Đàn t’rưng của người Ba Na – Tây Nguyên

Nhưng hãy trở lại hiện thực, giải thích một chút : Trong Chương trình Văn hóa nhân cái Hội nghị Thượng đỉnh nêu trên, Hàn Quốc tổ chức một loạt hoạt động văn hóa. Hoành tráng nhất là buổi hòa nhạc cổ truyền, lần đầu tiên tập hợp 80 nhạc sĩ của 11 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc vào một dàn nhạc “oschestra”, với một chương trình biểu diễn tổng hợp âm nhạc truyền thống của các nước tham dự, sử dụng toàn nhạc cụ dân tộc. Ý tưởng này không hẳn độc đáo, vì Youtube của Google vừa rồi đã tuyển qua mạng cả trăm người đủ quốc tịch vô một dàn giao hưởng chơi đủ thứ từ hiện đại đến cổ điển, trộn lẫn âm sắc Á-Âu-Mỹ. Nhưng đây là lần đầu tiên có sự tập hợp ngoạn mục các nền âm nhạc đa thanh sắc của các nước trong khu vực một cách chính qui, công phu, thiện chí, đầy sáng tạo. Việt Nam tham gia trong chương trình này một đàn bầu, một đàn t’rưng, một đàn tam thập lục, một đàn kìm, và một đàn gì gõ nghe hay lắm – tiếc là tôi dốt âm nhạc không biết tên. Tác phẩm Việt Nam tham gia là “Lung linh Việt Nam”, tác giả Hồ Hoài Anh.

Chương trình Văn hóa thứ hai là Hội thảo về Phim. Chỉ có 3 phim được chiếu, trong đó có một phim của Việt Nam. Phần lớn thì giờ, các đại biểu thảo luận về tình hình sản xuất và tìm thị trường cho điện ảnh Đông Nam Á. Chương trình cuối cùng là Đêm Thơ. Đó là lý do tôi và 12 nhà thơ khác có mặt ở đây (mỗi nước một nhà, riêng Hàn Quốc có 3 nhà hiện diện.) Khi tôi đang viết những dòng này thì hai chương trình sau chưa diễn ra. Nghĩa là tôi đang chuẩn bị, đang diễn tập, đang khốn khổ khốn sở với những bài thơ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn. Phải nói là trong bối cảnh thiên thai của resort này mà ngâm ngợi bình thơ (chủ đề Tình yêu và Yên bình) thì, từ dùng thịnh hành hiện nay, là “đạt tới cảnh giới” rồi. Nhưng trời ơi, còn bài báo này phải viết xong nội hôm nay!

Vậy trở lại buổi hòa nhạc. Dàn dựng nghiêm túc công phu. Đang thời kinh tế khó khăn này mà đem ngần ấy nghệ sĩ về một nơi để luyện tập và trình diễn, chắc tốn bộn tiền, dám làm kể cũng chịu chơi. Nhưng quả là đáng công đáng của. Đây không phải là kiểu cũ : mỗi nước đem bài bản của riêng mình, đến nơi chỉ việc ráp lại, của ai nấy biểu diễn. Kiểu mới này là lập một dàn nhạc giao hưởng mà 80 thành viên mang chính nhạc cụ của dân tộc mình đến hòa chung một bản nhạc, và bản nhạc đó thể hiện được đủ đặc trưng âm nhạc của từng nước. Anh bạn Lào xúc động nhận ra tiếng khèn. Giữa chừng bản hòa tấu, tôi nghe làn điệu Qua cầu gió bay. Chắc chắn, những bạn Thái, Miến Điện, Phi-lip-pin… cũng cảm nhận được âm thanh quê nhà của họ. Mà toàn bộ bản nhạc vẫn là một tác phẩm thống nhất, cuốn hút một cử tọa đa chủng tộc.

Ý thức kết nối cộng đồng, giữ gìn bản sắc, chung sống hài hòa và tôn trọng dị biệt được thể hiện rõ. Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ thông dụng, nhưng bản chương trình, ngoài tiếng Anh và tiếng Hàn còn có 10 bản bằng các thứ tiếng chính thức của các nước ASEAN. Bản tiếng Việt dịch khẩu hiệu “Sing together – Think Asia” thành “Âm nhạc nối vòng Châu Á”. Lâu nay, người ta nói “toàn cầu” đến nhàm. Nay cổ xúy cùng nhau hát, tư duy Á châu, không hẳn là ý tưởng độc sáng, nhưng cũng là đặc sắc.

Tinh thần này thể hiện thành công thú vị trên sân khấu buổi biểu diễn, trước tiên là nhờ y phục các nghệ sĩ. Một sự hài hòa màu sắc các loại y phục dân tộc thật phong phú, thật lộng lẫy, thật đẹp. Tôi đặc biệt để ý điều này, vì từng xem những cuộc trình diễn trang phục các dân tộc Á châu mà ấn tượng khó chịu là đạo diễn nhấn mạnh vào sự màu mè rườm rà và kỳ lạ. Các nghệ sĩ trong dàn nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc này mặc quốc phục của mình một cách tự nhiên, tự tin, biểu diễn thoải mái, và vị Tổng đạo diễn có con mắt thẩm mỹ đáng khen, đã sắp xếp khéo léo để các màu sắc, có khi chỏi nhau, vẫn hài hòa.

Sở dĩ tôi khen hơi nồng nhiệt, là bởi vì dàn nhạc này (nhắc lại : đầu tiên, tập hợp 80 nhạc cụ truyền thống từ 11 nước Việt Nam, Hàn quốc, Bruney, Căm-pu-chia, Lào, Thái, Inđônêxia, Malaysia, Miến Điện, Phi-lip-pin và Singapore) là thể nhiệm thành công khởi đầu cho dự án cộng đồng nghệ thuật Á châu. Dàn nhạc này được giao cho một nhiệm vụ hay ho là quảng bá âm nhạc Á châu ra khắp thế giới nhằm xây dựng một cộng đồng văn hóa có nền tảng âm nhạc truyền thống Á châu. Tên tiếng Anh của dàn nhạc này là “The ASEAN – Korea traditional orchestra”. Tham vọng của những người sáng lập là phát triển kỹ nghệ văn hóa bao quát châu Á trong hòa hợp và thanh bình.

Mai sau dù có thế nào, buổi biểu diễn đầu tiên đêm qua cũng để lại ấn tượng đẹp. Tôi nhìn quanh, thấy mọi người hình như thêm một chút tự hào về văn hóa dân tộc mình và gần gũi nhau vì mình là Á châu. Ưu th
ế của âm nhạc là dù sao cũng là ngôn ngữ chung, chứ không như thơ, hoàn toàn gắn chặt với từng ngôn ngữ dân tộc, không biết tiếng kể như bù trất. Nhưng nhà thơ trình bày thơ của mình bằng các thứ tiếng khác nhau cũng… hay. Nhưng… để mai viết tiếp.

Lý Lan – SGGP thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *