho ba người. Bỗng từ đâu bố tôi về, ông thản nhiên cầm bánh mì ăn hết và nói chuyện sấm Trạng Trình, sau đó lại đi đâu mất. Cả ba cậu mợ cháu chúng tôi bụng rỗng, trằn trọc suốt đêm, lúc đó tôi thương bố vô cùng. Sáng tinh mơ tôi ra bờ hồ chơi, khi quay về nhà không có ai, ngồi xuống gường, tôi thấy cái gối có hơi ấm, lật lên thì ra có một gói xôi lúa. Khi tôi còn bé, bố thường cho quà dưới gối như vậy, lâu lắm mới có lần này. Tôi hỏi cô hàng xôi đầu ngõ, cô nói: “Ông cụ ban nãy mua gói xôi đem vào nhà, còn hai người kia mới đi ra ga Hàng Cỏ”. Tôi cầm gói xôi chạy như bay đến phố Ấu Triệu thì gặp cậu mợ mới đi qua nửa Nhà thờ. Tôi đưa gói xôi, nằn nì mãi cậu mới cầm và xoa đầu tôi, còn mợ quay đi gạt nước mắt.

Cô bán hàng xôi gần nhà rất trẻ, chừng độ 22, có chàng hàng xóm thường đứng trên ban công hát trêu cô theo điệu Hoa Chămpa: Cô hàng xôi ơi/Bán tôi hai hìu/Xôi cô ngon ghê/Nhưng mà tôi chê/Móng tay cô dài/Cô gãi lên đầu/Chấy rơi vào xôi/Cô hàng xôi ơi…Có ngày nghe tiếng hát cô bỏ cả thúng xôi chạy tọt về nhà.

Cái giống xôi đỗ, mỡ và hành phi họp với nhau rất dậy mùi. Nếu trong cơ quan có người nào đó ăn xôi, thì cả buổi cứ phảng phất mùi ngai ngái của lá sen lẫn mùi xôi. Để giải toả, chúng ta thường uống dăm ba chén nước chè ở hai hàng nước đầu phố Nguyễn Du. Hàng thì chủ quán là một bà gần 60 tuổi, võ nghệ siêu quần, hàng kia do một chị đi bộ đội về rất chững chạc, hàng sáng chén hai gói mì tôm liền tù tì. Những chiếc ghế nhựa nhỏ của quán rất cọc cạch, cái thì vỡ mặt, cái thì gãy chân, nên phải lồng hai cái vào nhau mới ngồi được. Tuy nhiên trà họ pha rất đậm đà, mà nếu trường Harvard có môn dạy pha trà chắc phải mời họ đến thỉnh giảng.

Theo Phan Cẩm Thượng – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *