Ti-vi và mì sợi
Tấn bi hài thật sự bộc lộ khi chiếc ti-vi 23 inch mới cảo không thể chui qua cửa chính căn chòi đất, chủ nhân đành phải phá banh cửa sổ để mang nó vào trong. Loay hoay mãi, cuối cùng người ta cũng tìm được cho cái vật sang trọng, bề thế đó một vị trí trớ trêu và trơ trẽn nhất trong căn chòi chật hẹp.
Bắt đầu chỉ là chiếc ti-vi, thế mà sau đó là biết bao thứ để ngẫm ngợi… Nguồn: textually.org |
Bà chủ nhà tỉnh giấc quá nửa đêm, bên cạnh là ông chồng quẹo quặt to mồm ngáy, dưới sàn đất ngổn ngang đôn ghế của hàng xóm còn bỏ lại. Người đàn bà nông dân giương đôi mắt mệt mỏi nhìn lên chiếc ti-vi, nơi cặp diễn viên phương Tây đang âu yếm nhau bằng tiếng… Hoa!
Chị ngạc nhiên tròn xoe mắt như đã từng há miệng trong cửa hàng điện máy khi trông thấy người xướng ngôn truyền hình Trung Quốc nói leo lẻo thứ ngôn ngữ xa lạ. Người đàn bà nhìn mãi chiếc ti-vi – món vật đã từng khiến chị khát khao quay quắt – bằng đôi mắt lơ trơ, dị cảm.
Cặp tình nhân biến mất, chương trình phát sóng chấm dứt, màn hình chỉ còn lại những đốm sáng nhảy lăn quăn và thứ âm thanh rào rào vô nghĩa. Người phụ nữ cứ thế chong mắt vào cái nền sáng hư vô – cái nền sáng làm nên khung hình cuối, kết thúc bộ phim bằng một ngôn ngữ điện ảnh tuyệt vời.
Nhị Mô là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Zhou Xiaowen (Chu Hiểu Văn). Ông chưa từng nổi tiếng như các đạo diễn Trung Quốc cùng thế hệ : Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca… nhưng với Nhị Mô, Zhou Xiaowen đã khẳng định được tên tuổi của mình.
Bằng lối dẫn chuyện vừa chân phương vừa cách điệu, lúc nghiêm trang khi trào lộng, ông đã vẽ lên một góc đời nông thôn Trung Quốc thời buổi kinh tế thị trường : Trong cái xóm thượng du nghèo nàn, hẻo lánh, nơi người ta còn phải sống trong những căn nhà đất tối tăm, chật hẹp, có một gia đình sắm được chiếc ti-vi. Dĩ nhiên, chủ nhân của nó vô cùng kiêu hãnh, thậm chí xấc xược với đám đông khán giả không mời.
Poster bộ phim Nhị Mô của đạo diễn Zhou Xiaowen – Nguồn: china.org.cn |
Tự ái cảnh con trai ngày ngày phải qui lụy nhà thiên hạ, Nhị Mô quyết chí mua bằng được chiếc ti-vi – thứ vật xa xỉ mà sự tất bật sinh nhai không cho chị đủ thời gian tìm hiểu hay ham thích. Người đàn bà thề với con là sẽ mua được cái “thùng hình”, thậm chí lớn hơn của mụ láng giềng ngoa ngoắt.
Đạo diễn Zhou Xiaowen – Nguồn: 51xw.com |
Mặc những lời giáo huấn của ông chồng suy nhược, sính đạo lý vốn là bí thư xã về hưu, người vợ trẻ bắt đầu cay cú kiếm tiền. Chị thức thâu đêm, hùng hục với đám bột mì để tăng sản lượng. Nhưng sức tiêu thụ của cái chợ làng vẫn thế, giọng rao của chị khản đi, đôi chân xác xơ bao đồi dốc rốt cuộc cũng chỉ mang thêm đôi chút đồng tiền nhàu nát.
Từ gợi ý của người đàn ông hàng xóm, Nhị Mô theo xe hàng của anh ta ra phố thị. Ở thành phố, chị được giới thiệu vào làm việc trong một xưởng mì công nghiệp với mức lương cao khó hiểu. Những tờ giấy bạc trong hầu bao nhanh chóng đầy lên, nhưng vẫn thiếu so với giá chiếc ti-vi mà chị mong muốn.
Trong một dịp tình cờ, Nhị Mô biết được ở thành phố người ta mua máu. Thế là bằng đủ mọi mánh khóe gian lận : cải trang, uống nước muối, nói dối cán bộ y khoa… chị vét cạn máu mình đem bán. Để có tiền, người phụ nữ ấy sẵn sàng làm mọi thứ, trừ việc bán đi nhân phẩm : Ngay khi biết đồng lương của mình do ông hàng xóm bí mật châm thêm để gây tình cảm, Nhị Mô đã kiên quyết trả lại.
Cuối cùng thì chiếc ti-vi cũng được chở về làng, người đàn bà đã chọn thứ lớn nhất mà chị ta nhìn thấy. Xóm giềng sửng sốt, đứa con nhỏ sung sướng phát cuồng, ngay cả ông chồng luôn mồm thanh bạch cũng ngất ngây kiêu hãnh, chỉ riêng Nhị Mô ngồi phịch ra thở dốc, nhìn cái báu vật kia bằng đôi mắt chán chường. Vì nó, chị đã sục sôi hành xác, để rồi khi có được trong tay lại cảm thấy nó vô duyên, phù phiếm biết chừng nào. Nó ích gì cho cuộc sống còn quá ư thiếu thốn của gia đình chị? Trước mắt, vì nó, căn nhà không còn lối để đi, mì không ép được vì cây nén bột đã bị mang đi làm trụ ăng-ten! Trong lúc chính Nhị Mô thừ ra ngán ngẩm thì trong đám đông hiếu kỳ, ghen tị, một phụ nữ cay cú hỏi chồng : “Này, người ta có bán cái nào lớn hơn thế không?”. Một ý tưởng ganh đua khác lại bắt đầu…
Nhị Mô là một cốt truyện mỏng manh nhưng vẫn lôi cuốn bằng lối diễn đạt sống động, giàu chi tiết. Người xem như nghẹt thở khi nhìn thấy Nhị Mô nốc ừng ực một lèo ba tượng nước, khi mũi kim tiêm cắm vào tĩnh mạch, từ đó máu chị được rút ra, tràn cao lên ống hút… Thông thường, những cú máy mô tả quá trình như vậy không cần thiết trong điện ảnh, thậm chí bị xem là tự nhiên chủ nghĩa, nhưng Zhou Xiaowen đã cố tình sử dụng chúng như một thủ pháp gây ấn tượng. Chính những hình ảnh tưởng như minh họa đó đã khắc họa rõ hơn tính cách, cuồng vọng của người phụ nữ.
Về phong cách, Nhị Mô vừa giống như một ngụ ngôn, vừa mang dáng dấp tân hiện thực. Bất luận góc độ nào, phim cũng bật lên cái nhìn khách quan, trầm tĩnh của người sáng tác. Nhị Mô không ác cảm với kinh tế thị trường, không đả kích khát vọng hưởng thụ như thường thấy ở những tác phẩm duy đạo đức. Qua cái nhìn đó, Nhị Mô là con người đáng cảm thông – những con người phải chịu đựng sự nghèo khó quá lâu, lâu đến mức không còn tỉnh táo trước xu trào vật chất.
Từ câu chuyện làng quê, bộ phim phản ánh một hiện tượng tâm lý có thật đang diễn ra ở các quốc gia vừa tiếp cận với cơ chế thị trường – cơ chế giải phóng cá thể nhưng cùng lúc cũng dễ làm tha hóa nó. Bộ phim chợt làm ta ngẫm nghĩ : Trong cái thời xã hội bon chen, đam mê vật chất kiểu Nhị Mô, dù sao, vẫn lương chính, và vẫn còn may mắn cho đời…
Đạo diễn Việt Linh