Nhà phê bình Nguyễn Hoà khẳng định : Tôi đánh giá thấp chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của bộ phim “Vòng nguyệt quế”. Sự đánh giá của tôi không dựa trên nguyên tắc giống hay không giống sự thật, mà từ quan niệm và tay nghề của những người làm phim này, ít nhất cũng là người viết kịch bản. Có lẽ hiếm thấy tác giả nào tự nhận “Tôi là một người nổi tiếng khá sớm” như Hà Thủy Nguyên. Trên văn đàn, chưa bao giờ tôi thấy Hà Thủy Nguyên là người nổi tiếng. Phải chăng, chị sớm nổi tiếng vì có tiểu thuyết nằm lắt lay ở quầy hạ giá mà không có người mua, hay nổi tiếng vì trên ttvnol chị lập một topic với nick là Darling-of-cupid để tự quảng bá cho tác phẩm của mình thế này : “Mới đây, trên văn đàn xôn xao dư luận về một cây viết mới là Hà Thuỷ Nguyên, 18 tuổi, với bộ tiểu thuyết dày 983 trang tên là Điệu nhạc trần gian”, rồi khi bị chỉ đích danh nick ấy của ai thì topic cũng “hạ màn”?
“Giải mã” đời sống của văn nghệ sĩ – khó hay dễ?
Nhà văn nói riêng hay những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung bao giờ cũng tìm kiếm cái đẹp từ cuộc sống xung quanh mình. Họ hướng đôi mắt của mình vào đời sống, và chính những con người, sự kiện xung quanh cuộc đời trở thành đề tài và nhân vật trong tác phẩm của họ. Nhưng khi chính các văn nghệ sĩ lại trở thành đối tượng trong các tác phẩm nghệ thuật thì sẽ ra sao? Trong quá khứ, công chúng đã từng được thưởng thức một số tác phẩm nghệ thuật phản ánh đời sống của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi. Mới đây, bộ phim “Vòng nguyệt quế” – được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, phản ánh đời sống của các nhà văn, nhà thơ thế hệ 8X – đã làm dấy lên một làn sóng dư luận về tính chân thực mà bộ phim phản ánh, trong đó, ý kiến khen thì ít mà chê thì nhiều. Mới hay, khi chính những người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm qua lăng kính nhìn về các đồng nghiệp của mình không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận của công chúng và người cùng giới. Phần đông giới cầm bút cho rằng họ không nhìn thấy “hình hài” của họ trong tác phẩm. Diện mạo những người cầm bút được khắc họa không nói lên tinh thần chủ đạo của lực lượng cầm bút trẻ hôm nay.
Thực tế đời sống văn học trẻ những năm gần đây quả thực có rất nhiều vấn đề. Nhiều gương mặt trẻ được biết đến với những tác phẩm gây chú ý. Họ dám cởi bỏ những khuôn mẫu có sẵn để “khai mở” những lối mới, gây bất ngờ, ngạc nhiên cho bạn đọc cũng như thế hệ đi trước. Trong công cuộc đi tìm cái Tôi của mình, nhiều nhà văn trẻ âm thầm lao động, nhưng cũng không hiếm người nhân danh cái mới, nhân danh tuổi trẻ, dùng văn chương như một cách để đánh bóng bản thân. Không ít người sa vào cái bẫy của sự háo danh, khát vọng nổi tiếng. Nhưng rõ ràng, nền văn học đương đại Việt Nam không thể không nhắc đến sự đóng góp của họ. Và những nhà văn thế hệ đi trước không thể không đặt niềm tin, rằng, với lợi thế tuổi trẻ và sự hiểu biết rộng lớn trong thế giới hội nhập, các nhà văn trẻ sẽ sáng tạo ra những tác phẩm xứng tầm với thời đại họ đang sống.
Trong xã hội nào cũng vậy, nhà văn nói riêng và nghệ sĩ nói chung là lực lượng chở nặng tinh thần của đời sống con người. Nhìn vào đời sống của họ là phải nhìn thấy cái cốt lõi ấy. Nên việc xây dựng chân dung văn nghệ sĩ trong các tác phẩm nghệ thuật không hề là chuyện dễ dàng, nếu tác giả thiếu chiều sâu văn hóa và không tìm ra một chiếc chìa khóa thật sự để “giải mã” được những bí ẩn trong tâm hồn của họ….
Lấy tiêu chí tác phẩm để xây dựng chân dung…
(Phỏng vấn Nhà phê bình Nguyễn Hoà)
Nhà phê bình Nguyễn Hoà |
– Những ngày gần đây, báo chí nói nhiều về bộ phim “Vòng nguyệt quế”, một bộ phim lấy đề tài cuộc sống của các nhà văn, nhà thơ trẻ thế hệ 8X. Trong đó có ý kiến rất nặng nề cho rằng, bộ phim là sự xúc phạm giới cầm bút. Là một nhà phê bình, anh nhận xét thế nào về sự thật mà nội dung bộ phim chuyển tải tới cho khán giả?
Nguyễn Hoà : Tôi đã đọc hầu hết ý kiến đăng trên báo chí xung quanh bộ phim này và theo tôi, nếu nói “bộ phim là sự xúc phạm giới cầm bút” thì cũng nên xem xét cho kỹ. Hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng, sự thật của cuộc sống và sự thật của nghệ thuật là hai vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng không đồng nhất. Nhiều người làm nghệ thuật quen sáng tạo theo tinh thần tả thực, không ít công chúng cũng cảm thụ tác phẩm theo tinh thần tả thực, và khi thấy tác phẩm “không giống với sự thật” thì dễ phản ứng. Theo tôi, đó là điều cần rạch ròi.
– Thực ra, đời sống văn nghệ hôm nay, đặc biệt là trong giới trẻ có rất nhiều vấn đề cần được bàn tới. Xây dựng một diện mạo hay vẽ chân dung một thế hệ cầm bút, với tâm thế đúng với thời đại họ đang sống, chắc chắn không phải là câu chuyện đơn giản. Theo anh, điều gì là thiếu sót căn bản khiến cho bộ phim không nhận được sự đồng cảm của khán giả, nhất là giới cầm bút?
Nguyễn Hoà : Tôi cũng giao du với nhiều nhà văn trẻ, không chỉ ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, mà khắp cả nước. Và phải nói rằng, người tử tế nhiều lắm. Chưa nói đến tài năng và tác phẩm, chỉ nói về con người thì đa số là người tử tế. Nếu có vài người phá phách, buông thả thì cũng là hiện tượng bình thường, dẫu sao thì nhà văn cũng là con người. Tuy nhiên, phải khẳng định con số “một vài” kia không đại diện cho số đông, không phải là mẫu người phổ biến, không phải là điển hình cho một nhóm xã hội – nghề nghiệp để có thể khai thác rồi chuyển tải thông điệp này nọ.
Hà Thủy Nguyên |
Tôi đánh giá thấp chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của bộ phim “Vòng nguyệt quế”. Sự đánh giá của tôi không dựa trên nguyên tắc giống hay không giống sự thật, mà từ quan niệm và tay nghề của những người làm phim này, ít nhất cũng là người viết kịch bản. Có lẽ hiếm thấy tác giả nào tự nhận “Tôi là một người nổi tiếng khá sớm” như Hà Thủy Nguyên. Trên văn đàn, chưa bao giờ tôi thấy Hà Thủy Nguyên là người nổi tiếng. Phải chăng, chị sớm nổi tiếng vì có tiểu thuyết nằm lắt lay ở quầy hạ giá mà không có người mua, hay nổi tiếng vì trên ttvnol chị lập một topic với nick là Darling-of-cupid để tự quảng bá cho tác phẩm của mình thế này : “Mới đây, trên văn đàn xôn xao dư luận về một cây viết mới là Hà Thuỷ Nguyên 18 tuổi với bộ tiểu thuyết dày 983 trang tên là Điệu nhạc trần gian”, rồi khi bị chỉ đích danh nick ấy của ai thì topic cũng “hạ màn”? Tôi còn thấy trên diễn đàn của vnthuquan một nick là hathuynguyen viết thế này : “Sau hai năm lưu lạc từ nhà sách này sang nhà sách khác, từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác, cuối cùng… Cầm Thư quán đã ra đời tại nhà sách Kiến thức, người làm giấy khai sinh là NXB Phụ nữ. Bực mỗi cái là cái bìa đẹp thế mà bọn nhà in chó chết in xấu quá, không đúng màu thực gì cả… ”. Nếu nick này là của Hà Thủy Nguyên thì không còn gì để bàn, vì xa lạ với điều chị đã nói : “Điều tôi muốn gửi gắm ở đây là giới trẻ có ngông cuồng, có ngạo mạn, tự tin vào bản thân mình, rồi họ vấp ngã cũng là cách để họ nhận ra, họ tự đứng lên”. Tôi không rõ chị đã có lần nào vấp ngã rồi sau đó đã nhận ra và tự đứng lên hay chưa, song căn cứ vào vài điều chị trả lời phỏng vấn, tôi nghĩ, một nhà văn sớm nổi tiếng và chín chắn sẽ không nói : “Cho dù ai nói gì đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng tới công việc của tôi… Nếu họ không thích xem phim của tôi, họ có thể xem những bộ phim khác phù hợp với trình độ nhận thức của họ, tôi không quan tâm”. Tôi không tin một nhà văn như thế lại có thể là tác giả kịch bản của một bộ phim xem được. Tôi cũng không gửi gắm hy vọng cho tương lai văn chương nước nhà vào các nhà văn như vậy.
– Đã từng có những tác phẩm nghệ thuật nào (kể cả văn chương lẫn điện ảnh) về đề tài đời sống văn nghệ sĩ, theo anh, là thành công?
Nguyễn Hoà : Tôi chưa thấy ở Việt Nam có một tác phẩm nào như thế, trừ một số tác phẩm của nước ngoài.
– Tôi muốn chia sẻ với anh một điều, rằng trong một số tác phẩm viết về đời sống các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ, ta thường chỉ nhìn thấy sự nhếch nhác trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ (mà thực ra không phải cứ là nghệ sĩ thì nhếch nhác), mà ít đi sâu vào cái phần tinh túy, cốt lõi, cái phần sâu thẳm trong con người họ. Anh có thấy như vậy không?
Nguyễn Hoà : Có lẽ đúng vậy. Tôi cũng không hiểu tại sao nhiều người lại quan niệm nghệ sĩ đi liền với sự nhếch nhách, bừa bãi, phóng túng…? Trong giới nghệ sĩ có những người như thế, nhưng không phải các nghệ sĩ đều như thế. Vả lại, dẫu là nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật nào thì tiêu chí đầu tiên phải là tác phẩm chứ không phải ở chỗ tác giả là người thế nào, vì nếu không có tác phẩm thì làm sao có nghệ sĩ. Tất nhiên, chúng ta vẫn dành nhiều thiện cảm hơn với những nghệ sĩ mà ở họ là sự thống nhất hài hòa giữa tài năng nghệ thuật và tư cách con người. Những nghệ sĩ như thế là rất đáng kính trọng. Không chỉ tác phẩm, mà chính nhân cách của họ cũng đem tới cho chúng ta nhiều điều.
– Theo anh, để dựng chân dung một thế hệ trẻ cầm bút hôm nay, thì đâu là điểm quan trọng cần chú ý nhất, để thấy họ khác biệt với các thế hệ đàn anh đi trước?
Nguyễn Hoà : Tôi nghĩ, dựng lại chân dung thế hệ cầm bút trẻ hôm nay không dễ đâu. Bối cảnh xã hội – lịch sử đã khác trước rất nhiều, các giá trị vật chất – tinh thần của thời đại cũng vì thế mà thay đổi theo. Như điều kiện công bố tác phẩm chẳng hạn. Ngày trước, công bố khó lắm, là nhà văn được mọi người biết tên còn khó hơn. Ngày nay thì điều kiện công bố tác phẩm dễ dàng, báo chí không đăng thì tự bỏ tiền in ấn. Do vậy, lấy điều kiện có tác phẩm công bố để xác định tiêu chí nhà văn là lỗi thời rồi. Đây là chỗ mà các nhà văn trẻ cần tỉnh táo. Nếu nhìn nhận mỗi người cầm bút đều là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố xã hội – văn hóa cụ thể để từ đó khái quát nên một cái gì đó, thì bạn có “đặt hàng”, tôi cũng không dám nhận. Cuộc sống ngày càng đa dạng, người đọc ngày nay cũng khác trước, nhưng giữa người cầm bút thế hệ trước với người cầm bút thế hệ hôm nay vẫn có chung một “mẫu số” là tác phẩm có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời.
– Theo anh, vì sao một tác phẩm nghệ thuật khai thác đề tài đời sống của các văn nghệ sĩ lại thường thu hút được sự chú ý của công chúng nhiều hơn các đề tài khác. Phải chăng vì đời sống nội tâm của giới cầm bút phức tạp hơn, không dễ “khai mở” như các đối tượng nghệ thuật khác?
Nguyễn Hoà : Nếu nói về sự phức tạp của đời sống nội tâm thì đời sống nội tâm của người cầm bút chắc gì đã hơn người làm nghề khác? Bạn cứ đến ngồi vài buổi ở Trung tâm tư vấn tâm lý – tình cảm của 1080 sẽ thấy các quan hệ xã hội và đời sống tinh thần ẩn sâu trong mỗi con người phức tạp đến như thế nào. Theo tôi, có lẽ vì nghệ sĩ là giới có diện tiếp xúc xã hội rộng rãi, họ nổi bật lên giữa số đông, công chúng đọc tác phẩm của họ và quan tâm đến họ. Vả lại, so sánh sự nổi tiếng thì người cầm bút trẻ làm sao mà so sánh được với ca sĩ, người mẫu… Nhưng cần chú ý rằng, ca sĩ hay người mẫu thì cũng có thời của họ. Còn đã là nhà văn, nếu thật sự có tài thì khi về già, nhà văn vẫn viết!
Chân dung văn nghệ sĩ phải mang tính cá biệt
(Phỏng vấn Nhà văn Ngô Thảo)
Nhà văn Ngô Thảo |
– Theo ông, câu chuyện đời sống văn nghệ sĩ trẻ trong phim “Vòng nguyệt quế” đang phát sóng trên truyền hình liệu đã phản ánh chân thực được chân dung của giới cầm bút hôm nay chưa?
Ngô Thảo : Xét cho cùng, vấn đề đặt ra không phải là chuyện trong phim có thật như chuyện ngoài đời hay không. Vấn đề là đạo diễn đã kể một câu chuyện hơi bị… phô. Tôi thấy tác giả kịch bản trả lời quá tự tin trên báo chí, điều này chứng tỏ cô còn rất trẻ, có phần ngây thơ khi cho rằng mình đã hiểu hết mọi chuyện thuộc về bản chất của giới cầm bút. Người ta muốn phản ánh con người nghệ sĩ trong giai đoạn nào, thì thông qua số phận của các nhân vật, họ phải gửi gắm được một thông điệp đến với khán giả. Nó phải mang tính cá biệt. Tôi thiết nghĩ, một cô nhà văn trẻ mới vào nghề khát vọng danh tiếng thời nào cũng có. Một anh nhà thơ trẻ nghiện hút thì cũng không xa lạ. Các bậc tiền bối xưa cũng có người hút thuốc phiện đấy thôi. Vấn đề là anh chưa chỉ ra cho độc giả cái gì là cá biệt, mang tính đại diện cho thế hệ cầm bút trẻ hôm nay.
– Cụ thể, một bộ phim nói riêng, một tác phẩm nghệ thuật nói chung đề cập đến giới cầm bút trẻ cần phải mang được thông điệp gì, theo ông?
Ngô Thảo : Tuổi trẻ thời nào cũng vậy thôi, cũng phải có những bầm dập trên đường đi để “ngộ” ra các giá trị thật của đời sống. Nhưng quan trọng là phải có lòng tin. Tuổi trẻ mà thiếu lòng tin thì đó là tai họa. Và vì cần có lòng tin nên mới cần có nghệ thuật. Nếu nghệ thuật chỉ phản ánh chung chung những mặt xấu hay nêu lên một sự thật nào đó thì chưa đạt đến ý nghĩa cuối cùng của nó. Nếu anh chỉ “vục” được vài gáo nước của cái giếng hiện thực đời sống thì cũng tốt, công chúng có thể nhận ra nhân vật này gần với một ai đó, nhân vật kia là hình ảnh của một ai đó khác. Nhưng sau tất cả những điều đó, anh phải dựng lại được cái gọi là tâm thế của cả một thời đại.
– So với các đề tài khác, hình như đề tài về đời sống văn nghệ sĩ có tỉ lệ ít hơn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Các nhà văn viết về đời sống của chính các đồng nghiệp của mình lại có khi vẫn phiến diện là vì sao, thưa ông?
Ngô Thảo : Có một đặc thù cơ bản của giới cầm bút, theo tôi là ý thức hướng về các thân phận khác trong cuộc đời. Nhà văn tồn tại trong cách mà anh ta kể về cuộc đời người khác. Nên tác phẩm tự viết về mình bao giờ cũng hiếm hoi. Văn nghệ sĩ ít khi là đối tượng cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Mà cuộc sống rộng lớn mới chính là đối tượng sáng tạo của họ. Cho nên, khi một tác phẩm đề cập đến đời sống văn nghệ sĩ thường thu hút được nhiều hơn sự chú ý của công chúng. Đã từng có những tác phẩm điện ảnh về cuộc đời nhà văn Nam Cao, Khái Hưng, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử… nhưng đó là những tác phẩm phản ánh cuộc đời một con người cụ thể đã thành danh, đã có tác phẩm để đời. Qua một con người để thấy một thế hệ.
Xét cho cùng, văn nghệ sĩ cũng là một lực lượng trong xã hội. Nhưng nó có những đặc thù riêng biệt. Khi anh đã chọn đối tượng là văn nghệ sĩ để phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật, anh phải có được những lý giải hợp lý và thỏa đáng để công chúng bị thuyết phục bởi câu chuyện anh đang kể. Nếu công chúng không chấp nhận, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ không thấy mình trong đó, thì chưa thể gọi đó là một tác phẩm thành công. Quay lại câu chuyện về giới cầm bút trẻ trong phim “Vòng nguyệt quế”. Các tác giả đã kể câu chuyện kém thuyết phục. Họ đã không có cách xử lý thích hợp cho các nhân vật của mình, để xã hội nhìn vào đời sống trên phim ấy, tin rằng vẫn còn những người trẻ tuổi đang quyết tâm làm một điều gì đó tích cực cho nghệ thuật. Chả lẽ cả một thế hệ trẻ cầm bút hôm nay chỉ mượn văn thơ để làm việc khác? Các nhân vật mới chỉ dừng lại là những người làm nghề văn, chứ chưa phải là những nghệ sĩ đúng nghĩa. Nó thiếu chất thơ trong mỗi con người làm nghệ thuật mà các tác giả có tham vọng dựng lên. Vì vậy, nó gây những phản ứng không tích cực trong tâm lý người thưởng thức.
Nếu “minh họa”, sẽ không thuyết phục
Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng : Nói về chân dung thế hệ cầm bút viết văn trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X hiện nay, theo tôi, chúng ta cần có một cái nhìn khách quan, bình tĩnh, đừng quá nóng vội hoặc méo mó, sai lệch. Những người cầm bút tuổi 20 cho dù tài năng đến đâu thì vẫn chưa thể nào tích lũy đủ vốn sống, văn hóa như chúng ta vẫn mong muốn, đòi hỏi. Văn chương khác các lĩnh vực khác ở chỗ nó rất cần bề dày văn hóa, hiểu biết và khả năng khái quát của người cầm bút trước cuộc đời. Thời nào cũng có những người viết văn trẻ nói riêng, nghệ sĩ nói chung mắc bệnh vĩ cuồng hay dùng văn chương như một phương tiện để tiến thân. Và trong hàng ngàn người hăm hở cầm bút buổi đầu chỉ còn lại vài ba người tử tế theo nghĩa chân chính nhất của nghề viết. Âu cũng là chuyện bình thường. Khắc họa chân dung những người cầm bút trẻ cần phải có một cái nhìn đa diện, thấu đáo, đừng nhìn những thứ nông nổi, hời hợt bên ngoài. Phải gọi ra đúng đâu là tâm thế của họ và điều gì làm nên nét đặc trưng cho thế hệ của họ. Tôi không xem phim “Vòng nguyệt quế”, nhưng theo dõi các ý kiến trên báo chí thì thấy rằng, chúng ta chẳng nên quan trọng hóa quá một bộ phim truyền hình. Chúng ta không nên kỳ vọng vào một bộ phim hay một tác phẩm nào đó có thể khắc họa cá tính toàn diện của giới cầm bút trẻ. Nếu như không nói được điều gì đáng kể, bộ phim chắc chắn sẽ rơi vào quên lãng ngay sau khi phát sóng. Xây dựng đời sống của giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là đời sống tinh thần của họ sẽ không thể là công việc dễ dàng. Nếu chỉ mang tính chất minh họa thì không thuyết phục được các nghệ sĩ. Vì họ không tìm thấy bóng dáng của mình trong đó. Một người viết trẻ vẫn có khi nhìn một cách phiến diện về thế hệ của mình, nếu họ không đủ sự khái quát cũng như chiều sâu văn hóa, tri thức.
Bình Nguyên Trang
Theo Văn nghệ Công an