1. Hai điều kỳ diệu nhất
Tình yêu kỳ diệu đến mức nào mà trong lịch sử nước Anh có ông vua từ bỏ ngai vàng để được lấy người mình yêu! Phải chăng, chỉ thiếu một người thì cả thế gian thành trống vắng? Nàng Ngọc Hoa trong truyện "Phạm Tải Ngọc Hoa" yêu chàng Phạm Tải, bị vua ép duyên hứa "để làm hoàng hậu chính ngôi" mà nàng đã tự tử theo người chồng nghèo.
Còn cô gái Nga hiện đại thật đẹp trong con mắt của người yêu qua thơ Éptusencô: "Khi em khẽ rụt rè áp bàn tay lên má/ Mặt chiếc nhẫn long lanh như một ánh sao chiều"… Từ nhà thơ siêu thực thành nhà thơ cộng sản, Aragông của nước Pháp nói bao điều lớn lao, khi nói về tình yêu vẫn như thủ thỉ tâm tình: "Vì em muốn, tiếng "yêu em" anh nhắc lại/ Tiếng mới đau sao khi thiếu mất em rồi!". Nói thế để thấy từ cổ kim Đông Tây, tình yêu đều được con người đặt ở vị trí thiêng liêng. Ai có được nó thì mới có được hạnh phúc.
Nghệ thuật cũng có điều kỳ diệu ấy. Nghệ thuật làm cho cuộc đời đẹp lên, thành kỳ ảo lung linh. Những hình tượng nghệ thuật ngựa sắt Thánh Gióng, nỏ thần Kim Quy, tiếng đàn Thạch Sanh… thiêng liêng và gần gũi, sống mãi cùng dân tộc, đến mức khi dựng trang sử mới thời hiện đại của nước Việt Nam độc lập tự do bằng thơ, thi sĩ Tố Hữu vẫn dùng những hình tượng ấy: "Ta đứng đây lẫm liệt đường hoàng/ Như Thạch Sanh khí phách hiên ngang/ Lưng đàn, tay búa, tay giương nỏ/ Chém mãng xà vương, giết đại bàng"… Kỳ diệu đến mức, bức họa nàng Mônalisa của Lêôna Đơ Vanhxi, người ta chiêm ngưỡng từ góc nào cũng thấy như nàng đang nheo mắt mỉm cười với mình.
Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, bài thơ "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của nhà thơ Phạm Tiến Duật được nhạc sĩ phổ nhạc đã động viên quân và dân ta có sức mạnh bằng mấy binh đoàn? Và dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại mới thật tuyệt diệu làm sao! Tôi có viết bài thơ "Quan họ", mà đây là khổ kết: "Trăng sáng giữa trời cao/ Có khi mây che lấp/ Gió hát ru mặt đất/ Có khi núi cản lời/ Chỉ có trái tim người/ Qua muôn đời sấm chớp/ Vẫn mang một tình yêu/ Nghìn năm còn rạo rực"…
Những tác phẩm không có nghệ thuật thì dù đồ sộ, hoành tráng cũng chỉ là một con số không. Ngọn lửa tình yêu mà nhợt nhạt giống như làm nghệ thuật không có năng khiếu thì mọi điều kiện khác cũng chẳng có ý nghĩa gì. Giống như những cuộc hôn nhân không có tình yêu thì không bao giờ có hạnh phúc, mà có khi lại là địa ngục. Tình yêu mang đến cho con người thiên đường. Nghệ thuật đem lại cho cuộc đời sự ảo diệu. Nghệ thuật cũng như tình yêu, đâu có cần chi nhiều, chỉ một chút mà thành vô giá. Người ta có thể sống cả đời hạnh phúc với một chút ấy. Tình yêu có khi chỉ một chiếc hôn đã thành mãi mãi, cho người ta có thể sống hạnh phúc suốt cả cuộc đời mà nhiều cuộc hôn nhân có đầy đủ mọi thứ không có được. Giống như nghệ thuật, chỉ cần một bài thơ bốn câu, một ca khúc, một bức họa tuyệt mỹ, đã làm lung linh cả một thời đại văn chương, một nền nghệ thuật.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh từ gần ngàn năm trước đã nói chân lý ấy: "Có thì dù chỉ mảy may/ Đã không, cả thế gian này cũng không". Tình yêu và nghệ thuật còn giống nhau ở chỗ nó bất ngờ kỳ lạ. Với tình yêu, có những cặp tình nhân người ngoài nhìn thì thấy hết sức chênh lệch, nhưng họ lại có một tình yêu tuyệt diệu, mà những cặp "môn đăng hộ đối" khác không có được. Nghệ thuật cũng vậy, có những tác phẩm đầy đủ mọi thứ mà không có sức sống, trong khi có tác phẩm tưởng chừng không hoàn hảo thì lại sống mãi với thời gian. Tình yêu và nghệ thuật đều không thể cầu xin mà có. Cũng không thể mua được bằng tiền. Càng không thể ăn trộm hay dùng sức mạnh giành giật được. Nó là sự tự nhiên của con người và trời đất.
Tình bạn nam nữ mà tri âm tri kỷ thì rất dễ dẫn đến tình yêu. Ngược lại, tình yêu mà tri âm tri kỷ thì là đỉnh cao của tình yêu, là tình yêu hoàn hảo. Như Kim Trọng và Thúy Kiều: “Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Trong nghệ thuật cũng vậy, Bá Nha và Tử Kỳ xưa bên Trung Quốc đâu chỉ một người gảy cho một người nghe, không có người ấy thì treo đàn không gẩy. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là sự tri âm tri kỷ, thiếu một người thì nghệ thuật không thể cất lên: “Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa/ Giường kia treo cũng hững hờ/ Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.
Nhưng nghệ thuật và tình yêu cũng rất nhiều lầm lẫn, và không phải ai cũng nhìn ra được. Nhạc Bethôven, tranh Van Gốc, thơ Oan Úytman… khi xuất hiện nào đã có mấy ai nhận ra giá trị. Và tình yêu đôi khi cũng vậy, "
2. Một phẩm chất của thơ tình Xuân Diệu
Ngoài những giá trị khác, thi sĩ Xuân Diệu được mệnh danh là "ông vua thơ tình". Có thể trước đây ít người làm thơ tình và không ai làm nhiều thơ tình bằng ông, mà thơ tình của Xuân Diệu lại hay nữa. Ngai vàng thơ tình của Xuân Diệu quả là vững chắc. Thi sĩ trẻ mãi với tình yêu trong thơ và trong đời. Nhiều giai thoại kể thi sĩ không thích ai gọi mình bằng bác, hãy gọi ông bằng anh hoặc gọi tên ông: Xuân Diệu.
Nhiều câu thơ có tính chất tình yêu của Xuân Diệu thời trẻ, các thế hệ yêu thơ vẫn truyền nhau mãi: "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần", "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!", "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non đã già rồi", "Gần thêm nữa, thế hãy còn xa lắm!"… Rồi những bài thơ tình nổi tiếng "Biển", "Giọng nói"… Tôi đã nhắc đến thơ của Trần Đăng Khoa nhiều rồi, nhưng bây giờ tôi vẫn muốn nhắc thêm một câu thơ nữa của anh, vì anh viết rất đúng về Xuân Diệu: "Ngày xuân xanh suốt tuổi già/ Tiếng Hương rối rít, tiếng Hoa phập phồng"…
Khi Xuân Diệu không còn trẻ nữa, và khi không còn tình yêu hiện thực trong đời, Xuân Diệu vẫn làm thơ tình và có nhiều bài hay. "Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng" như còn vang vọng mãi cùng tình yêu và tuổi trẻ suốt gần nửa thế kỷ qua. Đến bãi biển Trà Cổ, thi sĩ có những câu thơ như cô đúc tất cả tình cảm của mình trong tình yêu bất diệt: "Chia cho em nửa trời/ Chia nửa vời biển cả/ Còn một trái tim người/ Xin tặng em tất cả". Và bài thơ "Giọng nói" mới trẻ trung làm sao: "Ước được ngàn năm nghe giọng ấy/ Đèo em đi mãi cuối không gian/ Và khi không nói em im lặng/ Anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn"…
Riêng tôi, yêu thơ tình Xuân Diệu, tôi đặc biệt chú ý đến sự cô đơn của ông, đây là nỗi niềm thẳm sâu mà ông cố giấu. Nhưng đã là sự thực thì không thể giấu, trong một bài thơ viết ở nước ngoài, trên hồ tít – xa ông nói về tình yêu nồng nàn say đắm của mình với người đẹp và cảnh đẹp đầy thơ mộng, nhưng rồi ông đã thốt lên trong câu kết, buồn đến não nuột: "Đấy là anh tưởng tượng thôi/ Nước ơi, chỉ một mình tôi ngắm hồ!". Đó là sự thực cuộc đời của Xuân Diệu, khi không còn trẻ, ông không có một mối tình thực tế và gia đình riêng. Và tôi thấy Xuân Diệu thật vĩ đại khi làm thơ tình yêu. Bây giờ nhiều người giàu làm từ thiện. Điều đó là rất quý. Nhưng người ta đem cho khi người ta đã thừa thãi, giống như ông quan Bạch Cư Dị xưa bên Trung Quốc, khi mình đã ấm áp thì nghĩ đến người nghèo không có áo bông giữa trời lạnh buốt.
Nhưng có những tình cảm ở cấp độ cao hơn, ấy là khi người ta quên mình để vì mọi người. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác Hồ với nhiều câu thơ, nhiều bài thơ hay. Nhưng tôi thực sự xúc động khi đọc câu thơ nói được rất đúng một phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch: "Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau để nhớ chung". Trong cuộc đời, những người quên mình để vì mọi người không thật nhiều, nên những người như thế thực sự mang phẩm chất của thánh hiền. Tôi thấy, ngoài giá trị hay của nghệ thuật, thơ tình của Xuân Diệu mang được phẩm chất ấy.
Tôi vẫn quan niệm thơ phát ra từ hồn khác với thơ sáng tác. Vậy thơ tình của Xuân Diệu từ điều không có trong thực tế kia, thì có phải là những bài thơ sáng tác hay không? Ở đây lại có điều đặc biệt, tuy Xuân Diệu viết những bài thơ tình yêu không có thực, nhưng nó lại xuất phát từ cội nguồn thực trong tình cảm của ông, ông yêu đời và yêu người đến cháy lòng, tình yêu của ông với con người và cuộc đời đã trở thành máu thịt, đã trở thành điều thường trực của tâm hồn; nên những câu thơ, những bài thơ tình yêu của Xuân Diệu là phát ra từ tâm hồn yêu đó của ông. Đó là thơ phát ra từ hồn, nên chúng ta đọc thấy hoàn toàn chân thực.
Cao hơn cả nghệ thuật, đấy là tấm lòng. Thơ tình Xuân Diệu sẽ còn sống với thế hệ trẻ, với mọi người còn vì phẩm chất "quên mình" của thi sĩ. Chứ nếu nghệ thuật chỉ "vì mình" thì sớm muộn cũng bị mọi người và cuộc đời rũ bỏ. Đây là một bài học quý cho những người muốn gắn đời mình với văn học nghệ thuật.
Theo Đinh Quang Tốn – CAND Online