Đẹp, tài sắc và dám sống mãnh liệt, nữ nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết mới của Đoàn Lê bị số mệnh bạc đãi từ lúc mới sinh ra tới tận khi từ giã cuộc đời. Cuốn sách được đánh giá là một tác phẩm giàu chất tự truyện.
Tiền định của Đoàn Lê vừa lọt vào chung khảo giải thưởng văn Bách Việt 2009. Buổi lễ ra mắt cuốn sách diễn ra sáng 23/12 với sự tham gia của tác giả và các nhà văn như Dương Tường, Lê Minh Khuê, Hoàng Quốc Hải, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái…
Sau những tác phẩm như Cuốn gia phả để lại, Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa, Thành hoàng làng xổ số…, Đoàn Lê lại khiến độc giả quan tâm bởi những trang viết được chính chị thừa nhận là "mang nhiều chất tự truyện".
Nhà văn Đoàn Lê. |
Có thể nói, Tiền định là sự hư cấu hóa cuộc đời của chính nhà văn. Mà ở đó, nhân vật Chín là hiện thân phần nào con người của Đoàn Lê. Là con thứ chín trong gia đình có hơn 10 người con, Chín nổi loạn, bứt phá khỏi sự sắp đặt của gia đình để trở thành một diễn viên điện ảnh. Nhưng sự nghiệp của nàng bị cắt ngang bởi nàng sống quá thiên về chữ tình. Lấy chồng từ năm 17, không chịu nổi cuộc hôn nhân bất hạnh, nàng vẫy vùng thoát ra khỏi nó dù đã có với nhau hai mặt con. Trót mang thai với người yêu trong thời gian ly thân chồng, Chín cay đắng vứt cái thai 4 tháng tuổi và đối mặt với nguy cơ mất việc, sống cuộc sống bấp bênh vì vị trù dập.
Rồi cuộc tình ấy cũng trôi qua, nhẹ bẫng. Xung quanh Chín vẫn có nhiều người đàn ông, đủ tốt, đủ yêu thương nhưng dường như vẫn thiếu một điều gì đó để che chở cuộc đời nàng. Hoặc giả, họ không thể che chở nổi, bởi cuộc đời Chín có gì đó như là tiền định, như là "Trời cứ bắt tội vẻ đẹp cứ phải lầm cát bụi". Chính vì thế, khi Chín tưởng như đã tìm thấy hạnh phúc bên một nhà báo – người đã lặng lẽ đi bên cuộc đời nàng – số mệnh vẫn cướp đi niềm hạnh phúc cuối cùng ấy. Trên con đường họ tìm về ngôi nhà nhỏ của nàng, một tai nạn bất ngờ đã khiến hai con người ấy âm dương cách biệt mãi mãi. Nhà văn hạ câu kết: "Sự lỡ này có phải cũng nằm trong tiền định?".
Trang bìa cuốn tiểu thuyết. |
Tính chất luận đề của tiểu thuyết bộc lộ rất rõ, từ tên cuốn sách cho tới cách lặp đi lặp lại những suy nghĩ về số mệnh của nhân vật chính. Chín đã luôn nỗ lực vùng vẫy để chạy trốn những gì nàng cho là tiền định, nhưng chạy không thoát khỏi số trời. Cuộc đời nghiệt ngã đã đày đọa nàng đến tận cái chết. Qua cuốn sách, Đoàn Lê muốn thể hiện một thông điệp mang tính triết lý, đậm màu sắc duy tâm, lý giải mối quan hệ giữa chữ tài và chữ mệnh. Tuy nhiên, theo các nhà văn có mặt tại buổi ra mắt sách, tính luận đề bộc lộ quá rõ là một trong những điểm hạn chế của tác phẩm. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái phát biểu: "Tôi không thích tên sách, vì chữ này nặng quá". Nhà thơ, dịch giả Dương Tường cũng chia sẻ: "Tên sách lộ ý tưởng quá".
Ngoài câu chuyện về một cuộc đời, một tiền định, cuốn tiểu thuyết tái hiện cả một thời đại mà cô Chín sống. Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: "Tiểu thuyết tạo không khí của thời điểm mà nhân vật đi qua. Tuổi thơ. Tản cư Pháp, chạy bom Mỹ, Hải Phòng loạn lạc… Tất cả hiện lên rõ nét với ngôn ngữ của từng thời, với cách nghĩ cách sống của từng gia đình, từng người".
Tiền định được viết theo lối hồi ức, với dòng kể chảy theo những suy nghĩ của nhân vật Chín về cuộc đời đã qua. Theo nhà phê bình Minh Thái, lối lể chuyện này đã cũ, mang màu sắc cổ điển. Điểm hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết là giọng kể chuyện tình cảm, những đối thoại hấp dẫn và sự thú vị của từng chi tiết được nhà văn chọn lọc.
Theo Hà Linh – eVan