Tuổi đời đang ở phía cuối mùa non tơ nhưng vẫn còn trong vòng xuân sắc. Ba Huỳnh Thúy Kiều đã chôn nắm nhau vào đời của con gái mình tại quê vợ Cà Mau vào năm 1978, sau khi ông phải lìa bỏ cố hương Bến Tre vào thời chiến tranh ly loạn. Hiện Huỳnh Thúy Kiều đã có nhà riêng tại quê mẹ, cách nơi song thân của mình đang sinh sống không xa lắm.

Mùa xuân năm 2008 vừa qua, sau hơn 10 năm tập tễnh cầm bút, Huỳnh Thúy Kiều đã cho ra mắt tập thơ đầu tay của mình, gồm 36 bài, có tựa đề là “Kiều mây”, do Nhà xuất bản Văn học cấp phép.

Về hình thức, tập thơ được trình bày rất dung dị, phảng phất một dáng vẻ vừa đẹp, vừa hồn nhiên lại vừa sang trọng như chính chủ nhân của nó.

Tuy nhiên, ấn tượng của tập thơ không nằm ở phần “bên ngoài” này.

Đầu tiên, nó nằm ở yếu tố tình cảm. Vâng, rất mãnh liệt, sâu sắc và chân thành ở mọi cung bậc hoài niệm yêu thương, dù cho đối tượng của nó là gì.

 

"Lục bình theo dòng nước trôi xuôi
ghé thương nhớ quá giang màu kỷ niệm
chuồn chuồn duỗi cánh dài
khâm liệm
nhốt lao xao trong hơi ấm đất nồng"
(Bến quê)

Hoặc :

"Về đây rồi! Ơi bến nước làng quê
thèm khúc đồng dao ngày mùng bốn trăng lưỡi liềm
mùa gặt
dây bìm bìm rướn leo bám chặt.
nợ cả đời ta ngọn khói bếp len chiều"
(Khúc đồng dao quê mẹ)

Kế đến, ấy là giọng điệu. Một giọng điệu mang đầy nữ tính – tất nhiên là vậy rồi. Thế nhưng, cái chất, cái cốt cách của nó khá là lạ. Vừa thăm thẳm u buồn với nhiều vần bằng giăng mắc trải dọc theo những câu thơ dài, lại vừa bất ngờ ghìm nén lại, cứng cỏi lại bằng những nghịch âm, nghịch vần nơi các từ cuối dòng, cuối câu, nhất là ở tại các động từ trong câu, biểu hiện sự gắng gượng mang tính chống chỏi trước bao nỗi niềm riêng chung bằng tất cả sự mong manh, yếu mềm của một trái tim yêu hình như đang trong mùa phiền lụy, đói khát, mỏi mệt và nhọc nhằn :

"Xanh rặng bần uống vầng trăng đêm sóng sánh biếc Cửu Long
câu vọng cổ thả tiếng ầu ơ níu mưa nồm bên sông Tiền lồng lộng gió
buổi sớm mai nước cuộn tròn ngả nghiêng phía Cồn Ấu
chiều Vàm Nao rung chân trời bừng thượng nguồn sữa mẹ – Mékong"
(Hát về những dòng sông)

Rõ ràng, ở đây, “Ấu” là một nghịch vần, nghịch âm. Tuy mức độ chưa cao, chưa đậm lắm, nhưng cũng đủ gợi cho người đọc liên tưởng đến một tiếng nấc tự dỗ nín, tự an ủi và tự tỉnh táo hóa mình giữa một chuỗi dài nước mắt liên tiếp rơi ra từ những tiếng khóc sụt sùi u hu… kéo dài tưởng chừng như bất tận nơi vùng vô thức của hồn cô.

Xin thêm một dẫn chứng nữa :

"Chín cửa hương phù sa vấn vương thơm níu gót miền Tây
dòng Mékong rướn mình quặn thương bốn mùa sinh nở
đàn sếu bay ngang vô tình đánh rơi mũ đỏ
đêm Cần Thơ qua phà
trắng ngoái đầu say tắm chăn mây"
(Hương phù sa)

Rõ ràng, những động từ bên trên – giống khá nhiều bài thơ, câu thơ hay khác của cô – toàn là vần trắc. Là những nghịch âm, nghịch vần chứa nhiều tính bất chợt, gắng gượng và kìm nén… giữa một khối, một chuỗi nỗi niềm đang trôi xuôi theo dòng âm điệu của những vần bằng rỉ rả thều thào khóc thương trong vô thức mang vai trò chủ đạo ở nơi từng câu thơ. Hãy lấy một giả dụ sau đây để hiểu thêm cái chất, cái cốt cách là lạ, gờn gợn quyến rũ này về giọng điệu trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều. Nếu ta thay các động từ ở trên bằng những từ gần gũi nhưng lại không còn mang vần trắc nữa, tỷ như ngoái thành quay, đánh rơi bằng buông rơi, rướn bằng trườn, níu bằng giữ… thì cái giọng điệu, cái cốt cách là lạ, có chút dễ thương, dễ gây xúc động, xao xuyến nhưng lại pha chút sốc trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều này hoàn toàn không còn nữa. Vì sao? Vì người đọc không còn nhận ra – thông qua sự linh cảm của mình – một cô gái trẻ vừa vén vạt áo nhà quê, vừa lau nước mắt trong lòng vừa cố kiềm nén cảm xúc lại bằng cách chỉ lâu lâu mới bật ra vài tiếng nghẹn nấc, để vừa cố phân trần bộc bạch – bằng ngôn ngữ thơ – cho bằng được, cho bằng đủ những nỗi niềm khuyết lạnh trống vắng và yêu thương sâu thẳm ở trong tim với ước mong duy nhất là tìm được sự đồng cảm và sẻ chia từ phía người đọc trong tư cách là một con người cùng ở chung chốn trần ai bụi bặm với nhau, có những niềm vui nỗi khổ không thể khác nhau… Hay nói cách khác, giọng điệu, cốt cách trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều chính là giọng điệu của một thiên thần bé con vừa khóc vừa thơ ngây và tinh khôi nơi từng bước chân, nơi từng tia mắt trong tiến trình đi tìm đôi cánh hạnh phúc tâm hồn cho đời mình, nhưng, khổ thay, đôi cánh ấy đã bị ai lấy cắp mất từ tận thời thơ ấu lẫn trưởng thành : cô chỉ còn biết ngồi lẻ loi, nhỏ bé một mình giữa trần gian để tự dệt đôi cánh khác cho mình bằng những vần thơ giấu kín ngấn lệ lòng vào bên trong các âm từ liên tiếp nhau bởi những vần bằng chở nặng một nỗi buồn giăng giăng, vừa đôi khi cũng rất cương cường, bướng bỉnh, phá phách một cách bất chợt, song bi kịch là lại từ một trái tim yêu vốn luôn non khờ, mong manh và đầy khao khát yếu mềm…

Thế nhưng, theo tôi, so với hai ấn tượng vừa điểm qua, vừa nhìn tới ở trên, thì hình ảnh trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều mới là một vấn đề rất đáng chú tâm hơn. Hay nói cách khác, nó khá nhuần nhị cùng lạ và mới. Nhuần nhị cùng lạ và mới đến bất ngờ. Gây được vào lòng người đọc nhiều khoái cảm thẩm mỹ hiếm khi tìm thấy lại được trong vô số các hoài niệm ảnh tượng riêng lẻ của mình trong lãnh vực tiếp nhận thơ ca …

Xin trích vài dòng thơ, vài đoạn thơ mang tính đại diện :

"Quầy cau trắng nghiêng sương miền tóc mẹ
sóng dập dềnh chao điệu lý xàng xê
hò cống liêu ai cười, ai n&oa
cute;i
hoa mù u lọt thỏm bóng chiều"
(Theo em về vùng cổ tích)

Hoặc :

"Chuồn chuồn trú bóng mát tuổi thơ
hàng dâm bụt xòe gương hoa điểm trời thảm đỏ
diều chao màng nhung tím gió
nhịp cầu tre lắc lẻo
mây qua cầu
em nón lá rớt điệu lý ầu ơi…

Chim hót vẹt mùa thu, mẹ gầy thêm vóc hạc
giọt sương tảo tần nồng đất ấm lời ru
sợi khói rơm lơ lửng bay nhòa ký ức hăm hở chuyến đò làng
cây sào chạm phù sa ngọt thơm vỗ về bến bãi…
vết thời gian xéo quằn lưng trần cháy hạn
đom đóm chấp chới mời
vì sao rụng tim thất lạc
chen chúc rằm
đêm rót từng giọt trăng non

Dán vào bình minh màu xanh ô cửa mai vàng
cánh đồng in bức tranh đàn cò co chân ngập ngừng rỉa nước
lúa uống sáng lăn tăn phơi mình ôm luống cày nhức đỏ
mép sông lở bồi…
ngón chân sần bập bùng rươm rướm nhựa yêu thương
(Hồn quê)

Hay là :

"Con lươn trườn mình qua ống trúm đăm chiêu
đâu mùa tre nứa?
vết thời gian cắm sâu theo nhịp thở
cứa bùn non
máu đất tuôn trào.
(Khúc đồng dao quê mẹ)

Còn nữa :

"Chuyện cây dầm, cây sào, cây chèo đã khóc sũng một thời nước mắt
vớt nỗi nhớ từ tiếng kêu chim vịt khoắc khoải mông mênh con đường làng ấp ủ mùi thơm bùn đất thân quen
gió nông nổi không kiềm chế được mình cúi hôn vòm lá xanh vừa nhú lộc
nhánh suy tư luân hoàn mơn trớn lả lơi khóm hoa uống mật
la đà cánh mỏng chuồn chuồn bay thấp trời mưa"

Rõ ràng, đầy đặc hình ảnh trong thơ. Mỗi hình ảnh khái quát được vào trong nó vô số những điều, những tâm tư, tình cảm không thể nói hết về chủ đề của bài thơ nếu bắt buộc phải sử dụng văn từ khái niệm. Chẳng những vậy, nó còn khơi mở và đánh thức trở lại tầng tầng lớp lớp hoài niệm ký ức xa xôi đã từng chôn sâu, phủ kín trong lòng người đọc về những gì mà chính Huỳnh Thúy Kiều cũng đang cùng xa xót yêu thương và nhung nhớ như các đọc giả hiện thực hay tiềm năng của mình. Có nghĩa là, một khi như vậy, trên một bình diện nhìn nhận nhất định nào đó mà nói, trái tim cô đã từng là một dòng sông cạn cho bao cảnh ngộ, cho bao buồn thương và nhung nhớ của nhiều người đồng đại khác chảy dồn về. Hay nói cách khác, như một định đặt vô hình từ tạo hóa, thiên nhiên, Huỳnh Thúy Kiều bỗng dưng trở thành người cưu mang trong mình những nỗi niềm riêng nhưng lại đạt tới một độ sâu, một độ nặng rung cảm có khả năng va chạm, nối liền tới niềm thương nỗi nhớ đang ẩn mật trong tiềm thức lẫn vô thức chung của cả một cộng đồng người, tệ nhất cũng nằm trong phạm vi khu vực quê hương đồng bằng sông Cửu Long của cô, nơi mà 31 năm trước cô đã được sinh ra, đã được quá khứ vùng đất này cung cấp cho cô khá nhiều vốn luyến buồn vui có sẵn khi đối diện với hiện thực đương thời lẫn những dự hướng, những khát vọng, những ước mơ về tương lai như thế nào đó ở nơi cô.

Đứng về phía phương diện nghệ thuật mà nhìn, các hình ảnh trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều đạt được những hiệu nghiệm như trên vừa nói, theo tôi, hoàn toàn không chỉ do cô muốn mà được, cố công vận dụng các biện pháp tu từ học mang đầy tính trường quy hiện nay mà nên. Trước tiên, đó là nhờ phẩm chất nghệ sĩ khá đậm đặc ở bên trong cõi trí, cõi hồn ngập sáng màu pha lê của cô, được đặc trưng ở năng lực hồi ức, phân tích, so sánh, phán đoán, liên tưởng, tổng hợp sáng tạo đầy dai dẳng, sâu sắc và tinh tế cùng sự yêu thương dồi dào, vượt trội lẫn thấm đậm ở trong lòng, mà lại còn giữ được đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên nguyên khai trước những gì xưa nay mọi người vẫn hay ngắm nhìn, yêu thương khao khát trong cuộc sống của mình, nhất là khi những ngắm nhìn, yêu thương ấy vì một lý do khách quan gì đó mà bị khuất vắng, bức tỏa, kềm hãm. Vâng, theo tôi, chính các điều này, khi cộng hưởng, hòa quyện, tương tại, cảm ứng vào nhau, đã chiếu xạ, đã làm nên sự tràn ngập tâm tình và ý tưởng của cô lên ngoại vật, biến nó trở thành những thực thể có sự sống độc lập, có linh hồn, có hơi thở, có ngôn ngữ, có thông điệp chùm, thông điệp cụm, thông điệp chuỗi đầy lạ lẫm quyến rũ luôn được ướp đầy hơi ấm tình cảm yêu thương hay giận ghét của con người, trước nhất là của chính cô trong thời gian xuất hóa ra tập Kiều mây này.

Xin trân trọng chia vui trước sự ra đời của tập thơ Kiều mây này của Huỳnh Thúy Kiều. Mong cô giữ vững chút thành tựu bước đầu đang có, cố gắng mài giũa cùng lần bước, cất bước tới mãi trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, vì, quả thật, đây là một con đường không bao giờ có điểm ngừng nghỉ dài lâu cho bất kỳ ai trót mang lấy dòng máu đam mê chinh phục vẻ đẹp ngôn ngữ thi ca ở trong lòng như một nghiệp chướng không thể cầm bán sang nhượng lại được cho ai.

Trần Minh Tạo – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *