“Ai nước… hôn… !”. Tiếng rao đổi nước lan theo biền lá, vọng từ mặt sông lên. Lục bình cháy xém như bị thuốc diệt cỏ. Thủy triều đưa chúng lên xuống mỗi ngày. Bộ mặt làng quê úa vàng thê thảm. Nhà nhà đưa ghe qua vàm Xà No hay đi lên kinh xáng Nàng Mau chở nước ngọt về dùng, nếu không, phải mua nước từ những chiếc ghe chuyên nghề đổi nước. Đổi, thực ra là mua và bán bằng tiền hẳn hoi, nhưng không ai dám rao : “Ai mua nước hôn, tôi bán nước đây!” Người ta chưa biết khơi giếng. Dân đi mở đất mang theo văn hóa cúng giỗ và mái đình bến nước, nhưng người thưa đất rộng, đành cầu trời cho năm sau mùa khô sẽ đỡ khắc nghiệt hơn năm trước.
Chiếc ghe chuyên đổi nước đã được lấp vò bằng dầu trong sạch sẽ. Lòng ghe không sạp ván, cũng không cả mui ghe. Cha con người chủ ghe đi bằng bốn chèo, quần cụt lửng gối, hai chiếc áo thâm kim mồ hôi và hai đôi thùng đặt trên tấm ván kê dài theo lòng ghe. Nước không cần vốn, nước múc ở kênh xáng từ sông Hậu đổ xuống, nhưng phải chèo đi lấy nước rồi chèo đi rao bán cả một ngày dài. Một cái nghề kỳ quặc, nhưng không có họ thì chúng tôi chết khô, và đó cũng là mùa kiếm sống của những gia đình lênh đênh, túng quẫn.
Tôi dành nhiều tò mò cho việc đổi nước này. Đầu tiên, bà tôi, hay cô tôi, hay chị tôi cầm gáo xuống nếm thử xem nước ngọt hay lờ lợ. Lại đưa lên mũi lần nữa xem nước có mùi dầu trong hay không. Có khi ghe đó bị chê để chờ ghe khác tới. Lặp lại động tác nếm và ngửi nước rồi mới trả giá theo từng đôi thùng. Khi đã thuận mua vừa bán, chủ ghe gánh nước lên cho bên mua, không tính tiền công. Tôi nhìn dán vào ống chân của hai cha con người đổi nước. Họ đi lại trên tấm ván dài, họ bước lên bờ bằng chân trần và trước khi bước trở lại ghe bao giờ cũng múc nước sông dội qua cho sạch rồi mới gánh tiếp. Nước đổi sẽ được chứa trong một hàng lu, sẽ được đánh phèn. Nước uống thì nấu lên, còn thì…
Tôi thích những đêm trăng nhưng cũng không ghét những đêm tối mịt của mùa khô. Chỉ để đứng trên bờ bến lấy sào chọc xuống nước chơi. Nếu có chiếc tam bản nào lướt qua, trong không gian trừ tịch, nước từ mặt sông sẽ tưng lên rồi chảy xuống theo mái chèo. Cứ thế, lân tinh nhấp nhánh cho tới khi chiếc ghe xa hẳn. Một vũ điệu buồn, xóm vắng nhà thưa, nước nôi khó nhọc. Nhưng đó là một góc thiên đường của tuổi thơ tôi. Hồi tôi còn chưa ra đời, miền Hậu Giang gồm tới 5 tỉnh là Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Rạch Giá. Gần một triệu mẫu tây đồng bằng và bưng trấp. Người Pháp đưa xáng vào mạn Cái Răng – Phong Điền, Xà No, Nàng Mau, Ngã Bảy hình thành, nước ngọt Mê-kông tràn xuống làm nên vựa lúa quốc gia. Những dòng kênh sườn đào bằng cơ giới nhỏ và cả đào thủ công sau đó đã tăng thêm sức cho công cuộc ngọt hóa Vị Thanh – Long Mỹ – Giồng Riềng và một phần của U Minh Thượng. Hàng vạn người vượt sông Tiền – trong đó có ông nội tôi – nương theo Xà No đi dài xuống. Khi tôi có mặt trên đời thì nghề vườn đã bắt đầu bên dòng Nước Đục này. Những năm tháng trầy trật, chúng tôi đã phải sống dè chừng bằng thứ nước trong những con mương vườn be kỹ suốt sáu tháng mùa khô, đến con cá cũng lờ đờ vì nước ứ.
Chị tôi đang kế nghiệp ông nội trên mảnh đất hương hỏa đã có gần trăm năm tuổi. Chị không hay biết gì về biến đổi khí hậu. Nước đã ngọt, đom đóm đã tuyệt chủng, những đứa trẻ chơi game chứ không chơi trò khuấy nước ngắm lân tinh. Nhưng nước mặn đã lại có mặt ở Xà No – Vị Thanh rồi. Nhất định nó sẽ trở lại vào năm sau, hùng mạnh hơn – thứ khách không mời cũng sán đến. Tôi nói với chị rằng, nước biển dâng chứ không phải vì kênh rạch mạn trên yếu. Tôi khuyên chị tôn liếp khơi mương và hãy trở lại với cây dừa cây tràm ngày trước. Chị tôi có vẻ hiểu ra rồi bắt đầu sụt sịt, nói mình rồi sẽ theo ông theo bà, cháu chắt sống làm sao đây, trời? Trời đã khác, trời không còn kiên nhẫn với loài người, sẽ lại là bưng trấp trầm thủy, sẽ không còn vựa lúa quốc gia, nhân loại sẽ phải trả giá mà nước nhỏ như nước mình thì phải chịu hẩm hiu. Lần này, lân tinh là nỗi ám ảnh, là kẻ thù chứ không là vũ điệu lãng mạn nữa đâu. Vì Mê-kông cũng kiệt rồi, liệu có cứu vãn được không, có còn kịp để chung tay và sám hối nữa không? Xin hãy thương lấy chúng con, những con dân nước nghèo vô can ăn còn chưa đủ, xin trời!
Dạ Ngân – (st)