Thời điểm đó, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã cáo quan về quê nội, nơi có trang viên của gia đình, gọi là Vườn Bùi, nằm ẩn khuất sau những lũy tre vùng đồng chiêm trũng xã Yên Đổ; rồi do sự phức tạp của thời thế, cụ bị ép lên Hà Nội làm gia sư cho gia đình quan Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Dù đôi mắt đã bị lòa, nhận được chỉ dụ, cụ Tam nguyên vẫn phải chống gậy bước ra nơi có lễ cắt băng khánh thành long trọng.
Trên lễ đài, nơi hàng ghế danh dự, ngồi cùng vua Thành Thái có quan toàn quyền Đông Dương Pôn Đume và bà vợ thứ xinh đẹp của vua. Điều oái oăm là bà thứ phi này trước đó từng có tình ý với tiến sĩ Nguyễn Hoan, con trai trưởng của cụ Nguyễn Khuyến. Nguyễn Hoan từng thề non hẹn biển với nàng, nhưng sau chẳng hiểu vì sao, Nguyễn Hoan lại chê, rồi hai người chia xa. Sau đấy, do thần thế của gia đình, nàng diện kiến được với đức vua, được vua đem lòng yêu, rồi cưới làm thứ.
Cái ngày nàng cùng vua ra Hà Nội dự lễ trọng, trông nàng thật đài các quý phái. Vào giờ khắc diễn ra lễ chào, tất cả các quan đều phải quỳ xuống vái lạy đức vua, thứ phi và quan toàn quyền Đông Dương Pôn Đume. Cụ Nguyễn Khuyến rất khó xử.
Cụ có thể lạy vua chứ không thể lạy bà thứ phi, người đã từng suýt nữa thì thành con dâu cụ. Thế là lúc mà người ta quỳ rạp cả xuống thì cụ cứ lúng ta lúng túng như dẫm phải tổ kiến lửa, như gà mắc tóc. Vua Thành Thái nhìn thấy thế, tỏ ra không hài lòng, toan xử tội. Nhưng khi nhận ra đó là cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, một nhà thơ rất nổi tiếng, vua đành nén giận.
Buổi lễ khánh thành vừa kết thúc, vua vời Nguyễn Khuyến đến gần, bắt cụ phải làm một bài thơ thật hay để hầu vua, tạ tội. Vua ngắm Nguyễn Khuyến một thoáng, rồi nói:
– Nhà ngươi từng là một viên quan rường cột của triều đình, thế mà mới rời triều chính có mấy năm mà sao trông đã tàn tạ như con trâu già thế kia? Bây giờ nhà ngươi hãy làm một bài thơ vịnh con trâu già ta nghe!
Nguyễn Khuyến suy nghĩ một thoáng tìm tứ, tìm câu từ, rồi cụ xin phép vua được đọc:
Một nắm xương khô, một nắm da.
Bao nhiêu cái ách đã từng qua.
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa.
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca.Sớm thả vườn đào chơi đủng đỉnh.
Tối về thôn hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuồng mới.
Ơn đức vua Tề lại được tha.
Cụ Tam nguyên mượn một cái tích cổ của Trung Hoa để viết nên bài thơ thể hiện đúng hiện trạng, tâm thế của mình: Ta ốm o tàn tạ như con trâu già chẳng qua cũng bởi đời quan chức của ta nhiều nỗi truân chuyên, tai ách; ta đã chán ngấy những việc như đốt lửa đuôi trâu của Điền Đan và những lời tấu hót xu nịnh như của Ninh Tử. Vì thế mà triều chính không ưa gì cái sự ngay thẳng của ta. Có kẻ muốn giết ta như giết một con trâu già đấy, vua có tha ta thì tha.
Thành Thái vốn là một ông vua có chút lòng hiếu nghĩa, vả lại ngài rất thích cái câu trong bài thơ "ơn đức vua Tề" mà ngài cho là cụ Tam nguyên có ý ví von với mình, cho nên ngài không những tha tội mà còn ra chỉ dụ ban thưởng cho Nguyễn Khuyến những món quà quý ngay trong ngày hôm ấy.
Theo Lê Hoài Nam – CAND Online