"Người thơ" khiến thi sỹ Thơ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp mới có cảm hứng để viết bài "Chùa Hương", cô gái "khăn mỏ, đuôi gà cao" trong suốt hành trình hành hương cõi Phật, ngoài đời chính là giai nhân Đỗ Thị Bính – một trong tứ mỹ nữ Hà thành xưa nổi tiếng vì sự tinh tế trong trang phục và cách ứng xử, từng làm mê đắm biết bao trái tim. Tôi đã may mắn được gặp lại hậu duệ của "người đẹp áo đen" đã trở thành huyền thoại…

Kiều nữ của nhà tư sản thầu khoán lớn nhất Hà thành

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, tại ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy bây giờ. Phố Hàng Đẫy bây giờ đã được đổi tên thành phố Nguyễn Thái Học. Căn nhà số 37 cũng được đổi thành số nhà 67. Ngôi nhà xưa không có thay đổi, theo lối kiến trúc của Pháp dành cho những gia đình thượng lưu thời bấy giờ. Trước nhà, giàn hoa hồng gai vẫn còn đó, như là những chứng tích hiếm hoi gắn liền với những câu chuyện về tuyệt thế giai nhân.

Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ Đỗ Lợi (1893-1961) trước năm 1945 là nhà tư sản kinh doanh ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Thân sinh ra cụ Đỗ Lợi là cụ Đỗ Văn Kỳ, tự Phúc Thiện. Cụ Đỗ Văn Kỳ là Chánh tổng thời cũ, là người mẫn thế, nhìn xa trông rộng và rất gần gũi với mọi người, nên dân quý mến gọi là cụ Bá Già. Các con của cụ, trong đó có cụ Đỗ Lợi, đều ra Hà Nội lập nghiệp và thành đạt ở trong và ngoài nước.

Tốt nghiệp tú tài, cụ Đỗ Lợi rời quê lên lập nghiệp tại đất kinh kỳ vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Lên Hà Nội, cụ Đỗ Lợi lấy bà Nguyễn Thị Quỹ, một người con gái xinh đẹp, sắc sảo làm nghề buôn bán tại Phà Đen, làm lẽ. Đỗ Thị Bính là người con đầu trong ba người con của cụ Lợi và cụ Quỹ. Với tài thao lược của cụ Quỹ, sự nghiệp, tiền tài của nhà tư sản Đỗ Lợi bắt đầu "phất" lên nhanh chóng.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp Ảnh cưới của người đẹp áo đen với ông Bùi Tường Viên.
 

Năm 1930, cụ Đỗ Lợi mua lại xưởng gạch hoa Vạn Cẩm của một Hoa kiều (ở giữa ngõ Văn Hương, nay là số 95 Tôn Đức Thắng). Gọi là trại vì xưởng gạch nằm trong khuôn viên rất rộng, trong đó có một hồ lớn có diện tích chỉ kém hồ Văn Chương. Vừa sản xuất gạch hoa, cụ Lợi vừa nuôi ngựa đua.

Xung quanh hồ cụ trồng dừa, nhãn và trồng cỏ đủ cho việc nuôi và huấn luyện ngựa cho tới tận năm 1945. Dân ở đây gọi địa điểm này là trại Đỗ Lợi, trong đó có hồ Đỗ Lợi. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong cuốn "Phố và đường Hà Nội" (Nhà xuất bản Giao thông Vận tải 2004) có nhắc đến chi tiết này.

Ngách 28, ngõ Văn Hương ngày nay, người dân vẫn gọi là ngõ Đỗ Lợi, và đã có một thời kỳ dài chính quyền treo bảng mang tên cụ. Hồ Đỗ Lợi sau nhiều năm bị lấn chiếm, nay đã thành khu dân cư. Di tích hồ còn lại hiện nay là một sân chơi rộng khoảng 500m2 ở hẻm 28/39 ngõ Văn Hương.

Công việc kinh doanh phát đạt. Cụ Đỗ Lợi chuyển sang lĩnh vực thầu khoán. Có tới gần 20 công trình lớn nhất Hà Nội khi đó đều do cụ Lợi làm chủ thầu.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Đỗ Lợi hồ hởi đón chào chế độ mới. Trong tuần lễ vàng góp phần kiến quốc, cụ đã làm Chủ tịch Tuần lễ vàng khu Văn Miếu cũ và tham gia góp 45 lạng. Hoà bình lập lại, từ năm 1954, gia đình cụ Đỗ Lợi ở lại Hà Nội và trong những đợt cải tạo công thương nghiệp, cụ đã hiến 18 ngôi nhà cho Chính phủ.

Trong 3 người con giữa cụ Đỗ Lợi và cụ bà Nguyễn Thị Quỹ, Đỗ Thị Bính là người con gái cả xinh đẹp nết na, là sắc nước hương trời Hà thành thuở đó. Dưới Đỗ Thị Bính là người em trai có tên Đỗ Huân. Sau này, Đỗ Huân đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, người đầu tiên nhận giải thưởng ảnh quốc tế cho tác phẩm "Hạnh phúc" và cũng là người trực tiếp lưu giữ những hình ảnh về thời xuân sắc của người chị gái xinh đẹp bậc nhất Hà thành, Đỗ Thị Bính, lúc bấy giờ.

Sinh thời, bà Bính có thói quen mặc đồ đen. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là "người đàn bà áo đen". Áo dài tay hay áo ngắn tay, tuyền là gam màu đen sang trọng. Sự tinh tế của người đẹp thường biết sử dụng những màu quần áo thích hợp để tôn lên vẻ đẹp của mình, dù nhiều lúc đó là những trang phục giản dị và dân dã. Màu đen đã làm cho vẻ đẹp của bà Bính thêm vẻ huyền bí, tôn thêm làn da trắng và sự sang trọng, nghiêm trang của người đẹp.

Cuộc đời bình dị của người đẹp Hà thành

Bà Bùi Thị Mai, con gái ruột của người đẹp Đỗ Thị Bính kể lại: mặc dù là người có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, thế nhưng, người đẹp không hề có tính kiêu sa của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hoà đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Thuở ấy, người đẹp cũng ý thức được nhan sắc của mình, cũng hiểu được vẻ đẹp ấy đã làm mê đắm biết bao nhiêu trái tim đắm đuối.

Thế nhưng, ý thức của một người có học vấn, lại được sống trong một gia đình khoa bảng nền nếp, được dạy dỗ tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh ngay từ nhỏ…, cách ứng xử của người đẹp cũng rất mực ý tứ. Bà Bính không coi vẻ đẹp của mình như là một thứ "vũ khí"… Đấy cũng là một trong những điều làm nên nét thanh lịch của người Tràng An văn vật.

Đang học lớp 4 tại trường Tây, một buổi chiều tan học, trong lúc mải ríu rít với bè bạn, Đỗ Thị Bính suýt bị một chiếc xe hơi cán phải. Lo lắng cho cô con gái rượu, người cha là nhà tư sản giàu có nhất nhì Hà Nội, cụ Đỗ Lợi, đã không cho người đẹp đến trường mà mời thầy về nhà để dạy riêng. Với tư chất thông minh và sự ham học, bà Bính đã tự mình trang bị cho mình những tri thức, xứng đáng là người tài sắc vẹn toàn.

Trước 1930, phố Nguyễn Thái Học ngày nay mang tên phố Hàng Đẫy. Gần đó là khu Văn Miếu, là nơi cậu công tử Nguyễn Nhược Pháp, con trai của nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở đó. Si tình trước bóng giai nhân, Nguyễn Nhược Pháp ngày nào cũng lấy cớ đi qua nhà người đẹp. Thế nhưng, tuyệt nhiên, hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã…

Người đẹp Đỗ Thị Bính cũng hiểu được tình cảm của cậu công tử con ông Nguyễn Văn Vĩnh có tình ý với mình. Thế nhưng, tình thì có, nhưng duyên thì không. Nhà thơ đa tài, mệnh bạc đã sớm ra đi, ở tuổi 24 (năm 1939). Cũng năm ấy, người đẹp lên xe hoa, kết duyên với chàng trai Bùi Tường Viên khi đó vừa mới du học bên Pháp về.

Bùi Tường Viên là em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống từ năm 1946, người đẹp Đỗ Thị Bính theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang, sống những ngày tháng cả nước đều dành hết sức người, sức của cho cuộc chiến tranh đòi độc lập, hoà bình dân tộc.

Tại Tuyên Quang, người đẹp được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em trai của họa sỹ Bùi Xuân Phái, sau này nguyên là giám đốc Quân Y viện 103), dạy cho cách tiêm thuốc kilofooc (một loại thuốc chống báng) để đối phó với bệnh sốt rét.

Mặc dù chưa một ngày được học nghề y, thế nhưng, những năm tháng tản cư người đẹp Đỗ Thị Bính đã cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo, trong đó có cả những người con của chính mình. Chính những năm tháng chiến tranh, trong điều kiện thiếu thốn vật chất đủ bề, mặc dù tuổi thơ được sống trong nhung lụa, thế nhưng người đẹp Đỗ Thị Bính chẳng hề xa lạ, mà nhanh chóng thích nghi với nó, đảm đương vai trò thay chồng dạy dỗ các con nên người, bởi cụ ông Bùi Tường Viên khi đó phải xa nhà tham gia cách mạng.

Hoà bình lập lại. Đất nước được giải phóng. Trở về Hà Nội, bà Bính lại cùng chồng, con sống cuộc sống bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Bà tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, chống giặc dốt.

Từ đó cho đến khi về hưu, bà công tác tại Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng (bây giờ đổi thành quận Hai Bà Trưng). Năm 1967, một quả bom lạc vào Hà Nội, rơi trúng ngôi nhà 4 tầng của Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng trên phố Huế, nơi bà công tác. Rất may, nhờ có bức tường che chắn nên bà còn sống sót. Tất cả, hơn 50 người đã bị thiệt mạng vì quả bom lạc tai họa ấy…

Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi. Bà đã cùng chồng đi qua cuộc chiến tranh, sống cuộc sống bình dị như biết bao người Hà Nội khác. Năm người con của bà, bây giờ cũng bước sang tuổi ngoại lục tuần, người con út, ông Bùi Tường Quân cũng đã 62 tuổi.

Trong ký ức của những người con, người đẹp Đỗ Thị Bính là một giai nhân tài sắc vẹn toàn. "Ngay đến bữa ăn cùng gia đình chồng, khi nào mẹ tôi cũng là người ăn sau cùng, phục vụ cho bố mẹ chồng, chồng con ăn trước… Cho đến những ngày tháng cuối đời, bà vẫn giữ thói quen không bao giờ đến các hàng quán ngoài chợ để ăn hàng, mà nhất mực trung thành với món bún thang do tự tay mình chế biến… Chính chúng tôi sau này cũng bất ngờ, bởi không nghĩ mẹ mình đẹp đến thế. Mà, cũng may mắn những bức ảnh của mẹ tôi hồi thiếu nữ, đều do ông cậu tôi là nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân chụp chị gái mình. Đấy là những câu chuyện thực về một trong bốn tứ mỹ Hà thành vẫn được nhắc đến như những câu chuyện huyền thoại từ trước đến giờ!", bà Bùi Thị Mai, con gái người đẹp Đỗ Thị Bính ngậm ngùi xúc động.

Theo Di Linh – CAND Online
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *