Theo sự sắp xếp của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi về chơi “Vườn chim U Minh” – một địa điểm du lịch sinh thái rừng. Và với riêng chúng tôi còn là sinh thái… tình cảm.

Vườn chim U Minh ở phía Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 40 cây số đường bộ, ngang qua Khu nhà máy Khí Điện Đạm. Có vỏ lãi sẵn đón tại Bưu điện thị trấn U Minh (theo hẹn điện thoại di động) đưa chúng tôi rong ruổi dòng nước dớn (sông Cái Tàu) về nơi đất lành chim đậu.

Nói vườn chim nghe có vẻ nhỏ nhoi khiêm tốn, nhưng thật ra, anh chị Nhẫn (chủ cơ sở Vườn chim U Minh) nhận khoán 100 ha rừng tràm, ăn chia 6/4 với Nhà nước (dân 6, Nhà nước 4) rồi kết hợp làm dịch vụ du lịch (có cả vườn chim và vườn cây ăn trái). Rất tiếc, chúng tôi đến lúc nước cạn nên chưa đi xuồng vô tận rừng sâu để tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, song đã được hưởng đặc sản (cá, rắn và rượu trái giác) và ngủ giấc trưa ở rừng êm ả vợi diệu.

 

Trong giấc trưa nồng nàn say rượu trái giác thơm ngọt môi em, tím rịm mắt em đó, tôi mơ gặp lại bậc tiền hiền khai cơ mở cõi. Các vị xoa nhẹ lên đầu tóc chúng tôi mà cười hiền bảo rằng : Đời chúng ta thoả nguyện vì đã khai sanh nên đất nên rừng, để ngày nay, các cháu được vui chơi tận hưởng…

Trong tiềm thức êm ả vợi diệu đó mà tôi vẫn còn… khôn quỷ, không dám nói với chư vị rằng, lũ cháu thời nay đã lắm kẻ học đòi đi theo “vết xe đổ phương Tây”, để : “Gió đưa cây rừng về trời, riêng nước ở lại chịu đời lạnh tanh”. (Theo dự báo, đến năm 2100, trái đất nóng thêm ba độ và nước biển dâng cao thêm một mét).

Nói xa nghe… hơi bị buồn, song nói gần… hơi bị mừng. Hổng mừng mới lạ. Bởi lẽ, “lý lịch đất” đã được viết mới đẹp như cổ tích – nàng công chúa đất đai đã dậy giấc sau hàng ngàn năm yên ngủ. Có nhiều người thuyết giảng với tôi về chữ DUYÊN của nhà Phật, tôi còn nửa tin nửa ngờ. Song đến đây, tôi đã được xác tín tận mắt, vì mới sang bờ (bằng tẹt kéo dây), người thơ Hồ Thanh Điền được chào đón bằng một trái xoài Thanh Ca chín rụng ngọt lừ (sau gọt ăn mới biết). Và có cảnh nào thiết tha hơn khi ta ngồi được ong vo ve (con ong ghiền muối từ mồ hôi người đó mà).

Nhân nhắc đến cảnh con ong ghiền muối, tôi nhắc luôn cảnh ăn cá lóc nướng trui chấm muối ớt. Muối hột đâm ớt hiểm xanh – muối hột Bạc Liêu ngon nhất nước Việt Nam. Tiếc là chẳng có thương hiệu muối Bạc Liêu, trong khi Tây Ninh xứ núi lại nổi danh về muối (!).

Chuyến về, nhờ vô tình đi lạc đường vô Khánh Hội mà tôi được biết thêm cửa Hương Mai, nơi trước đây trong thời kỳ chiến tranh, nhà thơ Nguyễn Bính đã đùm đậu sinh sống (bán quán tạp hoá lẫn cả văn chương sách báo), để đến nay có hẳn hoi một vùng đất được đặt tên là xã Nguyễn Bính với dọc đường láng nhựa mát rượi bóng chuối. Ai dám nói là dân mình hổng dám yêu thơ, yêu cả người thơ (?)

Cảm ơn một cuộc (chuyến) đi đẹp và kỷ niệm đến độ đêm về, tôi phải mần thơ :

"Về đất mẹ U Minh
những tia mặt trời lan man cửa Hương Mai soi tìm dấu chân Nguyễn Bính
ngược xuôi Cái Tàu đỏ mùa nước dớn
sông nong nắng ngọt
ru giấc nồng nàn rượu trái giác thơm vị môi em
tím rịm mắt em
thèm nụ hôn rừng
say dãy mây trắng, bầy ong oằn bông tràm hút mật
với đất U Minh
mơ giấc rừng ta thức trọn cánh đồng trăng!"

Mai ngày, nếu bạn có về Cà Mau, sẵn dịp nên ghé thăm điểm du lịch sinh thái “Vườn chim U Minh”. Cứ tự đến thị trấn U Minh, điện thoại liên hệ anh chị Nhẫn (theo số điện thoại : (0780) 3863512 hoặc 0914848941), chắc chắn, bạn sẽ được tận hưởng hương vị rừng và tình người bát ngát như… rừng U Minh Hạ. Khi về, nhớ mua nhiều đặc sản có một không hai (mắm cá, rượu trái giác… ) về hén, chớ để lỡ như tôi… về nhà cứ mãi luyến tiếc… vì mua ít quá!

Cát Hoàng – SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *