Xin quý vị nhà đài đừng cứ lia mãi ống kính vào những mái lá xập xệ mỗi khi đưa tin về lũ lụt ở miền Tây Nam bộ. Ngay từ cũng không chuẩn xác rồi. Nước lên như đã hẹn, năm nào cũng tháng ấy thì bắt đầu, từ từ, mỗi tháng cao thêm một ít, có ồ ạt có bất ngờ hung dữ gì đâu. Ông cha ta gọi là nước nổi,lụt,nước chum, thế thôi.

Trở lại với những mái lá mà các vị phóng viên ít thông tin hay chọn ra để làm phóng sự. Đó là những mái nhà của những người trẻ mới phải tách ra riêng hoặc là dân xô giạt ở đâu tới làm ăn từng bữa, người kẻ chợ gọi là xóm liều. Hồi ở Hà Nội, nhiều lần, tôi đã phải nhăn mặt khi người thủ đô bất bình : “Năm nào cũng quyên góp khắc phục hậu quả, năm nào cũng thấy nhà cửa bệ rạc, cho tiền để ăn nhậu chứ đâu có làm nhà!”. Xin thưa, năm nào cũng có người trẻ ra riêng, ở đâu cũng có người tạm cư phải thi gan với nước nổi và có một điều mà người miền ngoài không hề biết : Miền Tây là đất sình bùn, đất không đóng gạch và làm ngói được. Một ngôi nhà bê-tông ở đó rất công phu tốn kém, có khi dành dụm cả đời mới làm nổi.

Vì vậy mà nhà bằng lá dừa nước vẫn cứ là muôn năm. Cây dừa nước bắt đầu từ sông Sài Gòn, để cho thấy thung thổ miền Đông khác với miền Tây như thế nào. Cây theo người mở đất đi xuôi, người càng dầy dừa nước càng lấn át cây tràm cây bần vì người ta trồng nó để giữ bến và để phục vụ cho việc che mưa che nắng. Nhà bằng lá, mái cất ghe thuyền cũng bằng lá, chái bếp, trại nuôi, mui thuyền, nắp đậy lu khạp… bằng lá hết. Người ta thu hoạch lá mỗi tháng một lần, chân thụt trong bùn, tay huơ dao sắc, lá đẹp thì dùng, lá sâu phạt bỏ, cây cờ bắp làm lạt và trái thì đưa ra chợ bán cho các hàng giải khát. Nhà nào cũng có một khóm dừa nước bên bờ bến để tiện dụng, những nhà sống trên đất doi thì có hàng mẫu lá để kinh doanh. Sau khi biền lá được chăm chút, khúc sông như được tắm rửa, sởn sang, tươi đẹp lạ lùng.

Tôi còn nhớ rất rõ những buổi thay lá nhà thời của ông nội tôi. Hồi ấy, người thưa đất rộng và những ông chủ gia đình thảy đều tháo vát, mực thước và không hiểu sao ai cũng cao ráo, thẳng thớm. Chắc họ được ăn đầy đủ sản vật tự nhiên, được sống trong sạch và được làm lụng theo sở thích của mình. Ông nội tôi có một khoảng vườn 2 hec-ta, người em thứ năm của ông nguyên một mảnh doi 10 mẫu và ông sáu thì nguyên một vạt vịnh trồng dâu nuôi tằm làm xưởng dệt. Ngang tàng, phỉ chí. Người vậy thì nhà cũng không thể khác, dù nhà làm bằng lá. Muốn ngôi nhà vuông thành sắc cạnh, phải cố mua cho đủ gạch để cuốn nền (tức làm khung nền), sân phải lót gạch đỏ (có thể nền nhà chỉ là đất nện) và phải có nhà dưới làm bếp cùng hai chái bên hông và phía sau. Để lá không mau mục, cột nhà phải có táng, thường bằng đá xanh, rất vững. Và rui mè, đòn tay, cây trính… đều được làm bằng gỗ quý trong vườn, cây sao, cây mù u, hay cây tràm… tùy theo khả năng, sao cho năm năm thay lá một lần chứ sườn nhà thì vĩnh cửu.

 

Đất để trồng cây ăn trái thường không có chỗ cho biền lá nên lá phải mua. Ông tôi thuê người xé đôi từng tàu lá ra, phân loại sẵn và đem phơi cho khi nào là dẻo mới đưa lên lợp. Trong con mắt trẻ thơ tôi, những ngày lá nằm phơi cũng đã đem lại sự no nê, mãn nhãn. Họ xếp rất đẹp, bạt ngàn sống lá cạnh nhau, hết sân ra tới bờ liếp, nhìn đâu cũng thấy lá. Bà tôi, má tôi, cô tôi, các chị tôi bắt đầu tất bật những việc hậu cần, vì những người đi vần công sẽ rất đông. Nhà phải lợp mái trong một ngày, cơm nước phải tưng bừng, sảng khoái. Đàn ông buộc một vòng dây quanh bụng, một túm lạt nhét vào bên hông như binh khí, đầu tém khăn rằn, thế là phóng lên nóc. Đàn bà bên dưới đưa từng rẻo lá lên, những câu chuyện giữa họ tung hứng, chòng chành, đốp chát. Nghỉ tay, cơm nước được dọn ra trên những cái bàn dài dưới một mái tạm trên sân, la liệt cá tôm, nước dừa tươi và bánh trái. Tôi không thấy đàn ông uống rượu vì rượu không giúp người ta khỏe khoắn, minh mẫn và siêng năng được. Những hôm sau còn phải dừng vách, cũng bằng lá xé kề sống, cặp nẹp tăm tắp. Sau rốt, họ thay nhau kê gỗ rồi dùng dao gọt chân vách để lá cao hơn mặt nền, nhà sạch và thoáng.

Tôi nhớ mãi những buổi trưa trằn trọc vì trẻ nhỏ mà phải ngủ trưa. Khi ấy, tôi chỉ có mỗi việc là đếm nuộc lạt trên những cây rui trên trần nhà. Thật là vén khéo thần kỳ những nuộc lạt tăm tắp, bóng bẩy ấy. Ông nội tôi bảo, nhìn nuộc lạt biết nết làm – nết ăn – nết ở của một người đàn ông. Bây giờ tôi mới biết những thứ nết ấy là gì, là phải khéo tay, bền chí và phải trí tuệ nữa. Mùa mưa, mưa trên mái lá không rầm rập phô trương như trên mái tole. Mưa rất đằm, mái rất dày, rất ấm, con người thực sự được chở che bằng những sản vật trong tầm tay mình, con người với thiên nhiên là một, không phải con người được thừa hưởng ân sủng của thiên nhiên đó sao? Khi lá nhà đã cũ, những buổi mưa như vậy, tôi thích tìm trong kẽ vách những ổ trứng thằn lằn. Tìm là thấy. Rất nhiều ổ trứng tuột ra. Tôi đặt chúng trên lòng tay và luôn nghĩ, phải có sự tương hợp giữa lá dừa nước và thằn lằn thì mới cho ra những quả trứng xinh xinh kỳ diệu dường ấy. Và khói bếp. Lá càng cũ, mùi củi lửa từ bếp thả ra trong hừng đông hay trong hoàng hôn càng đặc trưng. Nó ngon ngót thơm và nó cũng cho thấy một nỗi ngậm ngùi của thôn quê bình yên, cô quạnh.

Năm năm một lần thay xác lá. Năm năm một ngày hội ở nhà ông tôi trong mùi lá mới nồng nồng. Chiến tranh đã thổi bay mái nhà mà tôi từng tự hào và thụ hưởng. Mọi thứ bỗng trở nên tạm bợ để qua đi. Sau năm 1975, xóm ấp không còn lấy một người đàn ông biết lợp nhà bằng lá xé đôi, toàn bằng thứ lá chầm cóp bán sẵn hết. Và ngói hóa và rồi tole Austnam đã thay thế lá dừa. Mái lá mà chúng ta hay thấy trên các chương trình cấp cứu của nhà đài là sản phẩm của nết ăn xổi ở thì trong cảnh nông thôn bị bỏ rơi. Những vùng vườn cổ thì đã có mái ngói rêu phong khoe nét cổ, những vùng mới định cư thì lá tấm chầm cóp ngự trị. Nhưng biền lá vẫn tồn tại và tôi vẫn thấy những chiếc tàu rất to chở lá xé đã phơi dẻo từ Cà Mau, Rạch Giá lên bán ở mạn trên.

Họ chở thứ lá của mái nhà xưa của tôi đi đâu vậy? Thì ra, những khu du lịch sinh thái, những nhà nghinh phong của những người giàu đã trở lại dùng lá dừa nước xé tàu để lợp mái. Bảo đảm, khi thả chân vào những chỗ như vậy, bạn sẽ phải ngước nhìn lên trần để thán phục những nuộc lạt, để tấm tắc sao mát thế lành thế và sẽ muốn ngồi mãi dưới sự che chở của nó để nghĩ về ân sủng của thiên nhiên và bàn tay khối óc của con người. Còn tôi, bao giờ tôi cũng thả hồn phiêu diêu để thấy lại tất cả và cũng để buồn khi nhiều thứ đã bị tước đi, mai một hết cả.

Dạ Ngân – (st)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *