Cùng với cái tên "Byron", hai từ "Don Juan" từ lâu đã trở thành biểu trưng của những người đàn ông phong tình, hào hoa, luôn là nỗi ám ảnh và khát khao của "thế giới đàn bà"… Thật khó có thể phân định rạch ròi đàn bà đến với Byron vì say mê người đàn ông "đẹp trai nhất hành tinh", hay vì những vần thơ tình "hay nhất mọi thời đại" của ông. Chỉ biết rằng, khó có thể đếm nổi trên trái đất này đã từng có bao nhiêu phụ nữ sung sướng, khổ đau và oán giận Byron…
Nhắc đến thi sĩ Anh G.G Byron, dân "nghiền thơ" nhớ ngay đến người đàn ông "chuẩn mực của thế kỷ XIX", với gương mặt đàn ông đẹp tựa thiên thần và một trái tim luôn run rẩy, phập phồng trước phái đẹp. Ông để lại cho hậu thế rất nhiều thi phẩm: "Tên cướp biển", "Cuộc vây hãm Corinthe", "Câu chuyện thành Nenise"… Song hầu như người đời chỉ nhớ đến "Don Juan" – một trường ca bất hủ, gồm 16 ca khúc và nhân vật chính có nhiều nét tương đồng với chính con người tác giả.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình quý tộc đã sa sút, song Byron vẫn có đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp của hai trường đại học danh tiếng và rong ruổi chơi bời khắp các nước châu Âu để tìm kiếm chất liệu cho thi ca. Ông xuất hiện trên thi đàn bởi hai tập thơ: "Những giờ giải trí" (in năm 1807) và "Những nhà thơ Anh và những nhà phê bình văn học Scotland" (in năm 1809). Ngay ở những tập thơ đầu tay, Byron đã bộc lộ sở trường về những vần thơ "lãng mạn dịu dàng, ngọt ngào và cuồng nhiệt", thể hiện khát vọng muôn đời của những đôi lứa yêu nhau. Không chỉ có thế, thơ Byron còn bộc lộ ước mong về lý tưởng và tự do của một thế hệ thanh niên đang đắm chìm trong bế tắc. Đó là lý do vì sao, hai thế kỷ đã đi qua, những vần thơ của Byron vẫn được người đời đón nhận nồng nhiệt.
Cuộc đời của Byron rất ngắn ngủi. Ông mất khi 36 tuổi, nhưng cũng đã kịp để lại nhiều "dấu ấn" trong nhân gian. Năm 21 tuổi, là thành viên của Nghị viện Anh, Byron đã sôi nổi đấu tranh cho tự do và công lý. Ông là một trong những người kiên trì cuộc tranh đấu đòi hủy bỏ luật tử hình đối với những người công nhân phạm tội phá hủy máy móc. Trong thời gian sống trên đất Hy Lạp, ông đã tham gia vào cuộc đấu tranh của người dân nước này chống lại đội quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với những hoạt động chính trị, Byron đã dành ra hẳn hai năm để đi tìm "chất liệu" cuộc sống. Bước chân của chàng thi sĩ lãng tử đã từng in dấu ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp… để từ đó viết nên bản trường ca mang âm hưởng của một du ký: "Chuyến hành hương của Childe Harolds".
Cuộc đời của thi sĩ Byron là một ví đụ điển hình cho một quy luật bất thành văn của của cuộc sống: Người lắm tài thường hay nhiều tật, và chẳng mấy khi được yên thân! Chúa đã ưu ái cho Byron một gương mặt "bao gồm đầy đủ những chuẩn mực của cái đẹp", "giống như một viên ngọc trắng trong và đẹp đẽ nhất trên thế giới", song người lại "bắt" thi sĩ đi khập khiễng và tính tình "nóng nảy, nhiều khi quá mức thô tục", thường xuyên ngược đãi phụ nữ. Ấy thế mà hầu như bất cứ người đàn bà nào khi có cơ hội đứng trước nhà thơ đều bị xao động và lao vào ông hệt như những con thiêu thân lao vào lửa. "Phụ nữ hầu khắp châu Âu vừa trông thấy Byron là mê mệt như điên dại, khiến cho chồng họ như ngồi trên đống lửa, mắt nảy những tia thù hận mỗi khi nhìn thấy vợ mình ngắm ảnh của ông ta…".
Trớ trêu thay, "nạn nhân" đầu tiên của thi sĩ Byron lại là Augusta Leigh – cô em gái cùng cha khác mẹ. Mối tình loạn luân này đã gây chấn động cả châu Âu và hủy hoại cuộc đời của cô gái. Vì mối tình này, Augusta Leigh đã cam tâm sống ly thân với chồng. Nhưng rồi cô vẫn sinh hạ một bé gái đặt tên là Elizabeth Medora Leigh. Sự vui mừng quá mức của Byron khi đón nhận đứa trẻ này đã khiến thiên hạ nghi ngờ nhà thơ là cha đẻ của đứa bé.
Nếu không tính đến những mối tình gió thoảng với các cô hàng xóm ở tuổi hoa niên, từng có khoảng hơn chục mối tình "vắt vai" chàng "thi sĩ sát gái". Còn tai tiếng vì tình thì khó có thể thống kê một cách thật chính xác. Sóng gió dư luận bắt đầu nổi lên khi thi sĩ dan díu với nữ văn sĩ Lady Caroline Lamb. Cuộc tình này diễn ra khá ngắn ngủi vì Byron chủ động cắt đứt, nhưng Caroline không thể nào quên được nhà thơ. Nàng theo đuổi nhà thơ ngay cả khi ông tỏ ra chán chường và mệt mỏi. Để có thể cắt đứt với Caroline, Byron đã nhẫn tâm mách với mẹ chồng Caroline rằng ông đang "bị một bộ xương theo đuổi". Khi tỉnh ngộ, Caroline cay đắng thừa nhận Byron là "một kẻ rất điên rồ, rất tồi tệ, rất nguy hiểm để quen biết".
Sau khi cắt đứt với Caroline, Byron chuyển sang tán tỉnh cô em họ Anne Isabella Milbanke – một phụ nữ thông minh, sắc sảo. Giống như hết thảy những người đàn bà khác, Isabella nhanh chóng chết mệt vì những lời tán tỉnh của Byron. Hai người nhanh chóng đi đến hôn nhân năm Byron 27 tuổi. Nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, chỉ chưa đầy hai giờ sau khi cử hành hôn lễ, thi sĩ đã nói với cô dâu rằng ông lấy cô vì hận cô. Quan hệ vợ chồng của họ chỉ duy trì được một năm. Mặc dù chưa bao giờ đánh đập Anne nhưng Byron thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà, còn tàn nhẫn mang tình nhân về ngủ qua đêm. Cuối cùng Anne đã phải rời bỏ Byron mang theo đứa con gái bé bỏng.
Gần như là một nghịch lý, tin đồn về Byron càng tồi tệ thì phụ nữ trên thế giới càng sùng bái ông. Họ si mê Byron đến mức khờ dại, mù quáng. Khi cuộc hôn nhân của Byron tan vỡ, phân nửa phụ nữ châu Âu trách móc Anne ngu dốt và họ lại tràn trề hy vọng. Hàng trăm quý phu nhân đã làm thơ, viết thư tình hoặc cắt mái tóc của mình gửi cho Byron. Còn có một người đàn bà giàu có xinh đẹp, là nỗi ước ao của giới đàn ông London đã phải đóng giả làm trai, đứng dưới trời mưa hàng mấy tiếng đồng hồ, chỉ để nhìn thấy người đàn ông "hoàn mỹ" đi ra từ căn nhà của mình. Lại có một phụ nữ khác say mê ông đến mức đã lẽo đẽo theo ông từ Anh qua Italia và liên tục tỏ tình với ông suốt chặng đường dài…
Trên thực tế, hầu hết những người đàn bà đem lòng yêu thi sĩ đều tự "ngã" vào lòng ông. Song cũng có những "đối tượng" ông phải dùng một số "chiêu" mới chiếm đoạt được họ. Mới đây người ta phát hiện ra môt cuốn sổ tay của nhà thơ dùng trong thời kỳ ông đi du lịch tại Hy Lạp. Trong cuốn sổ đó có một số trang thuộc chủ đề "Những lời có cánh dành cho phái đẹp". Chàng lãng tử nước Anh đã kỳ công dịch sang tiếng Hy Lạp "các cách biểu lộ tình yêu dịu dàng", gồm toàn những lời có cánh, như: "Anh yêu em bằng tất cả trái tim mình", "Cuộc đời tôi", " Trái tim tôi", "Linh hồn tôi" để tán tỉnh các cô gái ở xứ xở thần thoại.
Sau rất nhiều những "cuộc tình gió thoảng" ở trong nước, Byron đi ra nước ngoài, phần để chơi, phần để né tránh sự dòm ngó của những người "rỗi hơi" hay để ý chuyện riêng tư của mình. Tại Geneva, Byron kết thân với nhà thơ Percy Bysshe Shelley và vợ tương lai của nhà thơ là Mary Godwin. Qua Mary, Byron làm quen với em gái cùng cha khác mẹ của cô là Claire Clairmont. Nhà thơ "sát gái" không tốn mấy công sức đã chiếm được trái tim người đẹp. Byron và Clairmont đã có với nhau một đứa con gái, đặt tên là Clara Allegra. Nhưng Byron đã nhẫn tâm bỏ rơi hai mẹ con Clairmont khiến cho nàng phải đem con gửi vào tu viện. Đứa trẻ tội nghiệp này đã chết vì bệnh sốt sau đó không lâu. Trong thời gian ở
Không chỉ đàn bà chết mê, chết mệt Byron mà còn có một số người cùng giới đã "khốn khổ" vì chàng thi sĩ đa tình, và Byron cũng chẳng ngần ngại đáp lại tấm tình của họ. Nhà văn Pháp Stendhal, sau một lần gặp gỡ Byron ở Italia đã bày tỏ: "Tôi bị ấn tượng bởi đôi mắt của anh ấy. Trong đời mình tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái gì đẹp hơn thế". Quả đúng như nhận xét của Stendhal, không biết đã có bao nhiêu người, cả đàn bà và đàn ông đã "ngã vào đôi mắt man mác buồn và những lời đường mật của thi nhân"!
Được biết, để luôn trở nên hấp dẫn, Byron đã phải chịu nỗi thống khổ trong "cuộc chiến chống lại cái béo". Mỗi ngày thi sĩ chỉ ăn một bữa, gồm một chút bánh trộn dấm. Để giảm bớt lượng mỡ thừa trong cơ thể, ông thường xuyên luyện tập môn đấu kiếm, đấm bốc, cưỡi ngựa, bơi lội và tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ ba lần trong một tuần. Kiểu ăn uống thiếu khoa học này đã làm hỏng hệ tiêu hóa của nhà thơ. Trong phòng ngủ của ông đầy rẫy các loại thuốc, khiến cho căn phòng đó giống một hiệu thuốc hơn là phòng ngủ của một người tình hấp dẫn nhất thế giới. Byron còn phải dùng đến cả nha phiến, rượu mạnh để chống lại những cơn ác mông thường quấy rầy ông hàng đêm.
Theo CAND Online