Tôi đã đọc “Với hoa đào năm cũ” của Nguyễn Tham Thiện Kế và cũng đã đọc bài trao đổi "Về một truyện ngắn trong nước phải dịch ra tiếng Việt" của Song Nguyễn. Nhưng khi đọc bài “Đành gửi một người Việt mơ hồ vắng mặt” của Vi Thùy Linh trên báo Văn nghệ số 25 ngày 19/6/2010 và toàn văn trên một số Trang web, tôi thấy cần phải lên tiếng để phê phán chị về thái độ trịnh thượng, thiếu tính xây dựng, không chịu tiếp thu sự phê bình đúng đắn.

Một tác phẩm văn học ra đời, được bạn đọc đón nhận, trao đổi, mạn đàm, kể từ xưa cho tới nay, đó là chuyện bình thường. Nếu thấy có chỗ nào chưa đúng thì nói lại cho rõ, làm gì mà “lồng thách đách chôn” như người “có tật giật mình” vậy. Đọc cả bài viết của Linh, tôi thấy toát lên một thái độ kiêu căng, tự mãn, coi mình là nhất. Những từ ngữ chị dùng xấc xược, hỗn láo. Chị miệt thị, quá coi thường người khác. Câu chị viết ở đoạn đầu bài để chê bai Song Nguyễn, nhưng rất đúng với chị. Nó không phải là phê bình, không có tính lý luận văn học. Bài viết của người ta có tên tác giả hẳn hoi, dù là bút danh mà chị còn mơ hồ. Thử hỏi, chị mơ hồ cái gì, chắc là chị đang “lơ tơ mơ” nên hồ đồ chăng?

Song Nguyễn viết : “Một truyện ngắn trong nước phải “dịch” ra tiếng Việt”, thế mà chị dám bóp méo sự thật, chì chiết mấy từ “dịch ra tiếng Việt” rồi hét toáng lên, làm mình làm mẩy, vu vạ cho người ta : “Vô hình trung, ông gọi nó là Tây”. Thật ấu trĩ. Chị dạy dỗ ai : “Nên đọc thêm sách và tra lại lịch sử, khi bản thân mình cái tâm không trong sáng”. Chị viết : “Thành ngữ "Thấy điếc không sợ súng” lập tức hợp với tình huống này”. Tôi lại cho là hợp với chị.

Trở lại : “Với hoa đào năm cũ” có gì đặc biệt đâu mà chị bốc thơm, ca tụng lên tận mây xanh như thế. Tôi không bàn đến nội dung, cách xây dựng cốt truyện, tôi chỉ lưu ý về từ ngữ và câu cú để trao đổi với chị. Câu chuyện này chỉ là một nồi lẩu thập cẩm về văn chương với những từ ngữ ngô nghê, rối rắm, hổ lốn, tắc tị, với những câu què cụt, tối nghĩa, đánh đố người đọc. Nó chỉ làm cho bạn đọc khó chịu, không thể tiêu hóa nổi. Sao chị lại bắt bạn đọc phải hiểu như chị? “Vẻ phong nhiêu ngoại ô hoa đào, hương trầm oản mời… ”. Chị bảo đẹp hiển lộ phơi mở thế. Đoạn sau chị viết : “Chỉ có nhà văn, nhà thơ có trí tưởng tượng phong nhiêu”. Trời ơi, vẻ đẹp phong nhiêu, trí tưởng tượng phong nhiêu là gì nhỉ? Thế thì không phải là đánh đố bạn đọc ư? Nếu Hồ Xuân Hương còn sống, khi gặp chị (và những người như chị), bà sẽ kêu lên : “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/ Nó bảo nhau rằng : “Ấy, ái uông!”.

Chị viết độc giả cao cấp là độc giả nào? Chị tự cho phép mình xếp loại độc giả ư? Với tinh thần xây dựng, Song Nguyễn đã nêu 9 câu văn “có vấn đề” trong truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế để tác giả rút kinh nghiệm. Vậy mà chị đã cả gan nói liều rằng các trích dẫn đó “đều là những sáng tạo riêng, thuộc hạng những câu hay nhất” mà không có chứng minh xác đáng nào. Đoạn giữa, chị viết : “Không ai, không đâu quy định câu văn, câu thơ phải đủ chủ ngữ, phải đúng câu ngữ pháp… ”. Thế thì chị không đi học phổ thông à? Các thầy cô dạy văn cho chị đâu hết cả rồi? Sự tôn sư trọng đạo trong chị có còn không. Văn tức là người. Đọc câu này của chị, tôi lại hình dung chị như một đứa trẻ không được dạy dỗ. Nó được ưu ái, chiều chuộng nhiều để khi ra đường, nó chỉ nói tục, chửi bậy. Thật xấu hổ vô cùng. Sao tiếp thu phê bình mà hậm hực thế hả Linh? Song Nguyễn nói đúng, nói một cách đầy đủ, có lý lẽ khoa học thì phải tiếp thu chứ. Tôi không hiểu sao chị lại bực tức, cay cú với cả bút danh của người khác. Người viết dùng bút danh là quyền của họ chứ. Thật là nực cười.

Chị kể lể dài dòng chuyện đi nước nọ, xọ nước kia (có người còn đi nhiều hơn chị) để làm gì? Chị thắp hương lên mộ người này, người khác cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, có gì mà phải khoe khoang. Chị kể tên người này, người khác ở trong nước và trên thế giới. Ai mà chả biết những người này, vì họ đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam từ lâu rồi.

Chị chớ có hằn học, tức tối, kẻ cả với những người viết tử tế, đứng đắn. Nếu chị cứ khăng khăng bảo thủ, kiêu ngạo, mạt sát người khác thì chị không bao giờ tiến bộ cả.

TRẦN TẤT THẮNG (CCB thôn Kim Lũ – xã Tiên Nội – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam) – Theo phongdiep.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *