(Aleksandr Solzhenitsyn – Giải Nobel Văn chương năm 1970)
đoản văn (11)
Ai trong chúng ta chưa từng nghe nói đến quả chuông này. Theo một bản án kỳ dị, nó đã bị tước đoạt quyền được gióng lên những tiếng chuông cũng như bị bịt mất một lỗ hổng mà do vậy, nó sẽ không bao giờ còn được treo lên trong một vị thế xứng đáng với nó. Chẳng những thế, nó còn bị đánh bằng roi, bị đày đi xa hai nghìn dặm, trên một chiếc xe thổ mộ kềnh càng, đến Tobolsk. Và để cái món hàng không đội trời chung này vượt qua được những chốn cùng quê ở cái nơi xa xôi ấy, người ta không dùng ngựa, mà chính những người Uglisha bị trừng phạt đã phải mang vác nó trên vai. Họ gồm hơn 200 người, bị kết án vì tội đã làm tổn thương đến Hoàng tộc (giết hoàng tử nhỏ), và họ – với những cái lưỡi đã bị cắt – sẽ không bao giờ còn có thể nói chuyện được với nhau như trước đây khi họ còn sống trong thành phố.
Trở lại Sibéria, tôi đến thành Tobolsk loang dấu tích hoang tàn của một địa danh đã bị phế truất, ghé vào thăm căn nhà nguyện cô độc, nơi quả chuông đang thi hành bản án 300 năm lưu đày của nó trong trường hợp không được ân xá sớm hơn để trở về. Vậy là tôi đang ở Uglisha, trong ngôi Thánh đường mang tên Dimitria-đẫm-máu. Và quả chuông, mặc dù nặng tới 20 pút (*) nhưng chỉ cao ngang nửa thân người, được củng cố thêm sức nặng bởi sự nổi tiếng. Lớp vỏ đồng của nó đã bị mờ đi qua bao thăng trầm gian khổ. Nó bị treo lơ lửng, bất động. Người ta đề nghị tôi gióng chuông.
Và tôi đã gióng, chỉ một tiếng thôi. Khi tiếng chuông kỳ lạ vừa vang lên trong ngôi Thánh đường, có cảm giác một dòng giai điệu sâu thẳm từ thủa xa xưa dâng lên đến bên chúng tôi, chẳng biết sao nghe day dứt và cháy bỏng tâm can. Tuy tôi chỉ gióng có một lần mà tiếng chuông kéo dài đến mấy phút. Sau đó, nó còn tiếp tục ngân nga trọn một phút nữa rồi mới chầm chậm, chầm chậm lắng xuống một cách đầy uy nghi và trước khi tắt lặng hẳn, tiếng chuông ấy vẫn không mất đi khúc ngân nga tuyệt vời của nó. Hẳn rằng tổ tiên chúng ta đã nắm giữ được điều bí mật của kim khí.
Vào những khoảnh khắc đầu tiên khi tin tức về việc Sa Hoàng bị giết chết bay tới, người giữ Đại Thánh đường đã chạy bổ lên gác chuông, rất thông minh mà đóng chặt cánh cửa lại phía sau lưng mình, và trong lúc kẻ thù còn chưa kịp ập đến, đã ra sức gióng và gióng những hồi chuông báo động trên chính quả chuông này. Xuất hiện tiếng gào thét và nỗi hoảng loạn trong dân chúng Uglisha. Vậy ra chính nó đã là sự khởi nguyên nỗi kinh hoàng chung cho toàn nước Nga.
Những tiếng chuông rền vang đó – tiếng kêu từ một nỗi thống khổ vĩ đại – đã báo trước cuộc bạo động lần thứ I. Giờ đây, đến lượt tôi có cơ hội để gióng lên quả chuông đau khổ này, có lẽ nào lại là tiếng chuông báo hiệu cho một sự héo tàn, mục nát bởi cuộc bạo động lần thứ III. Làm sao để đừng nghĩ tới sự liên tưởng này : Sự minh anh nhìn xa trông rộng của nhân dân – một trở ngại đáng tiếc đối với ngai vàng và với giới điền chủ bảo thủ – đâu phải chỉ để cho thời của 400 năm trước, mà còn cho cả thời của bây giờ.
Thu Anh
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga
————————
(*) tương đương 326 kg