"Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên
".

Để "theo gió tiếng đàn xao xuyến" với những "phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền…" ngân vang:

"Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Ai hát trên bờ Đào nguyên
".

Ở cái chốn thiên thai đó luôn "có một mùa đào dòng, ngày tháng chưa tàn qua một lần".

Văn Cao đã gửi hồn mình vào chốn đào nguyên đó để quên đi cái chốn "trần hoàn" đầy trắc ẩn. Nhưng đấy chỉ là cõi mơ của Văn Cao thôi. Cả đời ông đi tìm cái chốn đào nguyên đó nhưng "tìm đào nguyên – đào nguyên nơi nào"?

Năm 1949, khi cuộc kháng chiến mới đi được nửa chặng đường, Văn Cao đã hình dung được ngày chiến thắng, cái ngày thủ đô được giải phóng. Để rồi ông cho ra đời bài hát "Tiến về Hà Nội". Hình ảnh hoa đào một lần nữa được ông nhắc đến trong ca từ của bài hát:

"Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chạy dòng sương sớm long lanh
".

Thú chơi đào của ông đã trở thành một nét truyền thống không thể thiếu được trong những ngày tết. Với ông, tết đến trong nhà nhất thiết phải có một lọ hoa, một cành đào. Nếu điều kiện cho phép để chơi thêm một chậu quất thì càng tốt. Còn không có cũng chẳng sao.

Những năm còn khỏe, trước tết vài ngày ông đều đi chợ hoa ở phố Hàng Lược để sắm một cành đào. Ông thích đào phai, ông bảo: Đào phai đẹp một cách dịu dàng, lộc lá xanh tốt, dáng cành tự nhiên không bị sự can thiệp của con người. Còn bích đào thì đẹp một cách rực rỡ. Nó như một cô gái làm đẹp bằng son phấn, dáng vẻ bị uốn nắn của con người nhiều quá".

Về đến nhà, tùy theo dáng của cành đào để chọn cho nó một cái lọ phù hợp. Vị trí đặt cành đào trong nhà cũng được ông đặc biệt chú trọng. Tùy theo thế của cây đào mà lựa chọn. Ông không thích những cành đào được tạo dáng như một chiếc nơm. Ông thường chọn những cành đào nhiều nụ, lộc lá xanh tốt để có thể chơi được qua ngày rằm.

Theo ông "đào đẹp ở cái thế cành, gốc to khỏe, sần sùi, gân guốc. Nụ nhiều, hoa to, cánh dày". Năm nào cũng vậy, cứ vào buổi sớm ngày mồng Một tết – ông thường pha một ấm trà đặc vừa uống vừa ngắm đào. Ông đếm từng cái  nụ và dự đoán số hoa nở vào ngày hôm sau. Có năm vào những ngày tết thời tiết lạnh đến nỗi:

"Giao thừa qua đi không tiếng pháo
Cành đào ngậm rét nghẹn cánh hoa
".

Hoa không nở được, ông phải đốt một chậu than để sưởi cho đào, thúc cho đào nở.

Một lần, ngồi uống rượu cùng ông vào sớm mồng Một tết. Năm đó, ông mua được một cây đào thế rất đẹp, hoa to dày, màu hoa đỏ thắm, ông ngắm cây đào một cách say sưa, ly rượu cầm trên tay bất động. Một lúc sau ông mới quay lại nhấp một ngụm rượu rồi bảo tôi: "Con có biết không? Chỉ cần nhìn vào cánh đào ngày mồng Một tết, ta có thể biết được năm đó nhà chúng ta thế nào. Nếu hoa nở thắm đẹp, lộc lá tươi xanh thì năm đó gia đình sẽ có nhiều niềm vui, làm ăn phát đạt, hanh thông. Còn nếu những ngày tết hoa nở ra bị héo, rũ cánh thì năm đó sẽ có chuyện buồn, ốm đau, bệnh tật, tai nạn, làm ăn thất tận…". Nghe ông nói, tôi cũng chỉ biết vậy. Tuổi trẻ tôi đâu có để ý đến điều đó. Ông còn dặn tôi đừng nên mua đào biếu ai, nhất là những gia đình có người già.

Và cái điều ông nói với tôi năm đó mà tôi còn bán tin, bán nghi đã ứng nghiệm. Vài năm sau, có người biếu cha tôi một cành đào rất đẹp. Cha tôi ưng ý lắm. Cành đào nụ to, khỏe, lộc lá xanh tươi. Ông cắm vào một cái lọ to hợp với thế của cành đào. Và đặt nó vào một góc nhà ngoài phòng khách. Đêm Ba mươi tết, cánh đào nở một lúc mấy chục bông. Ngồi uống rượu đón giao thừa cùng với vài người bạn. Ai cũng tấm tắc khen năm nay nhà ông có cây đào đẹp. Sáng hôm sau vào đúng ngày mồng Một tết. Cành đào tự nhiên héo lá. Hoa rụng vương vãi xuống nền nhà. Ông lặng đi không nói gì. Chiều tối ông chuyển cành đào ra sân và thay vào đó một chậu quất.

Năm đó cha tôi ốm nặng phải vào nằm bệnh viện điều trị hơn một tháng.

Sau ngày ông trở về với cõi thiên thai – tết năm nào anh em tôi cũng mua một cành đào đem xuống thắp hương cho ông ở nghĩa trang Mai Dịch. Cầu mong cho linh hồn ông được trở về với “chốn đào nguyên” xưa. Cõi mơ của ông với… "Khúc bồng lai là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi".

Theo Văn Thao – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *