Văn chương Nguyễn Văn Ninh cho ta thấy một người thanh niên luôn suy nghĩ, khiêm nhường, hạ mình thân thiện và chiêm nghiệm về cuộc sống, thì thầm về cuộc sống bằng lương tâm và bản năng của chính mình. Người ta sẽ nhận được nhiều bài học, sự tương đồng, lời tâm sự. Sẽ bắt gặp những suy nghĩ, tình cảm, hành động chân thật của một anh dân cày, một nhà văn đi ra từ đồng ruộng. Người ta tin anh. Vì đó là điều lớn nhất anh tặng cho cuộc sống, cảnh tỉnh những cuộc đời đừng sa ngã. Vết cắt, lát cắt đơn sơ như vệt bùn xoa lên tấm tranh, một tấm tranh ghép, chủ nghĩa hiện sinh hay là chủ nghĩa tự nhiên. Hiện sinh hay tự nhiên thì cũng là cuộc sống! Nguyễn Văn Ninh muốn soi chiếu những nghịch lý, nghịch cảnh. Dù anh có vẽ ra nhiều nhân vật xấu tốt, cuộc sống vẫn là vậy thôi. Nhưng anh không đi sâu vào sự xấu, không bêu xấu nhân vật. Anh luôn soi chiếu cuộc sống bằng lương tâm trung thực. Đó là ẩn ức kín đáo của nhà văn. Văn anh như cái búp non, to, mập, không thể già, không tàn úa, cũng không đánh đổi cái hiện tại để lấy hạnh phúc lâu dài và lời hứa hẹn, đạo đức phù du. Hố thẳm mà anh cảnh báo chỉ là sự ngu dốt, kiêu căng, tự hủy chính mình. Truyện của anh là những câu chuyện tồn tại độc lập, chỉ cần rót vào tai người ta những sự thật trần trụi của cuộc sống và để lại trong đó, không cần gì khác nữa, không kiêu sa, không cần huyền thoại. Văn của anh như tảng thịt cắt ra từ cuộc sống, và cuộc sống nào cũng cần có tảng thịt. Anh có nhiều nội lực, nhưng anh chưa dấn thân ở thể loại mới : Tiểu thuyết. Người như anh khi bước tới thiên đường, nó cũng hay lắm đó, tại sao anh không thử sức? Nhân vật của anh là những người nông dân, người lao động. Miếng cơm manh áo còn chưa đủ, làm gì nghĩ đến tình yêu và những xa hoa? Văn anh cho thấy cõi đời cũng bình thường, dễ hiểu và chẳng quan trọng gì. Người ta sẽ không sợ hãi cuộc đời, mà còn có thêm mọi sức lực để tiến lên. Anh chừa cho họ con đường đó, chứ không chạy sấn sổ lên làm gì cả. Thỉnh thoảng, ta lại thấy nhói đau về sự hồn nhiên, kinh ngạc của anh đối với đời sống. Ta cảm thấy yêu cái cuộc đời này, đậm đà mồ hôi và nước mắt, và cuộc đời vẫn luôn luôn thế, dẫu không có ta. Những con người nông cạn tội nghiệp, dốt nát và lố bịch trong cuộc đời được Nguyễn Văn Ninh phơi bày ra với một nỗi buồn dịu nhẹ. Tất cả những cái phù phiếm của cuộc sống biến đi, chỉ còn lại tình cảm chân thật của con người. Trong tác phẩm của Nguyễn Văn Ninh, thấy nhiều trải nghiệm của trang lứa anh. Nó biểu hiện suy nghĩ và đời sống thực tế, thấm thía, nhưng nó ít có tính biểu tượng, mà chỉ diễn tả về đời sống thực.

Tôi chưa đọc hết những tác phẩm Nguyễn Văn Ninh, chỉ mới cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng tôi tin trong anh còn ấp ủ bao nhiêu dự định, vì lứa người như anh nhiều khát vọng, lý tưởng, hoài bão, mà cố giấu đi, vì thời đại nó không đồng vọng cùng lý tưởng đó! Ở những nơi bạc ác thì tình yêu và tình người không thể sống được, hoặc sống trong thoi thóp. Cái cuộc sống mềm nhũn, bê tha ba vạ không có hình thù gì là một cơn ác mộng hãi hùng cho một người cầm bút. Anh phải làm sao đây? Hay cái thứ văn chương giáo điều ru ngủ ấy và cuộc đời thực thật xa lạ với nhau. Con người rút cục cũng bình thường thôi, có gì cao siêu, diệu vợi. Hơi thở đời, vốn sống của anh thấm đẫm mồ hôi. Một đám người ô hợp khốn khổ khốn nạn nhưng vẫn còn lương tâm và tình người khát khao được sống lương thiện. Khi không còn gì để hy vọng, thì chỉ còn điều đó. Cái tình nghĩa của gái điếm và thằng giang hồ đôi khi sần sật tình người, nhưng không bền vững. Hình như ai cũng muốn giấu trong mình một tí nhân cách và lòng tự trọng bị tổn thương. Cuộc đời trước mắt Nguyễn Văn Ninh là thế. Anh thích nhìn con người đẹp như sự thật và xấu cũng như sự thật. Cái phần sâu kín thì họ tự hiểu, hãy đối xử với nhau công bằng như bộ mặt xác thân đang hiện hữu, chứ đừng lắt léo quanh co gì. Đối xử quanh co là ác, là nham hiểm, điều đáng tiếc là lại thường có ở người đời. Nguyễn Văn Ninh rất băn khoăn về nhân cách của con người trong thời đại khủng hoảng. Anh cũng không bị cái truyền thống xiêm áo đoan trang thục nữ trói buộc hù dọa. Anh là người tự do. Anh đã bộc lộ tâm sự rất thật về nghề viết văn.

Con người hiện ra trong tác phẩm Nguyễn Văn Ninh nhiều khi thật đáng thương, thật âm u, thật thường thãi, thừa mứa ở cuộc sống. Những nhân vật đàn bà độc ác, chua ngoa, nanh nọc, đầu độc cuộc sống bằng ý nghĩ. Những cảnh trọc phú trưởng giả học làm sang vừa quê mùa, vừa vô học. Ẩn ức li-bi-đô, ẩn ức tình dục, cái bản năng hôn phối, sự sống tươi nở phồn thực bầy đàn. Tính dục bản năng thả rông, thiếu tình yêu, nhận thức và lẽ sống, coi thường lẽ sống. Chỉ có sự tồn tại của họ và những thú vui trần tục là sự thật, là mục đích duy nhất để họ theo đuổi và hy sinh. Bí mật được hé lộ : Những hạnh phúc của đàn bà đều là những phù du và ảo tưởng, không bền vững. Rồi phù vân cũng trôi qua, những phận người no đòn, biến mất, bị cuộc sống trừng phạt những đòn đau. Cuộc sống là thế, Nguyễn Văn Ninh không muốn nói dối, ba hoa về cuộc sống. Nhưng cuộc sống là thứ có thể cứu chữa được. Và “ …Cuộc sống không phải chỉ là tình yêu. Hạnh phúc không phải là sự ảo tưởng, lại càng không nên ảo tưởng, hoặc lý tưởng. (…) Cuộc sống là độc ác! Thật độc ác!” (Dáng em như cỏ non). Nhân vật người vợ trong truyện này trắng trợn tuyên bố : “Cái gì gắn với dấu huyền đều tốt đẹp. Này nhá : tiền này, quyền này, tình này… Còn một cái nữa cũng gắn với dấu huyền. Cô ta chỉ xuống dưới rốn của mình”. Nhân vật bị cáo cô đơn trong sự giàu có và bị phản bội. Ông ta là một tiến sĩ có lòng tự trọng, đã sám hối, khẳng định thực ra cuộc sống chẳng ra gì. Thật là đau xót. Lòng trắc ẩn của Nguyễn Văn Ninh, tình yêu thương đối với đàn bà hiện lên rất phổ biến trong tác phẩm. Anh viết rất tốt về đàn bà, còn đàn ông sao anh ít nói đến, và thường không chê trách, đó là mặc cảm Ơ-đíp hay tự ti, ẩn ức gì chăng? Anh viết về những khao khát của đàn bà rất ý nhị, rất có duyên, ngậm ngùi, rất tội. Họ bị xô đẩy đến bước đường cùng và không còn cách nào khác là chấp nhận, tung hê, hòa điệu vào cái bản nhạc chế giễu chính mình. Họ không còn thương xót chính bản thân mình nữa. Nhưng anh quá bận tâm miêu tả về đàn bà nhiều dục vọng, khi anh thừa biết, đã là con người thì còn nhiều lẽ khác để sống, chứ đâu chỉ có xác thịt dắt mũi chỉ đường, nhất là đàn bà Việt Nam? Những người đàn bà đôi khi bán thân vì miếng ăn, sự tồn tại, vì vật chất, nhưng còn vì sự kêu đòi của bản năng. Xét cho cùng, bản năng là cái vô tội nhất, cái người nhất, đáng yêu nhất. Chân dung những đàn bà và đàn ông được Nguyễn Văn Ninh khắc họa rõ nét, những thói xấu rất người, rất đáng thương, rất thật, cần tha thứ. “Ông là đàn ông nhưng tâm tính lại hệt như đàn bà. Ai thảo miệng tác động vào cái tính tẩn mẩn, vặt vụn, lão vạnh cái môi dưới oang oang : Phải chắt chiu chứ – nhưng chỉ chắt chiu của ông ta thôi, chứ của người ta bòn đãi đến từng gấu váy. Nào là chạy sang bà bán bún xin ít nước dùng, chạy lại hàng phở xin ít hành hoa thái. Thế còn được, đằng này, lại còn bòn đãi cả của thằng viết văn nghèo kiết xác. Năm thì mười họa không mua cho lão nải chuối, quả đu đủ, thì cũng nghe tiếng bấc tiếng chì, tiếng khoan tiếng nhặt, chợt gần chợt xa. Lại nữa, là c&aacu
te;i tính tham ăn. Sáng mai, lão cứ ngủ cho đến 8 – 9 giờ để trốn bữa ăn sáng. Vãn chợ, lão mới cắp rá đi mua. Hôm thì mớ thịt vụn, hôm thì mớ xương ế đem về băm băm, chặt chặt. Lúc ăn thì húp xì xoạp, bụng ễnh ra như lợn xề. Nói về lão ta chỉ thấy xấu. Đã đành là vậy. Hôm nào lão ta đi mua một bát phở, lão phải quay bát ba vòng, ngắm kỹ, sau đó đòi thêm rau, thêm hành, thêm nước, thêm bột ngọt. Một trăm vị khách như lão ta chỉ đem mà dẹp tiệm. Xấu người, xấu nết, tính bon chen (Chuyện đời như kịch).

Nguyễn Văn Ninh không né tránh vấn đề tính dục, anh cho rằng, giải quyết được ham muốn dục vọng bản năng là giải quyết được vấn đề con người, giải phóng cho con người. Anh có những câu văn rất nhạy cảm về tính giao : “Tôi hé mắt nhìn ra thấy đùi bố gác lên đùi mẹ. Cơn gió thổi thốc qua phên liếp, đưa cái lạnh tràn vào. Chợt nghĩ, thế là mình sắp có thêm em nữa” (Nắng hanh vàng). Bữa ăn trên cỏ chế giễu thói xấu học đòi thành thị; loáng thoáng tình thương, nỗi tự ti, mặc cảm của anh trai cày. Văn của Nguyễn Văn Ninh như bức biếm họa nhiều màu sắc, đường nét. Những bi kịch của con người mới bắt đầu, đang còn tiếp diễn và chưa kết thúc. Nó mở ra, và không hề có hồi kết. Cuộc sống hiện lên nhơ bẩn, nhầy nhụa, nhiều khinh thị, nơi bản tính con người bị chà đạp, giày xéo. Nhưng chính ở đây chứ không ở đâu khác, con người vẫn thở hơi thở của con người. Cuộc đời được phơi bày huỵch toẹt, những cảm nghĩ hành động chân thật, nghệ thuật gần như chồng khít với cuộc đời. Ít ra như thế, nghệ thuật đã không lừa dối cuộc sống, và ngược lại, cuộc sống cũng không lừa dối nghệ thuật. Nghệ thuật đối với Nguyễn Văn Ninh không phải là biểu tượng chữ nghĩa giằng co vò xé, những thứ đó chỉ tổ che giấu cuộc đời, giả tạo, không thật, anh không quý nó và tất nhiên không theo đuổi. Tôi còn nhớ ai đã nói, đại ý : Học, quên đi để sống, mới là văn hóa. Đọc Nguyễn Văn Ninh, người ta ít nhất cũng học được những bài học tươi rói bổ ích thật thà từ cuộc sống, chứ không giáo điều, răn dạy về cuộc sống, nghĩa đen và nghĩa bóng, thối nhảm! “Quân tử với quân teo. Nhức đầu. Triết lý quân tử bán đầy lề đường”.

Nguyễn Văn Ninh rất yêu thơ ca, nên tác phẩm anh đôi khi xuất hiện những câu văn du dương yểu điệu. Rải rác đây đó cái khủng khỉnh nhát gừng chớt nhả rất Nguyễn Văn Ninh. Nhân vật của anh nhiều suy nghĩ, ưu tư, không lẫn vào đám đông, và luôn khao khát sống lương thiện. Họ không thể cứ giang hồ trôi ở bể đời cay đắng, họ phải biết ý nghĩa và mục đích sống của mình. Những suy tư tình yêu trong tác phẩm anh là có gốc rễ, nếu có tình yêu thì tình yêu ấy không phải là ảo tưởng nhất thời, mà nó bắt rễ sâu rộng từ cuộc đời. Như nhân vật Long đại bàng trong Một thoáng Trương Chi, đằng sau tình dục là nỗi khao khát tình yêu vẫn còn le lói, đôi khi không tự nhận biết. Nhân vật là những người lao động nghèo khổ, chí thú với thân phận, với cuộc đời, nhưng đôi khi, người ta đưa mình vào bi kịch mà không tự biết. Nhưng ngoài bi kịch và cạm bẫy cuộc đời đó, người ta chẳng còn gì nữa. Người ta không nên trốn tránh, phủ nhận sự thật cuộc sống, mà nên chấp nhận, thỏa hiệp, chung sống, làm cho nó tốt lên. Ngôn từ rất bặm trợn, dân dã của người lao động. Bản chất nhân vật đàn ông của Nguyễn Văn Ninh không phải anh hùng cứu mỹ nhân, ga lăng, cứu vãn mọi sự. Đôi khi Nguyễn Văn Ninh rất “vô trách nhiệm” khi hạ một từ “chán”, vì nhiều khi sự ấy chẳng đáng chán gì! Cách viết của Nguyễn Văn Ninh rất đời, là sự lựa chọn nghệ thuật của anh, chứ tôi biết, anh không hề thiếu kiến thức để sáng tạo và đổi mới. Ngày ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trên bàn viết của anh những Nietzsche, Jăngpônsác, Franz Kafka, Sigmund Freud, Marcel Proust, Cao Hành Kiện, Uyliam Faunơ, Gunter Grass, Anbe Camuys, Milan Kundơra… lúc nào cũng ăm ắp chất chồng, làm tôi không biết anh lấy đâu ra thời gian để hiểu.

Đọc văn Ninh thấy một tâm hồn ấm áp, tin ở tình yêu và sự đổi thay, vận động của cuộc sống và bản chất lương thiện của con người. Anh cố gắng gọi tên sự vật rất đời thường. Anh kể chuyện nhiều, nhưng nghệ thuật dựng truyện chưa cao. Đôi khi cái tính dục của con người được che đậy kỹ lưỡng mỹ miều, chứ không xồng xộc, nồng nỗng đến thế đâu. Tất cả những chạnh chọe hận thù của con người đều không đáng gì so với những gì mà họ yêu thương, những giá trị của cuộc sống. Văn chương Nguyễn Văn Ninh gắn với cuộc sống, những gì của quê hương tuổi thơ máu thịt là chất sống của văn chương anh. Giữa một xã hội chai lì với ngôn ngữ, nghệ thuật, văn chương, xã hội đồng tiền, xa lạ, triết lý giáo điều, thì văn chương Nguyễn Văn Ninh vẫn còn cơ may sống được. Một người cầm bút chân chính thì luôn khảo sát cuộc sống bằng lương tâm trong sạch, đồng hành cùng cuộc sống, và đến lúc nào đó sẽ viết ra những điều độc đáo nhất, sâu sắc nhất, cần thiết nhất về thế hệ mình, về xã hội
. Thiết nghĩ đó cũng là sứ mệnh cao quý của mọi nhà văn.

Hết
Trần Thị Ngọc Lan – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *