Thơ của Vũ Hoàng Chương gợi lên nơi người đọc cảm giác xưa cũ, cái cảm giác được hít thở, được ngâm tẩm trong một bầu khí “đặc” Đông phương.

“Vừa bước chân vào cửa, tôi đã trông thấy một gã nho sinh đang ngất ngưởng ngồi trên chiếc ghế bành đen bóng. Tôi ngỡ ngàng trước lối phục sức kỳ dị của Hắn: mình mặc áo gấm trần, đầu không khăn, chân mang guốc. Trông mặt Hắn có vẻ vừa kiêu hãnh, cao kỳ, vừa có vẻ thơ ngây, chất phác”. Trên tạp chí Văn số 150, Dương Thiệu Mục đã phác họa chân dung Vũ Hoàng Chương bằng những nét như vậy từ ký ức của lần gặp mặt đầu tiên giữa hai người.

Hãy thử tưởng tượng: ở thời buổi mưa Âu gió Mỹ đầy trời, khi trang phục của người thanh niên có học sống nơi thành thị phổ biến là veston, mũ phớt, giày giôn, thì cái hình ảnh “mình mặc áo gấm trần, chân mang guốc” của Vũ Hoàng Chương há chẳng khiến người ta thấy ngỡ ngàng hay sao? Nó giống như dư ảnh của một thời xưa cũ còn lưu lại giữa đương thời vậy. Thật khó tin nếu chúng ta chú ý tới sự kiện là Vũ Hoàng Chương từng tốt nghiệp trường Albert Sarraut, từng theo học đại học luật Hà Nội, rồi đại học toán, nghĩa là ông là người Tây học đến chân răng kẽ tóc! Sự hiện diện của Vũ Hoàng Chương trong Thơ Mới cũng vậy. Không trình diện làng thơ bằng các thi phẩm mang hình thức toàn luật thi và tuyệt thi như Quách Tấn trong tập Mùa cổ điển, nhưng thơ của Vũ Hoàng Chương vẫn gợi lên nơi người đọc cái cảm giác xưa cũ, cái cảm giác được hít thở, được ngâm tẩm trong một bầu khí “đặc” Đông phương. Cảm giác ấy nảy sinh từ nguồn thi liệu được ông sử dụng. Chúng tuyệt không vướng một chút dấu vết phương Tây. Nhưng chúng cũng khác xa với Nguyễn Bính: thi liệu trong thơ Nguyễn Bính chủ yếu lấy từ dân gian, mang màu sắc dân gian, có tính chất bình dị; còn thi liệu trong thơ Vũ Hoàng Chương lấy từ lịch sử và văn chương bác học Trung Hoa cổ điển, chúng được nhuộm bởi một gam màu cổ kính, sang trọng.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Ảnh tư liệu.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Ảnh tư liệu.

Trong bài Phương xa, Vũ Hoàng Chương đã viết, như một tuyên ngôn về tình thế tồn tại và căn bệnh tinh thần của thế hệ mình:Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh / Bể vô tận sá gì phương hướng nữa / Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh / Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ / Một đôi người u uất nỗi chơ vơ / Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị / Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ”. Nếu điều đó không đúng với tất cả hoặc không đúng với số đông, chí ít, nó đúng với riêng ông. Vũ Hoàng Chương là người luôn sống với hiện tại trong cảm thức chơ vơ, lạc loài, cô đơn, bị ruồng bỏ, chia cắt. Ông tồn tại ở đây, lúc này, nhưng luôn tin rằng bản thể chân thực của mình là ở trong một không gian khác, trong một thời gian khác. Và ông không ngừng băng qua giới hạn giữa “ở đây, lúc này” với “ở kia, lúc khác” để tìm kiếm cái bản thể ấy và hợp nhất với nó bằng tất cả các phương tiện có thể được: bằng Thơ, bằng Mơ, bằng Dục Tình, bằng Say. Không khó nhận thấy trong thơ Vũ Hoàng Chương hai loại “vương quốc” đối lập với “chốn lưu đày”. Loại vương quốc thứ nhất là Cõi tiên, là Thiên giới, ở đó bản thể chân thực của ông là Người tiên, việc ông có mặt tại chốn lưu đày được hình dung như chuyện tiên nhân bị biếm trích hoặc trót dại, sẩy chân. Bài Tối tân hôn trong tập Thơ say nói rõ điều này: “Do dự mãi, đêm nay rời xứ Mộng / Ta chiều em, bỏ cánh lại cung Trăng / Lén bước xuống thuyền mây chờ cửa động / Vội vàng đi, quên giã biệt cô Hằng… Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải / Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn / Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới / Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn”. Bài Động phòng hoa chúc cũng vậy: “Lìa cõi Mộng, giong thuyền qua bến Tục / Đoái hoài chi, băng tuyết sẽ vùi chôn / Em khao khát dìu anh tìm hạnh phúc / Ở men nồng chăn ấm tối tân hôn… Thôi hết nhé, thỏa đi niềm rạo rực / Từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian / Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực / Sẽ mai đây giày xéo giấc mơ tàn”…

Trong thơ ca phương Đông, việc thi nhân tự coi mình là đấng trích tiên chí ít cũng đã thấy ở Lý Bạch (Trung Quốc) và Tản Đà (Việt Nam), nên Vũ Hoàng Chương không phải là một biệt lệ. Nhưng điều ấy liệu đã đủ để làm nên ở ông hình hài của một người cũ trong Thơ Mới? Có lẽ phải tìm nó chủ yếu ở loại vương quốc thứ hai: đất nước Trung Hoa trong thời gian quá khứ miên viễn, trong bảng lảng khói sương của những điển tích văn chương đã làm nên niềm tự hào cho nền văn học đóng vai trò hạt nhân của vùng văn học chữ Hán. Trong thơ Vũ Hoàng Chương, không ít bài diễn tả cái trạng thái tác giả xuất hồn xuyên thời gian trở về với “thuở trước”, với “nghìn thu”, với “vạn cổ”. Và khi ấy, lịch sử và văn chương cổ điển Trung Hoa đã trở thành nguồn thi liệu vô tận để ông múc lấy, lấp đầy cái thiếu hụt chống chếnh trong tâm cảm hiện tại của mình. Đây là khoảnh khắc khi ông viếng mộ một tình nương: “Ta chẳng biết, nhưng mà ai biết được / Chân dừng lại hồn trôi vào thuở trước / Tưởng chừng nghe thánh thót lệ người xưa / Hán Minh Phi muôn dặm đất Thuyền Vu / Tiếc cung điện Trường An còn nức nở / Ai vụng tính để cung đàn lỡ dở / Ai quên lời sai hẹn lúc chia tay / Mắt mòn trông, ải Nhạn khói mây đầy” (Bạc tình). Và đây, khi chập chờn mộng ảo trong hương nha phiến, ông đã mở lỏng khóa linh hồn để nghe thấy một Hơi tàn Đông Á: Đáy cốc bao la vạn vực sầu / Ngai vàng Mông Cổ ngự đêm nâu / Hãy nghe bão táp trong cô tịch / Vó ngựa dân Hồi giẫm đất Âu / Thuyền chiến nằm mơ cuộc viễn chinh / Buồm neo rời rạc bến u minh / Đâu đây quằn quại trong làn khói / Lớp lớp uy nghi Vạn Lý thành”.

Là một thi nhân mang nặng căn cốt phương Đông, Vũ Hoàng Chương không thể không biết đến Lý Bạch, nhà thơ lớn của thi ca Trung Hoa thời Thịnh Đường. Ông hâm mộ Lý Bạch, đã đành, ông còn từ huyền thoại họ Lý say rượu lao xuống sông vớt trăng: “Từ thuở chàng say ôm vũ trụ / Thu trong bầu rượu một đêm trăng / Nhảy xuống muôn trùng sông quạnh quẽ / Đem theo chân hứng gửi cô Hằng” mà phác lên huyền thoại của chính mình: “Ngựa ơi, hãy nghỉ chân cuồng khấu / Cho thỏa lòng ta nỗi khát khao / Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch / Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao / Tình hoa thuở trước xô về đọng / Ở phiến gương vàng một tối nay/ Ta lặng buông thân trời lảo đảo / Mơ hồ sông nước choáng men say” (Chân hứng). Tương tự, Vũ Hoàng Chương bị ám ảnh không thôi bởi các danh tác của văn chương cổ điển Trung Hoa. Chúng như một quá vãng thân thuộc đối với ông, lại như một thế giới tồn tại song song với thế giới ông đang sống và cho phép ông xuất nhập tùy ý. Ta có thể “đọc” thấy dấu vết của hàng loạt danh tác văn chương Trung Hoa cổ điển trong thơ Vũ Hoàng Chương: Tây sương ký trong bài Đậm nhạt và bài Giang Nam người cũ, Đào hoa nguyên mộng ký trong bài Đào nguyên lạc lối, Liêu trai chí dị trong bài Nửa truyện hồ ly và bài Tình Liêu trai… Nhưng đậm hơn cả, phải là Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, khúc ca lãng mạn về cuộc gặp nơi Tầm Dương giang đầu giữa một ông quan bị biếm trích và một kỹ nữ ở buổi xế chiều của nghề hát xướng. Vũ Hoàng Chương có ít nhất ba thi phẩm tạo được mạch liên thông với Tỳ bà hành – đó là Đà giang, Nghe hátDựng. Nếu ở hai bài thơ sau, “ý Tầm Dương” chỉ nảy sinh với tác giả khi đào nương cất tiếng hát Tỳ bà hành, thì điều đó là không cần thiết ở bài Đà giang. “Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ / Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ / Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi / Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ”. Không mượn tới bất cứ một sự “môi giới” nào hết, sầu Tầm Dương là mối sầu khởi phát tự trong lòng thi nhân, là sự chiêm nghiệm đến đáy của một kẻ “đồng hội đồng thuyền” với những người “bên lề” thuở trước. Hay nói đúng hơn, sầu Tầm Dương chính là miền tâm cảm để thi nhân nhận ra mình qua bao lớp sóng thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Vì thế mà Vũ Hoàng Chương mới có thể viết: “Cánh rượu thu gần vạn dặm khơi / Nẻo say hư thực bóng muôn đời / Ai đem xáo trộn sầu kim cổ / Trăng nước Đà giang mộng Liêu trai” (Đà giang).

Vũ Hoàng Chương, một người cũ trong Thơ Mới, và chính vì cái cũ này mà ông đã tự khẳng định mình như một giọng thơ rất riêng trong dàn đồng ca Thơ Mới. Tuy tài năng không hề thua sút những vì sao Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… trên bầu trời Thơ Mới, nhưng Vũ Hoàng Chương lại ít được nhắc đến một cách đáng ngạc nhiên. Có lẽ vì người ta đọc thơ ông không chỉ bằng “con mắt thơ”, mà còn bằng, và chủ yếu bằng con mắt của đạo đức, con mắt của lề thói, con mắt của đủ thứ cấm kỵ xã hội?

Theo Hoài Nam – Người đại biểu nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *