(Aleksandr Solzhenitsyn : Giải Nobel Văn chương 1970)

đoản văn (10)

Tôi mới chỉ đọc thấy trong các sách chứ chưa bao giờ tận mắt chứng kiến cảnh sét đánh chẻ đôi thân cây ra như thế nào.

Thế rồi tôi đã thấy, trong một cơn giông vừa mới xảy ra đây thôi. Giữa ban ngày, những ánh chớp vàng chói của cơn giông rọi sáng các cánh cửa sổ nhà chúng tôi, và ngay lập tức, gần như chưa đầy một giây sau, một tiếng sấm nổ vang làm rúng động không gian cách ngôi nhà chỉ chừng 200 đến 300 mét chứ không hơn.

Rồi cơn giông qua đi. Và đây : trong cánh rừng kề cận, giữa những cây thông vượt trội, sét đã chọn đánh vào cái cây cao nhất, không phải sao? Từ trên đỉnh cây, nơi chỉ thấp hơn một chút so với nóc nhà thờ, sét đánh xuyên dọc dài theo thân cây, qua cái phần tươi xanh rồi qua luôn cả cái phần lõi cứng cáp ở bên trong. Tuy nhiên, nó đã không đi đến cùng : cú đánh của nó bị trượt ra ngoài, hoặc giả là sức nó đã kiệt?… Chỉ thấy mặt đất gần phần rễ cháy sém đã bị bằm nát và trong khoảng 50 mét, một lớp bụi gỗ dăm bắn ra tung tóe.

Ở một thân cây đã bị xẻ đôi, vào khoảng giữa, thân cây gãy quặt qua một bên. Nó ngả mình lên cành nhánh của những cây láng giềng bình an vô sự. Còn nửa thân kia, dù đã hoàn toàn rách nát, phô ra một khoảng trống lớn đến nỗi có thể nhìn thấu qua, nhưng chẳng biết bằng sức mạnh nào mà nó vẫn đứng đó như muốn bấu víu lấy thời gian. Sau đó, nó mới từ từ đổ nghiêng về phía mình để cùng với nửa thân cây chị em sinh đôi còn lại cao hơn nó tạo ra một sự phân nhánh hoàn hảo.

Con người ta cũng vậy đấy, khác gì đâu : Một khi đã bị một cú trời giáng bởi sự trừng phạt của lương tri thì cú đấm ấy sẽ xuyên thấu tất cả cái phần ở bên trong anh ta, sẽ theo anh ta dài dọc suốt cuộc đời. Một người mà còn đứng vững được sau một cú như thế, cái người đó không có đâu.

Thu Anh

Dịch từ nguyên bản tiếng Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *