Nhà văn Trần Thị Trường

– Cuộc thi có tên gọi Đánh thức không gian cũng có nghĩa là đánh thức cái ý thức của con người về không gian sống. Ý nghĩa cuộc thi thật thú vị, nó khiến cho người ta hiểu biết hơn về các giá trị không gian. Và nếu một không gian nào đó được thay đổi, được tác động nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy, đời sống tinh thần và tâm hồn. Nhiều kiến trúc sư trẻ đã hào hứng tham gia. Còn tôi, tôi hy vọng âm nhạc cũng là một phương tiện để "đánh thức". Tôi có ý tưởng đưa âm nhạc và ánh sáng ra một số không gian ở Hà Nội, biểu diễn trước công chúng.

– Ý tưởng đưa âm nhạc và ánh sáng vào các không gian công cộng của chị cụ thể là thế nào?

– Tôi dự định vào một thời điểm thích hợp, có thể là vào ngày kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, ở 3 địa điểm khác nhau: chân Cột Cờ, thành Cửa Bắc, vườn hoa Nhà kèn sẽ có 3 dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng biểu diễn một tác phẩm (vừa khí nhạc vừa thanh nhạc) có tầm vóc biểu hiện Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh đó là những thước phim chắt lọc hình ảnh lịch sử thành phố nghìn năm được chiếu lên. Không gian xung quanh Hồ Gươm vang lên những âm thanh của bản nhạc kia cùng lúc với ánh sáng được hắt xuống mặt hồ. Tất cả sẽ gây ra một hiệu ứng mới lạ cho người dân thành phố. Sự mới lạ ấy giúp người ta thêm một lần tư duy về không gian đô thị, giúp cho các nhà quy hoạch, quản lý đô thị thêm một lần mở rộng nhận thức về sự quan trọng của không gian, về nhu cầu nghệ thuật của công chúng…

– Vậy điều gì là khó nhất để biến ý tưởng này thành hiện thực?

– Vấn đề "đầu tiên" (tiền đâu) vẫn là chuyện muôn thuở. Đầu tiên là kinh phí cho các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn. Một tác phẩm có tầm vóc nghìn năm Thăng Long không phải đã có sẵn. Ngoài ra còn phải được thành phố cho phép. "Đánh thức không gian" chính là đánh thức nhận thức của con người về không gian sống. Để làm được việc này cần một sự thực hiện rất đồng bộ của nhiều cơ quan.

– Người ta đã đọc nhiều sáng tác văn học của chị, đặc biệt là mảng truyện ngắn, nhưng ít được biết về một Trần Thị Trường trong cuộc sống riêng, chị có thể thổ lộ đôi điều?

– Bây giờ nói 20 tuổi đã lấy chồng, mọi người sẽ cười, vội thế! Đã đủ trí khôn chưa? Nhưng hình như thời của tôi thì tuổi ấy… rất vừa. Tôi mê "người ta" trước thì phải. Một họa sĩ con nhà dòng dõi Hà Nội. Dĩ nhiên, hồi cuối những năm 60 (thế kỷ trước) thì dòng dõi đến mấy cũng chẳng rủng rỉnh tiền tiêu như bây giờ, nhưng bề thế của cái gia đình gốc gác ấy khiến không ít người choáng ngợp. Nhà có 4 bức tường thì 3 bức là sách cao tới trần. Những cuốn sách bìa da, gáy mạ, những tạp chí từ Pháp gửi sang, những đồ dùng từ thời Khang Hy và một không gian phảng phất chất tự tin tự tại vốn có của tầng lớp trí thức cổ. Không biết mê cái phong thái chung ấy của gia đình rồi mê người đàn ông hơn mình 3 tuổi, ít nói nhất, cá tính nhất hay ngược lại? Sau 3 năm thì chúng tôi lấy nhau. Tôi vừa đi làm vừa đi học hội họa. Tôi mê hội họa trước khi quen "người ta".

– Đã từng học Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp, sao chị không tiếp tục theo nghề để song hành cùng "người ta", hơn nữa ngày nay nhiều họa sĩ rất giàu nhờ bán tranh?

– Cũng có thể nói số phận không cho tôi chọn điều ấy, mặc dù cho đến bây giờ tôi vẫn rất say mê hội họa. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng để theo đuổi được âm nhạc và hội họa đỉnh cao, người ta cần ở quãng rất cao trong đời sống. Chỉ toàn tâm toàn ý cho nó thôi thì may ra. Mà tôi thì còn phải kiếm sống nuôi con khi con còn nhỏ. Tôi rời niềm hy vọng trở thành họa sĩ và sau đó bén duyên với văn học.

– Chị đến với văn học như thế nào?

– Có lẽ bẩm sinh tôi đã có tư chất nghệ sĩ nên cái đòi hỏi được sáng tạo, được biểu cảm luôn luôn thôi thúc, khi không có điều kiện tiếp tục theo đuổi hội họa, tôi đã tìm đến với văn chương. Chỉ với tư duy và cây bút bi (giờ là computer) là có thể thành tựu một điều gì đó.

– Thần tượng văn học của chị là ai?

– Tôi mê văn học Nga và văn học Trung Hoa. Thần tượng của tôi là L.Tonstoi, Dostoievski, Pasternar, Lỗ Tấn và nhiều tác giả sau này như Mạc Ngôn, Lý Nhuệ…

– Những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của chị là những gương mặt thế nào?

– Hầu hết là những người kém may mắn hoặc bị đối xử thiếu công bằng, hoặc những người giàu lòng nhân ái, có khả năng nhưng không gặp thời, hoặc thất bại trong tình yêu, đổ vỡ hôn nhân…

– Vì sao chị lại chọn mẫu người như thế để làm nhân vật cho tác phẩm của mình?

– Thì bởi văn học là sự chia sẻ và đồng cảm. Đôi khi điều đó cũng là an ủi chính mình nữa.

Nhà văn Trần Thị Trường nhận giải thưởng cuộc thi Đánh thức không gian.

– Chị thường cất giấu con n
gười nhà văn của mình ở đâu trong đời sống thường nhật?

– Trước khi cầm bút viết văn tôi vô cùng ngưỡng mộ các nhà văn. Khi đọc văn của họ nhiều khi tôi ước ao đựơc nhìn gần họ một lần. Thế rồi tôi đã gặp và tôi thấy họ trong đời thường nhiều khi rất… buồn cười. Khi cầm bút viết văn và viết một cách chuyên nghiệp, tôi thấy câu trong sách của Tư Mã Thiên rằng "viết văn cũng như làm nghệ thuật, đó là kinh nghiệm của người rót dầu hỏa qua lỗ đồng xu", có gì đâu mà… ra vẻ. Tôi chỉ thực sự là nhà văn khi đối diện với tác phẩm của mình. Ở giữa đời, tôi cố gắng hòa mình lẫn vào mọi cái xung quanh.

– Theo chị, vừa viết văn, vừa tề gia có gặp nhiều khó khăn không?

– Quá dễ, nếu quên mất mình là đàn bà Việt Nam. Còn không, như một lẽ tự nhiên, mình phải sống cho gia đình, chút riêng tư còn lại mới dành cho tác phẩm. Đó có lẽ cũng là lý do nữ nhà văn Việt Nam chưa làm nên tác phẩm lớn cho nhân loại.

– Thử hình dung nếu không viết văn thì cuộc sống của chị sẽ như thế nào?

– Gia đình tôi gồm toàn những người con được nuôi dạy cẩn thận, ai nấy đều thành đạt trong lĩnh vực của họ. Giả sử không viết văn tôi cũng như họ, một đời sống trung lưu, vui vẻ. Nhưng, không thể có giả sử ấy vì tôi chẳng thấy một phút yên ổn nếu không day dứt, suy tư một điều gì đó cho đời sống cộng đồng.

– Những công dân của thế hệ @ nghe đến tuổi sẽ xếp chị vào loại "khốt-ta-bit", nhưng những người làm việc với chị thấy chị là một phụ nữ hiện đại đúng nghĩa, thích ứng và hòa nhập với nhịp sống trẻ, tính hiệu quả cao. Làm thế nào để có thể như vậy?

– Một phần có thể là giời cho. Tôi luôn thấy hứng thú với công việc. Phần khác, nhờ cha tôi bảo: nếu con làm việc liên tục con sẽ không có tuổi già. Cũng có khi tôi nhớ lời của các thầy thuốc khuyên rằng: thể dục thường xuyên sẽ cho sức dẻo dai. Thể dục cho cơ thể bằng các bài tập, thể dục cho tinh thần bằng cách đọc các quyển sách từ dễ đến khó. Và thế là tôi không ngại việc. Càng làm càng tích lũy được kinh nghiệm.

– Có một thời chị đã từng tổ chức các sân khấu âm nhạc. "Cuộc chơi mạo hiểm" ấy có lẽ đã cho chị nhiều kinh nghiệm để giờ đây chị cùng Công ty TKK nhận được nhiều hợp đồng tổ chức biểu diễn và tư vấn các cuộc thi âm nhạc?

– Vốn cũng đam mê âm nhạc, lại chơi thân với giới nhạc sĩ, ca sĩ trong đó có Ngọc Tân – một giọng ca hàng đầu của Việt Nam. Tôi đã cùng Ngọc Tân mở nhiều "sô" diễn đầu tiên của cá nhân nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng lúc đó tôi mê ca sĩ Ngọc Tân. Chẳng có cách nào thanh minh khi chúng tôi đi với nhau nhiều đến thế. Mê thì cũng không xấu, Ngọc Tân hát hay đến thế cơ mà. Ngọc Tân tính nóng, tôi biết chịu đựng, hơn nữa tôi muốn học nghề. Hơn 100 đêm diễn, chương trình nào cũng kín chỗ ngồi, ở dọc chiều dài đất nước, khắp các thành phố lớn. Tôi rất vui vì điều đó, không chỉ thành công về kinh tế, về nghề nghiệp mà tôi còn được hưởng thụ âm nhạc, được đóng góp vào đời sống văn hóa cộng đồng. Ngày nay, các chương trình tôi tham gia cũng vì lẽ đó.

– Cảm ơn chị. Thảo nào mà chị đã tham dự cuộc thi Đánh thức không gian với ý tưởng lấy âm nhạc làm phương tiện.

Theo Tố Lan – Sức khỏe và Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *