Nếu hỏi điều khác biệt nhất của cái Tết ngày nay với cái Tết ngày trước, xét về chi tiết, có thể liệt kê ra hàng loạt các điểm khác nhau; nhưng xét về tổng thể, Tết ngày nay như một sự kiện, còn Tết ngày trước thì như một quá trình.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, Tết là tên gọi khác của các lễ hội chính trong năm. Tết xây dựng dựa theo những cột mốc chính của một năm, tính theo nông lịch (tức theo chu kỳ mặt trăng – Âm lịch) thích hợp với con nước thủy triều để đi thuyền, làm ruộng. Trong một năm có 8 tiết trong đó Tết Nguyên đán (1/1) – “nguyên” là khởi đầu, sơ khai và “đán” là sáng sớm, là “buổi sáng đầu năm”, cho nên, Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết ta, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền, năm mới) kỷ niệm sáng mùng 1 tháng Giêng đầu năm mới, là lễ hội thứ nhất và quan trọng hơn cả của một năm.

 

Ảnh minh họa (Internet)

Chính vì quan niệm rạch ròi như thế và cũng chính vì đời sống tương đối khép kín trong một làng xã, dòng họ… nên ngày trước Tết là một quá trình chuẩn bị công phu. Ví dụ muốn có nếp làm bánh tét, bánh chưng thì phải chừa ra một góc ruộng đất tốt để trồng nếp. Muốn ăn thịt heo, thịt gà thì phải nuôi. Muốn chơi bài chòi thì trước đó nhiều tháng phải đốn, ngâm tre, chọn địa điểm để đắp nền, làm chòi. Muốn có hoa chưng ngày Tết thì phải chọn giống, lựa lịch mà trồng; hoặc ít ra cũng phải đi nghía xem nhà hàng xóm xem có nhành mai, nhành đào mà mình ưng ý thì đặt trước.

Xét về khía cạnh thụ hưởng, Tết Nguyên đán ngày trước không chỉ là 3 ngày đầu năm (tạm gọi là cái đích, cái cột mốc) mà là quá trình để đến với cái đích, cái cột mốc đó.

Ngày nay, do không gian sống thay đổi nên quan niệm và cách hành xử về Tết, về lễ hội cũng phải thay đổi, đó là đương nhiên. Nhiều “festival” hiện nay ở Việt Nam chỉ nên gọi là “hội lễ”, chứ không phải là “lễ hội”, vì yếu tố sự kiện, công nghệ, dịch vụ và giải trí đang chi phối. Tết Nguyên đán ngày nay cũng thế, nó như một sự kiện, chỉ có giá trị lúc diễn ra.

Nhiều gia đình, nhất là sống ở thành phố, qua ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), ngày dựng nêu (25 tháng Chạp), nấu bánh tét (27 tháng Chạp)… thì Tết vẫn chưa hiện diện. Tất cả dồn cho mấy ngày cận Tết, khi nghỉ ngơi dọn dẹp, rồi ra chợ mua các thứ đem về. Có nhiều gia đình chỉ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ là có Tết, thậm chí gọi dịch vụ đến sắp đặt giúp. Quá trình Tết không còn là nhu cầu hay là việc phải lo chuẩn bị của nhiều gia đình ở thành phố, tất cả đã có… chợ, siêu thị lo. Mà chợ hay siêu thị cũng không cần phải lo, cứ tự nhiên gần Tết thì sẽ có người đến chào hàng, giao hàng… nên quá trình Tết ngày nay ở các thành phố do… các dịch vụ lo.

Tết như một sự kiện, hay dở xin miễn bàn ở đây, nhưng rõ ràng nó đã đến gần với đời sống dịch vụ, có cung sẽ có cầu. Và thiết thân hơn, nó cũng đến gần với ý muốn tiêu dùng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình… hơn là lệ thuộc vào các nghi lễ cố định của làng xóm, tập tục. Tuy nhiên, khi đã là một sự kiện, chỉ có giá trị trong thời khắc diễn ra, thì quá trình chuẩn bị và dư âm của nó sẽ trở thành thứ yếu.

Theo thethaovanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *