Sofia Tolstoy là người phụ nữ mạnh mẽ và có đời sống tinh thần phong phú. Bà cũng hiểu, bà có đặc ân nhưng cũng phải trả giá đắt khi gắn bó cuộc đời mình với một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.

Với Leo Tolstoy và người nhà trong đại gia đình mở rộng của ông thì nhật ký có thể được coi là một phiên bản sớm của Facebook thời hiện đại. Ai cũng có nhật ký và mỗi người đều ghi lại một cách say mê những cảm xúc của mình. Nhà văn vĩ đại thì có cuốn nhật ký vĩ đại, được ông ghi chép đều đặn từng ngày, gần như cho tới lúc chết. Bác sĩ riêng, thư ký, học trò cho đến các con ông đều có nhật ký. Và tất nhiên, một trong những cuốn nhật ký ngày nay được quan tâm nhất chính là những trang ghi chép của vợ nhà văn – bà Sofia Tolstoy.

Sofia bắt đầu viết nhật ký từ năm 16 tuổi, nhưng đến năm 1862, sau khi kết hôn với Tolstoy, bà mới viết một cách chăm chỉ, hầu như không bỏ ngày nào cho đến khi qua đời vào năm 1919. Năm đó, trang trại Yasnaya Polyana – nơi bà đã sống quá nửa thế kỷ – có nguy cơ bị cách mạng thu hồi. Trang nhật ký cuối cùng của Sofia viết: "Đã có một cuộc họp bàn cách tốt nhất để bảo vệ Yasnaya Polyana. Nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Xe ngựa, súc vật và cả người nữa có lẽ phải tìm đường đến Tula". Lịch sử, có lẽ, đã đe dọa phá hủy hết tất cả những gì bà yêu quý.

Bà Sofia và chồng - nhà văn Tolstoy.
Bà Sofia và chồng – nhà văn Tolstoy.

Tolstoy là người xuất thân dòng dõi quý tộc, nhiều điền sản, nhiều danh tiếng. Ông đã đi khắp phương Tây, những trò cờ bạc, gái gú của thiên hạ với ông đều không có gì lạ. Nhưng nhà văn phong trần đó lại dễ dàng bằng lòng, thậm chí có phần háo hức yên bề gia thất với cô gái trẻ ngây thơ 19 tuổi – người sau này đã sinh cho ông 13 mặt con, chăm sóc tác phẩm của ông (bà từng rất nhiều lần đánh máy lại Chiến tranh và Hòa bìnhAnna Karenina) và giúp ông quản lý cả một gia sản, điền trang rộng lớn.

Đó quả là thử thách lớn với Sofia, nhưng bà chứng minh mình là người đủ sức đảm đương trọng trách này. Chồng bà đánh giá cao trí thông minh của vợ. Và bà không chỉ yêu ông, bà yêu cả danh tiếng của ông. Với bà, được sống cạnh một người đàn ông mà danh tiếng ngày càng lớn lên theo tuổi tác là một đặc ân lớn. Vấn đề là, khi đã qua nửa cuộc đời, Tolstoy đột ngột chuyển hướng, quay lưng với văn học và trở thành một tín đồ tôn giáo cuồng nhiệt. Tệ hơn, theo quan điểm của Sofia, là ông lại còn có ý định cống hiến mọi tài sản, bao gồm cả tác quyền các tác phẩm của mình cho nhân dân Nga. Điều này là hoàn toàn không thể hiểu nổi với Sofia. Những trang nhật ký của bà từ những năm 1880 đến những năm 1890 đầy rẫy những tâm sự điên cuồng muốn tìm hiểu điều gì đang diễn ra trong tâm hồn nhà văn. Trong một trang viết ngày 19/11/1903, Sofia viết: "Tôi bước vào phòng (chồng tôi) tối nay khi ông ấy chuẩn bị đi ngủ. Và tôi nhận ra, mấy ngày gần đây, tôi chẳng hề nghe thấy câu hoặc từ nào tử tế từ miệng ông. Những điều tôi tiên đoán thật sự đã trở thành hiện thực: người chồng đầy say mê của tôi đã chết và từ đó, ông không còn là bạn của tôi nữa. Làm sao ông có thể trở thành người như thế với tôi. Cuộc đời này không dành cho tôi nữa. Tôi không còn chỗ để thể hiện nhiệt huyết và tình yêu với cuộc đời – không liên hệ với con người, không nghệ thuật, không tác phẩm – không có gì cả ngoài nỗi cô đơn suốt ngày dài".

Sofia cảm thấy bà bị "bao vây bởi tiếng gầm rú của những kẻ điên". Mọi cuộc trò chuyện xung quanh bà giờ đây là cuộc sống độc thân, ăn chay và các vấn đề chính trị. Chồng bà đã trở thành nhân vật bị đám đông vây quanh, bị những người hâm mộ dựng lều trước nhà, bị báo giới phỏng vấn, chụp hình và nói những chuyện mà trước đó vợ chồng bà đều mù tịt.

Bà băn khoăn không hiểu những người đó có thực sự cần phải biết về cuộc sống riêng tư của bà không.

Cuộc sống của gia đình Tolstoy quả là tuyệt vời. Đó là những bữa tiệc tối, tiệc trà, khiêu vũ, dã ngoại, đi săn, nghe hòa nhạc, đi xem opera (nhạc kịch là một môn nghệ thuật Sofia đặc biệt thích), cưỡi ngựa đi dạo… Vậy mà Tolstoy lại muốn chối bỏ cuộc sống an nhàn hưởng thụ đó, để kết bạn với những người cùng suy nghĩ như ông.

Sofia không thể chịu đựng nổi đám bạn bè của chồng. "Những kẻ theo Lev Nikolaevich chẳng có chút gì là thú vị. Chẳng ai trong số họ là bình thường. Còn đám phụ nữ phần lớn là những kẻ điên loạn", Sofia viết ngày 5/2/1895. Tolstoy ngày càng lạnh lùng với vợ. Sofia kể: "Lyovochka (tên thân mật bà gọi chồng) đang đứng sau một cái cây… Tôi hỏi ông ấy tại sao ông không viết gì nữa. Ông cúi xuống, nhìn quanh, nhếch mép cười rồi nói: ‘Chẳng ai, ngoài những cái cây, thèm nghe chúng ta nữa. Tôi phải nói với bà rằng, bà thấy đấy, trước khi tôi viết cái gì đó mới, tôi phải được kích thích bởi ngọn lửa tình yêu. Nay thì điều đó qua rồi’.

‘Thật đáng hổ thẹn’, tôi nói và đùa rằng: ‘Ông có thể lại yêu tôi nếu muốn, để viết được cái gì đó mới’.

‘Muộn quá rồi bà ạ’, ông ấy nói".

Theo Guardian, thực tế, Sofia là một người nhạy cảm về văn chương và có những suy nghĩ rất tiến bộ. Vào ngày 12/6/1898, bà viết: "Hôm nay tôi cứ băn khoăn là tại sao không có những phụ nữ viết văn, viết nhạc và vẽ. Có lẽ bởi tất cả năng lượng, lòng đam mê của một người phụ nữ đã được dành cho gia đình, chồng và đặc biệt là những đứa con. Tài năng của họ không có cơ hội phát triển. Chúng cứ mãi ở trong trứng nước hoặc rồi bị hao mòn. Khi không còn vướng bận chồng con nữa thì đã quá muộn để đánh thức tài năng nghệ thuật".

Và quả thực, năng lực của Sofia cũng bị lãng phí. Sau 48 năm gắn bó với nhà văn, bà đành chịu chứng kiến ông rời bỏ mình vào lúc 5 giờ sáng ngày 28/10/1910, để sau đó ông qua đời trong cô đơn tại một nhà ga xe lửa vào 7/11 năm đó.

Những gì Sofia còn lại chỉ là những trang nhật ký nay được xuất bản trong The Diaries of Sofia Tolstoy.

Theo Hà Linh – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *