Chưa có đường bay thẳng từ Sài Gòn đến Seattle. Mỗi lần đi hay về giữa hai nơi ấy, tôi thường phải chuyển máy bay ở Đài Bắc hoặc Seoul. Các hãng máy bay cạnh tranh nhau, có những đợt giảm giá. Tùy thời điểm đi lại, tôi cứ vé nào rẻ hơn thì mua. Phi trường hiện đại có thiết kế gần giống nhau, nhiều khi, tôi không để ý mình transit ở phi trường nào. Ở đâu cũng ra khỏi máy bay bằng những đường ống, cùng những hành khách khác quốc tịch đi vội vàng trên những hành lang nối các cổng, qua những trạm kiểm soát an ninh giống nhau, rồi chờ đợi trên những băng ghế từa tựa nhau, để lại đi vào những đường ống lên những khoang máy bay y chang nhau.
Nếu thời gian chuyển máy bay ngắn, mà chuyến bay đầu đến trễ, thì phải vắt giò lên cổ chạy cho kịp lên chuyến bay sau. Nhưng cũng có khi thời gian rộng rãi, tôi thong thả dạo chơi trong phi trường. Lúc ấy mới thấy ở mỗi nơi, người ta đều cố phô bày nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình. Phi trường Đài Bắc dành riêng một không gian ưu thế để trưng bày những bức tranh thủy mặc nhiều trăm năm, thư pháp những bài thơ Đường, các thứ đồ mỹ thuật và gốm sứ cổ, tùy đợt mà triển lãm về các nghệ thuật truyền thống, từ đèn lồng đến kinh kịch. Phi trường Incheon ở Seoul có những góc giới thiệu văn hóa Hàn Quốc. Ở đó, khách được các cô gái mặc y phục cổ truyền giới thiệu về món ăn, vật dụng, trò chơi, phong tục và trang trí nội thất ngôi nhà truyền thống. Vào những giờ nhất định có biểu diễn âm nhạc dân tộc.
Phi trường Seattle thường xuyên thay đổi chủ đề triển lãm. Có lần chủ đề về hội nhập văn hóa của các sắc dân khác nhau cùng sinh sống trên mảnh đất Tây Bắc nước Mỹ. Tôi suýt lỡ máy bay vì mải đọc những câu chuyện đời tự kể của những gia đình và những con người đã di dân và lập nghiệp nơi đây qua hai, ba hay nhiều thế hệ. Những câu chuyện ghi cạnh những tấm hình gia đình với tên họ và năm tháng, nơi chốn cụ thể. Những câu chuyện ấy hấp dẫn tôi vì chúng kể về những người Việt, người Cam Bốt, người Lào, người Hoa mà tôi biết bên cạnh hàng trăm câu chuyện về những người thuộc chủng tộc khác mà tôi không biết.
Rõ ràng, người ta trưng ra nơi khách quốc tế qua lại cái mà người ta tự hào về xứ sở mình, đặc trưng văn hóa của mình. Người thì kiêu hãnh về tính chất thuần nhất, thâm sâu của một nền văn hóa cổ xưa hàng ngàn năm, kẻ thì tự hào về sự đa dạng, phong phú, tràn đầy sức sống của sự trẻ trung phóng khoáng. Phi trường Bangkok tặng cho khách bốn phương ấn tượng về một xứ sở nhiệt đới đầy hoa trái : hoa lan đủ màu sắc bày trí khắp nơi, trái cây nhiều chủng loại bày bán khắp các quầy hàng.
Nhưng đôi khi, những nỗi đau lịch sử không thể quên cũng được phô bày ngay cửa ngõ chào đón khách quốc tế như một nhắc nhở. Như có lần tôi đến phi trường ở Dublin, nước Ireland, thấy những pa-nô khổng lồ ghi chữ to về trận đói hồi giữa thế kỷ XIX đã khiến dân số giảm đi 1/4 và đẩy một triệu người Ái Nhĩ Lan lìa Tổ quốc, tha phương cầu thực. Những người lưu lạc đến nước Mỹ đã vươn lên từ cực nhục dưới đáy xã hội để sản sinh những nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà thơ, triệu phú và cả Tổng thống nước Mỹ. Những người ở lại đã đấu tranh không ngừng trong suốt 100 năm, để đến giữa thế kỷ XX, đất nước họ – Cộng hòa Ireland – giành được độc lập sau 700 năm đói khổ dưới ách thống trị của Anh quốc.
Campuchia cũng là đất nước được người ta biết đến với một bi kịch trong lịch sử hiện đại. Khách đến Pnom Penh thế nào cũng đi tour tham quan những trại khảo tra như S21 và những Cánh đồng chết đã vùi chôn trên dưới 2 triệu người, khoảng 1/4 dân số Campuchia trong khoảng 1975 – 1978 dưới chế độ Pol Pot. Nhưng phi trường Siem Riep đón khách bằng vẻ tươi tắn của màu xanh cây cỏ chung quanh những mái ngói đỏ thâm thấp với những nét cong như cánh tay múa của tiên nữ Apsara. Phi trường nhỏ xíu, không có đường ống nối cửa máy bay với cổng đến. Tất cả khách đều xuống máy bay bằng cầu thang và đi bộ vào một cổng chào xinh xắn trên một lối đi đầy hoa cỏ. Đây là phi trường đẹp nhứt tôi từng đi qua.
Nhưng dĩ nhiên, phi trường tôi quen thuộc nhứt, và luôn mong ngóng trở về, là phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đã đến đó không nhớ bao nhiêu lần, để ra đi hoặc trở về, hay để đưa đón người khác trở về và ra đi. Mấy năm gần đây, phi trường Tân Sơn Nhất có nhiều thay đổi, nhưng cảnh đưa đón đông đúc vẫn còn đó. Chẳng có đâu mà người ta đưa tiễn người đi bịn rịn như vậy, mà cảnh người ta chờ đón người về lại mòn mỏi đến thế. Ngoài ra thì cái gì có thể để lại một ấn tượng gì đó về Việt Nam cho khách gần xa? Mình cũng có bày hoa lan, nhưng là hoa giả. Mình cũng có pa-nô to tướng, để quảng cáo cho một nhà băng đa quốc gia.
Thường thì chuyến về, tôi chỉ nôn nóng trông cho xong các thủ tục hải quan để bước ra cổng, ngập mình trong cái nắng và nóng và ồn ào đông đúc, để gặp lại người thân, để gặp lại Sài Gòn. Phi trường lúc ấy chẳng tồn tại nữa, dù lớn nhỏ đẹp xấu. Chỉ khi ra đi, sau khi làm thủ tục xuất cảnh, không thể trở ra để gặp người thân nữa, chỉ còn nhìn thấy Sài Gòn qua một góc sân bay, tôi bắt đầu đi tha thẩn trong phi trường trong lúc chờ lên máy bay. Bấy giờ, mới cảm thấy nhu cầu một ấn tượng quê hương trước lúc đi xa.
Lý Lan – st