Cho đến nay, ông đã nhặt và viết đến cả vạn chiếc bút và đều được ông giữ lại làm kỷ niệm. Người đó là nhà văn Dương Thu Ái, hiện đang sống hạnh phúc cùng ở một ngôi nhà trong con ngõ thanh bình, phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Viết bằng bút của…giời!
Ông Dương Thu Ái năm nay đã 73 tuổi nhưng còn tráng kiện, bởi ông có chế độ làm việc và luyện tập thể dục khoa học. Trong một lần đi khám, bác sĩ thưa với ông rằng: "Bác về nhà ăn mừng đi, người bác không có một bệnh gì cả!". Điều đó càng làm nhà văn tin vào kết quả của việc luyện tập, trong đó có việc đi bộ thường xuyên.
Vào một ngày đầu đông, ông tiếp tôi trong ngôi nhà đầy sách và bản thảo của mình. Nhìn vào thành quả của ông, thấy rằng sức ông làm việc quả là ghê gớm. Số đầu sách đã in là 165 cuốn, với tổng cộng 6,6 vạn trang, và hàng chục cuốn đang chuẩn bị in nằm ở nhà xuất bản. Ông cũng kê đầu giường hàng chục cuốn đã dịch nhưng chưa gửi đi đâu.
Ông Dương Thu Ái và vợ. |
Là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, ông cũng là người dịch và biên soạn sách có lẽ là vào hàng nhiều nhất Việt hiện nay. Điều lạ lùng hơn, tất cả số sách trên, ông đều viết bằng những cây bút bi… nhặt ngoài đường. Ông gọi đó là những cây bút của… giời! Và chỉ có hứng khi sử dụng những cây bút này.
Cứ động đến bút mua, hay bút con cái biếu là ông lại "tắc". Ông bảo: "Ngày trước tôi đi bộ, thấy tiếc thì nhặt về. Sau này quen, khi cầm bút viết, tôi thấy viết rất tốt. Đó có thể là của người ta đánh rơi, nhưng cũng có thể là của giời ban, là lộc giời nên mới tốt như vậy. Vì thế mà tôi viết sòn sòn".
Hỏi ra thì không phải vì ông thiếu tiền mua bút viết. Ông nói ông không giàu có lắm, nhưng chẳng thiếu tiền. Bốn người con của ông đều thành đạt và tiền nhuận bút của ông rất khá.
Con gái ông, chị Dương Thu Hương là Giám đốc Hãng Thời trang Alcado Fashion nổi tiếng có mấy cửa hàng ở Hà Nội. Anh con rể mua tặng bố vợ mấy chiếc bút trị giá đến 300USD, nhưng ông chỉ cất đi, còn tay mình thì cầm bút của giời.
Ông cho biết thêm: "Con cái tôi còn bảo lắp đặt máy tính để tôi viết cho đỡ oải. Nhưng tôi chỉ thích viết tay. Dùng những thứ sang trọng vào việc viết nó không có cảm hứng. Có thể nhiều người cho là tôi gàn dở, nhưng không, đó là kiểu làm việc riêng của tôi. Một phần tôi ảnh hưởng của thời bao cấp, làm gì cũng tiết kiệm. Nó ăn vào máu rồi, thấy nó hay nên cứ theo làm". Nhưng, bút ở đâu ra mà nhặt được nhiều vậy? Hẳn nhiều người có ý thắc mắc.
Xin thưa, đó là thế mạnh của Dương Thu Ái. Bởi ông là người thích đi bộ. Ông đã cùng bà Nguyễn Kim Hanh – người vợ chung thủy của mình duy trì thói quen ấy mấy chục năm qua. Ngoài việc luyện tập, ông rất để ý xuống mặt đất để nhìn bút. Hễ thấy là nhặt, đi chơi đâu, nhìn thấy bút ngoài đường, chẳng cần biết có còn mực hay không, cứ cầm về rửa sạch đã. Nếu viết được thì dùng, không viết được thì cất đi.
Ông bỏ những hộp các-tông đựng bút mấy chục năm ra khoe: "Nhiều cái rất xịn, viết rất tốt". Lại nữa, ngoài lan can nhà ông có trồng cây tơ trời, có hình những sợi dây giống dây tơ hồng, rủ từ trên tầng xuống. Dương Thu Ái cho rằng, đó cũng là lộc bề trên ban, cho ngòi bút ông nhuần nhuyễn, lấp lánh.
Tình yêu làm mới cả trời đất
Ông Dương Thu Ái tên thật là Dương Văn Thụ, sinh năm 1936 tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dù gia đình nghèo nhưng cậu bé Thụ ngày đó đã rất thông minh, có cá tính.
