Đọc mấy tập truyện ngắn của Thu Hằng, có một điều khiến tôi không dứt ra được là sự bộc bạch chân thành của tác giả, đó là một đặc điểm quan trọng của thể loại khiến người đọc bị cuốn hút. Với tôi lâu nay vẫn cho rằng, truyện ngắn là bịa như thật hoặc là thật nhưng viết như bịa, nói theo cách nào thì cũng thế… Tôi đã gặp được Thu Hằng viết theo cách ấy. Truyện ngắn của Thu Hằng được viết thật đến mức, khi mới đọc một câu chuyện của chị, tôi thường có cảm giác ngờ ngợ giống như thể ký, nhưng sau khi đọc hết rồi thì lại thấy không phải như vậy. Mà đó mới là những câu truyện ngắn thật sự.
Nữ văn sĩ Thu Hằng – Ảnh : Dương Thuấn |
Vĩ thanh buồn là một truyện ngắn khá tiêu biểu cho cách viết của Thu Hằng, cách viết luôn đi giữa hai bờ vực của thể loại. Truyện ngắn này kể về một anh sinh viên nghèo – “Anh Duyên – người Thanh Hoá, hiền lành và ít nói, được bầu làm lớp phó đời sống. Tức là lo chuyện tem phiếu gạo mì ăn uống cho anh em.” Anh ta vốn là một sinh viên hiền lành, đạo đức tốt, học giỏi,nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bị ung thư ốm nặng nên đã giấu nhẹm của lớp ba cân rưỡi tem gạo và mười hai đồng rưỡi bạc.
Sau đó, Thắng làm Bí thư Liên chi đoàn kiêm Lớp trưởng cùng mấy người khác muốn trừng trị Duyên,nên đã kẹp tờ tiền 5 đồng vào giữa cuốn sách Lý luận văn học đưa cho Duyên mượn để một lần nữa thử xem đức tính trung thực của Duyên đến đâu. Nhưng Duyên đã không trả lại tờ tiền 5 đồng đó, thế là Duyên bị lớp và Chi đoàn kiểm điểm và bị kết tội vi phạm đạo đức người sinh viên xã hội chủ nghĩa rồi bị đuổi học.
Duyên trở về quê với mẹ, chăm sóc mẹ được hai tháng thì mẹ chết. Hàng xóm ai cũng nghĩ rằng Duyên là một đứa con có hiếu nên đã bỏ học về quê chăm sóc và để tang mẹ. Nhưng người ở quê đâu có hiểu một sự thực phũ phàng là Duyên đã bị đuổi học chỉ vì tham mấy đồng tiền của lớp để chữa bệnh cho mẹ. Sau này, Nam vốn là bạn học cùng lớp đại học Mễ Trì với Duyên, sau khi ra trường đi làm phóng viên truyền hình, trong một lần từ Hà Nội đi công tác ở phía Nam đã vô tình gặp Duyên ở trên tàu, Nam thấy Duyên ôm cây đàn đi hát xẩm để xin tiền hành khách. Lúc đó, Nam mới cảm thấy ân hận và thấy mình cũng đã góp một phần tội lỗi đẩy Duyên vào nông nỗi này…
Câu chuyện bắt đầu từ một buổi họp lớp sau hai mươi năm. Nghe Nam kể lại câu chuyện đã gặp Duyên như thế nào, ai cũng thấy buồn và có lỗi với Duyên. Với hoàn cảnh của Duyên lúc đó, lẽ ra mọi người phải giúp đỡ, bạn đang trong lúc cảnh nhà nghèo túng, mẹ lại ốm đau. Nhưng lúc đó, cả lớp lại đã cùng giơ tay biểu quyết kết tội bạn ăn cắp và thế là bạn bị đuổi học. Tệ hơn cả là ai cũng hí hửng vì đã đuổi được một tên vi phạm đạo đức học sinh xã hội chủ nghĩa ra khỏi trường.
Một câu chuyện mới đọc qua tưởng là chuyện đơn giản nhưng sâu sắc vô cùng. Trong thời kỳ mà tất cả mọi người luôn luôn bị ý thức hệ xã hội chi phối, sống theo kiểu duy ý chí, chỉ quan tâm đến những vấn đề ngoài con người thì một số phận nhỏ nhoi như Duyên có ai cần biết đến và cũng sẽ không bao giờ có ai cần quan tâm. …
Ai có thể trách Thắng và các bạn sinh viên Khoa Văn của Trường đại học Mễ Trì hồi đó đã sống chẳng có lấy một chút gọi là nhân văn, nhân cách sống của những trí thức tương lai đó theo như người ta nói là được đào tạo chính quy nhất, bài bản nhất lại thấp hơn cả nhân cách của những người bình thường? Thắng và các bạn sinh viên cùng lớp với Duyên đáng thương hơn là đáng trách.
Đến nay Thu Hằng đã in 9 tập truyện ngắn, trong đó có một số tập viết cho lứa tuổi thiếu nhi : Vương quốc tí hon (1998), Những nốt nhạc mùa thu (2002), Thiên nga tí hon (2004), Nàng tiên tóc xanh (2004). Còn lại các là các tập viết cho người lớn : Tấm áo thời con gái (1995), Cổ tích một tình yêu (1997), Tơ trời (2004), Ba trăm bốn tám (2006), Khúc luân vũ (2008)… Trong làng văn, chị là người lặng lẽ sống và lặng lẽ viết. Hiện nay, hàng tuần, chị vẫn đều đặn có truyện ngắn in trên các báo và tạp chí. Tính cách của chị là thế, thích bình lặng yên ổn hơn là sự ồn ào. Công việc chính của Thu Hằng là biên tập văn học nghệ thuật của báo Nhi đồng, nhưng đã hàng chục năm nay, chị luôn cần mẫn sáng tác cho người lớn. Truyện ngắn của chị đem lại cho người đọc nhiều cảm nghĩ trước những tình huống của cuộc đời.
Đọc các tập truyện của chị đều toát lên một điều rất đáng quý là sự chân thành hết mực. Đó là phẩm chất cần thiết phải có của một nhà văn. Người đọc dễ dàng nhận thấy ở chị có lối quan sát và tư duy phải là phụ nữ như chị mới có được. Những câu chuyện của chị viết bao giờ cũng tự nhiên như những điều vốn có của cuộc sống. Chị thường để nhân vât tự thể hiện bằng hành động và qua sự dằn vặt của nội tâm. Trong truyện của chị thường ít thấy những trang miêu tả cũng như lời thoại của tác giả. Người đọc cứ luôn luôn bị câu chuyện cuốn hút, rồi cảm thấy như được chứng kiến sự việc đang diễn ra và thấy mình thực sự như được sống cùng với nhân vật, hành động cùng nhân vật. Nỗi thương xót và cảm thông của chị đối với nhân vật cũng làm cho người đọc thấy chính là tình cảm đau đớn ở trong lòng mình vậy. Cuộc sống xung quanh có bao điều muốn nói, chị đã cố gắng quan sát, thể hiện những điều đó trong tác phẩm của mình như nó vốn c&oac
ute;.
Trong truyện của ngắn của Thu Hằng, những người cùng cảnh đời, họ thường hay tự đến với nhau bởi một sự cảm thông từ một cái cớ tự nhiên nào đó, có thể nói từ tận cùng gốc gác bản thể của con người. Từ những câu chuyện tưởng chừng dữ dội nhất, chị vẫn thể hiện một cách nhẹ nhàng. Bạn đọc có thể cảm nhận được những điều cùng dễ cảm thông nhất để các nhân vật tìm đến với nhau, cũng có khi niềm cảm thông đó chỉ là rất mơ hồ, nhưng cũng đủ cho người ta thấy được trên cuộc đời này chưa phải là đã hết tất cả. Những nhân vật của chị bao giờ cũng thường hay có một chút hy vọng về tình người chật hẹp giữa thế gian này. Chị không bao giờ để nhân vật thất vọng dù là lâm vào hoàn cảnh bi đát nhất, tình huống éo le nhất. Chị giải quyết các vấn đề của câu chuyện cũng tự nhiên như cuộc sống. Tác giả luôn luôn để nhân vật tự nhận thấy những điều ý vị nhất trong cuộc sống, dù là cuộc sống hiện tại còn nhiều bất hạnh.
Ngoài cõi nhân gian là một câu chuyện viết về sự tan nát gia đình của một ông Thứ trưởng, do chính ông ta gây ra. Nguyên nhân là ông cặp bồ với cô thư ký, nên cô thư ký đã lập mưu giết vợ ông, để chiếm đoạt ông làm chồng. Sau đó, cô thư ký được cất nhắc lên Vụ trưởng, rồi sinh con với ông, chiếm luôn ngôi biệt thự của ông. Cậu con riêng bảy tuổi của ông là Quốc Tuấn bị ghẻ lạnh đã nghĩ ra cách là phải học thật giỏi để sau này còn gặp mẹ, bởi cậu ta là trẻ thơ nên cứ mường tượng “Nhà của mẹ ở ngoài cánh đồng”. Sau khi cô thư ký đã cướp xong chồng và nhà cửa của mẹ Quốc Tuấn rồi thì lập tức Quốc Tuấn cũng bị gửi vào trường nội trú… Trong một lần Quốc Tuấn về thăm bố, “Mãi rất lâu ông mới nhận ra con trai. Bàn tay ông run run chìa ra. Chờ đợi. Van nài. Thời gian chợt ngừng đọng, tù sũng. Cặp mắt già nua từ từ ứa ra một chút nước sanh sánh. Phải đến tận khi ấy, anh mới miễn cưỡng đưa bàn tay to bè ra nắm tay cha. Anh thấy rõ cảm giác tan nát trong lập bập của bàn tay cha. Cả nỗi niềm nhục nhã, tủi hờn và ân hận qua chút ánh sáng mờ mờ của đôi mắt ấy, qua bờ môi giật giật chả nói được gì ấy.” Quốc Tuấn muốn chống lại số phận nhưng không nổi, cái gì đó như là định mệnh – “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Quốc Tuấn học rất giỏi và khi đi học ở nước ngoài trở về đã quyết tâm tìm bằng đuợc thủ phạm giết mẹ, nhưng chính vì muốn làm điều đó nên đã bị vu vạ đẩy vào tù. Cuối cùng sống cuộc đời tàn tạ, vất vưởng… Ông Thứ trưởng do dốt nát lại kém cỏi về nhân cách, nên đã bị cuộc sống tha hoá làm hỏng cả cuộc đời, sự nghiệp, gia đình, con cái. Cách diễn đạt theo lối nhân quả như vậy Thu Hằng thường hay sử dụng, có thể ở mỗi câu chuyện khác nhau thì lại được diễn đạt một cách khác. Qua một số truyện ngắn khác, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy có những điều Thu Hằng viết rất gần với một số quan niệm của nhà Phật. Sẽ phải hứng chịu quả báo như gia đình của ông Thứ trưởng nọ sẽ là không tránh khỏi, ai gieo gió phải gặt bão.
Nghệ nhân là truyện ngắn đã thể hiện phần nào quan niệm của tác giả về nghệ thuật thông qua nhân vật trong truyện là gã đàn ông làm thợ gốm ở Phú Lãng được mệnh danh là Quỷ Đất “Với gã : ĐẤT – ấy là tất cả. Đất có tâm hồn, có vui buồn hờn giận. Có hình hài và tính cách. Có tình cảm yêu ghét với từng bàn tay chạm vào nó. Đất cũng có đời sống và số phận như con người sống giữa cuộc đời. Đất có ngọt ngào và quyến rũ. Đất như người con gái đẹp kỳ ảo và huyền bí đợi chờ chàng hoàng tử dũng cảm tài ba đến chinh phục… ” Gã Quỷ Đất sau khi nhào nặn rồi nung chín không biết bao nhiêu thứ đồ gốm, rồi đến một ngày gã biến mất như là bốc hơi, gã đi đâu chẳng ai biết, gã còn sống hay đã chết cũng chẳng ai hay. Người ta chỉ thấy những đồ vật bằng gốm mà hắn để lại như là có linh hồn. Người ta chỉ còn nhớ gã từng là một nghệ sĩ – nghệ nhân làm đồ gốm nổi tiếng với cái biệt danh là Quỷ Đất.
Đọc truyện ngắn của Thu Hằng, người đọc bao giờ cũng thấy những câu chuyện của chị kể đều hết sức bình thường và nhân vật trong truyện cũng đều là những con người bình thường. Nhưng qua những câu chuyện và những nhân vật bình thường đó lại khắc sâu vào lòng người đọc ấn tượng sâu sắc. Những con người đó có thể là sinh viên, ông giáo, chị lao công, vợ chồng người hàng xóm, anh thương binh nặng, một ông cán bộ cốp bị đời trừng phạt… Mỗi người họ tuy có vị trí xã hội và số phận khác nhau, nhưng lại cùng chung nỗi bất hạnh của cuộc đời. Mỗi người có những may mắn và khổ đau riêng, chẳng ai giống ai. Tác giả thường tìm thấy sự cảm thông chia sẻ cùng nhân vật hơn là ruồng bỏ, trách cứ… Những nhân vật mà ngòi bút của chị đề cập đến tôi có cảm tưởng họ đều đang sống và đang đi lại ở đâu đây. Có người sẽ qua được những uẩn khúc của cuộc đời nhưng có ngư
ời sẽ mãi mãi là như thế, bởi quả báo đã định mệnh cho họ.
Có thể kết thúc bằng một câu rằng : truyện ngắn của Thu Hằng viết rất đời. Qua những tập truyện ngắn của chị, người đọc sẽ thấy nếu một người chỉ biết sống lặng lẽ và làm việc thì tâm hồn của họ bao giờ cũng rất sâu sắc. Các truyện ngắn của chị viết khá đều tay và mang lại cho người đọc ấn tượng đậm nét về một cây bút nữ.
Nhà thơ Dương Thuấn