ký
Chuyện này đã xảy ra cách đây 25 năm, bây giờ ngồi nhớ lại, tôi còn thấy chua chát. Năm đó, vào khoảng năm 1993 – 1994, cả dòng họ tôi nhốn nháo bởi cái tin : ngày 29 Tết, thằng Mít từ Mỹ về ăn Tết quê hương sau 9 năm ly xứ. Người cô ruột thứ hai của tôi thầm thì nói : "Thằng Mít về, thế nào nó cũng ghé chúc Tết. Phải đón nó cho tươm tất chứ!".
Dượng Tư Thanh thì văn vẻ hơn : "Mình phải có trách nhiệm với người đi xa". Sau đó, giọng dượng trầm xuống, the thé : "Phải cho cái họ Trần bên kia biết rằng, họ Phan ta đây cũng có người bên Tây, bên Mỹ… ".
Má thằng Mít với tôi là chị em cô cậu ruột. Chị tên là Ba Vui, nhưng hơn nửa đoạn đời đã qua thì buồn nhiều vui ít. Năm 1967, chồng chị bị bắt đi quân dịch rồi tử trận. Dòng họ tôi rất nhiều người đi làm cách mạng, thế nên, sau giải phóng, cô Tư tôi (tức mẹ chị Ba Vui) bảo : "Nó (chị Ba Vui) không phải con tao (!?)". Chú Bảy tôi thì nói : "Nó làm dơ dáy dòng họ!". Còn anh Tư Dũng, em ruột của chị Ba Vui, sắp được kết nạp Đảng, rên rỉ : "Tôi lạy chị, chị kiếm chỗ nào đi cho khuất mắt mấy ông Chi bộ giúp tôi!".
Chị Ba Vui sống lầm lũi, cô đơn như một kẻ mang bệnh truyền nhiễm. Dòng họ tôi tuy nghèo nhưng cũng có nhiều người đủ ăn đủ mặc, thế mà chẳng ai giúp chị. Ngày ngày, chị đi cấy lúa mướn, nhổ cỏ thuê để kiếm tiền nuôi con. Thằng Mít mới 9 tuổi, chị phải cho nó đi ở đợ giữ trâu, kiếm mỗi năm ít chục giạ lúa nên chẳng được học hành. Vì thế, bọn trẻ trong làng gọi nó là thằng Mít (ý nói chữ không đầy lá mít). Thật ra, ngày xưa, cha nó đặt cho nó cái tên cũng khá đẹp : Nguyễn Cộng Hòa. Thấy bọn trẻ sửa tên con mình, chị Ba Vui cũng không dám cải chính, bởi cậu Tư nó bảo : "Tên tuổi gì nghe sặc mùi chính trị". Chị tự an ủi : "Con nhà nghèo, mồ côi, tên gì cũng được, miễn nó mạnh giỏi là được rồi!". Thế nên thằng Mít chết danh với cái tên này.
Năm thằng Mít nổi giò, chị Ba Vui đến nói với tôi : "Cậu là cán bộ có uy tín, cậu giúp tôi gửi nó vào cơ quan nào, làm gì cũng được. Nếu không thì đời nó khốn nạn". Tôi rên lên : "Trời ơi, chị nói ra chi cho tôi thêm khó xử. Lý lịch của nó ai mà dám nhận. Mà có nhận thì biết bố trí nó vô đâu, chữ nghĩa không đầy lá mít!". Nghe tôi nói, chị bưng mặt khóc như cha chết. Mấy ngày sau, tôi đi lạy lục một người quen có ghe lưới cho nó theo ghe tập tành làm ngư phủ. Hai năm sau, họ đi vượt biên, mang theo luôn thằng Mít. Thằng Mít đi rồi, tôi bị một trận xỉa xói của toàn gia tộc. Tất nhiên, chị Ba Vui còn khốn khổ hơn.
Rồi sau đó, làng tôi xảy ra một câu chuyện giống như thần thoại. Thằng Mít gửi thư về báo : "Tôi gởi tiền cho má xây nhà tường, nhưng phải nhớ lời tôi dặn, hướng cửa cái phải đâm thẳng vào mặt nhà của bà ngoại, ông cậu, cậu Tư Dũng… ". Thế là một căn nhà lầu đồ sộ mọc lên. Bốn cửa sổ của nó như bốn con mắt ngó nghiêng chế giễu. Cả làng, cả xã ngẩn ngơ, mấy đời làm ruộng có ai dám mơ ước xây được căn nhà như thế! Từ đó, chị Ba Vui ném đi cái màu da rám nắng, bộ quần áo nạm phèn. Vứt luôn cả cái đời một mụ nông dân lam lũ để bước lên địa vị của một mệnh phụ phu nhân quyền quý. Đã sắp ngũ tuần rồi mà da thịt chị trắng hồng lên, cứ y như lột xác. Mắt chị lúng la lúng liếng khiến mấy lão già hồi xuân trong xóm nhìn chảy nước miếng.
Thằng Mít về bằng xe du lịch mới cáu cạnh. Nó đứng bên kia sông thì bên này sông có 99% người trong gia tộc tôi và 50% người trong xóm đứng vây chặt bến đò. Người lớn thì giò cẳng giậm giật rồi khóc rộ lên như có đại tang, mấy đứa con nít thì la chói lói : "Việt kiều về rồi!". Tôi thì có ít đỉnh lòng tự trọng của một người có chút ít chữ nghĩa nên không ra đón. Thế nhưng, thông tin về thằng Mít thì mấy đứa trẻ cung cấp cho tôi không sót một chi tiết nào. Chúng nó bảo : "Ông Việt kiều mập lắm! Chú Tư Dũng, ông dượng Tư Thanh – hai người mạnh như vậy mà cõng ông Mít từ dưới đò lên còn không muốn nổi". Đứa khác thì bảo : "Cô Ba Vui dặn không được gọi ông Việt kiều bằng tên Mít, mà phải gọi là ông Smít (đấy là tên Tây của ông). Nếu không, ông Việt kiều sẽ giận".
Sáng mồng một Tết, xác pháo trải thảm đường quê. Nhà chị Ba Vui nổ một dây pháo dài tám thước. Thằng Mít không đi chúc Tết như nhiều người dự tính. Nó mở video chiếu phim rồi sai người dọn một buổi tiệc lớn chưa từng có để đón khách. Phim cải lương kích động người quê rất mạnh (vì thời đó, đời sống tinh thần của người dân rất thiếu thốn), cả xóm kéo nhau vây chặt nhà chị Ba Vui. Một thằng bé mang thư đến nhà tôi, chữ viết ngoằn ngoèo : "Dù sao tôi cũng không quên ơn cậu, vậy cậu đến chơi để tôi trả ơn! Ký tên : Smít". Thằng Bình, con anh Hai Tươi – anh cả của chị Ba Vui – tướng tá bặm trợn, ăn nói bốp chát, nó ghé mắt xem xong lá thư rồi nổi giận đùng đùng : "Đ.M, đồ làm phách. Chú đi xem nó giở trò gì? Thế nào tôi cũng dạy thằng này một bài học".
Trong căn nhà sáng choang, lộng lẫy, thằng Mít ngồi chễm chệ, lù lù một đống ở bàn giữa, nói chuyện bên Tây, bên Mỹ. Xung quanh, cả dòng họ tôi đứng túm tụm lại nghe dảo lỗ tai. Hóa ra thằng Mít đang đăng quang với gia tộc. Dòng họ tôi không thiếu những người đi kháng chiến về thương tích đầy mình, chiến công nhiều đến có thể được phong anh hùng, nhưng không ai được vinh hoa phú quý và đưa đón đông đủ như thằng Mít. Có ai đó buột miệng thốt : "Sao mà mập quá sức!". Dượng Tư Thanh bảo : "Ấy, quý nhơn dị tướng mà!". Quý nhơn của dòng họ tôi có hình dạng tròn như cái lu nước, mặt chần vần như cái mâm, hai gò má chạy xệ xuống tận vai, miệng thì tu hú như cái bình vôi. Khí nóng của xứ nhiệt đới làm cho nó thở hồng hộc, khắp người mồ hôi tuôn ra nhễ nhại. Chỉ mới 8, 9 năm xa thằng Mít, tôi cố tìm nhưng vẫn không gặp một nét quen thuộc cũ. Tôi có cảm
giác đây là một kẻ ngoại lai, xa lạ.
Bà ngoại thằng Mít chen vào, hôn lên cái trán tươm mỡ của nó cái chụt rồi mắng yêu : "Tổ cha nó, hồi mới giải phóng, tao không cho 10 giạ lúa thì đói nhăn răng rồi, đâu còn sống đến giờ thành ông Việt kiều". Cô Năm tôi, tức bà dì của thằng Mít, bảo : "Chứ tôi đây sao? Thấy mẹ con nó khổ quá, tôi kêu về giữ trâu, năm nào không cho một bộ đồ ăn Tết. Tiền Tết trâu (theo tục lệ, mồng 3 Tết, chủ nhà phải cho tiền trâu để mừng tuổi trâu; số tiền này mục đồng thay trâu nhận) tôi cho nó luôn, đâu có thèm lấy lại. Ai như bà mợ Sáu nó, cho thằng nhỏ có một cái nón đệm mà bắt nó dặm lúa đến ba ngày". Bà mợ Sáu như ở đâu chực sẵn, nhảy vào trả đũa : "Tôi biết mà, chị tốt lắm! Tốt tới cỡ người ta mướn giữ trâu mỗi năm 30 giạ lúa, chị cho mẹ con nó đến… 20 giạ!". Lập tức, một trận đấu võ mồm không khoan nhượng nổ ra. Sắp nhỏ đôi bên gầm gừ chuẩn bị đập vào mặt nhau để bảo vệ cho người lớn.
Thằng Mít nổi nóng đứng dậy hét : "Đủ rồi! Tôi mời mấy người đến đây ăn Tết chứ không phải đến gây lộn làm xui xẻo nhà tôi". Sau đó, nó nói xì xào mấy tiếng Tây, tôi đoán chắc là chửi tục. Không gian chợt lặng yên đến nỗi dường như nghe được cả tiếng gió. Lệnh của thằng Mít quả hiệu nghiệm như thần. Nó nói tiếp : "Tôi trả cho các người gấp 10 lần vốn cũ". Nó móc ra một cọc tiền to tổ bố và nói : "Đây là tiền của bà ngoại 100 giạ lúa, của bà dì 10 bộ đồ, của bà mợ 10 cái nón… Được chưa? Còn ai có công lao gì thì kể hết ra, tôi giải quyết tuốt". Nó ngắt tiền mà không cần đếm. Sau đó, nó ném cho những người khác mỗi người một xấp tiền. Thằng Bình đùng đùng nổi giận : "Đ.M, tao nghèo nhưng không ăn dơ!". Rồi nó xoay qua nói với tôi : "Về chú, ở đây thối hoắc!". Có ai đó xỉa xói sau lưng chúng tôi : "Đồ mạt rệp mà làm phách!".
Tối mồng 3 Tết, thằng Bình đến nhà tôi chơi, thông báo một tin động trời : "Hơn nửa dòng họ mình bây giờ trở thành ông mai bà mối. Tất cả những người ngoại tộc có con gái đều bắn tiếng để gả con cho thằng Mít. Và thằng Mít tuyên bố là chỉ cưới cô Phượng con ông giáo Hai để bảo lãnh qua Mỹ mà thôi. Cả nhà ông giáo Hai giờ đây đang tưng bừng phấn khởi. Mấy đứa nhỏ bảo với tôi rằng, tối nào thằng Mít cũng sang hú hí với cô Phượng cho tới khuya… ". Tôi nghĩ thầm, do ghét thằng Mít quá mức nên trẻ nhỏ đặt điều nói xạo. Tôi còn xa lạ gì gia đình ông giáo Hai. Cả xóm kính nể ông bởi cách sống gia giáo theo kiểu "nghèo cho sạch, rách cho thơm". Còn Phượng thì đẹp đến "chim sa cá lặn", có thể sánh với tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc. Giữa một làng quê nghèo xơ xác này lại xuất hiện một mỹ nhân, kể cũng lạ! Mấy đứa choai choai nhìn vẻ đẹp kiêu sa đó rồi phát sợ nên không dám chọc ghẹo. Còn tôi, tôi nhìn với ánh mắt tự hào và chăm chút. Có lý nào mỹ nhân của làng tôi lại có thể ăn nằm với một kẻ người không ra người, ngợm không ra ngợm? Lúc nào người cũng nhễ nhại mồ hôi và thở hồng hộc… ? Có lý nào bông hoa lài lại cắm bãi cứt trâu? Như đọc được ý nghĩ của tôi, thằng Bình cười thách thức : "Không tin thì chú cứ đi xem thử". Ức quá, tôi nắm tay thằng Bình bảo : "Mày đi với tao".
Từ cửa nhà ông giáo Hai, một người luộm thuộm đi ra giống y như con gấu. Hắn vừa đi vừa kéo cạp quần, cài nút áo. Nhận ra thằng Mít, tôi hỏi : "Mày làm gì ở đây?". Nó cười nham nhở : "Chơi hoa!". Đột nhiên, tôi đánh mất nhân cách bằng câu chửi thề : "Đ.M, đời lộn sòng hết rồi!". Mít đến bá vai tôi và Bình ra chiều thân thiện. Nó hỏi : "Nhà cậu có mắm và cá kèo không?". Tôi bảo : "Có!". Nó nói : "Về nhà cậu kho mắm, chấm bông súng, nhậu rượu đế một đêm cho đã. Mình kể chuyện cũ nghe chơi. Nhưng cậu đi trước, tôi đi vòng bờ đê ngoài ruộng để tránh mặt bà con. Phải trốn họ mới yên thân. Mấy ngày nay, họ lôi kéo, chúc tụng, yêu thương rồi ép tôi ăn thịt, mỡ… Thứ nào tôi cũng ngán đến bản họng". Tôi ngẫm nghĩ : "Hóa ra tình cảm cũng giống như thịt, mỡ, cho quá liều và giả tạo cũng sẽ làm cho người ta ngán đến rùng mình".
Khi ngồi nhậu, thằng Bình mặt lạnh như tiền. Thằng Mít thì xoắn lấy cái lẩu mắm vừa chan vừa húp liên tục. Mít nói : "Gần 10 năm rồi tôi mới được ăn một bữa ngon như thế này! Hồi ở bên Mỹ, chính những thứ đơn sơ này làm cho tôi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn muốn đứt ruột… ". Thằng Bình đứng dậy, mắt nó nẩy đom đóm. Nó chỉ vào mặt thằng Mít rồi rít lên : "Mày là một thằng xỏ lá! Mày nói nhớ quê hương mà mày coi dòng họ như rơm như rác. Hôm nay, tao phải dạy mày một bài học". Nói xong, n&o
acute; dộng cho thằng Mít một thoi giữa mặt. Ông Việt kiều đổ kềnh từ bộ ngựa xuống đất. Tôi giận thằng Bình đến run tay, tôi quát : "Bình, anh em cô cậu ruột 9, 10 năm mới gặp mà mày đối xử như người dưng nước lã vậy sao?". Bình chưng hửng, cay đắng : "Vậy ra chú cùng một giuộc với họ. Tôi lầm chú rồi. Một thằng làm nhục dòng họ, và cái dòng họ tự làm nhục chính mình, vậy mà chú chịu được. Chú giỏi lắm!… ".
Thằng Mít nặng nhọc ngồi dậy. Rất lạ là nó không trả đũa thằng Bình. Nó ngồi khóc lặng lẽ và tức tưởi. Nghe tiếng khóc của nó, tôi giật mình, tiếng khóc giúp tôi nhận ra thằng Mít của 10 năm cũ. Hóa ra, con người chỉ có tiếng khóc là không thể thay đổi được. Mít nói đứt quãng, giọng xót xa lạ thường : "Chính tôi cũng không muốn như thế, chỉ tại dòng họ mà ra cả. Họ nâng tôi lên, ép tôi thành một người lớn lao, xa lạ, khác thường… Các người thử nhìn bàn tay tôi xem. Các người biết tôi làm gì bên Mỹ không?". Tôi nhìn bàn tay còi cọc của nó, móng còn móng mất, trông thật tội! Nó đột nhiên cười như điên rồi nói tiếp : "Nghề nghiệp tôi làm cao quý lắm? Phải thường xuyên móc ống cống, hầm cầu, thỉnh thoảng cũng có đi rửa chén mướn cho các nhà hàng… Mười năm qua, tôi ăn toàn đầu gà, giò vịt… những thứ mà người Mỹ bỏ đi, để dành dụm tiền gởi về cho má tôi xây đủ cái nhà. Lần này về, tôi phải đi vay hỏi, kể cả lừa đảo. Bây giờ nợ đã ngập cổ, ngập đầu. Mười năm nữa chưa chắc tôi đã trả hết nợ. Các người đánh tôi lần này chắc lâu lắm mới có dịp đánh nữa… ". Nói đến đây, thằng Mít khóc tiếp. Thằng Bình ngồi xuống thở phào như một quả bóng xì hơi. Đến bây giờ, tôi mới chợt thương cảm cho đứa cháu xa quê của mình. Truớc mắt tôi, quý nhơn, thần tượng của dòng họ Phan bỗng chốc sụp đổ tan tành, thảm hại.
Sáng hôm sau, thằng Mít ra đi. Mặt nó như trét một lớp kem dày nên tôi không nhận ra một sự xúc động nào cả. Người tiễn vơi đi 50% so với lúc đón. Chỉ thêm hai người mới là tôi và thằng Bình. Tiếng khóc cũng giảm đi 99%. Giờ chỉ còn một người duy nhất khóc, đó là chị Ba Vui – má thằng Mít. Thế nhưng, tiếng khóc ấy đã làm cho người ta xúc động. Nước mắt của tình mẹ khóc xa con đã rửa trôi tất cả những trò đời hài hước.
Mặt thằng Bình buồn xo, nó nói bâng quơ : "Người Mỹ lại trở về bên Mỹ, để đời sống trở lại bình thường". Tôi ngước lên nhìn bầu trời xanh của buổi sáng mồng 4 Tết, bắt gặp một cánh én lạc loài đang vút bay giữa một mùa xuân buồn tẻ…
PHAN TRUNG NGHĨA – SCLO