"Viết dưới bóng quê nhà" được in khi nhà thơ Lê Văn Ngăn tròn 64 tuổi. Cuộc đời ông lận đận và vất vả, nên ông không có nhiều thời gian để chuẩn bị không gian cho những bài thơ ra đời.
Trong 6 tập thơ xuất bản trong năm 2008 được lọt vào chung khảo giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2009, Viết dưới bóng quê nhà của Lê Văn Ngăn được chú ý nhiều hơn cả. Bởi lẽ, nhà thơ Lê Văn Ngăn là một gương mặt văn chương miền Trung được biết đến từ lâu. Tôi nghe nói trước năm 1975, ông đã có tập thơ Trên đồng bằng và tập thơ Vào một thời im bóng, nhưng không có trong tay hai ấn bản ấy. Riêng bài thơ Sóng vẫn đập vào eo biển gắn với tên tuổi Lê Văn Ngăn, có nhiều câu được truyền tụng như: "Quy Nhơn Quy Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em/ Và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà/ Căng lòng mình ra như tấm áo/ Trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng/ Che chở được em".
Nhà thơ Lê Văn Ngân. Vóc dáng mảnh mai của ông, khuôn mặt khắc khổ của ông, giọng nói nhỏ nhẹ của ông dường như không biểu hiện một nét chấm phá sinh động nào ngoài đời thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vốn sống lặng lẽ và viết lặng lẽ, nên tập thơ Viết dưới bóng quê nhà gần như gom góp một đời thơ cặm cụi của Lê Văn Ngăn. Khi đọc tập thơ này, tôi cố lục tìm trong trí nhớ những hình ảnh một nhà thơ gốc Huế lập thân cùng nắng gió Bình Định đã thoáng gặp đôi lần, nhưng bức chân dung ông vẫn cứ bàng bạc giữa bao người lầm lũi. Vóc dáng mảnh mai của ông, khuôn mặt khắc khổ của ông, giọng nói nhỏ nhẹ của ông dường như không biểu hiện một nét chấm phá sinh động nào ngoài đời thường. Tôi chỉ có thể tìm ông trong thơ, nơi ông có thể trú ngụ một cách yên bình những mong ngóng lẫn những lo toan. Lê Văn Ngăn tự "giới thiệu" rằng: "Giờ đây, trong những dòng chữ tôi viết giữa đêm khuya, dường như vẫn lấp lánh nước mắt người đã khuất". Ngoài sự đồng hành của người mẹ vẫn tỏa bóng trong tâm tưởng, Lê Văn Ngăn còn tin cậy những câu thơ thăng hoa phía người dưng nhục nhằn: "Những người trồng hoa nơi thị xã năm ấy/ bây giờ còn sống chăng/ xa xôi, tôi vẫn tựa vào quá khứ/ để sống cho ra con người/ để biết những người chưa bao giờ viết một dòng thơ, vẫn tham dự vào những gì tôi viết".
Môi trường sống bao giờ cũng có tác động trực tiếp đến văn chương. Nhịp điệu tỉnh nhỏ chậm rãi thường tạo cơn cớ cho những câu thơ trĩu lòng. Lật từng trang thơ Lê Văn Ngăn, tôi như thấy những vết chân chim nơi khóe mắt ông hiện ra rất rõ. Ông có một tâm trạng riêng để đối thoại với cuộc đời, như "một ví dụ về sự tiếp nối" nhẹ nhàng mà đau đáu: “Con sợ đến một ngày, trong âm vang đều của tiếng mưa đêm/ Con sẽ đứng vào chỗ trống mẹ vừa để lại/ Một mình nhen lên ngọn lửa buồn buồn".
Không phải dễ dàng đọc hết Viết dưới bóng quê nhà ngay trong một lúc, bởi lẽ Lê Văn Ngăn dường như không mấy vun vén hành trang thơ chính mình, nên trái tim cồng kềnh đa cảm của ông cứ tràn ra bao nhiêu ngổn ngang xô lệch. Hướng tầm nhìn và ngòi bút phía những mảnh đời bình dị, Lê Văn Ngăn tin rằng chỉ cần phơi bày tất cả những vẻ đẹp chìm lấp lên mặt giấy thì có thể sẻ chia những số kiếp thua thiệt và thanh cao. Ông bắt gặp Ánh sáng nhỏ từ căn gác nhỏ trong cồn cào xót nhớ xưa và cảnh tỉnh nay: "Bây giờ em đang sống nơi đâu/ Có bao giờ biết tôi đã mắc nợ em về ánh sáng/ Để trả nợ cho người không thể nào gặp lại, tôi đành tự nhủ: Hãy coi chừng, đừng ném thêm bóng tối vào dòng đời có thể có em đang vội bước về nhà". Ông nhắn con trai bằng thái độ Gửi một người bạn trẻ tuổi trân trọng và trìu mến: “Mong con cứ yên lòng đi tới/ Đừng ngoái nhìn về phía cha với những đêm nằm lắng nghe tiếng còi tàu ngỡ con sắp trở về gọi cửa/ Càng đi xa, con càng bước lại gần cha những năm còn sách vở học sinh/ Càng gặp thêm những người để cùng chung sống khi cha đã qua đời". Ông bâng khuâng Lâu năm, nhưng chẳng phải là vĩnh viễn khi nghĩ về người phụ nữ bán quán cà phê trên cao nguyên âm thầm như một vùng trời vẫn di dưỡng tinh thần bản thân: “Khoản nợ nần một thuở cơ hàn/ Tôi vẫn hẹn lòng có ngày hoàn trả/ Ngoài chút tiền trong cuốn sổ ghi/ Tôi còn nợ chị vài ánh mắt dịu dàng, vài buổi chiều nắng vàng bên khung cửa sổ/ Mấy mươi năm trước, lúc cuộc đời chưa yên ổn/ Những điều ngỡ bình thường ấy đã giúp tôi sống sót đến bây giờ".
Trong 6 tập thơ xuất bản trong năm 2008 được lọt vào chung khảo giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2009, Viết dưới bóng quê nhà của Lê Văn Ngăn được chú ý nhiều hơn cả. |
Lê Văn Ngăn làm thơ giống như người giăng câu giữa ký ức dĩ vãng và bồi hồi hôm nay. Chỉ cần thương nhớ sủi tăm thì ông giật cần câu chữ nghĩa. Ông lấy sự tĩnh tại làm chỗ đứng, còn kỷ niệm thì rối bời xung quanh. Ông chọn Nơi đến là sự cồn cào cảm giác lương thiện: "Dọc đường đến đây, tôi đã mệt mỏi trước các bóng hình của tư lợi/ Đã từ chối những cuộc tôn vinh đồng tiền lên ngôi thứ nhất/ Đã nói không trước kẻ sống dư dật trên nỗi nghèo khó của người lao động".
Nhờ vậy, chất liệu Lê Văn Ngăn mang vào sáng tạo thi ca có rất nhiều câu chuyện về sự hẩm hiu, về sự cô độc, về sự yếu đuối. Và ông trở thành một người kể chuyện, những câu chuyện đã xa xôi vừa quay lại, những câu chuyện ngỡ úa nhàu vẫn tươi nguyên, những câu chuyện chối từ lấp lánh mù khơi để le lói giá trị cụ thể qua gập ghềnh Thời gian độ lượng: "Thời gian, thời gian của một thời quá khứ/ Tôi lỡ để trôi nhanh như dòng nước dưới chân cầu/ Giờ đây, tôi muốn bắt đầu níu thời gian vào cuộc đời/ Kết tinh thời gian trong vài sự vật/ Chẳng hạn, tôi muốn trồng vài bông hoa nhỏ bé/ Gửi lại nơi tôi đã lọt lòng mẹ và sống giữa mọi người". Chính vì chủ tâm kể chuyện dưới bóng quê nhà, Lê Văn Ngăn đã đặt ông và độc giả vào ranh giới mong manh giữa thơ và kịch thơ. Bất kỳ bài thơ nào muốn kể một câu chuyện rành mạch, thì tác giả phải hết sức cẩn thận vì bài thơ rất dễ biến thành một kịch thơ ngắn, mà câu thơ giống như… lời thoại sân khấu.
Tôi thực sự ái ngại khi chứng kiến nỗi run rẩy mát lành của nhà thơ Lê Văn Ngăn mải mê chuồi theo nhân tình thế thái khiến không ít bài thơ của ông phải khuân vác bao nhiêu chữ nghĩa mang hương vị của thi ca chứ không phải câu thơ như mong muốn. Lẽ ra Cảnh tượng là một bài thơ hay, nếu không dào dạt quá nhiều lời thoại sân khấu như "Em ơi, người bạn đời ơi/ Nếu chỉ một mình, anh không thể nhìn ra sự thật/ Xin em hãy áp sát vẻ đẹp vào tâm hồn giá lạnh của anh/ Để anh biết cuộc đời vẫn mạnh hơn sự chết". Hơn nữa, khi Ở Huế nhà thơ muốn thổ lộ với thơ quá nhiều thì sự tưng bừng ngoa ngôn không thể tránh khỏi: "Tôi biết quê hương tôi có tiếng nói riêng/ Tiếng nói của một xứ sở lớn lên từ những vết thương và niềm vinh dự/ Dường như trong đôi mắt em dịu dàng/ Còn thấp thoáng bóng hình những vết thương và niềm vinh dự". Ở đây, tôi xin nói rõ hơn một chút, để phân biệt câu thơ và lời thoại sân khấu, phải tính đến sự trắc ẩn của ngôn ngữ thể hiện. Lời thoại sân khấu chỉ cần thứ chữ nghĩa lưu loát, có thể cũ mòn, có thể sáo rỗng nhằm đưa đẩy câu chuyện. Còn câu thơ phải có khả năng trực tiếp tác động lên nhận thức và trí tưởng tượng của người đọc. Chẳng hạn, nói chuyện sinh ly tử biệt, Lê Văn Ngăn viết một câu thơ ở bài Mẹ, con và ngọn đèn dầu có sức gợi, sức tả: "Ngọn đèn đã từng soi đường cho người sống/ Sẽ được đặt lên phía trên mái đầu người chết" và viết một lời thoại sân khấu ở bài Trên sân ga uốn lượn nhân duyên: "Tạm biệt, tạm biệt/ Rồi ai cũng phải đến lúc ra đi một mình/ Đi một mình với hình bóng quê hương thân yêu vừa từ giã".
Trên vầng trán thường hay đăm chiêu của Lê Văn Ngăn, luôn hiện diện sự thâm trầm kẻ sĩ. Tuy nhiên, cái thâm trầm của Lê Văn Ngăn là thâm trầm mộc mạc, chứ không phải thâm trầm sắc sảo. Lê Văn Ngăn cứ thảnh thơi kể những câu chuyện đời thường, thì chính câu chuyện đời thường bật ra triết lý thú vị, còn khi ông cố tình triết lý thì lại thấy những ý nghĩ chộn rộn. Bài thơ Quà tặng có thể chứng minh điều này. Đây là câu chuyện đời thường bật ra triết lý: "Anh gửi tặng em một khoảng trời đêm, những rặng thông và gió/ Để nhớ cuộc đời đã một lần xích chúng ta lại gần nhau/ Bao nhiêu năm, anh vẫn giữ gìn chút dịu dàng nơi mắt em/ Như một lý do để sống/ Để vượt qua những cảnh đời thô bạo". Và đây là sự trái ngược: “Anh gửi tặng em trang sách nói về lòng đất/ Để biết những gì quý báu thường ít lộ ra bên ngoài/ Xin em cùng anh tin rằng giữa tiếng ồn ào và những kẻ ồn ào/ Luôn luôn có những người lặng lẽ/ Lặng lẽ như bông hoa/ Như niềm hy vọng". Đọc tập thơ Viết dưới bóng quê nhà, tôi rút ra được một kết luận thô sơ rằng, mỗi khi nhà thơ Lê Văn Ngăn cố tình triết lý thì không chỉ làm lung lạc những câu thơ thật thà của ông, mà còn khẳng định triết gia trên thế gian nhiều vô số kể!
Suốt cuộc đời, Lê Văn Ngăn trung thành với loại thơ không vần, hay còn gọi là thơ văn xuôi. Đối diện những câu thơ dài ngắn khác nhau của Lê Văn Ngăn, nhiều người nao núng cứ tưởng ông là đại diện của một dòng thơ hiện đại nào đấy. Thực sự, Lê Văn Ngăn là một nhà thơ đứng hẳn vào dòng chảy cổ điển. Bài thơ của ông dù buông hàng chục chữ hay cắt ngang dòng đột ngột cũng hầu hết mang bóng dáng một bài thơ Đường luật, nghĩa là cũng chia làm bốn phần đề – thực – luận – kết. Ví dụ, bài thơ Tôi có có thể chia ra, phần đề "Tôi có một vì sao trên nền trời/ Đêm đêm, tôi và bạn bè tôi từ những nơi xa cách nhau/ Vẫn có thể có chung điểm sáng", phần thực "Tôi có một cánh hoa đào ở Hà Thành hay Đà Lạt/ Hoa nở hoa tàn dưới tiết trời, nhưng trái tim người vẫn là nơi gìn giữ một cánh hoa không phai tàn", phần luận "Tôi có trong tâm hồn tôi một chút giá rét/ Bao nhiêu năm, qua giá rét và đối cực của mùa đông/ Tôi thường lắng nghe tiếng chân mùa xuân bước lại gần”, và phần kết “Từ đấy, tôi tin: cuối con đường tuyệt vọng chẳng phải là sự chết/ Nhưng chính là niềm hy vọng". Cảm xúc thường trực của Lê Văn Ngăn tuần tự như thế, nên bài thơ nào ông cũng gắng tìm một cái kết, mà đôi khi cái kết ấy lại làm hao hụt thẩm mỹ bài thơ. Lẽ ra bài thơ "Nhìn thấy trong hoa" vừa vặn dừng ở câu “Trong hoa, tôi nhìn thấy một mùa xuân sẽ ra đi và kế tiếp những mùa xuân khác/ Dưới đôi mắt âu yếm của quê hương" thì ông lại viết thêm "Tôi ngồi cộng lại tất cả mùa xuân đã đi qua cuộc đời/ Để nhìn thấy một mùa xuân không thể phai tàn". Đôi khi tôi ngẩn ngơ tiếc, lúc nhà thơ Lê Văn Ngăn tẩn mẩn "cộng lại" thì giá trị thi ca lại bị "trừ đi" ít nhiều, bởi lẽ thơ đâu chỉ cần tính khái quát, mà thơ còn cần hơn những khoảnh khắc thở dài của cuộc hân hoan, hoặc phút giây mặc niệm của cơn thịnh nộ!
"Viết dưới bóng quê nhà" được in khi nhà thơ Lê Văn Ngăn tròn 64 tuổi. Cuộc đời ông lận đận và vất vả, nên ông không có nhiều thời gian để chuẩn bị không gian cho những bài thơ ra đời. Tôi biết, chẳng đặng đừng, ông đành phải neo những câu thơ gan ruột của mình vào…nền trời, khi thì "dưới nền trời sao khuya", khi thì "lúc nền trời những vì sao chưa tắt", khi thì "dòng sông trải rộng dưới nền trời", khi thì "cuộc vui dưới nền trời", khi thì "dưới nền trời đêm của thị xã năm ấy", khi thì "người mẹ đêm đêm thức dậy dưới nền trời sao", khi thì "một vầng trăng khuyết treo trên nền trời một đêm thời thơ ấu", khi thì "anh thầm nhủ như thế dưới nền trời đêm"… Thế nhưng, dù hài lòng hay chưa hài lòng, thì khép tập thơ Viết dưới bóng quê nhà, tôi vẫn bị chinh phục bởi bài thơ Chuyện vãn cùng hoa của Lê Văn Ngăn: "Tiết lập xuân đã qua rồi/ Hoa đang héo tàn ngoài khung cửa/ Hoa ơi, tôi không đủ tiền bạc và thời gian để chăm sóc mẹ nơi cố hương xa xôi/ Làm sao tôi có thể giúp hoa/ Thôi vậy, mong những cơn mưa đêm sẽ đến kịp thời/ Để hoa tự chăm sóc mình qua khỏi ngày gian khó/ Lỡ mai kia tôi không còn nữa bên hoa/ Chẳng lẽ hoa phải chết giữa lúc còn trẻ tuổi". Một niềm dằn vặt cho hoa, mà cũng cho cõi người đôn hậu này!
Theo Lê Thiếu Nhơn – eVan