Tôi vừa mới đến thăm một trường trung học, thấy nhiều chuyện để suy nghĩ, đều là những vấn đề nhức đầu về giáo dục. Nhưng có lẽ, tôi nên bắt đầu từ một chuyện nhỏ trong nhà vệ sinh.
Lúc đó giờ nghỉ trưa, phòng vệ sinh khá đông người, chủ yếu là các buồng tiêu tiểu, nhưng bồn rửa mặt không đến nỗi đông, vì nhiều người có thói quen rửa tay qua loa, hoặc không cần rửa tay sau khi làm vệ sinh. Cũng có những người kỹ lưỡng, ngắm vuốt lâu lắc trước tấm gương. Khi tôi vừa vào cửa thì gặp một cô bé đang săm soi gì đó trên gương mặt trăng tròn còn đẫm nước. Cô bé dùng tay hứng nước khoát lên mặt, rồi lại ngắm nghía mặt mình trong gương, vòi nước vẫn chảy ào ào. Vuốt vuốt mái tóc rồi lắc lắc cái đầu, cô bé đi ra. Một cô bé khác từ trong buồng tiểu đi ra, đến bên vòi nước đang chảy, đưa hai tay ra hứng nước, rửa sơ sơ rồi bước ra cửa.
Khi tôi từ buồng tiểu ra thì thấy một cô bé khác đang đứng trước gương, cũng đang ngắm vuốt tóc tai, và vòi nước vẫn liên tục chảy. Thấy tôi, cô bé đi ra với vẻ mặt cao thượng, ngụ ý “nhường cho đó”. Vòi nước vẫn chảy ào ào. Tôi rửa tay xong, vặn ngược vòi nước, dòng nước ngưng chảy. Thì ra, đây cũng là một vòi nước bình thường, người ta có thể mở ra và tắt đi theo nhu cầu sử dụng, chứ không phải là vòi nước được thiết kế chảy triền miên, hay vòi nước hư như ban đầu tôi tưởng. Tắt nước xong, tôi đứng qua một bên để kiếm khăn lau tay. Phòng vệ sinh khá sạch sẽ và hiện đại, nhưng không có máy sấy hơi hay khăn giấy, cũng như trong buồng tiêu tiểu không hề có giấy vệ sinh.
Bởi vì chuyện đó là bình thường ở hầu hết các nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam nên tôi đã thủ sẵn trong giỏ xách của mình những gì cần thiết. Trong khi tôi đang lục túi xách thì một cô bé khác đến đứng trước bồn rửa mặt, vặn mạnh cái vòi nước, nước chảy ào ào. Cô bé rửa tay rồi bước ra cửa. Tôi bèn bước tới tắt vòi nước đi. Một động tác rất đơn giản, nhẹ nhàng, không mất thì giờ gì hết. Tôi dễ dàng thông cảm. Tôi cũng có cháu ở tuổi “teen”, và tôi biết ở tuổi đó, người ta đãng trí và vô tư như thế nào. Vặn, tắt vòi nước là chuyện nhỏ.
Trong thời gian tôi còn nấn ná trong nhà vệ sinh lục tìm túi xách lấy khăn giấy để lau tay và mặt mũi, có thêm ba cô bé lần lượt sử dụng bồn rửa tay, chủ yếu là sử dụng tấm gương. Không cô nàng nào tắt vòi nước sau khi rửa tay. Tôi bèn tắt vòi nước một lần nữa, ngay khi cô bé vừa rửa tay xong, cố ý để cho cô bé thấy hành động cần thiết này. Cô bé liếc tôi một cái rồi biến nhanh, khiến tôi không kịp nhìn mặt mà đoán cô nàng nghĩ gì : Bà này rảnh quá, đứng chực trong nhà vệ sinh công cộng để tắt vòi nước, hay bà này nhiều chuyện quá, vòi nước đang chảy lại đi tắt, mắc công đứa khác phải vặn mở vòi. Hay cô bé áy náy vì lẽ ra mình phải biết là xài xong (dù của công) thì cũng phải tắt đi.
Người ta mời tôi đến là để nói chuyện văn chương hay ho và những thế giới thần kỳ, như thế giới phù thủy hay xã hội Âu Mỹ, và tôi cũng biết là những thế giới đó mới thu hút được bọn “teen”. Tôi cũng có sẵn mấy slideshow để giới thiệu những thư viện và sân bóng, các lớp học và kiến trúc trường ốc, cùng nhiều cảnh sinh hoạt của sinh viên học sinh nước ngoài, để minh họa cho bài nói chuyện đã soạn sẵn về sự chuẩn bị của tuổi trẻ cho tương lai. Tôi đã không nghĩ đến hình ảnh những nhà vệ sinh. Chính tôi cũng đã quên nhà vệ sinh công cộng cũng là một nơi chốn văn hóa, một “cơ sở giáo dục” như phòng học, thư viện.
Tôi nhớ hồi mới hòa bình, đi học chính trị có nghe kể là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một cơ sở bộ đội hay trường học gì đó, cụ đi thẳng ra sau thăm nhà bếp và nhà vệ sinh trước tiên, vì cụ rất quan tâm đến điều kiện sinh hoạt của đồng bào và cán bộ. Tôi nhớ hồi đó, tôi (vừa mới qua tuổi teen) đã nghịch ngợm lý sự rằng : “Cụ lớn tuổi, đi đường xa, tới nơi đương nhiên phải đi thăm nhà vệ sinh trước!” Bây giờ, tôi không có ý đính chính gì cả, khi mà tôi cũng đã tới tuổi “đi đường xa, tới nơi đi thăm nhà vệ sinh trước.” Đó là một nhu cầu tự nhiên của con người, mà cái nhu cầu đó lại thể hiện khá là sâu sắc khía cạnh văn hóa của mỗi người.
Nhưng cũng chính vì nhận thức ra khía cạnh văn hóa đó, tôi hiểu ra tính chất “cách mạng” trong hành động của một vị Chủ tịch nước : Văn hóa dân tộc không chỉ là những đền đài miếu mạo, ca nhạc, trống đồng, mà có cả những tập quán vệ sinh. Và không thể thay đổi một tật xấu cộng đồng nào đó bằng cách đặt mình cao xa hơn tầm cộng đồng, với một thái độ không biết đến những chuyện vặt ấy làm gì. Chỉ có điều, sau bao nhiêu năm, cơ sở vật chất nhiều nơi ở xứ mình rõ ràng có tiến bộ, nhưng hình như cái văn hóa nhà vệ sinh công cộng không được thay đổi mấy. Vẫn còn nguyên một tinh thần mặc nhiên coi đó là chỗ bầy hầy mà không hề ý thức là chính mình tạo ra cái bầy hầy đó.
Đi vô nhà vệ sinh một trường học (trường này cũng thuộc loại sang, có uy tín), tôi nghĩ có lẽ cái gốc ở đây. Nhà trường chúng ta không bận tâm những chuyện “vặt vãnh” như uốn nắn thói quen học sinh trong… nhà vệ sinh. Nhà trường dạy Toán – Lý – Hóa – Anh văn sao cho học sinh thi tốt nghiệp 100%. Cái chuyện nhỏ chúng quên tắt vòi nước hay vặn vòi quá mạnh, làm văng nước tùm lum khiến sàn nhà lúc nào cũng nhớp nháp, thậm chí không xả bồn cầu sau khi sử dụng, hay quăng khăn giấy xuống sàn rồi giẫm đạp lên… tụi nó đều biết là không đúng, chứ có phải không được dạy đâu, nhưng chúng cứ thản nhiên làm vì… ai cũng làm vậy! Chị lao công dọn vệ sinh của trường vất vả lắm chứ, và chị cũng thường nhắc nhở tụi nó, nhưng “thầy bà” nói chúng còn không nghe nữa là chị lao công.
Kể cũng khó. Thói quen phải tập từ nhỏ, và cá nhân phải được thực hành những thói quen tốt thường xuyên trong môi trường thuận lợi mới hình thành nên tập quán văn hóa của xã hội. Có lần, đi cùng nhà văn Sơn Nam về nông thôn, ông chỉ mấy tấm bảng chữ to “Ấp Văn hóa” hay “Xã Văn hóa” mà phê bình : “Cả xã không tìm ra một cái nhà vệ sinh công cộng cho tử tế, mà văn hóa cái nỗi gì?” Hồi xưa, thưở đất trời còn rộng rãi, nông thôn có văn hóa “ỉa đồng”, thành thị mới cần nhà vệ sinh công cộng. Bây giờ người đông đất chật, môi trường bị ô nhiễm là hiểm họa thường xuyên, giáo dục văn hóa vệ sinh công cộng cho trẻ em có lẽ cần hơn Toán – Lý – Hóa và tiếng Anh.
Lý Lan – Theo Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy