Cái chết của những người tình nhân

Giường của chúng ta sẽ đầy hương thơm nhẹ
Đi-văng chúng ta sâu như những mộ sâu
Trên xích-đông những đóa hoa kì dị
Nở vì chúng ta dưới trời lạ đâu đâu
Đua nhau đốt hết ngọn lửa tình còn lại
Dọi vào hồn chúng ta hai hào quang chói lọi
Như một tấm gương đôi ánh sáng của đôi lòng
Một buổi chiều hồng xanh, huyền diệu
Chúng ta trao đổi nhau một tia chớp hai chiều
Như một tiếng thổn thức dài đầy lời chào vĩnh biệt

Và ngày sau một thiên thần sẽ nhẹ nhàng
Tha thiết mở cửa mồ ta vào chung thủy vui mừng
Đốt lại lửa tàn và lau lại đôi gương.

Baudelaire

Đình Liên dịch

Văn học, tự bản chất của nó đã có ý nghĩa tượng trưng., bởi vì“ cái làm cho nghệ thuật đối lập với các hoạt động khác của con người, đó dường như là tính chất không hình thể của nó…Đó không phải là hiện thực thuần túy, mà là một hiện thực được con người xem xét và sửa lại, hiện lên trong nghệ thuật và bằng nghệ thuật’’(Denis Huisman).

Chủ nghĩa tượng trưng, một thi phái ra đời vào những thập niên cuối của thế kỉ XIX ở phương Tây, như tên gọi của nó, đề cao sự sáng tác các biểu tượng.Nội hàm khái niệm biểu tượng có những nét riêng, và chính sự khác biệt đó đã giúp cho thơ tượng trưng có những nét riêng, và chính sự khác biệt đó đã giúp cho thơ tượng trưng có thêm những khả năng mới so với hình thức các thơ khác.

Trong cái nhìn của các nhà thơ tượng trưng, thế giới là một thể thống nhất , xung quanh con người là những vật, biểu tượng, giữa chúng và con người có mối liên hệ huyền bí, mơ hồ.Và Charles Baudelaire, một trong những vị tổ phái tượng trưng, đã vận dụng rõ rệt mối dây vô hình đó trong rất nhiều bài thơ, bài “ Cái chết của những người tình nhân’’, có thể xem là một ví dụ tiêu biểu:

Đại thi hào Baudelaire – Pháp

Giường của chúng ta sẽ đầy hương thơm nhẹ
Đi-văng chúng ta sâu như những mộ sâu
Trên xích –đông những đóa hoa kì dị
Nở vì chúng ta dưới trời lạ đâu đâu

Một cảm giác rợn ngợp được khơi gợi, nhưng đã vội bị lấp đầy bằng vẻ đẹp và làn hương của biểu tượng, khám phá thế giới ở bề sâu,ở những cái chưa biết, vô hạn và vĩnh cửu.Một vẻ đẹp cùng nỗi đam mê“ kì dị’’ giống như chính thế giới quan của nhà thơ.Một cuộc làm tình mê đắm như đi từ cõi sống vào cõi chết,và cõi chết ở đây không dẫn lối đến địa ngục mà dường như lại đang hé mở cánh cửa thiên đàng.Cái chết tượng trưng của những người tình nhân trên giường tình là cái chết khởi đi từ những đam mê huyền diệu,giống như Paul Verlaine cảm thấy mình “ chỉ là một phần nhỏ mọn nhưng kì diệu của vũ trụ đang chịu đựng những biến cải lớn lao’’.Và như thế, biểu tượng của bài thơ như là một phương tiện nghệ thuật gắn liền với quan niệm triết học về tính thống nhất của thế giới, nó cũng giống như cách Baudelaire bày tỏ trong bài thơ “Những tương ứng’’

Tạo vật là một ngôi đền, bên trong có những hàng cột trụ linh động
Đôi khi cho nghe thoảng những lời nói thì thầm
Con người ở đó đi qua những rừng đầy biểu tượng….

Dường như tất cả mọi chuyển biến lớn lao , nhà thơ đều cảm nhận bằng những vẻ đẹp tinh tế và diễm kiều nhất: hương thơm nhẹ, những lời nói thì thầm….
Vì thế, phải chăng thơ ca là cái có ý nghĩa nhất của thiên đường trần gian và có lẽ đó cũng là cái chìa khóa để đi vào một thiên đường đích thực, dù để đến đó, người ta phải băng qua địa ngục của ưu phiền. Chính Baudelaire đã nói lên điều ấy: nhà thơ đứng giữa địa ngục mà mình nghiệm sinh và thiên đường mà mình hoài nhớ.Chắc hẳn rằng, Baudelaire là kẻ đến sau nên đã kế thừa ít nhiều chủ nghĩa lãng mạn.Lúc bấy giờ, nổi chán đời, về một số phương diện nào đó trở thành căn bệnh của thời đại.Thế nhưng làm sao để nỗi chán đời được biến đổi và phủ định bằng ánh sáng thanh lọc của ngôn từ? Baudelaire đã kế thừa và từ trải nghiệm của riêng mình, nhà thơ đã tìm đến được“ quê hương thần thánh của tia sáng nguyên sơ’’

Đua nhau đốt hết ngọn lửa tình còn lại
Dọi vào hồn chúng ta hai hào quang chói lọi
Như một tấm gương đôi ánh sáng của đôi lòng
Một buổi chiều hồng xanh huyền diệu
Chúng ta trao đổi nhau một tia chớp hai chiều
Như một tiếng thổn thức dài đầy lời chào vĩnh biệt

Nhà thơ dường như mang khuynh hướng siêu nhiên, tiếng thở dài của ông là sự trải nghiệm về nỗi lo, về sự bất ổn, về cái chết dần mòn, về nỗi u hoài về thiên đường đã mất. Lửa tình, ánh hào quang, tia chớp hai chiều…mọi thứ ánh sáng rực rở, huy hoàng nhất như thể hiện những tham vọng và khát khao mãnh liệt của nhà thơ, những khát khao không thể nói hết được thành lời mà nhất thiết phải đúc kết lại trong những ẩn dụ tượng trưng.

Và ngày sau, một thiên thần sẽ nhẹ nhàng
Tha thiết mở cửa mồ ta vào chung thủy vui mừng
Đốt lại lửa tàn và lau lại đôi gương

Baudelaire đi từ nỗi đau thời đại để vượt lên chính mình bằng niềm tin tràn trề niềm lạc quan.Từ “cái vực thẳm tối tăm mà tâm hồn tôi rơi xuống’’, chính nhà thơ đã tự kéo mình lên bằng “ ngọn lửa sáng chói lòa những khoảng không gian trong trẻo’’.Toàn bộ tác phẩm của Baudelaire ở vào giữa cuộc chinh phục và cơn đau này, những bài thơ đẹp nhất là những bài vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc đọ sức, đạt tới sự hài hòa cảm động.

Bài thơ như một sản phẩm hoàn mỹ của ngôn từ và một khả năng tuyệt đối của tâm linh, nhờ vậy mà bài thơ có thể đạt đến sự hợp nhất về bản chất giữa tâm hồn và ngôn từ , và đó chính là ước vọng bền bỉ tự ngàn năm của thơ ca.
Và ta hãy lắng nghe từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, tiếng nói tâm giao :

“Các bạn ơi, hãy chứng nhận tôi đã làm công việc của mình
Như một nhà hóa học tài hoa và như một linh hồn thánh thiện.
Vì tôi đã chiết ra tinh hoa của mỗi điều, mỗi vật.
Bạn cho tôi đất bùn của bạn và tôi đã biến chúng thành vàng’’.

Tường Vi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *