Năm nay, bước sang tuổi 70, Trần Đình Sử vẫn là một Alice trẻ trung táo bạo, hăm hở đi vào xứ diệu kỳ trong thế giới nghệ thuật huyền ảo của nhà văn, để bắc thêm những chiếc cầu vồng lung linh trong đời sống phê bình nghiên cứu.

Chiến thuật cao tay tiếp thị Thi pháp học

Trước đây, khi phê bình văn học bị thống trị bởi cái nhìn xã hội học, người ta luôn đánh giá tác phẩm theo hướng soi chiếu với hiện thực đời sống để tìm kiếm cái hiện thực tương đương trong tác phẩm, lãng quên vai trò chủ thể sáng tạo của nhà văn.

Thi pháp học ra đời phủ định phương pháp phê bình xã hội học để khai phá vùng đất mới là cái Tôi của nhà văn, khẳng định vai trò của hình thức, từ đó, đánh giá lại các tác phẩm từ góc độ sáng tạo thẩm mỹ. Nhà thi pháp học giải phẫu tác phẩm để làm cho những suy nghĩ của nhà văn vốn tiềm ẩn sâu kín trong câu chữ và hình tượng nay lồ lộ ra ngoài cho mọi người thấy rõ.

Khi phân tích Truyện Kiều, câu thơ "Sẵn thây vô chủ bên sông" được Xuân Diệu nhìn từ góc độ xã hội học để thấy xã hội xưa đâu cũng thấy xác người, khi cần là có sẵn, còn Trần Đình Sử lại nhìn từ góc độ Thi pháp học để thấy "sẵn thây" là một thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Du, coi các đạo cụ là luôn có sẵn!

Trong Truyện Kiều rất nhiều cái có sẵn, nhân vật không phải tìm lâu. Nhà thơ giả định là có sẵn cũng là một thủ pháp mang tính quy ước, bỏ qua, không cần mất thời gian giải trình nguồn gốc. Không thể quy hết về phản ánh hiện thực được vì có khi sự bày sẵn một sự vật nào đó là thủ pháp nhằm kể chuyện tập trung.

Khi Thi pháp học mới ra đời trên thế giới, nó giống như một ngôi nhà có thể đi vào qua nhiều cánh cửa khác nhau. Jakobson (Nga) đi vào ngôn ngữ thơ là chính, trong khi đó Bakhtin (Nga) chỉ đi sâu vào thể loại tiểu thuyết. Được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Nga giữa những năm 70 thế kỉ truớc, Trần Đình Sử đã đem lý thuyết về thi pháp của Bakhtin vốn chỉ áp dụng cho thể loại tiểu thuyết để nghiên cứu thơ ca – một thể loại mà Bakhtin cho là không có giá trị vì chỉ có độc thoại.

Trần Đình Sử muốn khắc phục tình trạng này, ông hướng tới việc khám phá trong thế giới nghệ thuật của nhà văn một quy luật chung chi phối mọi khía cạnh của tác phẩm văn học từ thể loại, nhân vật đến ngôn ngữ. Ông muốn biến việc nghiên cứu hình tượng, ngôn ngữ và phong cách thành một lộ trình đi sâu vào thế giới cảm và THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT của nhà văn, vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để chạm đến được chiều sâu nhân sinh, bắt được cái thần của người sáng tạo.

Hoài Thanh cũng bắt được cái thần của nhà văn nhưng thiên về thưởng thức cái lạ cái hay chứ không nắm bắt được cái không hay, trong khi đó thế giới nghệ thuật của nhà văn luôn luôn có hai mặt hay và dở thống nhất với nhau, soi chiếu lẫn nhau. Cái mà ta cho là dở, là vụng về lại có vai trò những thể nghiệm có thể tiếp tục hoàn thiện trong cái mã riêng của nó.

Hoài Thanh chỉ tiếp nhận những cái gần hợp với hệ giá trị của mình. Nhưng nhà văn là một hệ riêng, người nghiên cứu phải tái hiện hệ riêng đó với những cái sâu hơn, rộng hơn ý đồ tác giả và nằm ngoài cả ý thích của người nghiên cứu.

Những tham vọng lý thuyết táo bạo đó được Trần Đình Sử trình làng trong mấy công trình đầu tiên vận dụng Thi pháp học là Thời gian nghệ thuật và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1981), Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1983) và Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) gây sốc cho giới nghiên cứu phê bình vì phát hiện nhiều điều chưa ai nói.

Chọn hai tác phẩm nổi tiếng mà giới nghiên cứu phê bình văn học xưa nay đã cày nát, Trần Đình Sử muốn mở một cuộc giao đấu giữa hai phương pháp đối địch – Xã hội học và Thi pháp học – ở ngay trên võ đài chính thống. Nếu Thi pháp học chiến thắng thuyết phục phương pháp Xã hội học trong cùng một nhiệm vụ thì phê bình mới sẽ được chính thống hóa. Một chiến thuật tiếp thị Thi pháp học cao tay!

"Giáo chủ" cô đơn suốt ba thập kỷ

Dùng lý thuyết về thi pháp tiểu thuyết mà Bakhtin đã khởi xướng để khám phá thế giới nghệ thuật của nhà thơ, Trần Đình Sử đã làm cái việc tréo ngoe giống như đặt chàng Kim Trọng thư sinh mơ mộng lên lưng con ngựa văn xuôi nôm na của Thúc Sinh bắt nó phi nước đại.

Vậy mà Kim Trọng không những không bị ngã mà đã trở thành kỵ sỹ tài hoa! Các công trình nghiên cứu Truyện Kiều và thơ Tố Hữu bằng Thi pháp học đã gây tiếng vang lớn trong đời sống văn học đầu những năm 1980. Thật thú vị khi thấy thơ Tố Hữu, Nguyễn Du hiện lên dưới những hào quang hoàn toàn khác lạ.

Trước kia, khi nghiên cứu hình tượng Bác Hồ trong thơ Tố Hữu, người ta thường ca ngợi Tố Hữu tả Bác giống hệt như đời thực, thực chất là mượn thơ Tố hữu để ca ngợi lãnh tụ chứ không phát hiện ra cái nhìn riêng của nhà thơ. Trần Đình Sử đã dùng thi pháp học giải mã cách cảm, cách hiểu của nhà thơ Tố Hữu về Bác, tìm ra những góc nhìn riêng độc đáo của nhà thơ mà không ai có được.

Có thể nói, Trần Đình Sử đã đưa Thi pháp học lên ngôi ở Việt Nam ngay trước thềm đổi mới, những người bảo thủ nhất trong nghiên cứu văn học cũng không phản đối. Các GS Đặng Thai Mai, Đỗ Đức Dục rất ủng hộ, cho rằng Trần Đình Sử đã mở ra cánh cửa mới chưa từng có ở Việt Nam, mở ra những triển vọng mới cho nghiên cứu và phê bình văn học.

Thế là, liền trong mấy năm trời, các viện nghiên cứu, Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn, các tổ chuyên môn của một số trường đại học, các diễn đàn, các CLB văn học nghệ thuật mời ông đến nói chuyện và tổ chức Hội thảo về Thi pháp học y như ngày nay người ta mời các nhà cảm xạ học đến trình diễn trò thôi miên, hút những chiếc thìa nĩa, những chiếc muôi múc canh bay đến dính chặt vào thân thể!

GS Nguyễn Hải Hà lúc ấy đã nhận xét: "Trần Đình Sử là người múa gươm dưới trời mưa mà không bị ướt đầu". Quả thật, Trần Đình Sử đã múa thanh gươm Thi pháp học trên đầu mình một cách tài ba để che chắn những giọt mưa xã hội học dung tục không làm ướt đầu ông, nghĩa là không chi phối hay quy chụp cách tư duy theo hướng mới của ông!

Khi ấy, Trần Đình Sử giống như chàng Từ Hải một mình một ngựa "lên đường thẳng dong" giải phóng cho nàng Kiều văn chương khỏi chốn lầu xanh xã hội học mà nàng đã dấn thân vào khi buộc phải bán mình chuộc cha, hy sinh cái thẩm mỹ cá nhân để cứu chuộc cái đạo lý chung. GS Phan Ngọc dùng phong cách học nghiên cứu Truyện Kiều từ những năm 1960 nhưng chưa công bố được. Khi Thi pháp học tạo ra bầu không khí chính thống cho các hướng nghiên cứu phê bình mới, ông mới cho in công trình nghiên cứu của mình và cũng gây cú sốc.

GS Đỗ Đức Hiểu và sau đó là Đỗ Lai Thúy cũng vận dụng các thủ pháp xếp chồng văn bản, nổ tung văn bản, khám phá hình tượng ám ảnh, câu chữ lệch chuẩn.v.v. thịnh hành ở Pháp từ những năm 1950 để giải mã nhà văn và tác phẩm. Nhiều sinh viên có nhu cầu vận dụng thi pháp mới vào các luận văn. Trần Đình Sử đã hướng dẫn 23 luận án Tiến sỹ và gần 60 luận án Thạc sỹ về Thi pháp học hiện đại.

Mặc dù đã có những đóng góp đáng kể vào tiến trình đổi mới nghiên cứu văn học ở Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn trong đời sống văn học nước nhà suốt hai thập kỷ, nhưng Thi pháp học của Trần Đình Sử vẫn bị coi là một thứ mốt, một hội chứng và không phát triển được hết tầm vóc của nó do thiếu những tài liệu cập nhật hay bị pha trộn các phương pháp nghiên cứu cũ.

Khái niệm "Thế giới nghệ thuật" được dùng khá phổ biến nhưng nhiều người dùng cũng không hiểu đúng. Vì thế, sau gần 20 năm "truyền đạo" Thi pháp học, Trần Đình Sử vẫn có cảm giác mình là một giáo chủ cô đơn, một mình một ngựa, lầm lũi bước đi trên một ngả văn chương hẻo lánh mà quyến rũ.

Thi pháp học "Made in Trần Đình Sử"

Có thể nói, Trần Đình Sử đã áp dụng và phát triển có sáng tạo lý thuyết về "thế giới nghệ thuật" của Bakhtin, đã vận dụng những nguyên tắc thi pháp học của Bakhtin vào nghiên cứu thi ca với nhiều sáng tạo mới mẻ.

Trên thực tế, lý thuyết thi pháp học của Trần Đình Sử không chỉ đóng khung trong việc nghiên cứu thời gian và không gian nghệ thuật như thường thấy, mà cho phép khám phá nhiều bình diện, từ quan niệm nghệ thuật về con người đến phương thức thể hiện, từ Tự sự học (Narratologie) đến Tu từ học (Rhetorique).

Trong công trình nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử mở rộng cái nhìn tu từ học một cách đậm nét và hoàn chỉnh. Ông chỉ ra rằng tu từ học cổ hay thiên về dụng điển, các nhà nghiên cứu văn học lâu nay chỉ thiên về giải thích điển tích trong Truyện Kiều mà không hướng đến khám phá cách dùng điển tích của Nguyễn Du. Có điển tích buồn lại được Nguyễn Du dùng để thể hiện niềm vui tinh tế trong bản đàn tái hợp. Chẳng hạn:

Khúc đâu đầm ấm dương hoà,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?

Hồ Điệp là điển tích Trang Tử mơ thấy mình hóa bướm mà không biết mình mơ bướm hay là bướm mơ thấy mình, thường dùng để chỉ sự hư ảo của kiếp người, nhưng trong câu thơ trên, Nguyễn Du đã lấy nghĩa hóa kiếp trong điển tích này để mô tả tâm trạng vui sướng ngỡ ngàng của Kiều lúc đoàn viên, không biết sự tái ngộ này là mơ hay thực.

Đỗ Quyên là điển tích nói về Vua Thục Đế bị mất nước hóa thành chim Đỗ Quyên đêm đêm khóc nhớ nước đến chảy máu mắt cũng đã được Nguyễn Du chuyển nghĩa trở thành hình tượng thể hiện nỗi bâng khuâng của Thúy Kiều chưa dám tin vào hạnh phúc của mình. Phương diện tu từ học là phương diện rất quan trọng trong nghiên cứu thi pháp, giúp ta khám phá ra cảm xúc, cảm giác của nhà văn bộc lộ thế nào trong thế giới nghệ thuật của anh ta.

Sự xuất hiện các xu hướng nghiên cứu phê bình mới đã đem lại cho đời sống văn học nước nhà những ánh sáng lung linh mới lạ. Nhưng nếu những nhà nghiên cứu thi pháp khác chỉ tập trung việc phát lộ ánh sáng lấp lánh trong cái hay của từng tác giả và tác phẩm, thì Trần Đình Sử chú tâm vào việc đưa ánh sáng từ một thế giới nghệ thuật bao quát cả đời văn, xuyên thấu nhiều tác phẩm, trùm lên cả cái hay cái dở trong hành trình sáng tạo của nhà văn.

Và, Thi pháp học của ông trên thực tế đã có một vị trí quan trọng mang ý nghĩa khai sáng trong đời sống văn chương học thuật nước nhà mấy thập kỷ qua mà các thế hệ sau sẽ tiếp tục nghiên cứu và đánh giá

Theo Đỗ Minh Tuấn – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *