Lâu nay, trên báo chí nước ta có hiện tượng người viết đã khá liều lĩnh khi "tô vẽ" các chân dung nhân vật có thật. Người viết nhiều khi chưa hề quen biết, nhưng do "khai thác" hoặc "nghe lỏm" được chút ít tài liệu ở đâu đó, thế rồi cứ như thân thiết, gần gũi lắm với nhân vật, họ tự tiện thêm thắt, bịa đặt. Thế nên đã có nhiều trường hợp chính nhân vật được viết chẳng những đã không lấy làm vui mừng, mà còn phản ứng vì xấu hổ và tức giận.
Tôi xin dẫn chứng ra một ví dụ gần nhất. Trên báo Sức khỏe và đời sống số Chủ nhật ra ngày 13/3/2011 có đăng bài viết "Những trang văn thấm đẫm mồ hôi và nước mắt" của tác giả Đỗ Ngọc Yên nói về chị Nguyễn Bích Lan – một dịch giả khuyết tật vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và được giải thưởng (về dịch) của Hội năm 2010… Bài viết khá lâm li, nhiều chi tiết cảm động nên dễ khiến người đọc tưởng như tác giả và nhân vật đã quen biết thân thiết. Nhưng nội dung trong bài lại có nhiều sự việc và tình tiết sai lệch mà nếu người viết bài phản hồi này không là người hiện ở ngay sát vách căn hộ của nhân vật, ngày ngày chú cháu ngồi uống nước, trò chuyện thì tôi cũng dễ tin.
Ngay một tình tiết được diễn ra trước mắt hàng trăm quan khách, nhà văn, nhà báo quay phim, chụp ảnh tại hội trường trong lễ trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 mà tác giả Đỗ Ngọc Yên cũng đã viết sai : "Khi lên nhận thẻ hội viên, Nguyễn Bích Lan đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao ngay tại chiếc xe lăn – người bạn đường thân thiết của cô từ hàng chục năm nay". Là hàng xóm của Bích Lan, tôi chưa từng nhìn thấy nhân vật này đi bằng xe lăn bao giờ. Và chính Nguyễn Bích Lan cũng cho biết, từ khi mắc bệnh đến nay, cô chưa từng một lần ngồi trên bất kì một chiếc xe lăn nào.
Giữa thanh thiên bạch nhật, sao tác giả Đỗ Ngọc Yên lại có thể "tưởng tượng" ra như vậy?
Bích Lan cho biết, cô chưa từng quen biết tác giả bài báo, chưa một lần nhận được điện thoại, tin nhắn, e-mail… từ phía tác giả. Nếu nói bài báo viết sai hoàn toàn thì không hẳn, nhưng có nhiều chi tiết được "hư cấu" đến nỗi chính Nguyễn Bích Lan đã phải thốt lên rằng, chị chỉ còn biết kêu "Trời!" vì ngạc nhiên và bất bình, mà điển hình là chi tiết Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho Bích Lan ngay trên xe lăn, trong khi thực tế thì cô đứng trên sân khấu hội trường cùng nhiều nhà văn khác.
Trong bài báo còn có đoạn : "Nguyễn Bích Lan năm 13 tuổi đột nhiên ngất xỉu, ngã gục rũ rượi như một tàu lá chuối giữa trưa nắng hạ". Sự thực là Bích Lan phát bệnh năm cô mười ba tuổi, và căn bệnh loạn dưỡng cơ của cô là một dạng bệnh phát triển dần dần theo thời gian, chứ không phải là một bệnh cấp tính gây ra những cơn ngất đột ngột. Hình ảnh cô rũ rượi như một tàu lá chuối vừa rất cải lương lại vừa rất không chính xác. Tác giả bài báo viết : "Dù chưa học xong bậc phổ thông cơ sở nhưng Lan vốn là người có nghị lực nên cô quyết tâm bắt tay vào tự học ngoại ngữ". Sự thực là Bích Lan đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở và đã thi đỗ vào cấp 3.
Cũng trong bài viết, tác giả đã nêu tên một cuốn sách Bích Lan đã dịch nhưng cũng sai tên tác giả. Đọc những lời tâm sự của người mẹ sinh ra Nguyễn Bích Lan do Đỗ Ngọc Yên viết trong bài báo, ngay người mẹ đẻ của Lan cũng cảm thấy ngạc nhiên vì đó là do tác giả tự "sáng tác". Còn nữa, đây là bài báo mới nhất về dịch giả Nguyễn Bích Lan nhưng thông tin lại không cập nhật: Tác giả viết Nguyễn Bích Lan dịch được 15 tác phẩm, nhưng thực tế, Lan đã có cuốn sách dịch thứ 21 được xuất bản.
Nếu là sáng tác văn học thì người viết có quyền hư cấu, sáng tạo, nhưng khi viết về chân dung "người thật, việc thật" thì dù với bất kì mục đích gì, người viết cũng cần phải nghiêm túc, tránh để ảnh hưởng đến nhân vật được viết và nguy hại hơn, làm nhiễu thông tin.
Huy Thắng – Nguồn : CAND