Cái tên Dương Thu Ái là do cậu tự đổi năm học lớp 4, vì khi ghi vào danh sách, tên ông thường ở cuối, điểm danh hoặc thi vấn đáp mãi mới đến lượt. Sau khi học hết cấp III (hệ 9 năm), đến năm 1954, Ái được chọn đi học sư phạm ở Khu Học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Cùng lớp với cậu ngày đó có nhiều người sau này khá nổi tiếng như: GS Phan Văn Các, GS Trương Thâu, GS Nguyễn Bằng Tường, dịch giả Trần Đình Hiến, TS Thanh Vân, GS Phương Lựu… T
hoắt cái đã mấy chục năm trời. Giờ cậu Thu Ái thông minh đã là một ông già, còn gìn giữ được đức tính hăng say làm việc. Bởi theo ông: "Quá khứ vẻ vang đã qua đi rồi. Tương lai tươi sáng thì chưa thấy đâu. Chỉ còn hiện tại, nên phải sống với hiện tại, sống và cống hiến". Điều đó như một triết lý riêng, rất sâu sắc của một nhà văn mê viết cháy bỏng và dùng làm định hướng sống, làm việc. Đó là lý tưởng có trong tâm trí người trí thức ngay từ ngày còn học bên Trung Quốc.
Khi về nước, lại đi khắp nơi dạy học, đi đâu cũng được người mến, vì rất mến người. Ông kể: "Về nước, tôi làm giáo viên Trung văn dạy học ở các tỉnh miền núi từ Cao Bằng, Bắc Thái, Vĩnh Phú… rồi lại về Hà Bắc (cũ) quê tôi. Cho tới năm 1976, khi đang dạy ở Trường Cấp III Tân Yên I (thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay) thì tôi nghỉ vì học sinh không được học Trung văn nữa. Nhà trường bố trí cho chân chuyên tiếp khách, đánh trống trường và xếp thời khóa biểu. Đến năm 1988 tôi nghỉ hưu".
Khi ông nghỉ hưu thì cũng là lúc vợ ông được nghỉ, hai vợ chồng đưa con cái về Hà Nội, sống vất vả bằng việc bán muối và và bán than. Dưới Hà Nội chẳng quen ai, cuộc sống tuy cơ cực nhưng do bà vợ khéo thu vén, chăm lo nên qua khỏi. Chính bà là nguồn động viên, an ủi chồng khi "buồn tay, mỏi óc". Thế rồi ông nghĩ ra việc dịch sách vào lúc rỗi. Bà vợ cũng ủng hộ.
Cuốn đầu tiên ông dịch là "Thích Ca Mâu Ni Phật". Cuốn này được in và tái bản ở Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Sau khi cuốn sách có tiếng vang, một nhà chùa đã tha thiết mời ông về dịch sách về kinh Phật, nhưng ông đã khéo từ chối.
Thời gian này, giáo sư Phong Lê đã giới thiệu Dương Thu Ái với cán bộ Nhà xuất bản Công an nhân dân. Ông đã nhận được "đơn đặt hàng" của Nhà xuất bản do dịch những cuốn sách có thể bán được, có chất lượng. Khi có "mối", nhà văn hăng say làm việc và nghĩ rằng, công việc này phù hợp với mình. Kiến thức Trung văn đã có "đất dụng võ".
Từ đó, cùng lúc vừa dịch, vừa biên soạn hàng chục cuốn sách. Số sách mà ông được Nhà xuất bản Công an nhân dân in và cấp phép đã lên đến 60 cuốn. Họ còn đang đặt hàng ông một bộ truyện cười gồm 12 cuốn nữa.
Đời ông Dương Thu Ái, có hai tình yêu lớn là tình yêu với vợ và sách vở. Để có thành quả như hôm nay, ông không bao giờ quên "nữ tướng" của mình. Tâm sự với tôi về những ngày ông bà mới gặp nhau, ông rất xúc động, như được trở lại thời trai trẻ của mình. Lúc đó, cả hai đang là những thanh niên đầy nhiệt huyết, cùng dạy học một trường ở tỉnh Bắc Thái, nay là Thái Nguyên.
Cô gái Nguyễn Kim Hanh là người gốc Hà Nội, yêu chàng Ái ở khả năng văn nghệ tốt, năng động trong các hoạt động của nhà trường. Lại có một dịp, Kim Hanh đọc được một bài viết ở Báo Tiền Phong, thấy hay quá, mãi sau này mới biết tác giả chính là Dương Thu Ái "nhà mình", nên càng thán phục.
Vào một dịp Tết, Thu Ái còn làm thơ tặng người yêu: "Em ơi đừng mừng xuân/ Vì mỗi lần xuân đến/ Là cái chết lại gần/ Em ơi đừng mừng xuân". Đời thường, xuân đến phải vui. "Triết lý" của Ái lúc đó bị coi là tiêu cực, nhưng người yêu của chàng không cho đó là tiêu cực. Bởi điều đó là đúng: "Khi ta sống, nghĩa là ta đang chết". Nhiều nhà triết học phương Tây đã nói vậy. Nhờ đó, tình yêu của cô gái gốc Hà Nội với chàng nhà quê càng khăng khít. Tuy nhiên, họ bị gia đình đằng gái ngăn cấm do chàng Ái nghèo, xuất phát nhà quê. Với tình yêu mãnh liệt, họ đã chiến thắng. Cưới nhau xong, từ đó theo nhau không rời nửa bước.
Mấy chục năm chung sống đời vợ chồng, hai người không hề to tiếng nửa lời. Ông bà là tấm gương cho con cái, cho hàng xóm láng giềng học tập. Giờ đã có tuổi, họ vẫn yêu nhau như thời trẻ, lúc nào cũng có nhau, chăm chút cho nhau từng li từng tí. Bà Hanh nói: "Ông ấy làm việc mệt, tôi chuẩn bị hết tất cả đồ ăn thức uống. Từ bánh kẹo, hoa quả, sữa đến những đồ như rượu ta, rượu tây và rượu nho. Rượu ông ấy chỉ uống rất ít, cho có hơi, có không khí thôi".
Có phải vì thế mà căn phòng của ông, ngoài những chồng sách ngập đầu, còn có những thùng đồ ăn nhanh do vợ ông phục vụ. Nhưng nhu cầu của ông đâu có nhiều như vậy. "Bà ấy chăm thế thôi, cứ lo tôi đói. Nên phòng tôi thức ăn có lúc nào thiếu đâu, chỉ thiếu thời gian ăn. Vì tôi mải đọc, dịch. Đến tiếp xúc với người bên ngoài cũng ít, chỉ tiếp bạn văn, người không làm nghề không hiểu được tôi. Người cả đời hiểu tôi là bà xã"- ông Ái vui vẻ nói. Ông lại còn mang thơ mình viết tặng vợ ra đọc để tôi hiểu ông nhiều hơn. Bài thơ có tên Vàng của riêng anh.
Hiền lành, phúc hậu, đảm đang
Tươi vui khỏe mạnh, bạc vàng còn thua
Em là hoa nở bốn mùa
Em làm trái chín, nắng mưa thuận hòa
Em làm chim ríu rít ca
Thơm tươi rói những bông hoa đầu cành
Em là vàng của riêng anh…
Vẫn lại đi bộ, nhặt bút và dịch sách
Khi tôi hỏi về dự định trong những năm tới. ông Dương Thu Ái nói rằng, sẽ vẫn lại đi bộ, nhặt bút và dịch sách, viết văn. Ông làm nhiều thơ, viết truyện ngắn và viết báo từ năm 1959. Viết cả bài, tin cho Đài Tiếng nói Việt Nam mà cho đến giờ, những tờ giấy báo phát bài do nhà đài gửi về, những bài báo đăng từ năm 1960 trở lại đây, ông vẫn gìn giữ cẩn thận trong một cuốn sổ.
Độ này ông dịch nhiều chuyện cười của Trung Quốc, vì ông cho rằng, chuyện cười là món ăn bổ ích của thời hiện đại. Con người cần phải có thêm tiếng cười để cuộc sống vui vẻ, bởi ông chưa bao giờ nhận mình già.
Sức làm việc của ông khiến những người trẻ chúng tôi phải ngỡ ngàng thán phục. Trong vòng 20 năm, ông Dương Thu Ái liên tiếp cho hàng loạt bộ sách như "Mưu lược gia tinh tuyển" (gồm 7 tập, hơn 4.000 trang); "Thánh hiền thư" (hơn 2.000 trang); "Thi Công kỳ án" (1.600 trang); "Tào Tháo" (hơn 1.000 trang) rồi các cuốn như "Võ Tắc Thiên", "Lưu Bang"… Ông cũng đã dịch xong tác phẩm "Duyên số" – Bộ tiểu thuyết cổ điển cuối cùng của Trung Quốc (nguyên tác là "Kính hoa duyên") có thể sánh ngang với "Hồng Lâu mộng", "Thủy Hử"…Và đang chờ in.
Đều đặn mỗi ngày nhà văn viết 10 trang giấy A4, chủ yếu là dịch và biên soạn. Những tập bản thảo viết tay của ông cứ mỗi ngày một nhiều lên, nếu xếp thành chồng đã cao quá tay người đứng với. Đến nỗi, vợ ông phải thốt lên: "Ông ấy ăn với sách, ngủ với sách, nhiều khi nói mê cũng nhắc đến sách. Đến nỗi mà mồng một Tết cũng không nghỉ, sáng sớm vẫn rủ tôi đi bộ một vài vòng, tối lại ngồi viết miệt mài. May mà sức ông ấy tốt".
Sắp tới, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Dương Thu Ái sẽ cùng vợ tổ chức "đám cưới vàng", như để nhắc lại những kỷ niệm của một tình yêu đẹp, bền vững và cũng là cách để nhà văn cảm ơn tình yêu của vợ. Bà Nguyễn Kim Hanh vẫn ngày ngày chăm lo cho chồng, với vốn kiến thức Trung văn của mình, bà cũng làm việc chỉnh sửa và hiệu đính các trang sách chồng làm còn chưa trọn vẹn. Ông đã trân trọng đưa tên vợ cùng đứng chung phần tác giả. Vì thế mà rất nhiều cuốn có tên: Dương Thu Ái – Nguyễn Kim Hanh…
Theo Nguyễn Văn Học – CAND Online