(Mấy kinh nghiệm của Liên bang Nga)
PGS.TS Lê Sơn
Muốn đánh giá đúng sự vĩ đại của một dân tộc, sức sống mãnh liệt của nó, trước hết, người ta nhìn vào nền văn hóa của dân tộc ấy vốn là nơi tàng trữ những truyền thống lâu đời và những giá trị nhân văn trường tồn của nó. Về phương diện này, nền văn hóa Nga có một bề dày lịch sử và những đỉnh cao đáng kính nể.
Viện sĩ D. Likhachev – một trong những cây đại thụ của nền văn hóa Nga – đã chỉ rõ : "Nước Nga là một đất nước vĩ đại. Vĩ đại không phải bằng nền vinh quang về quân sự, thậm chí cũng không phải bằng công nghiệp và trữ lượng tài nguyên, mà trước hết bằng nền văn hóa lâu đời của mình đã từng cung cấp cho thế giới những tác phẩm văn học, kiến thức, khoa học bất hủ".
Nếu quá khứ của nước Nga là những trang sử hào hùng và vẻ vang thì hiện tại của xứ sở này là một chuỗi biến động đầy kịch tính. Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết được xem như một thảm họa lớn nhất của thế kỷ XX. Nhà viết kịch Nga kỳ cựu đã quá cố V. Rozov đã đau đớn thốt lên : "Vận mệnh của Tổ quốc khiến tôi rất lo lắng. Những gì mà cách đây mấy thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn không làm nổi, những gì mà Napoléon hoặc Hitler không làm nổi thì chính chúng ta đã làm bằng bàn tay của chính mình : Chúng ta đã phá sập một cường quốc vĩ đại".
Trong tình hình xã hội Nga hiện nay, điều đáng lo ngại thực sự không chỉ là sự phân cực xã hội giàu – nghèo ngày càng lớn, không phải chỉ là sự bần cùng hóa về đời sống vật chất của quảng đại tầng lớp lao động trí óc và chân tay, mà còn là sự đảo lộn của những giá trị tinh thần của những chuẩn mực đạo đức. Tất cả những gì từng được ca ngợi dưới thời Xô-viết đều bị phủ nhận. Tất cả những khái niệm thiêng liêng đối với từng con người và đối với cả dân tộc như Tổ quốc, đất nước, niềm tin, lý tưởng, lương tâm… đều trở thành đối tượng của sự giễu cợt và sàm báng.
Đúng như nhận xét của một nhà hoạt động văn hóa Nga : "Không hề xảy ra sự phi tư tưởng hóa, mà đã xảy ra sự tái tư tưởng hóa, khi mà thay thế cho những giá trị như lòng trung thành đối với Tổ quốc, lòng nhân từ, tình hữu nghị giữa các dân tộc, tinh thần tương thân tương ái… thì các nhà tư tưởng hiện đại đang gieo rắc sự phản bội lại lợi ích dân tộc, thói tàn bạo, lòng hận thù dân tộc, tệ sùng bái sự tích lũy, thái độ cao thường sinh mạng con người… ".
Sự khủng hoảng của xã nói chung và của văn hóa nói riêng ở Nga, việc thương mại hóa các sản phẩm của trí tuệ đã tác động trực tiếp tới đời sống của tầng lớp trí thức chân chính và các văn nghệ sĩ – những người sáng tạo và xây dựng nền văn hóa ấy.
Nạn lạm phát tài chính và nạn lạm phát những giá trị rởm đã đẩy họ xuống vị trí của lớp người cùng khổ trong xã hội.
"Ở Nga cái gì cũng đắt, chỉ có lao động trí óc, lao động nghệ thuật là rẻ mạt" – câu nói cửa miệng đó phần nào cho ta thấy hoàn cảnh cơ cực của giới trí thức. Không phải ngẫu nhiên, Tiến sĩ Triết học N. Keizerov đã đưa ra một khái niệm mới – khái niệm "Trí thức – lumpen" (*). Trong một bài viết đề cập đến vấn đề trí thức và thị trường, nhà văn rất quen thuộc với độc giả Việt Nam D. Granin nhấn mạnh rằng : Chất trí thức cần đến môi trường, nhưng môi trường trí thức Nga đang bị tan rã; thị trường làm xói mòn nó, đem nó phân phát cho các quầy hàng, cửa hiệu, các thị trường chứng khoán… Giá trị tinh thần phụ thuộc vào sự lựa chọn của thị trường, vào thị hiếu của các thượng đế và ông đã đi đến kết luận : "Sự thất thoát chất xám sang phương Tây không đáng lo ngại bằng sự thất thoát tâm hồn và giá trị tinh thần sang thị trường man rợ hiện nay".
Tất cả tình hình đó đang đặt ra một vấn đề hết sức cấp bách là văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng cần được xếp vào những đối tượng ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách nhà nước, cần được hưởng sự tài trợ bao cấp đặc biệt của chính phủ.
Ở đây không thể áp dụng quan điểm kinh doanh đơn thuần, quan điểm hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Viện sĩ Likhachev đã hơn một lần nhấn mạnh : "Văn hóa không thể tồn tại được nếu thiếu những khoản tiền trợ cấp đáng kể của nhà nước". Văn hóa đem lại "sự thu nhập" vô hình dưới dạng lòng kính trọng từ phía các quốc gia khác, dưới dạng trưởng thành về mặt đạo đức, tình yêu đối với đất nước mình, sự chấn hưng đời sống xã hội nhưng chủ yếu là việc điều hành đất nước trở nên thông minh hơn, bởi lẽ đối với một dân tộc thông minh thì điều hành một cách thông minh sẽ dễ dàng hơn nhiều".
Vai trò hết sức quan trọng của văn hóa trong mối tương quan với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội cũng được nhiều nhà hoạt động văn hóa Nga vạch rõ : "Nếu văn hóa của nước nhà lâm vào tình trạng bị hạ nhục, bị áp chế thì không thể có bất cứ một sự tiến bộ tinh tế nào. Nghệ thuật là một phương diện giao tiếp có tính chất nhân đạo nhất, văn minh nhất. Về phương diện này, nó không thể so sánh được với chính trị, với kinh tế. Và nếu như nghệ thuật bị bỏ rơi thì không nên chờ đợi một điều gì tốt đẹp cả. Nếu như không có điều kiện sống tối thiểu cho văn hóa, cho các văn nghệ sĩ thì tất cả sẽ xuống dốc, trong kinh tế cũng như trong đời sống của đất nước nói chung".
Giới hạn vai trò cải tạo, giáo dục, hướng thiện của văn hóa trong địa hạt sân khấu, Nghệ sĩ nhân dân M. Ul'janov đã đưa ra một hình tượng có sức khái quát độc đáo : "Trong kinh tế và chính trị có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng đánh mất sân khấu tức là biến đất nước thành chuồng gia súc".
Và chúng ta cũng không thể không đồng tình với ý kiến của A. Flier, Tiến sĩ Triết học, nhà văn hóa học hàng đầu của Nga, trong bài báo nổi tiếng Văn hóa như là một yếu tố an ninh quốc gia : "Giới cầm quyền càng ít đầu tư kinh phí cho văn hóa và giáo dục bao nhiêu thì họ sẽ càng phải đầu tư kinh phí cho bộ máy cảnh sát, cho bộ máy tư pháp và cho hệ thống cải huấn nhiều bấy nhiêu".
Nguồn : Văn nghệ
—————————-
(*) Lumpen (gốc tiếng Đức có nghĩa là rách rưới) : chỉ loại người khốn khổ dưới đáy của xã hội