Thương mình nặng nghiệp văn chương/ Đã tơ khúc ruột còn sương mái đầu/ Mênh mông biển nhuộm màu dâu/ Trăm năm thế ấy nghìn thu thế nào? Người viết những lời thơ ngậm ngùi ấy, khi mất đi để lại “Trường Xuyên tứ bửu” – Trường Xuyên là một trong những bút hiệu của thi sĩ Quách Tấn, “tứ bửu” là bốn vật quý.

Lữ Đường di cảo

Bốn vật quý ấy là những gì?

Chiếc hộp đầu tiên mở ra, đó là ba lá mận khô. Nhà của thi sĩ có trồng cây mận trước sân, hàng ngày ông vẫn treo võng nằm dưới tán lá ngắm nhìn trời đất, suy tư thân phận và viết. Một buổi sáng tỉnh giấc, ông nhìn ra vườn thấy cây mận đã rũ héo (mà sau này ông phát hiện do thuốc khai quang), đau lòng quá ông ngồi bệt xuống gốc, thẫn thờ. Một ý thơ từ nỗi buồn khởi sinh, ông vào bàn và viết thi phẩm Bóng ngày qua. Đến đoạn nói về cây mận, chợt một cơn gió nhẹ thoảng đưa ba chiếc lá mận khô nằm trọn trong lòng ông. Những chiếc lá như lần vẫy chào cuối cùng của cây.

“Vật kỷ niệm quý hơn vàng ngọc xứ trầm” – thi sĩ đề trên mảnh giấy vàng gói một miếng sừng tê giác có đường kính độ 4cm, bóng lưỡng, nặng trịch. Đó là món quà học giả Nguyễn Hiến Lê tặng thi sĩ. Cẩn thận hơn, phía dưới ông đề: “Khúc sừng tê giác của nhà văn Nguyễn Hiến Lê biếu để chữa bệnh đau mắt thanh quang nhãn, tựa gọi là bệnh hột cườm xanh. Quách Tấn bị đau mắt ngày 11.7.1973”. Sau khi nhận được quà bạn tặng, ông viết: “Khúc sừng này là tê giác hay sơn ngưu giác, đối với tôi vẫn là bảo vật. Tôi quý vật không ở giá trị vật chất hay công dụng của chúng, mà quý những ân tình, những hình ảnh chúng chứa đựng bên trong…”

Khúc sừng tê giác

Sinh thời, hai ông một ở Nha Trang, một ở Sài Gòn, quen biết nhau có hơn hai chục năm, nhưng gặp nhau chỉ vài lần mà thành tri kỷ. Cũng từng ấy năm, hai ông viết cho nhau tổng cộng 300 bức thư có thể in thành tập gần 1.000 trang. Có những lá thư học giả họ Lê gửi ra Nha Trang mãi ba tháng sau mới tới và một tháng rưỡi sau mới nhận được thư hồi âm của bạn. Trong mỗi bức thư đều chứa đựng rất nhiều câu chuyện bàn luận về văn chương thi phú và cả những tư tưởng, học thuyết của các triết gia Đông Tây kim cổ. Hiện nay ông Quách Giao, con trai thứ của thi sĩ Quách Tấn, đã tập hợp được 180 bức thư với khoảng 400 trang và chuẩn bị in thành sách.

Báu vật thứ ba là bộ Tô Văn Trung gồm 20 quyển bạn ông tặng từ năm 1947, sau nhiều lần tản cư, ông vẫn giữ đủ. Nhưng “đến năm 1953 trong nhà không còn một đồng tiền, hột gạo mà nợ lại đang đòi, đành phải bán. Người ta trả 20.000 đồng tín phiếu (mua được 100 ký lúa) để làm… giấy hút thuốc. Không bán thì lấy gì ăn mà bán thì đau lòng quá. Ta bèn đi bộ trên 80km đến tìm Phan Thao làm chủ tịch văn hoá miền Nam và xin bán 10.000 đồng thôi – thà ít tiền mà sách còn trên trần thế. Nhưng văn hoá chê không mua mà tìm không có ai mua để đọc nên đành bán cho người ta hút thuốc!!!…” Bán mà vẫn tiếc nên ông dành lại một cuốn duy nhất, in hình Tô Đông Pha rất đẹp giữ làm kỷ niệm và trở thành một trong những báu vật ghi dấu một thời đói khổ cơ hàn.

Cuốn sách duy nhất còn lại của bộ Tô Văn Trung

Ba chiếc lá mận khô

Báu vật thứ tư cũng là một cuốn sách, có tên Lữ Đường di cảo. “Viết truyện về Lữ – Đường mà tình cờ được tập thơ của Lữ – Đường, tưởng cũng là một truyện ngẫu nhiên kỳ thú”, thi sĩ viết đằng sau tập Đường thi của Thái Thuận, một quan văn triều Lê, vài dòng để kỷ niệm duyên kỳ ngộ này. Sở dĩ ông xem đây cũng là báu vật vì với ông toàn bộ những tinh tuý gửi gắm trong thơ ca đều kết tinh từ những bài Đường thi.

Bài thơ đáng nhớ

“Tôi may mắn sống với cha từ nhỏ, chuyện buồn vui, lớn nhỏ gì ông cũng kể cho tôi nghe, kể cả thơ, đôi khi chưa ngâm được với bạn văn, ông bảo tôi pha trà, bắc ghế ngồi cạnh nghe ông ngâm. Rồi ông giải thích cho tôi và tự tôi thấy rất yêu thích mà cũng vội ghi lại trong sổ tay của mình. Sau này nó hữu ích cho tôi mỗi khi chuẩn bị làm sách cho ông. Khi cha tôi mất, ông không nói được, chỉ ra dấu bảo lấy cho cây bút và tờ giấy, ông viết bốn chữ: “Không được bán sách”. Từ đó, không những tôi không bán mà còn tiếp tục in sách cho ông. Cả đời ông, 50 năm viết sách làm thơ được 70 cuốn. Từ đó đến nay đã in được 35 cuốn rồi. Không biết hết đời tôi có in hết không vì năm nay tôi đã gần bảy mươi. Tôi cũng mong đời con, đời cháu mình vẫn còn quý sách”, ông Quách Giao tâm sự. “Vậy ông thích nhất bài thơ nào của cụ?” – “Tôi không thể trả lời bài thơ nào là thích nhất. Nhưng có một bài thơ mà ông cụ bảo tôi chép lại, rồi chép cả ý nghĩa của nó nữa. Bài thơ ấy đơn giản, dễ nhớ mà ý nghĩa sâu xa vô cùng. Có khi cả một đời người sống cũng chỉ gói gọn bấy nhiêu chữ ấy thôi. Tên của bài thơ cũng giản đơn – Trước–sau: Trước tết mai là hoa/ Sau Tết mai là củi/ Trước bao nhiêu nâng niu/ Sau bấy nhiêu buồn tủi/ Nâng niu mai chẳng mừng/ Hất hủi mai chẳng tủi/ Nghìn trước nối nghìn sau/ Khe trong lồng bóng núi.

Ngôi nhà số 12 Bến Chợ – Nha Trang mà cố thi sĩ và gia đình gồm vợ với chín người con ở từ năm 1938, chỉ được sửa chữa một lần duy nhất vào năm 1985. Sửa xong nhà hôm trước, hôm sau là đám cưới cháu ngoại. Đằng trước rước dâu, đằng sau cụ đắp chăn, nhắm mắt thanh thản ra đi. Rồi mãi đến năm ngoái, ông Giao mới cho xây thêm một phòng đằng trước để tiếp khách, còn phòng khách cũ thành nơi thờ và lưu giữ kỷ vật cùng sách của thi sĩ. Đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng thử hỏi mấy ai, kể cả những người giàu có bậc nhất, để lại được “tứ bửu” như thi sĩ Quách Tấn cho con cháu làm bài học về giá trị cuộc sống?

Theo Ngân Hà – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *