(THVL) Đọc truyện ngắn “Hoàng hôn tím” của Nguyễn Thị Vân Anh, báo “Văn nghệ” số 45
06/01/20111. Câu chuyện bắt đầu từ lúc bà Tường Vi – một nữ cán bộ lãnh đạo – về nghỉ hưu. Do sự thay đổi mọi thói quen trong sinh hoạt thường ngày, bà bị sốc, dẫn đến trầm cảm rồi phát điên. Chồng bà và con gái của bà ra sức chiều chuộng, chăm sóc nhưng bệnh tình của bà Tường Vi không thuyên giảm, trái lại, ngày một nặng thêm. May mắn sao, Tâm – một người bạn gái của bà Tường Vi – từ miền Nam ra thăm và nhân dịp lớp của họ tổ chức họp mặt, bà Tâm đã đưa bà Tường Vi đến dự cuộc họp ấy. Tại đây, bà Tường Vi gặp lại ông Phong – người yêu ngày xưa. Thời sinh viên, họ đã yêu nhau say đắm, nhưng do hoàn cảnh gia đình hai bên không môn đăng hộ đối nên họ đã phải chia tay, đường ai nấy đi. Gặp lại ông Phong, sống lại những phút giây ngọt ngào êm đềm của ngày xưa, bà Tường Vi dần hồi tỉnh, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên, khi ông Phúc chồng bà đến để đón bà về với gia đình, về với cuộc sống thường ngày thì bệnh tình của bà lại tái phát. Một kết thúc xem ra là còn nhiều ngang trái…
2. Nhưng Hoàng hôn tím là một câu chuyện không chỉ quá đơn giản, mà còn khá vô lý, được xây dựng từ sự tưởng tượng chủ quan của tác giả nhiều hơn là từ sự am hiểu thực tiễn của cuộc sống. Có thể trong thực tế, những khía cạnh riêng biệt của câu chuyện là có thật, nhưng khi ghép chúng lại thành một tổng thể, chắc chắn, giữa chúng phải có rất nhiều hệ lụy, rất nhiều những liên quan phức tạp đan chéo, chất chồng lên nhau chứ không thể rạch ròi, phẳng phiu như trong câu chuyện này. Lẽ thường tình, bà Tường Vi phải phát điên từ 30 năm về trước, khi tình yêu đẹp đẽ, tươi sáng của bà với ông Phong bị gia đình chia rẽ. Chỉ có tình yêu mới có thể là lý do khiến cho một người đàn bà đa sầu đa cảm như bà Tường Vi bị phát điên chứ không phải là việc nghỉ hưu. Hơn nữa, sau 30 năm cách biệt, dư âm của một mối tình dù đẹp đến mấy cũng không thể là liều thuốc thần kỳ, đến mức khiến bà hết bệnh chỉ trong khoảnh khắc. Sự cường điệu vụng về nếu không muốn nói là có phần thô thiển của tác giả đã khiến cho Hoàng hôn tím trở thành một tác phẩm thiếu sức sống, không thuyết phục. Văn học là cuộc sống – một cuộc sống muôn màu muôn vẻ, luôn luôn chuyển động, luôn luôn thay đổi. Hoàng hôn tím gợi tôi nhớ đến hình ảnh một công trình kiến trúc mới chỉ xây dựng xong phần thô, nghĩa là còn thiếu tất cả những gì khiến nó có thể trở thành một tổ ấm đích thực và hoàn hảo.
Mỹ Anh