Có thể nói, chưa bao giờ văn nghệ sĩ (VNS) nhận được quá nhiều sự quan tâm của Nhà nước như hiện nay. Từ những chương trình hỗ trợ sáng tác – sáng tạo, những cuộc thi từ nhỏ đến lớn cũng tiêu phí không biết bao nhiêu là tiền của Nhà nước, rồi những đợt thực tế sáng tác từ Hội địa phương đến trung ương mà kinh phí phần lớn vẫn từ tiền ngân sách.

Đi Trại sáng tác bây giờ đối với VNS thật tình phải gọi là một đợt nghỉ dưỡng mới đúng. Những phòng nghỉ theo tiêu chuẩn khách sạn “sao”, ăn uống như “đại biểu” mà tác phẩm thì… là những tác phẩm có sẵn mang theo! Có người sẽ gọt giũa chút ít, có người để “y thinh” và nộp theo kiểu “trả lễ quỉ thần”, còn tác phẩm mới sáng tác từ trại ư? Thảng hoặc lắm, mà có chăng thì… hãy đợi đấy!

Đó là chưa kể đến cách sống của VNS trong 15 ngày ở trại. Thật là “trưởng giả” đến bất ngờ. Ai cũng biết, những trại trung ương như Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nhà sáng tác Đà Lạt, Nhà sáng tác Nha Trang, Nhà sáng tác Đại Lải… thì luôn có sự hoán đổi VNS miền này đến miền nọ, vùng này đến vùng kia hầu tạo ra cảm xúc mới để sáng tác. Thế nhưng chính điều đó đã làm thói “trưởng giả” của một số cá thể được nâng cao!

Về việc ăn uống, VNS không dễ gì chấp nhận thực đơn của nhà bếp, mà hay yêu cầu thứ này thứ nọ sao cho “thật đặc sản” của vùng miền ấy, nhưng phải “hợp khẩu vị” với mình (?). Tôi từng biết một vài VNS phía Bắc, khi đi trại đến Vũng Tàu thì yêu cầu nhà bếp không nêm đường vào thức ăn, và bữa ăn của VNS luôn phải có ớt tươi nguyên trái, ớt tươi xắt lát và cả ở bột xào dầu! Hoặc vài nhóm VNS phía Nam, khi đi trại ở Đà Lạt thì kêu rằng phải có món xà-lách trộn, canh củ dền, khoai tây… như vậy mới đúng là “đặc sản”. Khi đi trại ra phía Bắc, VNS phía Nam (thường là chỉ được một lần đi duy nhất) hay kêu gào rằng thức ăn nhạt quá, lại thiếu nước mắm, canh chua gì mà chua “thụt lưỡi”, kho sao không ngọt ngọt… Họ đòi hỏi một cách vô cùng thái quá, y như rằng họ là “vua”, là muốn gì được nấy, là thích thì thôi, không thì tha hồ mà hoạnh họe nhà bếp chứ không hề nhớ mình đang là khách mời, là cần thiết sự lịch thiệp vốn dĩ của một VNS.

Về chuyện ở càng “khó coi” hơn. Họ, những VNS trẻ lắm cũng tầm 30, có nghĩa là phần nhiều đã thuộc U50. Lứa tuổi rảnh rang trong việc con cái, nhà cửa để đầu tư cho sáng tác, cũng là lứa tuổi đã chín chắn trong mọi việc đối nhân xử thế. Vậy mà họ không nghĩ như thế. Đa số các Nhà sáng tác cứ hai ngày là  nhân viên sẽ dọn phòng một lần. Thời gian đó, phòng vừa đủ dơ để dọn. Vả chăng, VNS sử dụng phòng để có nơi yên tĩnh, riêng biệt mà viết, mà tiếp chuyện nhau chứ có làm gì để quá cần nhân viên vệ sinh? Nhưng không phải vậy. Phòng nữ thì đầy rẫy tóc rụng, vỏ bánh kẹo, trái cây, trong toi-let thì vung vảy xà-bông, kem đánh răng, sữa tắm, sữa rửa mặt… Họ “ní nuận” rằng : “Có nhân viên vệ sinh, tội gì mình phải dọn”. Và sau đó chỉ già nửa ngày là kêu om sòm lên rằng phòng mình dơ quá, yêu cầu dọn dẹp! Phòng nam thì đầy xác trà, vỏ bao cà-phê, vỏ lon bia và nhất là tàn thuốc cứ vứt lung tung. “Chẳng may” được mời vào chơi khi gia chủ vừa đi đâu đó về phòng là bảo đảm khách sẽ “bung sườn” ngay bởi bao mùi vị cùng xộc ra một lúc.

Và đỉnh điểm của sự “lập dị” của không ít cá thể mang danh VNS là ở Nhà sáng tác Vũng Tàu vào tháng 4/2010 do Ủy ban Toàn quốc tổ chức. Ban tổ chức thừa hiểu trại mang tính toàn quốc thế này là mỗi tỉnh chỉ được chọn 1 – 2 người. Có người tận đỉnh Hà Giang, có người miền Trung cát trắng, và cũng không ít người ở tận cùng Tổ quốc. Nếu không có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước thì có thể trong đời, họ không thể nào đến được Vũng Tàu nên đã mở lời rằng : “Các anh chị từ xa tới đây, có thể là sẽ có nhiều bạn bè mời đi thăm thú nơi này nơi khác. Nếu các anh chị không dùng cơm của trại thì vui lòng báo cho Ban tổ chức chúng tôi biết để chúng tôi báo lại với nhà bếp cho không uổng phí phần cơm”. Lý ra, họ phải biết trân trọng Ban tổ chức trại, trân trọng thời khắc ít ỏi của 15 ngày bên nhau để rồi có khi suốt cuộc đời, cuộc gặp gỡ này chỉ là kỉ niệm. Nhưng một số VNS không nghĩ như vậy. Tôi “may mắn” được cử làm Phó trại phụ trách đời sống của anh chị em trại viên, nhưng quả tình chưa một lần được nhận “thông báo” rằng hôm nay bản thân VNS nào sẽ dùng bữa ở ngoài. Mà chỉ là khi lên mâm cơm, chờ mãi thấy thiếu thì tự gọi điện thọai xem sao đến giờ mà anh (chị) chưa đến phòng ăn. Lúc ấy mới té ngửa rằng : “Anh (chị) đang nhậu với bạn bè bên ngoài". Thật là… đến lúc này thì vàng nuốt còn không ngon chứ nói gì cơm!

Thế nhưng, đã có vài VNS thật sự làm cho tôi bị sốc. Đó là nữ tác giả Đ.T.T ở Ninh Thuận. Buổi sáng, chị bỏ bữa với lý do “có một người bạn mời tiết canh”. Buổi trưa không thấy báo gì, lại vẫn bỏ bữa. Buổi chiều khật khưỡng bước vào phòng ăn huơ tay “chào cả nhà” rồi thôi. Tôi bước theo hỏi chị, ngày mai có dùng bữa bên ngoài nữa không để tôi báo với nhà bếp, để như thế này thì uổng phí quá. Chị cười khì khì : “Ối giời ơi… có gì mà em lo thế không biết! Không ăn thì bỏ, của Nhà nước chứ của bố gì mình mà sợ hao tốn!”. Lời chị ồn ào theo men rượu và tiếng cười của cả phòng ăn vọng ra làm tôi suýt khóc. Chị giàu có đến thế ư? Tiêu chuẩn ngày cả trăm ngàn mà không ăn thì bỏ? Chị có biết, chị bỏ bữa một lần là bằng cả gia đình lao động sống cả ngày không?

Có lẽ cần phải nói thêm rằng, Nhà sáng tác Vũng Tàu có hai nhân viên bếp nhưng thời điểm 4/2010, một người phải nghỉ hộ sản mà Nhà sáng tác không tìm được nhân viên hợp đồng ngắn ngày nên các nhân viên lễ tân phải xuống bếp phụ nếu rảnh. Vậy là vẫn một người phục vụ 20 – 25 người, thế nên tôi hay xuống phòng ăn sớm để đi qua hai đoạn cầu thang đứng dựng mà xuống tầng hầm – nhà bếp để phụ trợ. Chắc mãi thành quen, các VNS trại viên quên béng tôi cũng như họ, mà nghĩ rằng tôi là nhân viên phục vụ nên cứ gọi loạn lên. Nữ thì xin cốc nước chè, cái thìa bé, chiếc đũa, chiếc khăn ăn (dù mọi thứ ở bàn bên cạnh)… Nam thì “xin” cái ly, vài lát ớt xắt (dù rằng dĩa ớt trái cạnh bên). Buồn cười thật.

Nhưng buồn nhất là đêm giao lưu cùng Hội VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu. Mười giờ mới giao lưu xong, sau đó thì liên hoan nhẹ. Nhưng chị bếp bảo rằng nhà chị ở xa, chị không thể chờ để dọn tiệc. Thì chị sẽ nấu sẵn, khi nào ăn, trại vui lòng xuống bếp múc lên. Vậy xem như vẹn cả đôi đường rồi. Trước khi vào buổi giao lưu, tôi “báo cáo” tình hình “đội nhà” mình như thế và kêu gọi mọi trại viên cùng chung tay chứ một mình tôi không thể phục vụ bữa tiệc những 40 người, dù chỉ là liên hoan nhẹ. Và tôi “khẩn thiết” nhờ hai anh D.Đ.K cùng P.M.L của tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Buổi giao lưu sắp xong, tôi lại nhờ hai anh xuống phụ nhưng họ “quăng cục lơ” to đùng. Tôi lại gọi lần hai, lần ba và bây giờ thì họ gắt : “Bộ em không thể làm sao? Em không biết làm sao mà gọi bọn anh hoài!”. Tôi… không biết thật, nhưng là không biết gọi họ là gì cho phải phép!

Dù sao thì những cá thể như kể trên không nhiều, nhưng cũng không phải là quá hiếm trong đội ngũ VNS. Có lẽ họ nghĩ rằng, họ có một hai bài đăng ở báo trung ương, đi một hai trại cấp trung ương thì họ đã là “sao” rồi, mà “sao” thì mọi người phải phục vụ, mọi sự tốt đẹp nhất phải dành cho “sao”. Nhưng họ quên rằng, với cách sống như thế thì không muộn, họ sẽ là “sao xẹt” trong lòng bè bạn. Và điều dễ thấy nhất là vì tài năng của họ không đủ nâng đỡ cho tên tuổi trở nên nổi tiếng nên họ phải nhờ sự lập dị mà trở thành “có tên tuổi” trong làng văn nghệ.

ĐÀO PHẠM THÙY TRANG – Theo phongdiep.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *