9/08, 4:50 pm Trương Nam Hương chốc lát bỗng ‘Ra ngoài ngàn năm’

Cái dáng thi sĩ hiền lành và ngơ ngác của Trương Nam Hương bao giờ cũng thảng thốt giữa phố phường tất bật như một cậu trai lần đầu xa nhà đăm đắm nghĩ về mẹ bằng hai câu thơ đọng lại trong tôi suốt hơn chục năm qua: "Giờ mẹ đã đi bằng hồn, bằng vía. Tết nhất rồi hãi lắm cảnh tàu xe".

Nhà thơ Trương Nam Hương bước vào làng thi ca bằng một phúc phận ít người có được: Giải thưởng Hội nhà văn VN cho tập thơ đầu tay Khúc hát người xa xứ.

Thế nhưng, trong nghề thơ, cái được và cái mất luôn chấp chới như sẵn sàng đổi chỗ cho nhau mọi lúc, mọi nơi. Ở tuổi 28, cái khởi điểm rực rỡ ấy hình như cũng có thể trở thành một gánh nặng, nếu nhà thơ Trương Nam Hương không có cách vượt lên chính mình. Liên tục những tập thơ sau của anh như Cỏ, Tuổi hai mươi, Ngoảnh lại tháng năm và Viết tặng những mùa xưa đều nối tiếp phát triển giọng điệu Trương Nam Hương, bút pháp Trương Nam Hương.

Thời học trò, tôi rất thích thơ Trương Nam Hương và rón rén xem anh như thần tượng. Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp anh ngoài đời, tôi đã nhận ra anh ngay. Bởi lẽ, giống như diện mạo thơ mình, nhà thơ Trương Nam Hương có một khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất một vẻ buồn hồn nhiên. Phía sau cặp kính cận của anh, cái buồn vừa đủ để xót xa, cái buồn vừa đủ để dư âm thành rưng rưng thương nhớ vun đầy đôi mắt thường xuyên ướt đẫm kỷ niệm. Hay nói cách khác, cái dáng thi sĩ hiền lành và ngơ ngác của Trương Nam Hương bao giờ cũng thảng thốt giữa phố phường tất bật như một cậu trai lần đầu xa nhà đăm đắm nghĩ về mẹ bằng hai câu thơ đọng lại trong tôi suốt hơn chục năm qua: "Giờ mẹ đã đi bằng hồn, bằng vía. Tết nhất rồi hãi lắm cảnh tàu xe".


Tập thơ "Ra ngoài ngàn năm" của Trương Nam Hương.

Nhà thơ Trương Nam Hương từng làm xuất bản, rồi làm báo, và bây giờ anh thong thả ở vị trí Ban chấp hành Hội nhà văn TP HCM. Dù làm gì, thì Trương Nam Hương vẫn định danh một nhà thơ. Anh nắn nót làm thơ như thứ duyên nghiệp lận đận. Tôi dõi theo từng sáng tác mới của anh một cách e dè. Bởi lẽ, lối thơ như anh dễ bế tắc lắm. Thơ anh trong trẻo không lấm chút bụi đường. Thơ anh trang nhã không vương chút xô lệch. Vì vậy, tôi đọc tập thơ Ra ngoài ngàn năm của anh một cách cẩn trọng, vừa mừng vui thấy anh chưa bỏ thơ, vừa hồi hộp lo thơ sẽ bỏ anh. Không biết rủi hay may, khi Gặp Kiều tiết Thanh minh, nhà thơ Trương Nam Hương vẫn còn nguyên sự náo nức nét đẹp bùi ngùi, cổ kính không chịu khuất dưới rêu phong:

"Thời gian rúc lòng người như mối vậy
Anh già nua hơn thế kỷ mình
Dường chỉ mỗi Nguyễn Du là trẻ lại
Dắt tay Kiều đi dọc tiết Thanh minh!"

Kiên quyết giữ cho mình sức bền thi ca truyền thống, bàn chân anh bước đi lầm lũi giữa những tiếng hò reo hậu hiện đại. Anh lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe những Tạp cảm ngổn ngang ký ức bất tận ngược xuôi

"Hồn lau bạc cũng trở trời thao thức
Nghe xương cốt của ngàn năm vẫn nhức
Trắng im lìm, như cát trắng hư không"

Nhà thơ Trương Nam Hương chọn cánh cửa hẹp nhất để khám phá cuộc sống hôm nay, đó là cách tự soi rọi lại bản thân. Anh soi rọi bản thân bằng chậm rãi riêng tư mặc bao đua chen thiên hạ

"Hiểm trở lòng người không sao dễ vượt
Môi mắt nghĩa nhân miểng sành rêu trượt
Thôi mình thủng thẳng bước bằng tin yêu"

Nếu phải nói đến một nét mới mang tính tiêu biểu cho thơ Trương Nam Hương những năm gần đây, thì tôi cho rằng anh đang cố gắng thể hiện tâm trạng mình qua loại thơ mỗi khổ ba câu. Ba câu nói một ý, chỉ cần ý không vững thì cả ba câu đưa đẩy nhau trong ngôn từ dịu ngọt.

Ba câu như một tiểu đội, không có một câu xung kích thì hai câu còn lại chỉ che chắn nhịp điệu cuộc sống đang ùa chảy vào nhà thơ, buột nhà thơ phải lên tiếng. Giọng Trương Nam Hương trú ngụ ở miền mềm mỏng, nên anh chưa có sự sắc sảo và gai góc để gặt hái nhiều hơn ở thể thơ này.

Với những vần điệu tề chỉnh, nhà thơ Trương Nam Hương tỏ ra thành công khi khơi mở những đắng đót xa vời, những lầm lụi mù khơi ngay trên xứ sở

"Phố đông người dẫm chân người
Tưởng bàn tay ấm bắt rồi… vội buông
Vào chùa vừa ngộ hồi chuông
Bước ra đã lạc con đường nắng nôi
Hoặc nơi đất khách mịt mờ thăm thẳm
Kìa tuyết trắng khỏa nỗi buồn thanh sạch
Anh với Iowa cũng trắng đêm này
Thương một góc quê nhà trắng cát
Tuyết anh cầm như nước mắt trong tay."

Thỉnh thoảng vẻ buồn hồn nhiên của Trương Nam Hương cũng xuất hiện ngay bên cạnh những phát hiện tinh nghịch. Viết ở Nghi Tàm có lẽ là bài thơ mà anh tâm đắc nhất trong tập này, nên anh dùng bốn chữ lóe sáng “ra ngoài ngàn năm” làm tên chung cho cả ấn phẩm

"Váy người ngắn đến mê ly
Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài
Áo sương c&u
acute;c gió lơi cài
Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm"

Tuy nhiên, theo tôi thì dấu vết để lại khi lướt qua 62 bài thơ trong tập, phải kể đến bài Với chàng hát rong Mêhicô. Đây là lối viết lục bát nhấn nhá quen thuộc của Trương Nam Hương. 12 câu đầu sẽ trôi tuột như một cuộc gặp gỡ tình cờ, nếu không có hai câu cuối giữ lại

"Dốc chai, bóng bạn xa mờ
Lời ca chẳng có bến bờ nào neo…"

Bây giờ thơ cũng giống như vậy, cũng không có bến bờ nào neo giữa nhộn nhịp kinh tế thị trường. Thế nhưng, với nhà thơ Trương Nam Hương, ít ra thơ cũng giúp anh những ra những khoảnh khắc ngắn ngủi hạnh ngộ mà trân trọng, mà nâng niu.

"Chậm tích tắc thế là em đi khuất
Nhanh hai giây ta chẳng kịp theo cùng
Cái chớp mắt tưởng chừng lưa bụi ấy
Hoặc là em thương lắm… hoặc người dưng…"

Có lẽ nhờ cái tích tắc ấy mà chất thơ còn ở lại trong "ra ngoài ngàn năm"!

Lê Thiếu Nhơn – Evan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *