Rồi ông bàn tới phê bình: "Thẩm thấu thơ ca không phải dễ, có thể đọc cảm nhận thấy nó hay nhưng nói ra là rất khó. Nhà phê bình khôn thì đi vào văn xuôi, chỉ có người đam mê thì mới đi bình thơ. Phải nói rằng, phê bình thơ hiện nay thiếu và rất cần những "con mắt xanh". Nhưng cái đó thì không ép được, để tạo ra những "con mắt xanh" thì vấn đề là dân trí, văn hóa phải được nâng cao, khi đó, nhà thơ này sẽ đẻ ra nhà phê bình nọ. Mỗi người đọc thơ đã là một nhà phê bình, nhưng những nhà phê bình bằng vai không phải là nhiều", và ông làm tôi chán ngán.

Chán ngán vì đối với nhà thơ này, ngoài việc coi "bình thơ" cũng là phê bình, thì việc tiếp nhận một cách bản chất về quan hệ giữa nội dung với hình thức xem ra cũng hời hợt, song ông vẫn không ngại sử dụng sự hời hợt để bày tỏ ý kiến.

Đem lập luận ấy để "giải" các vấn đề của Thơ mới chắc ông sẽ rơi vào chỗ tắc tị, vì trước hết, Thơ mới đâu có ra đời từ sáng tạo hình thức. Điều làm nên Thơ mới trước hết chính là tinh thần thời đại, là "hơi thở" mới của cuộc sống mà các nhà thơ cảm nhận được, từ đó họ tìm tòi để sáng tạo nên những hình thức thơ mới sao cho chuyển tải được "cây đàn muôn điệu" của các hồn thơ. Riêng về phê bình, biết nói gì hơn trước ý kiến hào sảng rằng "nhà thơ này sẽ đẻ ra nhà phê bình nọ". Cứ theo lối diễn đạt mang màu sắc nhà hộ sinh ấy, không rõ ông nhà thơ đã "đẻ ra nhà phê bình" nào chưa?

Khi mà những ý kiến như của ông nhà thơ kể trên hàng ngày vẫn điềm nhiên xuất hiện trên mặt báo mà vẫn được coi như lẽ đương nhiên của lý luận – phê bình thì lâu nay nếu có một số nhà lý luận – phê bình đứng ra ngoài cuộc thì cũng không nên trách cứ họ. Thử phản bác lại xem, lại chẳng nhanh chóng bị người ta úp cho cái mũ "không biết xấu hổ" như có lần tôi vinh dự được "tặng" đấy ư.

Thật ra, nếu có hỏi "phê bình văn học" là gì chưa chắc họ có thể tự tin để đưa ra một định nghĩa chính xác (ít nhất cũng là trong các từ điển liên quan tới văn học, bằng tiếng Việt). Nhưng bằng vào cái sự coi tất thảy nhận xét, đánh giá tác phẩm văn chương đều là phê bình văn học, có lẽ ít khi người ta tự hỏi làm phê bình văn học cần bắt đầu từ đâu (?). Và xét từ góc độ này, ở đây có phần nguyên nhân từ báo chí.

Phải nói rằng hàng chục năm qua báo chí đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển, làm phong phú đời sống tinh thần xã hội. Riêng với văn hóa – văn nghệ, cụ thể là văn học, báo chí tạo ra "đất rộng" để nhà văn, nhà thơ đăng tác phẩm, đồng thời giới thiệu các cuốn sách tốt với bạn đọc…

Việc Báo Tuổi trẻ làm xôn xao văn hóa đọc thông qua giới thiệu “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cho thấy vai trò của báo chí đối với sinh hoạt văn học quan trọng như thế nào. Nói đâu xa, kẻ viết bài này cũng đôi lần gọi điện tới tòa soạn báo chí để cảm ơn đã chỉnh, sửa một vài sơ suất hoặc nhầm lẫn sơ đẳng mà nghĩ lại vẫn còn xấu hổ.

Tuy nhiên, thực tế còn cho thấy, qua việc đăng tải thiếu chọn lọc một số tác phẩm văn học, một số bài phỏng vấn, một số bài phê bình… báo chí lại góp phần làm nhiễu loạn sinh hoạt văn học, đó là sự thật chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan.

Xét về mặt khoa học, theo tôi, ví dụ gần đây nhất là việc báo X đăng liên tiếp 6 kỳ bài giới thiệu cuốn “Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta”. Một cuốn sách trong mấy chục năm xuất bản hai lần, không để lại bất kỳ dấu vết nào trong đời sống học thuật, vậy mà chỉ qua việc lăng-xê, qua tán tụng của một nhà báo có khả năng tiếp nhận, thẩm định rất kém cỏi, vô trách nhiệm… lại trở thành công trình có "phát hiện động trời", đủ để người ta tự tin đến mức đưa cả các tên tuổi khả kính của quá khứ ra mắng mỏ.

Nghiên cứu như thế, đọc và giới thiệu như thế thì chỉ có làm hại khoa học, làm rối loạn nhận thức của công chúng, chứ làm sao có thể gọi là đóng góp cho khoa học và xã hội.

Còn những chuyện đại loại như nhà sử học danh tiếng nọ bảo nhân dân ta xưa vì kính trọng Lý Bí nên kiêng luôn chữ "bí", kiêng luôn việc gọi tên "quả bí" mà gọi là "quả bầu" (lẽ nào nhà sử học lại không biết tới câu ca "Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn").

Rồi một phó giáo sư, tiến sĩ viết la liệt bài nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng trong khi không biết lấy một nốt nhạc bẻ đôi. Rồi đến nhà nghiên cứu văn hóa nọ nhận định những năm gần đây, người Việt Nam mang múa rối nước ra biểu diễn ở nước ngoài, tham gia liên hoan nghệ thuật ở một số nước… là "tiếp biến văn hóa" thì quả là kỳ khôi, tiếp biến văn hóa đơn giản như thế thì văn hóa Việt Nam đã bị "Hoa hóa", "Pháp hóa", "Nga hóa" từ lâu rồi.

Và ai đã biết truyền thuyết về Khâu Đà La hẳn là sẽ ngán ngẩm lắc đầu khi thấy nhà nghiên cứu này "mông má" lại rồi kể ngày xưa Khâu Đà La tá túc ở nhà Man Nương, chẳng may Man Nương mang bầu, gia đình liền đổ luôn cho cụ!

Làm biên tập, tôi từng gặp vô khối những trình diễn tri thức chắp vá như vậy, và tôi phải đứng trước ba lựa chọn: nếu bỏ đi thì thiếu bài đăng, nếu để nguyên thì người đọc sẽ cười người biên tập, nếu sửa chữa thì lại làm "sang" cho tác giả.

Như lần đọc bản thảo của một ông được phong là nhà Hà Nội học, thấy ông bảo hai câu thơ: "Người lính già đầu bạc – Kể mãi chuyện Nguyên Phong" là của… Ngô Sĩ Liên, tôi quá kinh ngạc, đành sửa tên tác giả giúp ông, nếu không, người đọc lại chẳng cười nhà Hà Nội học đến… thối mũi! Đứng trước tình trạng đó, mọi người không thể biết đây là hậu quả của biên tập yếu kém, được tên tuổi bảo lãnh hay thủ pháp gây tranh cãi để bán báo? Song dù là lý do nào cũng không thể chấp nhận tình trạng như thế kéo dài.

Vai trò của báo chí như vậy, song dẫu sao vẫn chưa quan trọng bằng vai trò của người làm lý luận – phê bình, như câu nói của cổ nhân rằng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nhìn từ bất kỳ bình diện nào, nhà lý luận – phê bình vẫn là người sản xuất sản phẩm, và chất lượng sản phẩm ra sao, trước hết phụ thuộc vào người làm ra nó.

Nói mà không sợ mất lòng, ở thời điểm hiện tại, tôi không đặt hy vọng của lý luận – phê bình nước nhà vào một số cây bút ngỡ mình là đại gia, gặp nhà văn, nhà thơ trẻ là gợi ý: "Đưa anh (chị) cuốn sách, phải có anh (chị) giới thiệu mới được".

Tôi càng không đặt hy vọng vào một số tác giả là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bởi căn cứ vào sản phẩm, tôi thật sự nghi ngờ năng lực thực tế của họ. Chưa nói tôi còn không tin vị tiến sĩ nọ có bằng cấp như vị ta vẫn huênh hoang.

Hay gần đây hơn, tôi đang đặt câu hỏi về cái bằng tiến sĩ của một ông "cái gì cũng biết", viết lách như ngộ chữ, sản phẩm đầy mùi tư biện mà khệnh khạng, vênh vang cứ như là "đại gia" (đến mức có lần trên Internet, nhận xét một bài viết của ông "tiến sĩ" này, một nhà lý luận – phê bình ở trong nước đã phải sử dụng tới ý niệm về tình trạng "bệnh hoạn và bất lương")! 

Theo tôi, thống nhất một quan niệm khoa học và nghiêm túc về lý luận – phê bình văn học đã và đang là điều chúng ta đang thiếu. Không thống nhất quan niệm, lý luận – phê bình sẽ còn ở trong tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" và sẽ còn mất uy tín trong đời sống văn học.

Bắt đầu từ sự thống nhất quan niệm, các tác giả lý luận – phê bình mới có ý thức nghề nghiệp, để dần dà hình thành nên một đội ngũ người làm lý luận – phê bình chuyên nghiệp, mà nói như PGS Đặng Anh Đào "dù viết theo kiểu nào, thì hướng phấn đấu của phê bình văn học hiện nay vẫn là tính chuyên nghiệp".

Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy, tính chuyên nghiệp đang là đòi hỏi bức thiết của lý luận – phê bình Việt . Tính chuyên nghiệp sẽ loại bỏ khỏi sinh hoạt lý luận – phê bình những sản phẩm cảm tính, mượn lý luận – phê bình để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Đồng thời, tính chuyên nghiệp đưa tới một cái nhìn khách quan, biết thừa nhận ý kiến của người khác khi tiếp cận đối tượng phức tạp như tác phẩm văn chương một khi đó là ý kiến được luận chứng khoa học, nghiêm cách.

Hơn nữa, như PGS Đặng Anh Đào viết: "Những hành xử bất nhã từng làm vẩn đục môi trường tranh luận trong phê bình văn học vừa qua sở dĩ xảy ra là do chúng ta thiếu thói quen tranh luận, truy đến cùng và nói cho to tát là dân ta không nằm trong xứ sở có truyền thống của chủ nghĩa Hoài nghi. Song trong quá trình làm quen với va chạm, người ta sẽ học được cách ứng xử phù hợp".

Đúng như vậy, hoài nghi khoa học một cách lành mạnh là một trong những tiền đề quan trọng của phát triển. Tranh luận và phản biện là hành động cần thiết và hữu ích trên lộ trình đi tới chân lý. Cũng như mọi lĩnh vực hoạt động khoa học khác, sự tự đắc, thói háo danh, tình trạng thiếu vắng tinh thần cầu thị… là các yếu tố luôn gây cản trở đối với sự phát triển lý luận – phê bình.

Và cuối cùng, quan trọng hơn vẫn là phẩm chất nghề nghiệp, là tư cách của nhà lý luận – phê bình. Không quan tâm trui rèn hai yếu tố đó, chúng ta sẽ chỉ có các nhà lý luận – phê bình nghiệp dư, sẽ chỉ có một nền lý luận – phê bình được chăng hay chớ, và vì thế, sẽ trở thành nỗi thất vọng của công chúng, không đóng góp gì vào sự phát triển.

Theo Nguyễn Hòa – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *