Vào nửa cuối thế kỷ 19, trên thi đàn miền Nam xuất hiện tên tuổi một người Vĩnh long, đó là nhà thơ Nhiêu Tâm. Những nghiên cứu sau này cho thấy, xuất thân là một nhà Nho, nhà giáo, nhưng trên hết, Nhiêu Tâm là một nhà thơ có tài. Tấm lòng của ông đối với đất nước, với nhân dân là rất lớn. Sống phải thời buổi loạn lạc, xã hội nhiễu nhương, Nhiêu Tâm không muốn tham gia vào chốn quan trường, nên lui về ẩn dật nơi quê nghèo là làng Sơn đông, nay thuộc xã Thanh đức, huyện Long hồ, để dạy học, làm thơ và hốt thuốc cho dân làng. Tuy nhiên, những sáng tác của ông đã vượt qua khỏi ranh giới những miệt vườn Long hồ và được truyền tụng đi khắp nơi. Đó là những vần thơ tràn đầy nỗi lòng thương cảm sâu sắc với những tầng lớp nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội. Song, ngoài những vần thơ trữ tình, Nhiêu Tâm còn là một nhà thơ trào phúng xuất sắc với những tác phẩm châm biếm mạnh mẽ những thói hư tật xấu của người đời, những cảnh đời bất công và trái ngang trong xã hội. Giới lý luận phê bình ở miền Nam trước năm 1975 đã đánh giá : “ Nhiêu Tâm là một kiện tướng trong thi giới nước nhà nói chung và là một nhà thơ trào phúng xuất sắc của thi đàn miền Nam nói riêng”. Đối với những thế hệ cầm bút hậu sinh ở Vĩnh long, càng lớn tuổi, thời gian chiêm nghiệm về cuộc đời càng nhiều thì càng tìm thấy trong thơ Nhiêu Tâm những điều tâm đắc. Sự nghiệp của ông đã trở thành một tài sản vô giá không chỉ cho người Vĩnh long nói riêng, mà còn cho nền văn chương của nước nhà nói chung.

Tiếp nối truyền thống của người xưa, những năm giữa thế kỷ 20, ở Vĩnh long xuất hiện những tên tuổi thật sự sáng giá, là những ngôi sao sáng long lanh trên bầu trời thi ca phương Nam, đó là các nhà thơ Truy Phong và Mặc Khải. Truy Phong đã có những thi tuyển như “Một thế kỷ – mấy vần thơ”, “Thái bình trả lại”, “Mặt trời lên”, Mặc Khải có “Sông nước Cổ chiên” “Phấn nội hương đồng”. Sống trong một giai đoạn lịch sử đau thương, đất nước bị xâm lược rồi chia cắt, người dân bị đô hộ rồi ly tán, tác phẩm của họ thấm đẫm tình thương yêu đất nước, tình yêu dân tộc. Mỗi bài thơ, mỗi vần thơ của họ đều là những lời cổ vũ nhiệt thành cho tinh thần kháng chiến của mọi tầng lớp nhân dân và là lời khát vọng tha thiết về hòa bình. Bài thơ “Một thế kỷ – mấy vần thơ” của Truy Phong từng được tôn vinh là một trong số những bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Điểm khác biệt giữa họ là trên một phương diện sáng tác cá biệt, trong khi Mặc Khải là nhà thơ trữ tình thiên về việc mô tả phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống êm đềm nơi làng quê thôn dã thì Truy Phong là một nhà thơ hiện thực, ngòi bút của ông luôn gắn liền với những số phận, những mảnh đời, những tâm tư tình cảm của nhân dân lao động.

Trên những nẻo đường kháng chiến, sau này xuất hiện thêm một cây bút sáng giá, đó là nhà thơ – nhà báo Nguyễn Minh Điền. Trưởng thành từ những tháng năm kháng chiến đầy gian khổ, đã từng trải qua những năm thử thách đầy cam go trong xiềng xích của kẻ thù ở chốn địa ngục trần gian là Côn đảo, Nguyễn Minh Điền đã viết nên những vần thơ rất truyền cảm, nấu nung lòng căm thù giặc, truyền thêm sức mạnh căm thù và niềm tin tất thắng vào ngày mai cho đồng đội, cho nhân dân. Sau này, những tác phẩm của anh đã được tập hợp thành một tập thơ mang tên “Vách đá vần thơ”. “Vách đá vần thơ” không chỉ chứa đựng những giá trị hiện thực về mặt lịch sử, mà còn chứa đựng những cảm xúc thi ca rất kỳ lạ. Cảm xúc ấy là sự tổng hòa nỗi lòng đau đớn và xao xuyến trước số phận của con người, của dân tộc trong cuộc chiến tranh một mất một còn với kẻ thù. Vì lịch sử không lặp lại, nên “Vách đá vần thơ” chắc chắn sẽ có một vị trí rất quan trọng trong truyền thống thi ca của Vĩnh long.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, những tiến bộ về mọi mặt trong đời sống xã hội đã tạo nên một nền tảng tinh thần, mở ra một chân trời mới cho những người yêu thơ. Ở Vĩnh long, lực lượng sáng tác phát triển mạnh mẽ trong nhiều tầng lớp, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tiêu biểu nhất cho các tầng lớp sáng tác hiện nay có thể kể đến lực lượng người cao tuổi với CLB sáng tác thơ mang tên Hội thơ Văn Xương các. Được thành lập từ năm 1992, đến nay, Hội thơ Văn Xương các đã phát triển trên 30 hội viên, sinh hoạt hàng tháng rất đều đặn. Hội có nhiều hoạt động thiết thực và hữu ích như đi thực tế sáng tác, tổ chức giao lưu với các Hội thơ tỉnh bạn ở ĐBSCL cũng như với các Hội thơ khác trên toàn quốc. Những hoạt động ấy đã góp phần giúp Hội thơ Văn xương các tồn tại vững chắc và nâng cao dần chất lượng sáng tác. Đến nay, nhiều tác phẩm của nhiều tác giả trong Hội thơ Văn Xương các đã được chọn in trong các tuyển tập, phát hành rộng rãi trong nhiều tầng lớp bạn đọc, đến nhiều địa phương trong cả nước. Hoạt động của Hội thơ Văn Xương các vừa đóng góp cho sắc hương trong vườn hoa thi ca của tỉnh nhà thêm phần lộng lẫy, lại vừa góp phần xây dựng một lối sống tiến bộ, điển hình cho người cao tuổi ở Vĩnh long.

Song song với lực lượng này có đội ngũ những người sáng tác trẻ mà hầu hết đều đã là hoặc đang là học sinh, sinh viên. Trước đây, Vĩnh long từng có các nhóm sáng tác trẻ khá nổi tiếng như bút nhóm Áo trắng, Mây trắng của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên Vĩnh long, bút nhóm Nắng sân trường của Trường CĐSP Vĩnh long. Hiện nay, đáng kể nhất có CLB thơ – văn của Trường ĐHDL Cửu long và CLB Sáng tác trẻ của Hội VHNT tỉnh Vĩnh long. Trong số tên tuổi những người cầm bút trẻ có một người đang được giới văn nghệ sĩ chú ý, đó là Phạm Võ Quốc Trung, sinh viên khoa Văn và Ngoại ngữ thuộc Trường ĐHDL Cửu long. Phạm Võ Quốc Trung từng đoạt được giải thưởng trong cuộc thi thơ Vĩnh long năm 2005 với tác phẩm “Về Cái ngang”.

Song, lực lượng quan trọng nhất trong hoạt động sáng tác thơ ở Vĩnh long hiện nay chính là những người cầm bút đang ở vào độ tuổi trung niên. Song Hảo, con chim đầu đàn trong làng thơ Vĩnh long, từng cất cánh bay lên từ những năm đầu sau giải phóng. Trong bầu trời thênh thang của nghệ thuật thi ca, sau nhiều năm, đôi cánh ấy dường như vẫn chưa hề biết đến mệt mỏi. Sáng tác của Song Hảo đã được tập hợp thành hai tuyển tập là các tập thơ “Khoảng trời nhiều gió”, “Dòng sông của em” và trong tập thơ in chung “Bên dòng sông chín nhánh”. Ngoài ra, thơ chị còn được in rải rác trong rất nhiều các tuyển tập thơ nhiều tác giả trên toàn quốc và trên các báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Trong lời đề từ cho tác giả in trong tác phẩm “Thơ văn nữ Nam bộ” do NXB TPHCM phát hành năm 2002, có viết “Thơ chị là tổng hợp của sự mộc mạc, nồng nàn, tinh tế”, “thơ tình rất mực đằm thắm, duyên dáng, đôi lúc thật e ấp, chân thành, nhưng ý tứ thì sâu xa lắng đọng”. Thật vậy, chỉ cần đọc qua một lần những câu thơ như “Bao giờ anh đau khổ/ hãy tìm về với em/ em như dòng sông nhỏ/ như một ánh sao đêm/ Mặt đất còn gai chông/ bầu trời còn bão tố/ bao giờ anh đau khổ/ hãy tìm về với em”, thì một người yêu thơ đã có thể nhớ mãi. Một số bài thơ của Song Hảo đã được phổ nhạc, trong đó có những tác phẩm rất nổi tiếng với giới yêu âm nhạc như “Áo em xanh màu mây” , “Tâm hồn”, và đặc biệt là tác phẩm “Mùa xuân bên cửa sổ”. Một trong số những sáng tác gần đây nhất của chị là bài thơ “Động người xưa” đang được giới hâm mộ đánh giá cao.

Về sáng tác nữ, ngoài nhà thơ Song Hảo, ở Vĩnh long còn có nhiều cây bút khác, trong đó có thể kể đến một số cây bút tiêu biểu như Ngọc Hải, Thái Hồng và Dương Thanh Thanh. Cả ba chị đều đã có tuyển tập thơ, như Ngọc Hải với “Tình thơ”, Thái Hồng với “Bỗng thức dậy mặt trời” và Dương Thanh Thanh với “Đối thoại với riêng mình”. Trong sáng tác nữ của Vĩnh long, kể cả với nhà thơ Song Hảo, có thể nhìn thấy một đặc điểm chung là trong nội dung cũng như trong hình thức thể hiện không có sự cách tân, sự đổi mới, có nghĩa là sáng tác của họ cho đến nay vẫn luôn trung thành với những đặc trưng của thi ca truyền thống. Chính vì vậy, thơ của các chị có thể nói rất giàu nữ tính, giàu cảm xúc, ngôn ngữ thơ chân thành, giản dị nên rất gần gũi với người đọc. Nếu đã có một Ngọc Hải nhẹ nhàng, sâu lắng với những “Hương xưa”, “Ngọn đèn kỷ niệm” thì cũng có một Thái Hồng lắng sâu với “Lời thì thầm với Ngã ba Đồng lộc”, một Dương Thanh Thanh thâm trầm, dịu dàng với những tác phẩm như “Con gái Huế làm dâu …”, “Thư gửi mẹ” “Con vẽ tâm hồn” v.v…

Trong số những người làm thơ sung sức nhất còn phải kể đến nhà thơ Nguyễn Bạch Dương và những cái tên đã rất quen thuộc như Hồ Tĩnh Tâm, Phan Phúc Bình, Văn Quốc Thanh, Ngọc Hiệp v.v… Qua bao thử thách của thời gian và bao thăng trầm của thời cuộc, cho đến nay, sáng tác của họ vẫn đều đăn, vững vàng như từ những ngày xưa. Sáng tác thơ và những đóng góp của họ cho nền thi ca của tỉnh nhà trong những năm vừa qua xứng đáng để có được những nghiên cứu sâu và toàn diện hơn. Bên cạnh họ, cũng giống như xưa kia nhà báo Nguyễn Minh Điền vừa đi chiến trường tác nghiệp vừa sáng tác thơ, làng báo hôm nay cũng có những người vừa làm báo vừa viết thơ. Tên tuổi của họ đã chiếm lĩnh được những vị trí xứng đáng trong làng thơ Vĩnh long, đó chính là các nhà báo Nguyễn Xuân Quang, Huỳnh Thanh Hồng và Nguyễn Trọng Dũng. Nếu thơ Nguyễn Xuân Quang là sự thể hiện một nội tâm trầm lắng, sâu sắc mang tính triết lý cao thì phong cách sáng tác của Huỳnh Thanh Hồng và Nguyễn Trọng Dũng chủ yếu mang tính tự sự, hơi thơ của các anh mộc mạc hơn và đằm thắm hơn. Huỳnh Thanh Hồng và Nguyễn Trọng Dũng đều đã giành được các giải thưởng tại cuộc thi Thơ Vĩnh long trong năm 2005.

Thời gian gần đây, làng thơ Vĩnh long bắt đầu chú ý đến một số tên tuổi. Thật ra, họ không phải là những người mới cầm bút, tên tuổi của họ đã được làng thơ để ý lâu nay, nhưng gần đây, thơ của họ bắt đầu bộc lộ sự chín muồi. Khi đánh giá về tiềm năng phát triển của lực lượng sáng tác thơ ở Vĩnh long, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm cũng có nói, trong thế hệ những tác giả thơ đầy triển vọng, nhất định phải kể đến tên họ. Đó chính là Bằng Lăng, An Phương và Hà Ngọc Trảng. Năm 2005, Bằng Lăng đã cho trình làng tuyển tập thơ đầu tay của anh là tập “Lặng lẽ phù sa”. Thơ Bằng Lăng cũng nghiêng nhiều về tính tự sự, ngôn ngữ trong thơ anh mượt mà, đằm thắm với những đối tượng tâm tình rất quen thuộc như sóng nước trên những dòng sông quê hương, nắng gió thành phố, như mẹ, bạn bè và người yêu. Bằng Lăng mang đến cho bầu trời thơ, vườn hoa thơ Vĩnh long một thứ ánh sáng long lanh mà dịu dàng, một màu sắc óng ánh mà dịu êm.

An Phương không viết nhiều, nhưng các sáng tác của anh rất đáng được chú ý. Cô đọng và súc tích, thơ An Phương thoạt đầu dường như chỉ là những lời tự sự hoặc những ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe của một người cầm bút trước những hiện thực đổi thay của cuộc sống. Nhưng để ý kỹ mới hay những điều tai nghe mắt thấy của An Phương chính là những hình ảnh, những câu chuyện mà chỉ có một trái tim nặng tình với quê hương, nặng tình với một quá khứ chứa đựng những dấu ấn đau thương của lịch sử mới mách bảo được. Năm 2005, cùng lúc An Phương giành được hai giải thưởng trong cuộc thi thơ Vĩnh long với các tác phẩm “Chiều xóm đập” “Chuyện ở vàm Đình – xóm Rượu”. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu của An Phương là bài thơ “Bài thơ in dấu chân cò” đã được nhạc sĩ Trần Thành Công phổ nhạc rất thành công.

Cũng giống như An Phương, Hà Ngọc Trảng không viết nhiều, song sáng tác của anh luôn được giới hâm mộ chú ý. Mới đây, anh vừa trình làng bài thơ “Khúc làng”, và ngay lập tức, bài thơ này đã gây được tiếng vang trong lòng người đọc. “Khúc làng” được đánh giá cao không phải chỉ vì nội dung mang nhiều tầng ý nghĩa hiện thực và tính nhân văn, bởi sự khái quát cao về lịch sử, về những nỗi thăng trầm của một vùng đất, mà còn bởi ở sự đột phá, sự thể nghiệm trong một hình thức thể hiện khá độc đáo.

Điểm lại một số tác giả tác phẩm, có thể thấy hoạt động sáng tác thơ ở Vĩnh long đang phát triển rất mạnh mẽ, phong phú và đa dạng về số lượng tác giả cũng như về chất lượng tác phẩm. Kế thừa truyền thống văn hóa quý giá của cha ông xưa, trên mảnh đất thi ca của Vĩnh long đang vươn lên những mầm xanh mạnh mẽ. Đó thực sự là một kho tàng, một tiềm năng vô giá của người Vĩnh long. Tuy nhiên, đối với việc ươm trồng, chăm sóc những mầm hạt giống trong vườn hoa thi ca đang rất cần có sự quan tâm và đầu tư của các cấp lãnh đạo.

Hoạt động sáng tác thơ là một trong những loại hình nghệ thuật có giá trị cao. Thi ca là sự chắt lọc từ tâm hồn của người nghệ sĩ làm công việc sáng tác, là những chiêm nghiệm qua bao thời gian, bao thăng trầm của cuộc đời và là kết quả của một quá trình lao động trí tuệ khó nhọc mới làm nên. Chính vì vậy, hoạt động sáng tác thơ luôn tiềm ẩn những giá trị tồn tại lâu dài và hữu ích trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện của cuộc sống. Ngày nay, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công cuộc đổi mới đất nước, hoạt động văn học nghệ thuật có một vị trí rất quan trọng kể cả trong việc giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ những truyền thống quý báu của cha ôngcũng như trong việc thúc đẩy tiến trình giao lưu, hòa hợp với những nền văn hóa khác, góp phần làm hoàn thiện đời sống vật chất, tinh thần của con người. Với ý nghĩa đó, nền thi ca của Vĩnh long, là các nhà thơ và tác phẩm của họ luôn luôn xứng đáng để được tôn vinh và ngưỡng mộ.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *