Nguyên – con gái lớn của mình, học chuyên Hóa – từ năm lớp mười đã đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn, trong đó có môn Toán phải theo học hai lớp khác nhau. Mới đây, Nguyên xin đi học thêm môn Văn. Mình không hiểu rõ chuyện học hành của lớp trẻ bây giờ nên không dám từ chối, nhưng vì ngày xưa cũng là dân chuyên Văn, lại tự tin là ít nhiều cũng có kiến thức về lĩnh vực này, cho nên mình mới bảo, hay là để mẹ kèm con học Văn, cho con đỡ khổ vì học thêm được chút nào hay chút nấy. Con mình trả lời, nói như mẹ thì nói làm gì, con đi học thêm chủ yếu là để cô biết mặt con và cho con bằng bạn bằng bè chứ mẹ.

Thật bó tay chấm com với con.

Đừng nói đến chuyện tham gia vào các sinh hoạt trong gia đình để học lấy những kỹ năng cần thiết cho một người con gái như lề thói xưa quy định, mình chỉ cầu cho Nguyên có thời gian để hai mẹ con mình thỉnh thoảng được nằm thủ thỉ tâm tình, hoặc để hai chị em Nguyên được quấn quýt, vui đùa thỏa thích bên nhau. Trong khi con mê mải theo đuổi chuyện học hành, thì mình không chắc những kiến thức được nhồi nhét suốt 12 năm ở trường phổ thông liệu có hoàn toàn thiết thực, hoàn toàn hữu ích cho cuộc đời sau này của con, hay chỉ cần các kỳ thi vừa trôi qua là đã rơi rớt hết, trong khi trên thực tế, con thiếu hụt rất nhiều kỹ năng sống, từ những kiến thức phổ thông đơn giản nhất cho đến các phương pháp tư duy logic quý giá.

Nhưng cứ cho là có công mài sắt có ngày nên kim, con mình mai này rồi sẽ đỗ đạt. Tuy nhiên, đời mình từng thấy không ít sinh viên ra trường không xin được việc làm, hoặc nếu được thì lại không đúng ngành nghề. Thí dụ, kỹ sư thủy sản ra trường đi làm nhân viên ngành Văn hóa, cử nhân tiếng Nga trở thành kế toán viên, kỹ sư xây dựng theo nghề marketing, cử nhân tin học chuyển sang làm quản lý doanh nghiệp, kỹ sư cơ khí nhận công tác sự vụ ngành giao thông vận tải v.v và v.v… Họ đều là bạn học cùng thời hoặc gần với thời mình chứ không đâu xa.

Ngay như mình, ra trường, may mắn tìm được việc làm tương đối phù hợp với ngành nghề đào tạo, vậy mà cũng phải mất nhiều năm trải qua thực tiễn nhọc nhằn và kinh nghiệm thấm mồ hôi nước mắt mới tìm thấy con đường đích thực mà mình từng mong ước trong đời. Nền giáo dục của nước ta, tư duy học hành của chúng ta và con cái chúng ta đã làm lãng phí không biết bao nhiêu thời gian, bao nhiêu chất xám quý giá. Không nhắc thì thôi, nhắc đến, mình đau xót lắm.

Cho nên, bất chấp có phải là ngược dòng thời đại hay không, khẩu hiệu mình đề ra cho Khuê là “Tranh thủ… chơi đi con!”. Con lớn lên chút nữa, mình sẽ tính sau. Còn với Nguyên, hiểu rằng lúc này, bằng bạn bằng bè là động lực để con phấn đấu, mình không ngăn cản con đi học thêm chừng nào sức con còn có thể, nhưng mỗi khi có dịp, mình không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trổ giọng ca bài ca con cá cho con nghe : Con yêu, chỉ cần con nhớ nằm lòng hai điều : Thứ nhất, hãy biết con thích làm nghề gì, yêu cái gì, để từ đó dưỡng nuôi một chữ tâm cho riêng nó. Thứ hai, hãy biết con “thuận” ở chỗ nào để tập trung biến cái thuận ấy thành sức mạnh, thành nội lực của riêng con. Mọi cái khác chỉ cần vừa đủ là ngưng. Có được hai điều đó, con sẽ có cơ hội để sống sót qua mọi khó khăn thử thách rồi sẽ đến trong đời, để được đi trên con đường đời con, bằng đôi chân của con. Với mình, điều đó mới đáng giá hơn hết thảy mọi thứ bằng cấp, mọi thứ sành điệu, mọi thứ à la mode khác.

Thu Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *