Tiểu thuyết đầu tay của Yume-Hotaru là một best-seller tại Nhật Bản. Anh viết cuốn sách hoàn toàn chỉ bằng ngón tay cái. Nhà văn 22 tuổi bắt đầu sáng tác truyện trên điện thoại di động từ năm 2007.

Tranh thủ thời gian trong lớp học, trên xe bus hoặc trước giờ đi ngủ, Yume-Hotaru viết từng đoạn và tung lên mobile thông qua mạng xã hội Mobage-town. Càng viết, truyện của Yume-Hotaru càng nổi tiếng. Tác phẩm nhanh chóng dành được giải thưởng và được các nhà xuất bản mời chào in thành sách. Đầu năm 2008, bản in First Experience, cuốn tiểu thuyết viết về tình dục và tình yêu tại trường trung học của Yume-Hotaru, ra đời và được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Nhiều đầu sách in được ra đời từ tiểu thuyết trên điện thoại di động. Ảnh: CNN.

Kể từ khi xuất hiện tại Nhật Bản cách đây một thập kỷ, tiểu thuyết trên điện thoại di động, còn gọi là keitai shosetsu, đã từ một hình thức ít được biết đến trở thành một bộ phận của nền văn học chính thống. Keitai shosetsu thu hút hàng tỷ lượt người dùng mobile hàng tháng. Các nhà xuất bản cũng đang chuyển hướng tìm kiếm tiểu thuyết trên di động để in thành sách.

Đúng như tên gọi của loại hình này, tiểu thuyết di động được viết ngay trên mobile và tung thẳng lên các trang mạng như Maho no i-rando (Hòn đảo diệu kỳ) – website chuyên về Keitai shosetsu đầu tiên và lớn nhất tại Nhật Bản. Trang này có khoảng một triệu tác phẩm, 3,5 tỷ lượt người truy cập hàng tháng và 6 triệu người dùng có đăng ký. Ngoài việc thưởng thức, độc giả mobile có thể bày tỏ ý kiến của mình về các tác phẩm thông qua hệ thống hỗ trợ tương tác với khách hàng.

Tác giả và độc giả của những câu chuyện được viết như nhật ký là giới teen và những người ở độ tuổi 20. Rất nhiều tác giả sử dụng bút danh và tiết lộ, các câu chuyện có một phần sự thật cuộc đời họ trong đó. Các sáng tác chủ yếu xoay quanh những chủ đề như ma túy, tình dục, mang thai, cưỡng hiếp, bệnh tật…

"Khi tác giả viết truyện trên di động, họ được chia sẻ bí mật, những chuyện riêng tư. Còn người đọc, khi đọc trên điện thoại, họ có thể giấu người khác về những gì mình đang đọc", Toshie Takahashi, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Rikkyo ở Tokyo nhận định.

"Mobile phone đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống của lứa tuổi này", Takahashi nói thêm. Ông cho biết, 96% học sinh trung học ở Nhật Bản có điện thoại di động.

Dù lực lượng sáng tác chủ yếu là phái nữ, một nam nhà văn tên là Yoshi lại được coi là tiểu thuyết gia tiên phong của hình thức truyện điện thoại. Tác phẩm Deep Love xuất bản năm 2002 về nạn mại dâm ở Tokyo sau đó đã được xuất bản thành sách và bán được 3 triệu bản. Deep Love còn được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và truyện Manga.

Tiểu thuyết trên điện thoại di động đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản. 5 trong số 10 tác phẩm ăn khách nhất năm 2007 có xuất xứ từ keitai shosetsu. Nhiều nhà phê bình kỳ cựu cho rằng, văn học di động không thể nào thay thế được văn học truyền thống, nhưng họ không thể phủ nhận tính phổ biến, đại chúng của hình thức sáng tác này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại nhận định, keitai shosetsu sẽ như một trào lưu sớm nở tối tàn. Nó sẽ nhanh chóng bùng lên rồi bị bị dập tắt.

Theo Thanh Huyền – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *