Trên quê hương Esenin
đoản văn (6)
Bốn xóm nhỏ đơn điệu nối tiếp nhau trải dài theo con phố. Bụi. Chẳng thấy vườn. Rừng ven đường cũng không. Chỉ có những hàng giậu còi cọc. Đâu đó thấp thoáng những khung cửa nhiều màu chói mắt. Một con lợn ngứa ngáy đứng ngay giữa đường mà chà xát thân mình vào cột máy nước. Một bầy ngỗng sàn sàn nhất loạt ngoái nhìn một cái bóng cưỡi xe đạp lướt vụt qua và đồng thanh ném theo nó một tiếng kêu hăm dọa. Những ả gà mái bận rộn bới tung cả con đường lẫn sân sau để tìm mồi.
Đến ngay cửa hàng tạp hóa của làng Konstantinov trông cũng giống một cái chuồng gà ọp ẹp. Cá trích. Rượu votka các loại. Kẹo phồng dính – thứ kẹo mà từ mười lăm năm nay, chẳng đâu người ta còn ăn nữa. Những ổ bánh mỳ đen cứng như đá, nặng gấp đôi thứ bánh mỳ trong thành phố, chỉ thích hợp với rìu chứ dùng dao chắc cũng chả ăn thua gì.
Trong căn nhà gỗ của gia đình Esenin, những vách ngăn thấp xiêu vẹo chạm chưa đến trần, chái nhỏ, buồng xép, thậm chí chẳng chỗ nào đáng được gọi là một căn phòng. Ngoài vườn rau có một gian nhà kho ẩm thấp, vốn trước đây là phòng tắm. Sergei từng trốn vào đây, giam mình trong bóng tối và xếp vần những câu thơ đầu tiên. Bên kia hàng rào là một cánh đồng rất đỗi bình thường.
![]() |
Tôi lang thang đi trong ngôi làng này – một ngôi làng như rất nhiều ngôi làng khác, nơi giờ đây tất thảy mọi người đều bận bịu với áo cơm, tranh lợi đua danh với hàng xóm – và cảm thấy xao xuyến : ánh lửa trời một lần từng bừng lên ở vùng ngoại ô này đến hôm nay vẫn đủ sức để thiêu đốt hai má tôi ngay chính nơi đây. Tôi bước lên sườn đồi Oksky, dõi mắt về nơi xa và cảm thấy ngạc nhiên : Lẽ nào người ta có thể viết về đường viền thăm thẳm xa xôi của cánh rừng khẳng khiu kia một cách bí ẩn như thế này :
Trong rừng thông lũ gà gô đang ngân nga than khóc…
Hoặc về những con đường ngoằn ngoèo cỏ mọc dọc dòng Oka lờ lững :
Những đụn nắng đọng, nước mênh mông…
Một tài năng lớn biết chừng nào đã bị Đấng Tạo hóa quăng xuống nơi đây, vào căn nhà này, giữa trái tim của một chàng thanh niên dân dã thường vẫn hay gây chuyện đánh nhau, để rồi từ sự rung động của những sợi tơ lòng, chàng đã nhìn ra biết bao vẻ đẹp : bên bếp lò, trên sân kho, ở chuồng trại, ngoài cổng làng – những vẻ đẹp mà hàng nghìn năm qua, người ta vẫn giẫm đạp lên nhưng có mấy ai nhận ra?
Thu Anh
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga