Bây giờ, Xuân Hà cùng “người ấy” đứng ra thành lập Công ty Hà Thế chuyên về truyền thông và xuất bản. Trong mô hình ấy, có cà-phê sách mà vợ chồng chị đặt chung là Thư quán. Mỗi khi rảnh, bạn bè thường rủ nhau : đi uống "Cà-phê yêu dấu" đi.

Viết ở bất cứ đâu

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Đọc những trang văn tinh tế, thâm trầm của Võ Thị Xuân Hà, nhiều người sẽ nghĩ chị viết khó khăn vì câu chữ rất kỹ. Thực ra, Xuân Hà là một trong những tác giả hiếm hoi có thể viết văn với cái lối của một nhà báo. Nghĩa là ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, chị cũng có thể ngồi gõ máy như nhập đồng. Thời gian chị mở quán cà-phê, cứ đặt cái máy tính sau quầy, lúc ít khách là ngồi gõ tành tạch. Nhiều khi bí thời gian quá, tranh thủ lúc bưng bê nước, chị cũng ngồi vào bàn. Rất ít người hình dung nổi những tác phẩm tinh tế kiểu như “Lúa hát” hay “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” lại được “sinh nở” giữa những tiếng náo nhiệt của khách trong một quán cà-phê lúc nào cũng sẵn người đến “xem nhà văn thì bán quán thế nào”.

Xuân Hà thích cái lối viết dứt khoát “một đập ăn ngay”. Ngay những tiểu thuyết với hàng trăm nhân vật, chị cũng chỉ làm việc trong một, hai tháng. Lúc đã bắt tay vào viết thì tập trung toàn bộ tinh thần : không chơi bời, tụ tập, không phân tán suy nghĩ vì bất cứ điều gì. Ban ngày, chị đi làm đủ thứ việc, buổi tối mới thực sự dành cho văn chương. Cần mẫn mỗi ngày khoảng 2.000 chữ, thứ bảy, chủ nhật 8.000 chữ, cho đến lúc xong thì thôi.

Gần như chỉ có văn chương mới thực sự thu hút và “hành hạ” Xuân Hà đến mức mất ăn mất ngủ. Viết xong một truyện bao giờ cũng có cảm giác nhẹ nhõm như là “thoát nợ”. Gặp ai cũng muốn chia sẻ và bao giờ cũng phải cố ghìm lại “niềm vui đẻ xong một đứa con tinh thần” kẻo lại sợ người khác nghĩ mình “hâm”.

Không bao giờ Võ Thị Xuân Hà kéo thời gian hoàn thành tác phẩm của mình một cách lê thê không hạn định. Chị bảo làm như thế là bại ngay. Chỉ có cách duy nhất là ép mình phải làm việc, suy nghĩ một cách ráo riết, và cũng chỉ trong hoàn cảnh ấy những ý tưởng xuất thần mới “nảy” ra. Chị viết “Tường thành” gần như không có chuẩn bị trước, chỉ ang áng về một cuốn tiểu thuyết tâm linh, sau thấy không ổn mới nghĩ đến đề tài nghề báo là cái liên quan đến mình nhất. Ngồi gõ một, hai chương mới bắt đầu làm đề cương chi tiết. “Tường thành” hoàn tất chỉ trong một tháng rưỡi, ai nghe cũng phải ngạc nhiên.

Làm “mặn” cuộc sống

Những người viết văn hay truyền tụng nhau câu nói cũ rích : “Phải sống mặn thì mới viết mặn được”. Không phải Xuân Hà cố tình chọn những sự thay đổi để làm mặn cuộc sống của mình, mọi biến cố đối với chị chỉ là sự ngẫu nhiên của số phận.

Xuân Hà xuất thân là cô giáo dạy Toán, vì đam mê với văn chương mới quyết định đi học viết văn cho ra đầu ra đũa. Chị thi vào Tổng hợp Văn trong sự ngạc nhiên của tất cả các đồng nghiệp. Thâm tâm, mọi người đều nghĩ, nếu Hà muốn học lên thì phải là Tổng hợp Toán mới hợp nhẽ. Sau đó là một phen chạy vạy, xin xỏ toát mồ hôi để nhà trường tạo điều kiện cho đi học. Thực ra, không phải không có người khuyên Hà thích viết thì cứ viết, việc gì mà bỏ việc, bỏ thời gian đi học, cũng chưa biết rồi tương lai sẽ đến đâu. Khi ấy, Xuân Hà chỉ nghĩ, muốn viết văn một cách sâu sắc thì phải có kiến thức, năng khiếu chưa đủ, và chị vẫn đi học bất chấp mọi lời can ngăn.

Còn một năm nữa ở Tổng hợp Văn thì lấy được bằng, Hà biết đến Trường Viết văn Nguyễn Du. Cũng không đắn đo gì nhiều, chị bỏ Tổng hợp Văn thi sang Viết văn Nguyễn Du khoá IV (1989 – 1992). Những người thân lại một lần nữa “bất bình” với Hà, sắp lấy được bằng rồi sao còn bỏ? Câu trả lời của Xuân Hà làm mọi người chưng hửng : học cốt lấy kiến thức, không phải lấy bằng cấp.

Hà sang học Viết văn Nguyễn Du, nhiều anh chị đi trước trông thấy đùa : “Xinh đẹp như em vào đây làm gì?”. Người ta nghĩ cô gái gốc Huế mảnh mai ấy vào đây để “đánh đu”! Hà vẫn bình tĩnh học. Tốt nghiệp đỗ thủ khoa, và các thầy cũng như những bạn viết có cớ để mà kỳ vọng vào một lối viết thiên về bè trầm, không thiếu những sự nổi loạn.

Bỏ nghề giáo, Xuân Hà làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh : biên tập viên, làm báo, làm xuất bản… ở lần lượt nhiều cơ quan, cơ quan nào gắn bó nhất cũng chỉ đến 5 năm. Cụ thân sinh ra chị thấy thế sốt ruột không hiểu đứa con bề ngoài thì dịu dàng, điềm tĩnh mà bên trong lại dữ dội, quyết liệt lúc nào mới chịu “an cư”? Trong thâm tâm không phải Xuân Hà cố tình tìm cảm giác lạ ở những công việc khác nhau, chỉ là vì việc mưu sinh để nuôi hai đứa con ăn học buộc chị phải tự xoay sở và thích nghi.

Cà-phê yêu dấu

Trong những truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, giai đoạn sau này nhiều người hay nhắc đến “Cà-phê yêu dấu”. Câu chuyện nhẹ nhàng trong phạm vi một quán cà-phê, những mối rung cảm nhẹ nhàng giữa “người ấy” và cô chủ quán, một t&igrave
;nh yêu được đánh thức. Câu chuyện thực thực hư hư, nhưng tìm được sự đồng cảm của rất nhiều người. Ai đọc “Cà-phê yêu dấu” dường như cũng thấy một chút chuyện của mình trong đó. Truyện ngắn này cũng mở đầu cho một giai đoạn sáng tác mới của Võ Thị Xuân Hà : lời văn dễ thương, những câu chuyện nhẹ nhõm, đời thường và lâng lâng những mối tình tưởng chỉ chạm nhẹ tay là vỡ. Tuy nhiên cũng là một giai đoạn sống và sáng tác kiệt lực với những tác phẩm đa chiều về lối viết và có ma lực hấp dẫn người đọc, đôi truyện đến độ kỳ ảo, hấp dẫn đến rùng mình (như chùm 3 phần của truyện ngắn "Chuyện của con gái người hát rong").

Võ Thị Xuân Hà mở quán cà-phê từ những năm đầu của thế kỷ XXI đầy biến động, trước đó chả có tí vốn liếng nào về quán xá, cà-phê cũng không biết uống. Vì sự mưu sinh, tác giả “Lúa hát” đánh bài liều : mở quán buôn bán để kiếm tiền nuôi con. Lúc đầu, kinh nghiệm không có, mấy người bạn văn phải kéo Xuân Hà đi các nơi để chị biết thế nào là “quán cà-phê”. Có người thậm chí còn gọi cả gói cà-phê đặc ra cho Hà ngửi mà có khái niệm về c-phê chồn, cà-phê capuchino… Kẽo kẹt học từng tí một, quán của Xuân Hà bắt đầu đông khách. Trong số đó, những độc giả của chị đến xem Võ Thị Xuân Hà bán quán thế nào cũng không phải là ít.

“Người ấy” trong “Cà-phê yêu dấu” là nhân vật hoàn toàn có thật. Chẳng ai nghĩ “người ấy” sau này thành ông xã của Võ Thị Xuân Hà. Bạn bè của chị nhiều người còn thở phào vì “chuyện của nó thế rồi cũng kết thúc có hậu”.

Lại nói đến giai đoạn “cà-phê”, chẳng biết có phải vì cảm xúc từ “người ấy” mà Xuân Hà viết rất đều và khoẻ. Nào văn, nào báo, nào kịch bản, cái nào cũng lấp lánh một vẻ riêng và giải thưởng cứ thu về ầm ầm. Tất cả đều ra đời sau cái quầy bar của quán. Nhiều lúc mệt quá, Xuân Hà lăn ra sau quầy tranh thủ… ngủ.

Có người bạn kể lại giai đoạn bán cà-phê của chị còn lắc đầu : “Trông người nhỏ nhắn ai nghĩ là “trì” thế. Hà rất dễ thích nghi với hoàn cảnh và có khả năng chịu cực”. Xui cho Xuân Hà, quán đến giai đoạn thu hồi vốn thì bị đòi lại nhà. Thế là phải kích rích chuyển đi chuyển lại đâu đến ba, bốn lần.

Khi gánh nặng cơm áo gạo tiền được san bớt, Xuân Hà nghĩ đến một quán cà-phê Văn dành cho bạn bè, cho những người yêu thích văn học, vừa có chỗ để gặp gỡ, vừa có nơi để đọc sách, trao đổi tài liệu. Mô hình ấy mở được một thời gian thì ngừng, rồi lại được tiếp tục, dường như nếu không tiếp tục mở cà-phê, Xuân Hà không yên để viết.

Bây giờ Xuân Hà cùng “người ấy” đứng ra thành lập Công ty Hà Thế chuyên về truyền thông và xuất bản. Trong mô hình ấy, có cà-phê sách mà vợ chồng chị đặt chung là Thư quán. Mỗi khi rảnh, bạn bè thường rủ nhau: đi uống "Cà-phê yêu dấu" đi.

Cuộc sống của người đàn bà viết từ khi “người ấy” bước ra khỏi tác phẩm và thành chỗ dựa cho chị cũng đỡ bôn ba nhiều. Có một bờ vai để tựa, Xuân Hà có nhiều thời gian hơn dành cho văn học. Gặp chị, thấy mừng vì sự hào hứng viết vẫn không nguội. Nhìn cái cách chị nói về “những đứa con sắp ra đời” cũng thấy vui lây, dường như một giai đoạn viết mới của Võ Thị Xuân Hà lại đang bắt đầu.

Tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà

* Kịch bản điện ảnh :

– “Chiếc hộp gia bảo” – Giải C Hãng phim truyện Việt Nam

– “Chuyện ở rừng sồi” – Giải khuyến khích kịch bản Điện ảnh năm 2000

– “Đất lặng lẽ” – Giải C Điện ảnh Quân đội

– “Trăng nơi đáy giếng” – Giải khuyến khích Cục Điện ảnh, chuyển thể từ truyện của Trần Thùy Mai.

* Văn học :

– Tập truyện đầu tiên “Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào” năm 1992

Đến nay, đã có các đầu sách : Bầy hươu nhảy múa (truyện ngắn), “Chiếc hộp gia bảo” (truyện vừa), “Chuyện ở rừng sồi” (truyện vừa), "Màu vàng thần tiên" (tập truyện ngắn), "Cổ tích cho tuổi học trò" (tập truyện ngắn),“Kẻ đối đầu” (tập truyện ngắn), “Giá nhang đèn và những truyện khác” (tập truyện ngắn), “Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà” (truyện ngắn), “Trong nước giá lạnh” (tiểu thuyết), "Tường thành" (tiểu thuyết), “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” (truyện ngắn), “Chuyện của con gái người hát rong” (truyện ngắn), "Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí"…

Sắp in : Tiếng gà gáy trong rừng hoa A-rui (Tập truyện ngắn cho thiếu nhi dân tộc miền núi)

Hạnh Đỗ – Theo phongdiep

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *