Trường Đại học Western Washington (WWU) khai giảng chậm hơn hệ thống trường tư ở các tiểu bang phía Nam nước Mỹ một tháng. Năm ngoái, dạo này, tôi đi dạo trong rừng sồi quanh Đại học Davidson ở North Carolina thường thấy thấp thoáng trên băng ghế gỗ dưới tán cây đang đổi màu lá hay trên bãi cỏ êm như nhung các sinh viên đang đọc sách trong mọi tư thế – họ sắp nộp bài giữa khóa. Niên khóa ở Davidson chỉ có hai học kỳ, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 12 và giữa tháng giêng đến giữa tháng 5. Nhưng WWU chia học kỳ theo mùa thu – đông – xuân, mỗi khóa mười tuần.
Tuần này, cuối tháng 9, bắt đầu khóa mùa thu của niên học mới. Cái thành phố Bellingham nhỏ xíu bỗng tấp nập chộn rộn sinh viên cũ – mới (và phụ huynh). Phố xá hàng quán cố phô bày vẻ độc đáo, các báo địa phương dầy phụ trương quảng cáo. Siêu thị Haggen được lợi thế ở gần trường, dụ dỗ khách hàng bằng cách cấp thẻ giảm giá 10% cho sinh viên. Chiều thứ bảy tuần này mở tiệc thịt nướng, mỗi phần ăn chỉ giá hai đô-la, gồm một bánh mì kẹp thịt nướng (hamburger khổng lồ), một bịch khoai tây chiên (nho nhỏ) và một cái ly giấy cao hơn gang tay. Với cái ly này, mình tự đi lấy đá và trà, hay cà-phê, nước cam, nước ngọt các loại, uống cạn lại lấy tiếp. Lần đầu tiên tới đây, tôi uống tổng cộng 7 ly, vì cái hamburger mặn quá, mà nước ngọt càng uống càng khát, tôi lại tò mò la cà tán dóc cả buổi, thấy ai cũng như mình, tay cầm ly nước ngọt đi lung tung, nói cười hớn hở, cũng vui.
Nhưng mấy ngày nay, Bellingham mưa nắng chập chờn, không khí hơi ảm đạm. Tờ báo của WWU đăng mấy bài không phấn khởi lắm. Thứ nhứt, ngân sách của trường lại bị cắt giảm hơn 3 triệu đô, nên một số chương trình bị dẹp. Năm kia, lúc kinh tế mới bắt đầu suy thoái, ngân sách bị thu hẹp, trường đã dẹp ngay những chi phí không thực sự cần thiết, như nuôi một đội bóng đi thi đấu với các trường khác. Năm nay, những chương trình bị dẹp đã gây tranh cãi, về sự “cần thiết” của những hoạt động ngoài giảng đường trong việc giáo dục thanh niên.
Thời khó khăn, trong khi trường giật gấu vá vai thì lòi ra ông Nord. Ông này nguyên là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của trường, bị thanh tra tài chánh kết luận là lãng phí vô trách nhiệm 38.000 đô trong vòng hai năm qua. Ông phải từ chức, nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại trường với mức lương 81.900 đô một năm, khiến cho thiên hạ tức giận. Người ta bới móc rằng, ông Nord đã phạm lỗi tương tự ở nhiệm sở trước đó ở Trường Đại học Wright thuộc Tiểu bang Ohio nên đã mất chức mất việc, tại sao WWU lại đem ông về để ông tiếp tục phung phí đồng tiền quí giá của người đóng thuế và vẫn còn dung dưỡng ông? WWU là Trường đại học công, hoạt động bằng ngân sách nhà nước cấp, tức là tiền dân đóng thuế, nên công chúng dòm ngó kỹ lắm.
Lại nhớ năm ngoái, ở Trường Davidson, trường tư, học phí cao, nhưng kinh phí của trường dồi dào là nhờ đóng góp của các mạnh thường quân, chủ yếu là các cựu sinh viên thành đạt. Tiền bạc dư dả nên trường sẵn sàng hỗ trợ các chương trình mới mẻ. Chẳng hạn, vấn đề môi trường đang sốt dẻo, trường bèn mời giáo sư, chuyên gia ở các trường khác về xây dựng chương trình cho trường, hay hổ trợ nông dân địa phương chuyển đổi canh tác thân thiện môi trường, không lạm dụng hóa chất, tận dụng năng lượng thiên nhiên. Nhưng cách xài tiền hay nhứt của trường này là cấp học bổng không hoàn lại cho bất cứ sinh viên nào cần hỗ trợ tài chánh. Học phí cộng với ăn ở nội trú trong tường này khoảng 50.000 đô một niên học, nhưng một khi được tuyển vào trường, sinh viên không phải lo lắng gì khác hơn chứng tỏ năng lực xuất sắc, còn khả năng tài chánh tới đâu thì đóng tới đó, phần còn lại có quỹ cựu sinh viên lo tất.
So sánh chỉ khiến sinh viên WWU thêm tủi thân. Năm ngoái, Trường WWU phải tăng học phí, năm ngay phải giảm học bổng, những việc làm thêm trong trường nhằm giúp đỡ sinh viên khó khăn tài chánh cũng bị cắt giảm, chưa kể các dịch vụ và nhiều chương trình khác bị co thắt lại. Mà không chỉ WWU bị cắt ngân sách, toàn bộ hệ thống trường công trong Tiểu bang Washington từ cấp tiểu học trở lên đều bị ảnh hưởng bởi ngân quỹ thâm hụt, thậm chí có trường có thể bị đóng cửa. Mà, trời ơi, Tiểu bang này có cả đống tỉ phú, kể cả người giàu nhứt nước Mỹ Bill Gates.
Trường giàu trường nghèo cũng giống người giàu người nghèo ở nước Mỹ, hay ở đâu khác cũng vậy. Kẻ ăn không hết người lần không ra. Nhưng thôi, niên học mới đã bắt đầu, chào mừng các sinh viên mới (được) đến trường và các sinh viên cũ (còn được) trở lại trường. Một thông điệp không chính thức lan truyền trong khuôn viên đại học rằng : “Tụi bây ở đây vì tụi bây không cực kỳ giàu hoặc không cực kỳ giỏi. Nhưng tụi bây là số đông. Tụi bây có sức mạnh thay đổi nếu tụi bây muốn. Tụi bây là thanh niên, tụi bây là tương lai. Nếu bây giờ, tụi bây không thể thực hiện niềm ao ước vào những trường xịn hơn để học chung với con cái bọn tỉ phú, thì hãy làm sao cho ngôi trường tụi bây đang học này trong tương lai trở thành niềm ao ước của con cái bọn tỉ phú để được học chung với con cái tụi bây!”
Lý Lan
Theo Báo Sinh viên
Theo Báo Sinh viên