Zinaida Raikh chỉ sống với Sergey Esenin một khoảng thời gian ngắn ngủi vài ba năm. Thế nhưng, hơn 10 năm sau khi thi sĩ đã qua đời, trên một bức ảnh tặng bạn, nàng đã viết: "Như một kỷ niệm về điều chính yếu nhất và khủng khiếp nhất trong đời tôi – về Esenin!". Cho tới ngày sau cuối của cuộc đời mình, Zinaida Raikh vẫn không sao nguôi ngoai những niềm đau về Esenin, mặc dù lúc này nàng đang là vợ của vị đạo diễn lừng danh nhất Liên bang Xôviết, Meyerkhold.
Hai người cùng sinh một năm. Khi họ gặp nhau lần đầu năm 1917, cả hai mới ở tuổi 23. Có cái gì chung giữa một nhà thơ trẻ xuất thân nông dân mới bước vào thi trường với cô con gái của một tín đồ Tin Lành đã cải sang đạo Chính thống, rất có học, thông thạo tiếng Pháp, Đức và La tinh? Có cái chung – trai tài và đẹp, gái sắc nước hương trời, tâm hồn đều tinh tế. Khi đó, Zinaida đang làm thư ký cho báo "Sự nghiệp nhân dân".
Một lần, Esenin cùng một người bạn trai tình cờ rẽ vào tòa soạn và ngay lập tức anh đã bị nàng hút hồn. Chưa bao giờ anh được gặp một thiếu nữ xinh đẹp đến thế. Và anh đã tặng ngay cho nàng tấm ảnh của mình với lời nhắn gửi: "Vì em đã xuất hiện trên con đường anh đi như một cô bé vụng về – Sergey".
Rồi anh mời nàng cùng đi du lịch trên tàu thủy về với vùng phương Bắc nước Nga. "Để làm gì?" – Zinaida ngạc nhiên hỏi. "Để anh trốn khỏi phải đi lính" – thi sĩ đáp. Chuyến du lịch ấy rốt cuộc đã trở thành tuần trăng mật. Zinaida gửi điện tín cho cha: "Gửi cho con 100. Con làm lễ thành hôn". Người cha, vốn quen chiều con gái, đã gửi ngay số tiền mà nàng yêu cầu.
Lễ thành hôn diễn ra trong một nhà thờ nhỏ ở gần thành phố Vologda, vào tháng 8-1917, không lâu trước những sự kiện lịch sử chấn động thế giới bùng nổ ở nước Nga. Đôi uyên ương lúc đó thực sự tin rằng, họ sẽ sống cùng nhau hạnh phúc đến bách niên giai lão và sẽ từ giã cõi trần vào cùng một ngày.
Zinalda Raikh và 2 người con của Esenin |
Trở lại Petrograd, Esenin dọn tới phòng của Zinaida ở. Nàng phải làm việc để nuôi cả hai vì thi sĩ lúc đó chưa có nhiều nhuận bút. Đó quả thực đã là những ngày tháng đẹp. Esenin viết tặng vợ trường ca "Inonia" với những vần thơ đầy lạc quan về một cõi "thiên đàng trên mặt đất": "Ta hứa hẹn đô thành Inonia,/ Nơi trú ngụ của thần linh cõi sống"…
Thần linh cõi sống đó, phải chăng chính là Zinaida Raikh? Ở đầu trường ca này, Esenin đã viết: "Tặng Z.N.R" (những chữ viết tắt của tên, tên đệm và họ của vợ). Sau này, khi đã tan đàn xẻ nghé, Esenin thay lời đề tặng này thành "Tặng nhà thiên tri Yeremia!". Nào có gì chung giữa Zinaida với nhà tiên tri trong Kinh thánh. Đơn giản là vì Esenin muốn bằng cách này xóa đi điều không thể nào xóa được – tình yêu đã có với Zinaida Raikh…
Rất tiếc là những ngày hương nồng lửa đượm đã không được dài lâu. Vốn tính cả ghen, lại nhiều phần nát rượu, Esenin hay bị hoang tưởng vì những tình ý tưởng tượng của người vợ xinh đẹp mà quả thực, đấng mày râu nào trông thấy cũng đều muốn tán tỉnh, ngay cả khi nàng đang có mang. Những mâu thuẫn trong tư duy thi ca khiến Esenin càng ngày càng hay la cà các tửu quán.
Và khi đã sừng sững rồi, chàng thi sĩ đẹp trai và vốn rất dễ thương lại trở nên nóng nảy một cách vô lối, đặc biệt là với vợ. Trong những cơn say, Esenin đã liên tục "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với Zinaida, bất chấp lúc đó nàng đã bụng chửa vượt mặt. Dường như chàng thi sĩ tóc vàng đã không thoát được khỏi hủ tục của những mu gích Nga mông muội: đánh vợ trước rồi sau đó, lăn lộn dưới chân nịnh vợ và cầu xin tha thứ… Nước mắt lưng tròng, Zinaida đã không còn cách gì khác là phải tha thứ thôi…
Năm 1918, gia đình Esenin rời khỏi Petrograd. Zinaida về thành phố Oriol quê hương với cha mẹ để chờ ngày lâm bồn, còn Esenin cùng một người bạn lên thuê một căn phòng ở trung tâm Moskva và sống theo đúng kiểu trai tân: rượu, gái và… thơ.
Người con gái đầu của Esenin và Raikh sinh vào giữa năm 1918. Zinaida đặt cho con gái cái tên của bà nội: Tachiana. Thế nhưng, khi người vợ trẻ bế cô con gái nhỏ lên Moskva thì thái độ của ông bố trẻ quá đáng đến mức ngay ngày hôm sau, Zinaida lại phải bế con gái về nhà ông bà ngoại. Ân hận, Esenin lại đi tìm vợ, van nài nàng mang con về ở cùng với mình.
Cuộc hôn nhân và tình yêu giữa Esenin và Zinaida như thể chạy theo một đồ thị hình sin, lúc thắm nồng, lúc lạnh lẽo, lúc xa nhau, lúc lại gần nhau… Năm 1919, khi cậu con trai ra đời, thì trong thực tế cha mẹ của cậu đã gần như li thân nhau, có điều chưa chính thức li dị. Mặc dầu thế, Zinaida vẫn chiều theo ý chồng, đặt cho con trai cái tên Konstantin để nhớ về vùng quê Konstantinovo, nơi thi sĩ đã sinh ra…
Sau này, trong bài thơ dài "Thư gửi một người phụ nữ", Esenin hồi tưởng:
"Em vẫn nhớ
Mọi điều,
Tất nhiên, em vẫn nhớ:Hôm đó tôi đứng dựa sát tường
Em bồn chồn đi lại quanh phòng
Và đã ném thẳng vào mặt tôi
Những lời giận dữ…"
Zinaida đã nói những lời giận dữ thế nào với Esenin, chúng ta có thể biết cũng ở trong bài thơ trên:
"Em nói:
Tới lúc hai ta phải bỏ nhau rồi,
Em đã chán cuộc đời tôi vô nghĩa,
Em tới lúc cần sống đàng hoàng tử tế.
Chứ còn số tôi –
Lao xuống dốc, vô hồi!…"
Đó là sự thật, cả trong thơ lẫn trong đời. Nhưng những câu tiếp theo thì chỉ là sự thật trong thơ chứ không phải ở trong đời:
"Người tôi yêu ơi!
Em đã chẳng yêu tôi,
Tôi như con ngựa đã gần kiệt sức
Vẫn bị người kỵ sĩ táo gan thúc chạy nhanh hoài.Em đã không biết
Trong khói sương mù mịt
Giữa dòng đời bị bão dông đảo lộn đuôi đầu,
Tôi đau khổ, tôi trăn trở, dằn vặt
Bởi không hiểu rồi số phận sẽ đưa ta đến đâu?…"
Không, Zinaida đã rất yêu Esenin, dù cứ phải "ông chẳng bà chuộc" với thi nhân như vậy. Nếu không yêu chồng thì làm sao một mỹ nữ như nàng trong hai năm trời đã sinh ra liên tiếp cho Esenin hai đứa con?!
Khó có thể trông cậy ở một thi nhân như Esenin trong vai trò người chồng và người cha, Zinaida đã một mình tần tảo nuôi dạy con cái và không những thế, kiên trì theo đuổi ước mơ thời con gái: trở thành nghệ sĩ sân khấu. Và nàng đã được nhận vào làm ở nhà hát lừng danh của đạo diễn lỗi lạc Vsevolod Meyerkhold. Tháng 10/1921, Esenin và Zinaida chính thức li dị. Nàng lên xe hoa lần thứ hai với Meyerkhold. Nhà đạo diễn tử tế này đã nhận nuôi cả hai người con riêng của vợ, còn Esenin, để chứng tỏ rằng anh rất yêu con, đã luôn mang trong ví bức ảnh chụp Tachiana và Konstantin với Zinaida…
Có điều, những mối tình sau, dù rất nồng đượm, đến độ dông bão, cũng không thể làm cho Esenin nguôi nỗi niềm riêng về Zinaida. Anh không thể xóa hình ảnh của nàng ra khỏi trái tim mình. Theo rất nhiều người làm chứng, bài thơ nổi tiếng của anh "Gửi con chó của Chkalov" thực ra lại là gửi tới Zinaida:
"Jim, đưa chân cho tớ cầu may,
Chân như thế, chưa bao giờ tớ thấy.
Cùng tớ sủa dưới trăng Jim nhé,
Sủa vào đêm yên bình lặng lẽ.
Jim, đưa chân cho tớ cầu may.Mà nỡm ạ, đừng thè lưỡi liếm,
Hiểu giùm điều dễ nhất trần gian.
Cậu chẳng biết thế nào là sống,
Chẳng biết đời đáng giá bao lăm.Ông chủ cậu dễ thương, danh giá,
Khách suốt ngày tấp nập vào ra.
Ai cũng thích mỉm cười ve vuốt
Bộ lông của cậu quá nhung tơ.Cậu quỉ quái đẹp theo kiểu chó,
Cái mõm nhìn xinh xắn cả tin.
Chẳng thèm hỏi bất kỳ ai một tiếng,
Như gã say, gặp, nhảy hôn liền.Jim thân mến, giữa vô vàn khách
Chẳng thiếu gì kẻ lạ người quen.
Nhưng liệu nàng – ủ – rũ – hơn – tất – cả
Có tình cờ ghé chơi không Jim?Nàng sẽ tới, tớ cuộc cùng cậu đấy,
Hãy nhìn nàng đăm đắm giùm nhau
Và dịu dàng hôn tay nàng hộ nhé
Chuộc cả điều không phải tớ bắt nàng đau…"
Khi Esenin tự sát năm 1925, trong đám tang thi sĩ, mẹ anh đã gào lên với Zinaida: "Chính cô là người có lỗi trong mọi chuyện!". Rõ ràng rồi, nàng có lỗi, có lỗi vì nàng quá đẹp, quá yêu Esenin… Biết làm sao khi số phận chỉ cho họ đi chung một đoạn đường ngắn ngủi như thế. Có lẽ Esenin không hề oán hận gì nàng đâu. Chẳng gì thì năm 1924, cũng trong bài thơ dài "Thư gửi một người phụ nữ", Esenin đã viết đoạn kết như sau:
"Hãy tha thứ cho tôi…
Tôi biết: em khác hẳn –
Em đang sống cùng người chồng
Thông minh, đứng đắn,
Em có cần những ngày đau khổ này đâu,
Và chính tôi, em cũng không cần.Em hãy sống
Hãy sống như có thể
Dưới bóng cây lá lại trổ canh mềm.
Xin dừng bút,
Người nhớ em trọn kiếp,
Người quen em
Sergey Esenin…"
Zinaida mất năm 1939 trong những tình tiết bi thảm, không lâu sau khi chồng nàng bị bắt giam. Trong các sách viết về sân khấu Xôviết, nàng được tôn vinh như một nữ nghệ sĩ vĩ đại.
(*) Các bản dịch thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang thực hiện
Theo Huyền Anh – CAND Online