“Tượng đài” là do người ta dựng nên, không có tượng đài là do người ta không dựng nên. Đời sống văn học lành mạnh không cần “tượng đài”. Cũng không lên dốc hay xuống dốc. Tôi hình dung văn học như mặt đất, có chỗ gồ ghề, có chỗ phì nhiêu, có khi lũ lụt, có khi hạn hán, có chỗ trồng hoa, có chỗ trồng lúa, có người chăm sóc kiểu này, có người chăm sóc kiểu kia, cây cỏ mùa này khác mùa nọ…
PV : Nguồn cơn nào dẫn chị tới văn chương? Có phải Antoine de Saint-Exupéry là cái tên đặc biệt với chị? Lý do là gì vậy? Chị có chịu ảnh hưởng gì từ ông không?
NV LL : Sự tình cờ thôi. Nếu thời sinh viên, tôi hát một bài ca thay vì viết một truyện ngắn và được bạn bè hoan hô, được giải thưởng rồi được khuyến khích hát tiếp, liệu tôi có trở thành ca sĩ hay không? Tôi không biết được. Sự tình cờ, hay sự run rủi của số phận, khiến tôi dây dưa với chữ nghĩa. Antoine de Saint-Exupery là tác giả quyển sách “Hoàng tử nhỏ” mà tôi rất thích, đọc nhiều lần từ nhỏ đến giờ. Tôi nghĩ là quyển sách đó đã có ảnh hưởng ít nhiều đến nhân sinh quan của tôi.
"Sự tình cờ, hay sự dun rủi của số phận, khiến tôi dây dưa với chữ nghĩa… " |
PV : Năm 1978, chị có truyện ngắn đầu tay in trên báo Tuổi Trẻ và đoạt ngay giải thưởng. Khi đó, chị vẫn là sinh viên sư phạm. 20 năm sau, năm 1997, chị nghỉ dạy hẳn để dành toàn thời gian cho việc viết. Một nữ sinh sư phạm viết văn, một giáo viên viết văn trong những năm tháng còn nhiều cam khó đó thì như thế nào?
NV LL : Trong khoảng 20 năm đó, viết văn không phải là mối quan tâm chính của tôi. Tôi đi học rồi đi dạy, sống cuộc đời nhiều thăng trầm và gai góc của mình, viết văn trong những thời khắc riêng tư, không phải cái gì viết ra cũng xuất bản, những cái xuất bản được cũng không thay đổi gì cuộc sống của mình. Năm 1997, tôi nghỉ dạy hẳn vì nhiều lý do khác nhau, và làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh, trong đó có viết báo, nhiều hơn viết văn. Từ đó đến nay, tôi cũng không hề dành toàn thì giờ cho viết văn, mà làm nhiều việc khác nhau : đi học, nghiên cứu, dịch thuật, nội trợ, làm vườn, ngao du… Tôi nghiệm thấy trong hoàn cảnh nào tôi cũng viết được, nhưng không cần dành toàn thời gian cho việc đó.
PV : Cho tới nay, chị đã có trong tay gần 30 đầu sách, gồm cả truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tùy bút, thơ, dịch phẩm… Chị có dự định sẽ tăng con số đáng nể này lên? Và sẽ là bao nhiêu?
NV LL : Số lượng đầu sách liên quan đến nhà xuất bản. Có nhiều thứ tôi đã viết đã soạn vẫn chưa có cơ hội xuất bản. Hy vọng sắp tới chúng sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc.
PV : Khóc, lang thang, rong chơi, kể chuyện, miên man, chiêm bao, lãng mạn, bình yên… Những từ mà tôi gạn nhặt từ một số tên sách của chị có nói lên điều gì về chủ nhân?
NV LL : Tên sách có thể nói lên điều gì về người viết? Tùy người đọc. Vì những tác phẩm đó cũng là một phần của đời tôi, chắc chúng cũng thể hiện một khía cạnh con người tôi.
Bìa tiểu thuyết mới xuất bản năm 2008 của nhà văn Lý Lan |
PV : Lý Lan là người nghiêm túc và đam mê, chị nghĩ thế nào về các nhà văn giả cầy, gò câu đẽo chữ, bon chen hiện nay?
NV LL : Tôi không biết họ là ai. Tôi không thể nói về người khác, nhất là người mình không hiểu biết thấu đáo. Nhận xét tôi “nghiêm túc” có lẽ vì tôi già, còn “đam mê” có thể vì tôi dại. Những người trẻ đang háo hức trên con đường văn chương hiện nay có thể là hình ảnh của tôi 30 năm trước.
PV : Hội Nhà văn có phải là thứ vớ vẩn với chị?
NV LL : Không. Hội nghề nghiệp rất nên tồn tại. Nhưng coi Hội Nhà văn là cái gì khác hơn một hội nghề nghiệp thì vớ vẩn.
PV : Chị nghĩ gì, khi mà văn hóa mạng bây giờ khiến các nhà văn nhà thơ thích công nghệ và đời sống tốc độ một cách bất cập do thái quá. Họ sẽ viết những thứ chưa cập đến tầm của thơ văn chăng?
NV LL : Tôi nghĩ mình nên dè dặt khi quan sát những biến thái trong đời sống xã hội do ảnh hưởng của công nghệ thông tin và chủ nghĩa tiêu thụ. Tôi dè dặt bởi vì tôi chưa rõ chân tướng hiện thực, chưa hình dung được tương lai, mà những nguồn tham khảo của mình cũng chưa có câu trả lời rõ ràng. Nhà văn thường là con cóc của xã hội (nhạy cảm với môi trường nên “tiếng kêu” có tính dự báo sự thay đổi). Tôi đọc người đương thời để hiểu việc gì đang xảy ra, chứ không có một ba-rem (thang điểm) để đo xem họ đã cập tới tầm nào.
PV : Hình như lâu lắm rồi, các tác phẩm văn học ở Việt Nam không còn có những "tượng đài" như thời chống Pháp, chống Mỹ, hay ít ra là một cá tính mạnh được đón nhận nồng nhiệt như Nguyễn Huy Thiệp? Chị lý giải sao về sự xuống dốc ấy của văn học Việt Nam ?
NV LL : “Tượng đài” là do người ta dựng nên, không có tượng đài là do người ta không dựng nên. Đời sống văn học lành mạnh không cần “tượng đài”. Cũng không lên dốc hay xuống dốc. Tôi hình dung văn học như mặt đất, có chỗ gồ ghề, có chỗ phì nhiêu, có khi lũ lụt, có khi hạn hán, có chỗ trồng hoa, có chỗ trồng lúa, có người chăm sóc kiểu này, có người chăm sóc kiểu kia, cây cỏ mùa này khác mùa nọ… Theo cách hình dung này thì tôi thấy, chúng ta có một mảnh đất bị qui hoạch, nơi người ta quá bận tâm đến xây dựng tượng đài, đền đài, ki-ôt, siêu thị, … nên không còn mấy chỗ cho hoa trái phát triển.
PV : Trong các cuộc tranh luận liên quan đến văn chương, phê bình văn học ở Việt Nam vài năm trở lại đây, chị chú ý nhiều đến "vụ" nào? Tại sao lại như vậy?
NV LL : Tôi không chú ý đến “vụ” nào cả. Tại vì chẳng có “vụ” nào đi tới đâu cả.
PV : Chị tiếp nhận rất nhiều "ánh sáng" từ văn học nước ngoài do tâm hồn nhạy cảm và thế mạnh ngoại ngữ "vua" (Tiếng Anh), quay lại nhìn văn học trong nước, chị thử làm một phép so sánh những cái mạnh và cái yếu, cái cảm thông được và cái đáng ngượng ngùng của văn học VIệt Nam gần đây được không?
NV LL : Cho phép tôi đính chính vài từ : văn học nước ngoài không toả “ánh sáng” vào tâm hồn tôi. Tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ đến giờ vẫn êm đềm bóng râm của khu vườn cây ăn trái quanh ngôi nhà gỗ thâm thấp của má tôi, dù nay ngôi nhà không còn nguyên và vườn đã đổi khác. Lợi thế đọc được Anh ngữ giúp tôi tiếp cận được một bộ phận của tri thức nhân loại, trong đó có một số tác phẩm văn học sáng tác bằng chữ Anh. Điều này mở mang được trí tuệ và có tác động đến cách suy nghĩ của tôi, và có thể đến những gì tôi viết.
PV : Chị so sánh tư duy và lý tưởng của người viết Việt Nam với người Trung, người Mỹ, người Anh… mà chị biết được không?
NV LL : Thời “toàn cầu hoá” này mà nói “người viết Việt Nam” với “người Trung, người Mỹ, người Anh… ” thì khó chính xác vì tính đặc thù thống nhất của mỗi dân tộc hầu như không tồn tại trên thực tế nữa, thí dụ “người Trung” ở nông thôn hay thành thị, lục địa hay Đài Loan, Hồng Kông, hay Hoa kiều hải ngoại; người Mỹ thì là Mỹ Do Thái, Mỹ gốc Âu, gốc Á, gốc Phi, gốc La-tinh… và người Việt Nam cũng thừa hưởng những khác biệt do địa lý và lịch sử để lại. Huống chi, “người viết” thì không thể “cá mè một lứa”, mà chỉ có thể tồn tại bằng sự độc đáo của mỗi cá nhân. Sự so sánh người viết theo khối không đồng nhất như “người Việt”, “người Mỹ”… là bất khả thi. Văn học so sánh cũng chỉ làm việc so sánh từng tác giả, thậm chí từng tác phẩm, thí dụ thơ Emily Dickinson và thơ Hồ Xuân Hương chẳng hạn.
PV : Không ít người sáng tác (nhà văn, nhạc sĩ, nhà thiết kế…) chọn không gian làm việc là quán cà-phê. Với chị thì sao?
NV LL : Nơi ngồi để viết không quan trọng đối với tôi, nhưng ngồi ở
nhà mình tôi thoải mái hơn ở nơi công cộng.
(Còn nữa)
Nhuệ Anh (Vietimes) thực hiện