1. Hai vợ chồng trẻ Tự và Mai sống với nhau dưới tán rừng cao su. Họ có đầy đủ mọi điều kiện để tạo dựng một cuộc đời hạnh phúc. Người chồng khỏe mạnh, giỏi nghề rừng và rất yêu vợ. Người vợ xinh đẹp, dịu dàng, hiểu biết. Lô rừng cao su năm tuổi đã sắp đến kỳ khai thác sẽ là cơ sở vật chất bảo đảm cho tương lai của cả hai vợ chồng lẫn con cái. Vậy mà hôn nhân của họ giữa đường đứt gánh. Người vợ dứt áo ra đi, để lại người chồng một mình bơ vơ dưới những tán lá cao su xanh biếc, mỡ màng.

Nguyên nhân của chia ly chính là sự khác biệt về văn hóa.

Tự sinh ra và lớn lên dưới những tán rừng cao su ở miền Đông Nam bộ. Anh yêu rừng, yêu cuộc sống ở trong rừng cao su tuy lao động vất vả và có phần cô độc vì phải chịu nhiều cách biệt với thế giới bên ngoài nhưng bù lại, cuộc sống ấy luôn no đủ và ấm áp. Mai thì khác. Mai lớn lên trong một ngôi làng ở miền Bắc Trung bộ. Ngôi làng này có truyền thống khất thực. Trong mắt Tự, nghề khất thực – tức nghề ăn xin – là một nghề không hay, nhưng với Mai và những người đàn bà từng sinh ra, lớn lên trong ngôi làng mà Thành hoàng là một người ăn mày thì điều đó trước hết đã trở thành sự tín ngưỡng, điều tâm linh : Dù không hay nhưng đã là nghề nghiệp của tổ tiên thì họ rất không ngại. Hơn nữa trong thực tế, khất thực đối với họ là một nghề vừa nhàn hạ, thu nhập cao, lại vừa rất vui vẻ. Giữa những tháng ngày lang thang đầu đường xó chợ, tha hương cầu thực để hành nghề, những người đàn bà có cơ hội được sống gần gũi bên nhau, chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn mà cuộc sống cơm no áo ấm nơi rừng sâu không thể nào có được. Chính vì lẽ đó mà nhân cơ hội giữa hai vợ chồng xảy ra một vài xích mích, va chạm không đáng kể, Mai đã bỏ chồng lại chốn rừng sâu để trở về với họ, trở về với đời khất thực lang thang rày đây mai đó. Với “Đời khất thực”, nếu chỉ đọc lướt qua, có thể thấy Mai là một người đàn bà dại dột, không thực tế. Nhưng ngẫm kỹ mới hay đâu phải chỉ dưới những cánh rừng hoang vu mới có những người đàn bà như Mai. Giữa nơi phồn hoa đô hội, trong những biệt thự – căn hộ cao sang ngựa xe như nước áo quần như nêm bây giờ cũng chẳng thiếu những người đàn bà những muốn dứt áo ra đi. Như thế có nghĩa là, nguyên nhân sâu xa nhất chia lìa họ không phải là sự khác biệt về văn hóa, mà là thiếu sự liên kết, sự quan tâm đồng cảm chia sẻ giữa hai người, thiếu sự chăm sóc về mặt tinh thần của người đàn ông đối với người phụ nữ. Nhất thời, Mai có thể là người đàn bà thiếu kinh nghiệm, nhưng “Đời khất thực” đồng thời còn là một lời cảnh báo sâu xa cho những mối quan hệ hôn nhân đã trở nên lạnh nhạt giữa thời buổi mà trào lưu sống gấp có vẻ như đang chiếm ưu thế hiện nay.

2. “Đời khất thực” là một truyện ngắn hay. Trước hết, Nguyễn Quốc Trung đã đặt ra được một vấn đề thực tiễn nhưng không dễ đề cập trong cuộc sống hiện nay. Sau nữa, Nguyễn Quốc Trung có một sự am hiểu khá kỹ lưỡng và sâu sắc đối với đời sống của người công nhân trồng rừng cao su, có kiến thức về những làng nghề khất thực độc đáo ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ cũng như đã có được một giọng văn mượt mà, đằm thắm. Nếu bỏ qua được những chi tiết rườm rà không cần thiết, làm cho nội dung câu chuyện cô đọng, súc tích và sâu sắc hơn, “Đời khất thực” chắc chắn sẽ còn có thể trở thành một truyện ngắn hay hơn nữa.

Mỹ Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *