Mới tuổi ngoài năm mươi, anh đã có may mắn được làm ông nội. Nhà có trẻ lên ba lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Trẻ thơ kháu khỉnh, ngộ nghĩnh và nghịch ngợm khuấy động cả tứ đại đồng đường khi vui đáo để, lúc ồn ào đến nhức đầu. Mẹ anh tuổi đã “cổ lai hy”mái đầu bạc phơ, vẻ mặt tràn trề hạnh phúc, ôm đứa chắt vào lòng mà ru, mà nựng.
Vẫn những lời ru xưa mẹ đã từng ru anh dưới mái tranh nghèo trên chiếc võng đưa kẽo kẹt. Ngoài kia, trên cánh đồng mênh mông sóng lúa, cánh cò trắng đang chấp chới bay lả bay la. Khi anh tuổi chín mười, mẹ dạy anh vo gạo, đun bếp, ghế cơm, cời than, ủ tro thế nào để nồi cơm ngon, không khê…Hằng năm, khi trời vào thu, thấy khóm hoa cúc nở vàng đầu ngõ, mẹ nghĩ ngay tới việc làm cho các con mâm cỗ trung thu chu tất. Mâm cỗ trông trăng của nhà anh cũng như nhiều nhà khác, chỉ có mấy chồng bánh đúc với đĩa mắm tôm vắt chanh và dăm quả bưởi. Cây bưởi sau nhà sai trĩu quả, cha trèo hái, mẹ đứng dưới gốc giơ cái rổ sề lên hứng, trông y hệt cảnh trong tranh hứng dừa. Gạo mẹ ngâm từ mấy hôm trước. Rồi mẹ đổ vào cối, gò lưng vào, vừa xay vừa dội nước, bột gạo hoà tan thành dòng trắng như sữa chảy xuống chiếc chậu sành. Bánh đúc nấu xong, vừa mới đổ ra mẹt chưa kịp nguội đám trẻ đã đòi ăn. Mẹ bảo phải cúng ông bà tổ tiên đã, chờ trăng lên mới được phá cỗ. Thế là mấy đứa cứ ngồi ngóng ra phía bờ tre mong đợi trăng mọc. Thời khắc ấy sao mà dài thế!Ngõ xóm, đây đó rộn vang tiếng lũ trẻ :“Ông giẳng ông giăng/ Xuống chơi với tôi/Có ván cơm xôi/Có nồi cơm nếp / Có đệp bánh chưng /Có lưng hũ rượu…”Hội rước đèn ông sao cứ lũ lượt kéo ra đường, dài mãi, dài mãi….
Vợ anh sắm quà Tết trung thu cho các cháu một đống bánh kẹo với đồ chơi. Đứa cháu ba tuổi được ưu tiên chơi đồ nhiều tiền. Toàn đồ Trung Quốc. Cứ cho cháu thứ gì mà nó thích nhất.
Chập tối, trại cắm trên các vỉa hè, ngõ xóm rực rỡ cờ hoa. Trống rền vang đầu làng cuối phố. Tiếng nhạc Rốc, nhạc Ja… oang oang trong các loa thùng phóng to hết cỡ. Đèn cao áp trên các cột đèn đường toả sáng chói loà. Trên đường, người lớn , trẻ con đi lại rầm rập. Hàng rong tràn ra các vệ đường, vỉa hè. Rác rưởi bỗng từ đâu tuôn đầy các ngõ ngách. Những nhà cao tầng che lấp trăng đi, không ai biết trăng mọc lúc nào. Muốn ngắm trăng, phải đợi đến khuya hoặc ra giữa cánh đồng.
Anh cõng đứa cháu ba tuổi lần mò đi qua mấy con ngõ nhỏ ra cánh đồng. Kia rồi, trăng đã lên! Không phải nhô lên từ ngọn tre mà từ toà nhà cao ngất, tựa hồ cái đĩa treo, có vẽ cây đa và chú cuội. Đứa cháu trông thấy vừng trăng thì đột nhiên a lên một tiếng. Anh nói như reo : “Trăng đấy !”. Đứa cháu hùa theo “Trăng đấy , trăng đấy, trăng đấy!”. Nó nhún nhẩy nhong nhong trên lưng anh, đồ chơi trên tay bỗng tuột rơi xuống đất. Giá lúc khác, chắc nó đòi anh phải nhặt lên ngay. Nhưng lúc này, nó chẳng thèm để ý. Anh cúi xuống nhặt lên đưa ra trước mặt, nó cũng không cầm, mà vẫn cứ luôn mồm : “Trăng đấy!”. Đây là lần đầu tiên trong đời nó nhìn thấy trăng. Ngắm thoả thích, đôi mắt trẻ chứa đầy trăng, anh cõng “vừng trăng”của mình về nhà, vừa đặt xuống giường, nó đã lăn ra ngủ khì. Đêm về khuya, các đội cắm trại giải tán hết và chắc đã ngủ say, trăng lên đỉnh đầu, chỉ còn một mình anh đứng ngắm.
Tản văn của Vũ Quốc Túy
Theo Văn nghệ Sông Cửu Long