Khi được hỏi về chặng hành trình dẫn đến sự thành đạt trong văn chương của mình, hầu như bất kỳ một nhà văn, nhà thơ tài danh nào trên thế giới cũng đều muốn khẳng định: Đường đến với văn học là con đường đầy hoa thơm, cỏ lạ nhưng đồng thời cũng đầy khổ ải, chông gai. Và số phận của người nghệ sĩ nhiều khi đan cài cả sự vinh quang và niềm cay đắng.
Phải sau 10 năm cầm bút, văn hào Pháp Bandắc mới chính thức được thừa nhận năng lực sáng tạo. |
Một đôi ví dụ dưới đây có thể giúp bạn viết trẻ thấy được: "Vạn sự khởi đầu nan" là điều có thể xảy đến với bất kỳ cây bút nào, cho dù người đó có mang trong mình mầm mống của thiên tài.
Nhà văn vĩ đại Pháp Hônôrê đơ Bandắc (1799-1851) có hành trình văn học rất lận đận hơn (thời gian "tập sự" của ông có đến hơn mười năm trời). Yêu và đến với văn chương khi chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng phải đến năm 1831, với tiểu thuyết "Miếng da lừa" ông mới thực sự nổi tiếng. Khi Bandắc bắt đầu trưởng thành, cha ông hướng nghiệp cho ông theo ngành luật, mong sau này giàu sang phú quý. Thấy Bandắc vẫn ngày đêm theo đuổi nghề viết, người cha bực tức, liền gia hạn cho cậu con hai năm để "thử tài", nếu không làm nên trò trống gì thì sẽ cắt khoản trợ cấp ăn học hàng tháng.
Năm 1820, theo hạn định, Bandắc hoàn thành tập tiểu thuyết Cromoen. Ông bố liền triệu tập gia đình để "bình xét" tác phẩm này. Kết quả, "hội nghị" ra phán quyết: Bandắc muốn làm nghề gì thì làm nhưng tuyệt đối không được theo nghề viết. Bất chấp sự ngăn trở của gia đình và sự châm chích của dư luận, Bandắc đã bền gan vững chí, nỗ lực sáng tạo và đã trở thành một trong những cây đại thụ của văn học Pháp thế kỷ XIX.
Nói đến thi ca Mỹ, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi Oan Huýtman (1819-1892), tác giả tập thơ "Lá cỏ". Tuy nhiên, hẳn bạn đọc cũng sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng, khi mới xuất hiện lần đầu, tập thơ in ra một nghìn bản và chỉ tiêu thụ được chưa đầy… ba mươi bản. Hơn thế nữa, mấy trăm bản tác giả gửi biếu đều bị trả lại kèm những lời xỉ vả thậm tệ đối với tác giả và tác phẩm. Thậm chí, có người trước khi gửi trả còn "cẩn thận" xé đôi cuốn sách để tác giả không "hiểu lầm" thái độ của họ. Nhiều nhà phê bình hung hãn xông vào nhằm "đo ván" tác giả tập thơ này. Thực tế- thời gian đã chứng minh rằng: Nhớ tới thi ca Mỹ thế kỷ XIX, người ta nhớ trước nhất đến Oan Huýtman và tập thơ "Lá cỏ".
Văn hào Nga Maxim Gorki (1868- 1936) được văn đàn biết đến khi tuổi đời còn rất trẻ (năm 24 tuổi, ông cho xuất bản truyện ngắn "Maka Suđra" gây xôn xao dư luận). Tuy nhiên, đến vài ba năm sau ông vẫn thường xuyên nhận được sự chỉ bảo, thậm chí là chỉ trích của những bậc thầy nghiêm khắc như Lép Tônxtôi và Antôn Tsêkhốp. Gorki từng kể lại rằng, buổi ông gặp Tônxtôi và nghe Tônxtôi "phán" về truyện "Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái" ông mới viết, thì thái độ của Lép Tônxtôi làm ông cảm thấy như bị xúc phạm: "Đứng trên quan điểm thông thường mà xét thì lời lẽ của ông ta là cả một từ ngữ thô tục. Tôi đâm ngượng và thậm chí trạnh lòng nữa: Tôi tưởng ông cho tôi không đủ sức hiểu một thứ ngôn ngữ nào khác thế". Tất nhiên, Gorki là một người rất có bản lĩnh, ngay sau đó ông hiểu ra rằng "Trạnh lòng như thế là dại".
Năm 1908, vào cuối giờ chiều, tại một hiệu sách lớn ở Pêtécbua có một chàng trai mới chừng 25, 26 tuổi, vẻ mặt tư lự đến hỏi chủ hiệu sách cuốn "Thơ trữ tình" xuất bản từ năm trước đó có còn không. Sau khi nghe chủ hiệu sách trả lời, chàng trai tỏ ý muốn mua lại tất cả số sách đó rồi lầm lũi mang về. ít phút sau đó, chàng trai lấy diêm châm đốt hết tất cả… Chàng trai đó chính là văn hào Nga Alếcxây Tônxtôi (1882-1945), tác giả của những bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng như "Con đường đau khổ", "Piốt đệ nhất". Cuốn sách bị thiêu hủy đó là tập thơ đầu tay của chính bản thân ông. Nhận rõ được khả năng đích thực của mình, Tônxtôi đã chuyển hướng sang văn xuôi, và ở khía cạnh này, ông đã gặt hái được nhiều thành công.
Theo CAND Online