Tạp văn
Năm ngoái, tôi được tháp tùng đoàn nhà văn Nam bộ vào thăm Lũng Cú. Từ vùng phù sa châu thổ phía Nam lên với cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) – cực Bắc đất nước, các nhà văn như lạc vào một thế giới mới lạ. Lái xe Nguyễn Xuân Thành của Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu đi đường núi phía Bắc nhưng tỏ ra là một tay lái lụa, đầy bản lĩnh khi vào cua tay áo, leo dốc ngược trời. Anh đã lái xe nhiều lần trên những con đường Tây Bắc, nhưng cũng phải thừa nhận, núi non phía Bắc này hùng vĩ hơn.
Nhà văn Nguyễn Vũ Hồng (Vũ Hồng – tỉnh Bến Tre) nghiện thuốc lá, thỉnh thoảng lại mở cửa kính, phun khói mù mịt cả khoang xe. Buổi đêm ở nhà nghỉ Lũng Cú, tôi nằm khểnh, nghe lá cờ reo phần phật trên đỉnh núi Rồng, ngảnh sang, thấy điếu thuốc lá của Vũ Hồng vẫn cháy đỏ như nụ hoa đào. Đoạn, Vũ Hồng lấy cuốn “VUHONG.COM” bìa cứng, dày cộp, đề tặng. Tôi bảo, thấy sách ở thùng xe, nhưng chờ mãi. Vũ Hồng cười, lúc này, tặng ở đây mới ý nghĩa chớ.
Sớm mai thức dậy, đã thấy Vũ Hồng ngồi bên ly cà-phê. Một lát, cũng thấy nhà văn Lê Văn Thảo (thành phố Hồ Chí Minh) và nhà thơ Lê Chí (thành phố Cần Thơ) lục tục ghé quán. Buổi sớm, chưa ăn gì, tôi không thể uống cà-phê, cồn ruột lắm, bèn lững thững ra cánh đồng Thèn Pả. Thèn Pả có nghĩa là ruộng bằng. Mà cánh đồng này cũng bằng phẳng và rộng thênh. Chàng trai Mông xách lồng họa mi đi lên núi. Trên sườn đồi, mấy đám nương tam giác mạch, hoa trắng như tuyết. Chó chạy nhẩng trên bờ ruộng. Có tiếng gà gáy muộn văng vẳng đâu đây. Chuông bò loong coong sau bờ rào đá. Khói bếp la đà trên mái ngói âm dương. Cô gái Mông đang giặt bên vòi nước máy, chắc là loại nước tự chảy. Trời se se lạnh, khiến đôi bàn tay cô gái đỏ tấy và má hồng tươi như táo chín. Quay về quán cà-phê, xin Vũ Hồng nửa ly : “Tôi uống để lấy cảm xúc thôi”.
Trên đỉnh Lũng Cú |
Lên thăm cột cờ, độ cao một nghìn sáu trăm mét. Cô thuyết minh là người ở xóm Má Lủ. Má Lủ thì ở ngay bên hữu ngạn sông Nho Quế, dưới chân Mã Pí Lèng. Xóm này cũng có cây cà-phê, tươi tốt lắm. Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam, bắt đầu từ Lũng Cú, rồi ăn vào sông Gâm, nhập với sông Lô, xuống sông Hồng mà ra biển Đông, hòa cùng Thái Bình dương. Giọt nước đậm đà chảy theo dằng dặc tràng giang.
Đứng trên núi Rồng, nhìn xuống dưới chân là hai cái ao mắt Rồng, nước không bao giờ cạn. Ao trái của xóm Lô Lô Chải, người Lô Lô và ao kia là của xóm Thèn Pả, người Mông. Năm xưa, nghệ sỹ Vương Thị Vấn – người Lô Lô – cũng ở vùng này và công tác tại Đoàn ca múa Hà Tuyên cũ. Chị cũng nghiện hút thuốc lá và kéo đàn ác-coóc-đê-ông rất hay. Theo chị kể, về thủ đô được gặp Bác Hồ. Bác hỏi chuyện và cải tên cho chị là Vân. Tôi còn được gặp tiến sỹ Lò Giàng Páo, cũng là người Lô Lô bên Mèo Vạc, nay công tác ở Hà Nội. Anh có công trình nghiên cứu về trống đồng ở vùng biên giới. Theo anh tìm hiểu, thì từ địa danh Lũng Cú, có xuất xứ là lũng đất của ông Cú, người dân tộc Lô Lô, chỉ đơn giản vậy, mà có sức thuyết phục. Nhưng bây giờ, người ta giải thích, Lũng Cú, theo chữ Hán là Long Cư, tức là đất rồng ở, khiến tôi mười phần nghi hoặc.
Nhìn lên dãy núi cực Bắc xa xa là mốc mười bảy cũ, nay là mốc bốn trăm hai mươi hai. Trên bản đồ hành chính, Lũng Cú như một cái chóp nón, có hai cạnh bên là biên giới Việt – Trung, còn cạnh đáy là xã Ma Lé. Ma Lé như cái khăn vắt qua, hình thang, hai cạnh bên cũng là biên giới Việt – Trung. Khi xe về qua chợ Ma Lé, đoàn nhà văn Nam bộ vào xem cảnh chợ vùng cao, với những chảo thắng cố nghi ngút khói và những chén rượu tràn đầy. Quây quanh bàn rượu giữa chợ, cả đàn ông và đàn bà cùng quây quần uống. Chỉ có điều lạ, không mấy khi thấy ngựa, mà chỉ nhiều mô-tô. Người Mông, người Lô Lô, người Giấy, người Tày… đều đi mô-tô ra huyện lỵ Đồng Văn hoặc về các thôn bản, cũng không thấy xe đạp và xe máy (bốn mươi chín phân khối), vì chúng không thể leo được đèo dốc biên thùy.
Gặp bọn trẻ con chăn dê, nhà văn Lê Văn Thảo kêu dừng xe và chụp ảnh với chúng. “Ông cá hô” còn cho chúng quà. Đột nhiên, hai chú dê con xông vào húc nhau. Nhà thơ Lê Chí vội vã lấy máy ảnh kỹ thuật số ra chụp, hình như càng chụp, chúng càng húc nhau hăng. Dân ở đây cũng thích “chọ xạ” (chụp ảnh). Có lần ghé qua nhà dân xin mèn mén ăn đường, thấy có cái ảnh dán ni-lon hẳn hoi treo trên vách trúc, nom như con tem; hỏi ra mới biết, chủ nhà đã cắt ảnh, treo chơi, để lại cái ô cửa sổ bé xíu trên giấy chứng minh nhân dân.
Ngược Hà Giang, lên Đồng Văn, vào Lũng Cú, thiên nhiên hùng vỹ gây cảm giác mạnh, ngập tràn, làm chất men say, tạo nên bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… Trên lũng đất của ông Cú xa xưa khai khẩn, bây giờ, có đường ô-tô vào xã, đường mô-tô xuống bản. Lưới điện quốc gia đã về tận mỏm tột Bắc. Nơi đây đã có trường học, bệnh xá, nhà nghỉ, chợ và đang làm lại cột cờ trên đỉnh núi Rồng cho bề thế, vững vàng hơn.
Tuyên Quang, 2010
VŨ XUÂN TỬU – Theo SCLO